Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Xuân 2015

Xuân về trên quê hương,
Màu sắc ngập phố phường;
Đón chào năm mới đến,
Lời chúc vạn niềm thương.

Xuân về mỗi gia đình,
Củ kiệu cùng dưa hành;
Rượu mừng câu đối đỏ,
Thắm lại những ngày xanh.

Xuân về nơi xứ xa,
Gửi lời chúc quê nhà,
Mong một ngày miên viễn,
Xuân mãi trong lòng ta.

Xuân đến rồi Xuân đi.
Xuân qua tuổi xuân thì,
Xuân ngàn năm vẫn đợi,
Xuân thôi cảnh chia ly.

                      Nguyễn Lộc
                       Feb 19, 2015
                       Mùng 1 Tết

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Thiếu nữ đón Xuân 2015 ( 2 )

Một vần thơ bỗng bay lên,
Đậu trên tà áo ngoan hiền Việt Nam.
Những nàng thiếu nữ đoan trang,
Sắc màu rực rỡ  đón chào chúa Xuân.
                                             
                                       Lộc Nguyễn
                                        feb 17 ,2015

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Thiếu nữ đón Xuân 2015

Xinh tươi thiếu nữ muôn màu,
Đường hoa khoe sắc đón chào Chúa Xuân.
Thướt tha tà áo tưng bừng,
Chào năm mới đến vui cùng nước non.
                                                 
                                               Nguyễn Lộc
                                               Feb 15, 2015

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Chúc Mừng Năm Mới 2015

Chúc cho đất nước trọn niềm vui,
Mừng Tết hoa tâm nở khắp trời;
Năm vẹn từ bi tràn mạch sống,
Mới người  ý  tốt toả muôn nơi.
                                    
                                 Nguyễn Lộc
                                 Feb 13,2015

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Nàng Xuân của tôi ơi !

Chiều nay nhớ quá đi thôi,
Nàng xuân mộng mị của tôi thuở nào.
 Dù là một giấc chiêm bao,
Cho tôi nghe lại câu chào năm xưa.
Mà thôi biết nói sao vừa,
Trăm năm đã lỡ tình mơ xa rồi.
                                   
                                    Nguyễn Lộc
                                     feb 6,2015

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Cuối năm kể chuyện : lần đầu về thăm Việt Nam ( 2006 )

