Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Những ngày tháng êm đềm !


   Mỗi năm, vào những ngày lễ lớn của đạo Phật là tôi lại nhớ về dĩ vãng của
thời niên thiếu xa xôi. Năm tháng ấy tôi không bao giờ quên. Một ngôi chùa
nằm trên mảnh đất hiền hoà có tên là Rạch Giá, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên,
ngôi chùa nầy tôi hằng kính yêu từ thuở nhỏ hay theo mẹ tôi vào lễ phật trong
những dịp lễ ; đó là Tịnh xá NH thuộc giáo phái Khất Sĩ Việt Nam.
  
   Lúc ấy tôi nhớ không lầm là tôi đã lên mười thường theo mẹ vào viếng
ngôi Tịnh Xá ấy. Mỗi lần vào lễ phật xong, khi ra khỏi chánh điện là tôi
luôn luôn nhìn thấy những khuôn mặt rạng rỡ như trăng rằm khi những vị sư
cô tươi cười với Phật Tử. Các sư cô thường dúi vào tay những quả cam ,quả
quít cho Phật Tử hưởng lộc Phật, tôi thật tình không thích ăn quả chua, nhưng
cứ cầm mà trong lòng cảm động lắm. Ấn tượng ấy đã gieo những hạt giống
thiện căn cho tôi về lòng từ bi của các sư cô sao mà đầm ấm, tràn đầy cảm
xúc của lòng từ bi hoà với từng cảnh vật chung quanh ngôi chùa: đẹp và trang
nhã. Các cành cây, đoá hoa được chăm sóc rất nghệ thuật, mỗi tâm bất an,
nhìn cảnh trí nầy cảm thấy tâm tươi mát trở lại.

    Ngày tháng trôi qua, vào những năm sau 1975, tôi đã trưởng thành;
hình như hạt giống đạo Phật đã nẩy nở trong lòng tôi lúc nào cũng không biết'.
Cứ mỗi tháng Tịnh xá cúng hội, tôi tình cờ đi ngang qua là tự nhiên có một
động lực vô hình khiến cho tôi nhìn vào và có cảm giác thân mật ấm cúng
của đạo từ bi.

   Những nhân duyên lần lượt đến với tôi...Thời gian rảnh rỗi tôi vào Tịnh xá
xin làm những việc lặt vặt như sắc rau phụ mấy sư cô làm bếp, sửa lại mấy
cái bàn, ghế bị hư, quét dọn chung quanh Tịnh xá, tưới kiểng mỗi sáng và chiều.
Tôi làm các công việc ấy với tâm thảnh thơi lắm; mặc dầu mệt nhọc về thể xác,
người ta gọi việc làm nầy phước đức còn gọi là làm công quả; nhưng tôi thì
không để ý đến quan niệm nầy để trả công lao kiếp nầy hay kiếp khác,chỉ thấy
cảm giác vui, có lẽ là do khung cảnh Tịnh xá và có bóng