Năm hai ngàn lẽ sáu. Sau mười mấy năm xa xứ, tôi lại về thăm quê hương,cảm giác nửa rạo rực, nửa hững hờ. Máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn qua cửa sổ máy bay, tôi thấy  từng dãy nhà chen lẫn với hàng cây xanh thấp lè tè xiêu vẹo , thỉnh thoàng cũng thấy vài hàng building, xe lũ lượt bò lổn ngổn không theo hàng lối chi cả. Khi máy bay gần tới đất, tôi thấy rõ hơn những dòng sông ngoằn ngoèo miền sông nước chợt nhớ đến quê ngoại của tôi.
  Máy bay vừa đáp xuống, chúng tôi thu xếp hành lý chuẩn bị rời khỏi khoang để đi vào hành lang ra phi trường. Vào làm thủ tục giấy tờ để nhập cảnhkhoảng một tiếng, sau đó chúng tôi đi bộ dọc theo thành lang Phi Cảng , tôi có dịp nhìn rõ hơn bộ mặt của Phi Trường Tân sơn Nhất sau mười mấy năm có phần tốt hơn. Anh chị tôi đón chúng tôi tại cửa ra vào phi trường, tôi nhìn ra quanh cảnh bên ngoài phi trường cũng không có gì thay đổi nhiều.
      Chúng tôi ra bãi đậu xe để về nhà- bằng xe riêng của anh ,chị.Tôi nhìn ra ô cửa sổ khi xe chạy qua các ngã đường chỉ thấy lác đác vài ba cái building cao, còn lại là những ngôi nhà mái bằng chen lẫn mấy ngôi nhà tôn hoạc bằng gỗ hay lá như chế nhạo khuôn mặt Thành phố. Thành phố vẫn vậy chả có gì thay đổi nhiều như nhiều người khen. Có lẽ những người khen rời bỏ Việt nam quá lâu thì thấy lạ .Tôi thì rời Việt nam muộn hơn và gần gũi nó nhiều hơn, nên nhìn rõ hơn mọi sự thay đổi trong Thành Phố. Chỉ có thay đổi một vài khu phố theo tiến độ mở rộng Thành Phố- nhưng quá chậm so với thời gian hai mươi năm đổi mới.
    Về đến Sài gòn trong vòng một ngày, tôi lại leo lên xe về Rạch Giá để gặp lại nhà, má tôi và các anh, chị trong gia đình.Sáng sớm ,anh tài xế xe nhà chở chúng tôi về Rạch giá qua ngã Mỹ Thuận- Cần Thơ. Nhìn quang cảnh hai bên đường tôi thấy còn nhiều nhà lá và ruộng vườn, trong bụng tôi cũng vui thầm, thà là không mở rộng đô thị cũng là một dịp may. mở rộng đô thị thì phải có qui hoạch hẳn hòi chứ không phải làm theo cảm hứng lúc chỗ như vầy ,lúc chỗ thế khác và những bọn trục lợi đất của nông dân để tham nhũng làm ăn phi pháp, thỉnh thoảng đất bị cố tình bỏ hoang khi đuổi nông dân đi  ra khỏi mảnh vườn , họ không biết làm gì để sống, trở thành'' ăn mày thành thị ''thôi ! Lấy đất mà không làm gì cả - bỏ hoang khơi khơi cho vui !-Đó là bi kịch thời Cộng sản.
   Xe về tới  Rạch Giá, Đến Thị Trấn Rạch Sỏi ,quang cảnh có phần sáng sủa đôi chút.Con đường chính nối dài đến Cổng Tam Quan để vào Thị Xã,chính giữa hai con lộ ngựợc chiều nhau là những bồn hoa được trồng thẳng tắp tới Thành phố ,trông rực rở muôn màu. Hai bên đường những hàng building mọc cao, những cửa tiệm san sát nối dài rất rộn rịp so với trước lúc tôi rời quê hướng.
   Thành phố Rạch Giá có phần đổi khác và khang trang hơn trên bề mặt, nhưng nếu chịu khó một chút nhìn ra phía sau dãy nhà lầu ở mặt tiền thi ta thấy vẫn còn những ngôi nhà lụp xụp, những nhà gạch cũ phủ rêu xanh.
   Về đến ngôi nhà năm xưa, vẫn còn đây giàn hoa Hoàng Anh đua nở trên cổng rào.Hai cây MaiTứ quí của ba tôi trồng, nở hoa vàng rực cả một khoảng sân rộng mà anh tôi đặt trước cổng nhà. Mấy dò Lan của tôi trồng năm xưa được anh tôi chăm sóc vẫn còn đó. Tôi nhìn chúng nó mà thấy xao xuyến- Vật đổi sao dời-. Má tôi nhìn thấy tôi vào nhà mà nước mắt lưng tròng sau bao năm xa cách.Tôi thương má tôi lắm, nhưng tôi không thể bày tỏ ra được. Những tình cảm của tôi được giấu kín đến độ vô cảm - nhưng, không ! nó còn nặng trĩu hơn nữa, đến khi nào nó  thoát khỏi lồng ngực , tôi không biết phải chịu đựng  đến ngày ấy được bao lâu nữa.
   Khoảng bảy giờ, Hải bạn học của tôi,không biết nó hay tôi về lúc nào , tôi không rõ; đến nhờ tìm tôi, khi Hải bước vào nhà, tôi rất ngỡ ngàng, gướng mặt có già đi đôi chút ,nhưng không thay đổi gì nhiều cho lắm,vẫn tiếng nói rộn rã năm xưa,nó vội vàng bảo :
 - Lẹ lên đi xếp, thay đồ đi rồi tao chở mầy đến nơi nầy vui lắm !
   Tôi vào thay đồ , bên ngoài nghe tiếng xe nổ máy.
   Vừa ra ngoài tôi nhảy vội lên xe.Nó chở tôi đi ngoằn ngoèo khắp ngã đường, tôi thấy lạ lẫm, những con đường Thành phồ bây giờ khác hơn xưa vả lại ban đêm tôi nhìn cũng không rõ.
   Khi xe dừng lại ờ một quán lớn, mùi thịt nướng từ trong bay ra thơm phức, nhìn bên trong tôi thấy rất nhiều khách khứa đến nhậu nhẹt. Chúng tôi vội vã xuống xe đi vào quán, Hải chọn một bàn dài lớn. Tôi thấy lạ, rồi hỏi nó :
  - Có hai thằng mà làm gì mầy bày bàn ra nhiều vậy ?
  Hải cười nhìn tôi, rồi nói :
  - Thì chờ chút, làm gì nóng dữ vậy.
  Hai đứa vừa tán dóc không bao lâu, tôi nghe có tiếng từ xa vọng lại ,nhìn ra cửa thấy dáng đi  và giọng nói sao quen quá.Đến khi người ấy đi vào thì tôi mới nhận ra là thằng Trí cũng bạn học với tôi. Tôi mới nói :
 - Tao nhìn cái dáng đi của mầy từ xa và nghe giọng nói quen lắm
 -tao biết mầy nhưng sợ hố, thì ra là mầy . Trí phải không ?
 -Còn phải hỏi !
 Trí  cười nói lại :
- Tướng đi nầy đắt tiền lắm, mầy mua không nổi đâu. Kha Kha.
Tôi nói với nó ;
- Mầy mau bán đi, không thôi người ta vứt vào Viện Bảo Tàng đó.
   Chúng tôi vừa cười nói ,giỡn hớt vui vẻ, thì thấp thoáng vài ba người nữa bước vào, tôi đã nhận dạng được ba người nầy cùng là bạn học : Quang , Hùng,Bảnh.
  Quang thì ít nói chì bàn về cuộc sống làm ăn.
  Hùng thì vẫn còn lận đận về tình duyên, và cuộc sống.
  Bảnh thì lặng yên chỉ mĩm cười , không nói gì, nhìn chúng tôi vui vẽ trò chuyện.
  Chúng tôi kể đủ thứ chuyện trên đời,kể lại cho nhau nghe những quãng đời đã trôi qua, những vinh nhục trong cuộc sống.Chúng tôi ngồi với nhau cho đến khuya mói về.
   Thật là một cuộc hội ngộ bất ngờ làm tôi cảm động lắm.Mười mấy năm trời  chúng tôi không có dịp gặp nhau nhưng tình bạn vẫn thắm thiết như thuở còn đi học, mà tôi nghĩ là thành quả của cách dạy dỗ  của chế độ cũ -khi còn tuổi ấu thơ, đã tôi luyện chúng tôi thành những con người có tình có nghĩa với nhau dầu cho có lạc vào hoạn cảnh nào !
  những giây phút nầy sẽ là mãi mãi trong cuộc đời của tôi khi lần đầu tôi về thăm lại quê hương.

                                                                                                                    Nguyễn Lộc
                                                                                                                    Feb 4 , 2015
 

Nhớ Xuân Mậu Thân 1968

 Sáng mùng một Tết,những tiếng pháo lách tách nổ xa xa đưa lại, tôi giật mình thức dậy, vươn vai vài cái sau giấc ngủ dài mệt mỏi để đón đón giao thừa với gia đình. Tôi uề oải bước ra khòi giường, lững thững đi ra sau nhà, dáng đi còn ngái ngủ. Tay  quờ quạng  cầm lấy ống kem đánh răng để trên bàn,quệt một ít kem lên bàn chải đánh răng, đi  ra sàn nước phía bên ngoài nhà sau. Đến lu nước mưa ,tôi thuận tay nắm lấy ca nước để trên nắp lu nước kế bên,khoả mấy dòng trên mặt lu nước để xua những bợn lá còn đọng ở bên trên. Mấy con lăng quăng thấy khua động nước vội tìm đường chạy trốn.
    Tôi cầm ca hớp vội một ít nước vào miệng, dùng bàn chải chà hai hàm răng mấy lượt rồi vội vả súc miệng cho nhanh. Lau mặt xong Tôi vào nhà, đến tủ quần áo, chọn bộ quần áo nào đẹp nhất để mặc cho ngày đầu năm và có dịp đem khoe bộ quần áo mà ba má tôi mới may cho, xong tôi xuống nhà bếp chuẩn bị pha một ấm trà thật thơm để cúng ông bà như mọi năm tôi vẫn làm. Bộ đồ trà nầy tôi rất quí  chỉ dùng nó vào dịp tết mà thôi-nếu đem nó thi đấu với các loại đồ cổ, chắc có lẽ nó sẽ được giải nhất, tôi không biết bộ đồ trà nầy có từ bao giờ mà má tôi bảo phải giữ kỹ  nó, tôi chỉ biết vâng lời.Tôi nhóm lửa bắc ấm nước lên bếp. Khi nước đã sôi tôi mở tủ lấy hộp trà sen thượng hạng , trút một ít trà vừa đủ vào bình trà, chờ năm phút sau cho trà tan, tôi rót nước trà vào ba cái tách nhỏ và để bình trà vào trong cái khai đem lên bàn thờ cúng ông bà ngày đầu năm.
    Tôi ra sau vướn cắt một ít bông trang cắm vào hai bình hoa bình để trên bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà Tôi thắp ba cây nhang tên bàn thờ phật , ba cây nhang trên bàn thờ ông bà .Tôi đứng trước bàn thờ Phật cúi lạy ba lần, rồi quay sang bàn thờ ông bà cúi lạy ba lần. Xong phần lễ nghi, tôi mở cửa cái để đón nàng xuân và phước lộc đầu năm vào nhà, gió bên ngoài lùa vào mát rượi trong gian nhà ấm cúng đầy khói nhang mà tôi vừa thắp. Một cảm giác dễ chịu lan toả châu thân- một ngày đầu năm mới- xua tan những lo âu đã qua.
   Tôi nhìn ra ngoài ngõ, giờ nầy còn rất sớm khoảng bảy giờ, lác đác một ít nhà đã dậy để chuẩn bị cho ngày đầu năm. Thằng Khoa con Chú Tư Kim kế bên nhà nói vọng qua :
 - Lộc ! ngày đầu năm dậy sớm hả! Chúc mầy một năm mới tốt đẹp . Mầy định đi đâu mà dậy sớm quá vậy?
   Tôi chúc lại nó :
-Mầy cũng vậy nhe !
 - Tao dậy sớm để đón không khí Tết ngày đầu năm. Còn mầy thì sao nè?
- Chà, mầy lãng mạn dữ nha.Tao dậy sớm chuẩn bị qua nhà Bác ba tao.Hôm nay mầy có đi đâu chơi không ? hay mầy đi với tao cho vui.
- Tao có hẹn với mấy người bạn rồi, bây giờ thì  phải lo phụ tiếp ba má tao làm công chuyện , thôi ! mầy đi di dể khi khác vậy .
    Bây giờ cũng gần tám giờ rồi, pháo Tết đã bắt đầu râm rang nổ nhiều hơn, nhưng năm nay tôi nghe thấy lạ, tiếng'' pháo đại'' nổ nhiều hơn mọi năm. Từ trong nhà sau, tôi nghe bên ngoài hàng rào nhà; mọi người đều đổ xô ra đường, tiếng nói bàn luận rôm rả. tôi vội chạy ra ngoài xem có gì khác thường vậy. Tôi đứng ngoài hiên nhà ,nhìn ra ngoài ngõ,mọi người bàn tán :
- Việt cộng pháo kích vào Thị Xã mọi người ơi.
   Một đám người chỉ trỏ xa xa rồi nói ;
- Hồi sáng nầy có người nhặt được truyền đơn của Việt Cộng.
   Thằng Thành con Chú Năm Điền đứng trong nhà nó trỏ miệng vào:
- Ba tui có lượm được mấy cái giấy truyền đơn của Việt Cộng  đem giao cho Đồn Cảnh sát rồi
   Chị Sương chị của thằng Thành đứng ngoài sau nó liền véo vào tai nó một cái thật đau, nó la toánglên:
- A ! chị  véo em đau quá.
   Chị Thành mắng em :
- Đồ nhiều chuyện, đi vào nhà mau lên.
   Ba tôi lúc nầy cũng vừa thức dậy ra ngoài ngõ kêu tôi vào và cấm tôi không được ra khỏi cửa. Tiếng nổ càng lớn càng gần hơn. Nghe đâu Việt Cộng đã tràn về Thị Xã Rạch Giá,pháo kích nhiều nơi.
   Ba tôi là Công chức, cùng các đồng nghiệp có nhiệm vụ thu lượm các truyền đơn của Việt cộng giao cho Đồn Cảnh sát địa phương. Vài tiếng đồng hồ sau xe cảnh sát tuần tiểu phóng loa :''Việt Cộng tràn vào Thị xã , pháo kích nhiều nơi làm chết nhiều thường dân vô tội và quân đội đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Việt Cộng, quí đồng bào đừng nên che giấu bọn VC trong nhà, nếu không sẽ bị trừng trị đích đáng ".
  Đây là một cái Tết đầu tiên của tôi chứng kiến không khí chiến tranh trong Thị xã mình.Và những ký ức nầy khó phai mờ trong tâm trí của những người trẻ mới lớn như tôi, nó sẽ là một trong những nỗi ám ảnh  lớn đeo đẳng suốt đời của tuổi trẻ trong chiến tranh.Ai  đã phá tan sự yên lành cuộc sống của người dân? ''Việt cộng'' !

                                                                                                           Nguyễn Lộc
                                                                                                           Feb 04, 2015

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Cuối năm kể chuyện nồi bánh tét và bộ lư đồng

 Hằng năm, sau ngày hai mươi ba tháng chạp, má tôi lại chuẩn bị mua  các thứ nào là : các thứ đậu , đường cát tinh khiết, tôm khô ,củ kiệu , thịt heo v.v. cho ngày Tết cổ truyền sắp tới. Các chị ,em tôi mỗi người đều có phận sự được ba má giao trách nhiệm. Riêng tôi thì má tôi giao chùi bộ lư đồng.Tôi làm bạn với chúng từ lúc tôi còn bé. Khi xưa khi anh lớn của tôi còn sống, anh được trách nhiệm Ba tôi giao chùi bộ lư nầy, nhưng khi anh tôi qua đời thì Batôi giao lại cho tôi chăm nom vào mỗi dịp Tết, là phải lau chùi cho sáng sủa để khách khứa đến nhà khi thắp nhang nhìn lên bàn thờ ông bà thêm phần tôn nghiêm.
   Được lau chùi bộ lư vào mỗi dịp Tết, tôi rất tự hào trong lòng là được tưởng nhớ và báo hiếu ông bà khuất mặt khuất mày khi người ta nhìn ngắm bộ lư sáng choang do chính bàn tay tôi lau chùi thì tôi cảm thấy sung sướng lắm. Đến ngày 28 tháng chạp hằng năm tôi chuẩn bị sẳn sàng các thứ nào là : thuốc chùi nhôm,chanh, tro trấu, vải vụn v.vv. Tôi rất nôn nao vào ngày nầy. Mấy đứa bạn lối xóm trạc bằng tuổi tôi, thấy tôi hăng hái công việc nầy, tụi nó cũng phấn khởi theo tiếp tay với tôi. Đây cũng là một môn tiêu khiển thể thao của lũ trẻ chúng tôi, vừa được vận động đôi tay, vửa có dịp ngồi lại chung quanh với nhau kề lại những mẫu chuyện vui; hay chọc  ghẹo lẫn nhau và nôn nao hẹn hò những trò vui vào dịp đầu năm.
   Tôi  rất có kinh nghiệm việc lau chùi lư đồng, thú thật còn hơn các chú bác nữa! Tôi đã gần gủi nó ;từ lúc còn nhỏ nhìn các anh, chị lớn lau chùi ,tôi đã ý bắt chước theo đến khi nhuần nhuyển, nào là : trước tiên  bỏ bộ lư vào thau nước chùi rửa cho sạch ,phơi nắng cho khô, xong chùi cho sạch sẽ ,dùng tro trấu hoà  với chanh, xé giẻ nhỏ nhúng vào tro trấu đánh thật mạnh tay cho lớp ten trên bề mặt ra hết sau đó lấy vải khô chùi cho sạch, đó là xong phần đầu. Đến phần thứ hai dùng thuốc chùi lư đổ một ít ra chén, lấy giẻ nhỏ nhúng vào thuốc một ít chùi mạnh tay từ từ cho lư sáng, công việc nầy cần phải kiên nhẫn chùi. Lần nầy thì rất lâu bời vì chờ cho chất đồng ngấm với thuốc thì ten mới ra hết, đồng mới sáng được.
  Tôi phân công cho các bạn và hướng dẫn các bạn từng công  việc một. Có nhiều đứa ban đầu thì thích thú nhưng dần dần cảm thấy mỏi tay mong chùi cho xong, thế rồi lần lượt đều bỏ cuộc, còn lại một mình tôi ngồi đánh lư một mình cũng là lúc bộ lư gần ra hết ten, tôi nhẫm tính ra thì chùi một bộ lư trung bình năm tiếng, tính luôn lúc phơi nắng cho nó khô mặt đồng ; bởi vì chúng tôi chùi bằng tay mà tay con nít của chúng tôi đâu bằng tay người lớn hay bằng máy chùi lư được , vả lại chúng tôi vừa chùi vừa tán dóc, giờn hớt nên thời gian qua đi cũng mau.
   Đến trưa má tôi đi chợ về nhìn lên bàn thờ thì má tôi hài lòng lắm, mỗi năm tôi đều được má khen và lì xì nhiều hơn các anh chị.
   Đến ngày hai mươi chín Tết tôi còn được ba tôi giao canh chừng nồi bánh Tét. Sáng tôi thức dậy thật sớm chuẩn bị các thứ  : lựa khoảng đất nhỏ ở hiên nhà, nhà của tôi lúc ấy rất rộng có khoảnh vườn nhỏ trồng cây ăn trái, mặc dầu ở thành thị, nhưng ba má tôi vẫn chừa đất để trồng các thứ cây ăn trái như : mận ổi và rau cải. Ba tôi hướng dẫn cho tôi cách chọn khoảng đất cứng cho khỏi bị sụp, chọn tám cục gạch thẻ làm bốn ông đầu rau để kê nồi cho vững.Chuẩn bị đâu đó xong xuôi, tôi vào nhà lấy hai cái nồi lớn mà mỗi năm nhà tôi đều dùng nó để nấu bánh tét, rửa xà bông thật sạch để tránh mùi hôi vào bánh. Sau đó dùng giẻ khô lau cho thật sạch. Khi tôi  đã xong các thứ  cũng là lúc má tôi  gói xong các thứ bánh, má tôi dậy từ ba,bốn giờ sáng lo các thứ . Mười một giờ trưa bắt đầu chất bánh vào nồi. Tôi bắt đầu nhóm lửa, dùng những que củi khô  nhỏ chất thành hình tháp, đốt giấy báo nhét vào bên trong đám củi cho nó cháy , xong chất những cây củi lớn bao quanh bên ngoài, ngọn lửa lan toả chung quanh thật thích mắt, -lúc nhỏ tôi thì rất thích lửa cháy-Khi ngọn lửa đã cháy to, tôi và và má tôi chất bánh vào nồi, đổ nước cho đầy ngập mặt bánh rồi đậy nắp lại. má tôi giao nhiệm vụ coi chừng củi lửa và khi thấy nước trong nồi rút xuống thì châm thêm nước, không được cho nước khô cạn trong nồi cho đến khi bánh chín- thời gian bánh chín tuỳ theo lượng bánh và lương nước trong nồi mà quan trọng nhất là củi lửa cho đều bánh mau chín và không có bị sượng.
   Mấy đứa trong xóm thấy tôi loay xoay bên lò bánh tét đến chuyện trò với tôi và lâu lâu lấy những que củi đốt chơi cho vui: con nít thì đứa nào cũng thích dọc lửa củi. Người ta sợ nhất là cháy nhà trong dịp Tết cũng vì mấy đứa con nít nghịch ngợm với lửa. Nhiều đức còn thích đùa dai, nếu nhà nào không có người canh chừng nồi bánh tét, tụi nó sẽ liệng pháo vào đống lửa đang cháy nổ tung lên rồi bỏ chạy để lại cho khổ chủ lò lửa tắt ngúm ! nồi bánh có khi bị  rịn nước là phải nấu lại cho đến sáng.
   Tôi canh nồi bánh tét cho đến khuya ,không được đi đâu chơi để giữ tròn trách nhiệm với ba má, tôi cũng thích ngồi gần nồi bánh mà ngẫm nghĩ đến không khí ngày cận tết của tất cả gia đình trong xóm.Những kỷ niệm quá khứ mỗi năm cứ chồng chất trong đầu tôi mỗi ngày một dày thêm cho đến khi tuổi lớn ,còn má tôi thì càng già đi mà vẫn mỗi năm gói bánh theo tục lệ cổ truyền , bánh được cúng kiến tổ tiên là phải gói ở nhà để tỏ lòng hiếu thảo; nhưng xã hội càng ngày càng thay đổi mỗi năm một chút cho hợp thời thế, lớp người già còn nấng níu tập tục mỗi nhà mỗi gói bánh vào dịp Tết. Nhưng nay kinh tế có phần khá giả nên người ta cũng bỏ tiền mua lấy thời gian để làm việc khác, họ mua bánh ngoài chợ về cúng kiến ông bà và cũng đánh mất dần tập tục xưa:- mất dần những thú vui ngồi đợi bánh chín lúc đón giao thứa đầu năm để trò chuyện cùng gia đình, kể lại những năm tháng xa nhà ,và ôn lại quảng đời đã qua -những gì còn lại và những gì mất đi ; cho nên tình cảm gia đình ông bà, cha mẹ ngày càng phai nhạt.
   Bây giờ chị em tôi mỗi người mỗi ngã. Tôi ngồi ôn lại những ngày tháng đã qua và nhớ bộ lư,nồi bánh tét năm nào ! khi gia đình còn đoàn tụ.Má tôi thì dịp tết vẫn bùi ngùi trông những đứa con xa nhà về thăm bà! mà có thấy đủ mặt đâu !!!

                                                                                                                      Nguyễn Lộc
                                                                                                                      Feb 3 , 2015

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Đôi lời tâm sự những ngày cận Tết 2015

      Cái Tết Á đông nơi xứ Tây thật là đìu hiu, vì lạc vào thời tiết mùa đông; ngoài trời tuyết vẫn rơi đều như mọi hôm. Còn vài ngày nữa sang năm mới mà tôi vẫn nghe lòng trống trải lạ thường, không còn nao nức như những ngày còn thơ. Có lần về thăm lại quê hương cảm giác nầy vẫn ngự trị trong tôi ,kể từ khi có cuộc đổi đời kể từ 1975. Tôi vẫn còn đang mơ những ngày tốt đẹp cho đất nước  được bình yên và hạnh phúc. Cái bình yên thì đã có nhưng cái hạnh phúc tôi hằng mong đợi là được học hành tốt, cuộc sống được no ấm trên quê hương tôi thì lại không , nhưng cảnh loạn ly thì cứ chập chồng từng tháng, từng năm đè nặng lên người tôi,khi mới bắt đầu trưởng thành cho đến mãi bây giờ : xét lý lý lịch tốt cho thi cử, cho nghề nghiệp, đánh  tư sản, chính sách kinh tế mới,mọi người tìm đường vượt biên v.v...
      Đã bao cái Tết đã đi qua đời tôi trên xứ người như khơi dậy sự nhức nhối trong tôi một cách êm ái và khổ đau của kiếp lưu vong -Kiếp lưu vong tự nguyện-, tôi không còn cách chọn lựa nào khác ,vả lại nếu tôi có ở lại quê hương, tôi vẫn bơ vơ, lạc lõng và mất tự do trên chính quê hương của mình. Không mảnh bằng, lý lịch xấu thì không có chỗ chen chân để có một cái nghề để nuôi sống bản thân nên đành phải rời bỏ  quê hương; dầu gì đi nữa có lỡ thất nghiệp , bịnh hoạn thì cũng có tấm lòng nhân đạo của chính phủ xứ người giang tay giúp đỡ, ở quê hương tôi thì không,những việc ấy,'' ai chết nấy chịu'', những khoản trợ cấp của nhà nước Việt nam chỉ để dành phần cho thành phần gọi là - cách mạng của giới cầm quyền và ngay cả đám Tư Bản đỏ một cái tên mới thoát thai từ trong giới lãnh đạo ra ngoài làm ăn với cái gọi là '' kinh tế thị trường'' mà ra nhưng thực chất là '' kinh tế bao cấp của nhà nước'' ,thì khi bị phá sản cũng được nhà nước nâng đỡ.
      Trong cái rủi cũng có được cái may, tôi đã tránh được được nhiều thứ bịnh của xã hội Việt nam hiện nay : lừa đảo, chụp giựt, đầu tư mảnh bằng nghề nghiệp, '' vô cảm với người và xã hội '',''liệt kháng đấu tranh'', không dám giành hạnh phúc, tự do cho xã hội và cá nhân, vô đạo đức với ông bà ,cha mẹ và những người thế cô.
      Nhiều lúc tôi nhìn lại mình có những cái tự hào và những khuyết điểm mà mọi người đều có, rút ra được những gì thiếu sót để hoàn thiện mình thêm. Tôi không ngã theo chiều hướng ý thức hệ đảng phái nào hết, mà thú thực tôi chỉ là người bất tài có gì để mà lên án, đả phá mọi ngừơi;những thứ đó để dành cho những nhà chính trị hay những nhà tư tưởng xã hội làm. Riêng tôi  thì có sao nói vậy ''tự do-tự do tư tưởng- cá nhân'' mà ! không có ai có quyền xâm phạm ở trong một nước dân chủ nơi tôi đang sống mà dầu cho có xâm phạm cũng vẫn không lấy mất và chiếm đoạt được '' tài sản tư duy'' của tôi như ở Việt Nam.
    Thỉnh thoảng tôi mĩm cười với chính tôi khi không lại sinh ra trong cuộc đời mà tôi đâu có quyền chọn lựa lúc tôi mới sinh ra và có những cái duyên đưa đẩy để hình thành con người ,và nhân cách như bây giờ, cái đó người ta gọi là '' số phận của Thượng Đế an bài '' hay '' Nghiệp duyên từ tiền kiếp ''. Nhưng thế nào đi nữa tôi cũng cố gắng sống cho tốt để trọn kiếp người để kiếp sau khỏi phải như bây giờ :ăn học , chọn nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, có  vợ con, tiền bạc đảm bảo đời sống khỏi vất vả, như lớp người đi trước ta nối bước theo sau- quán tính đời sống xã hội loài người- mà ta không thể làm khác được. Tôi không phải thầy tu làm theo phật để '' ly da ,cắt ái'' nhưng cũng làm nhẹ mối khỗ đau của kiếp người. Vật chất không thể làm cho mọi người bớt đau khổ chỉ khi nào bớt lòng tham muốn ngoài khả năng của ta và đừng làm hại người khác để làm lợi cho ta mà thôi, nên tôi theo '' chân lý'' nầy có lẽ tôi cũng được hạnh phúc phần nào.
   Năm mới đến mà tôi lại cứ nói chuyện tiêu cực thì thật lá xúi quẩy cho cả năm, nhưng tôi nói ra đây để mọi người suy gẫm cho những gì có thể mọi người đều có nhưng không tiện nói ra thôi. Nói để an ủi lòng mình và để được mọi người thông cảm '' ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau'' mà! Chúc mọi người hưởng được cái Tết an lành .

                                                                                                                                Nguyễn Lộc

Hồn thu

Tình nghe sóng vỗ đêm ngày,
Hai tay ôm ấp những chiều hoang vu.
Tiếng lòng gõ nhịp xa mù,
Còn in bóng dáng hồn thu bên trời.
                                             
                                   Nguyễn Lộc


Feb 1,2015

Hư hao

Tôi về ôm cõi hư hao,
Lặng nghe đời vỡ bên hàng giậu thưa.
Trăm năm những mối duyên hờ !
Tình theo gió cuốn dật dờ phố Tây.

                                   Nguyễn Lộc

Feb 1, 2015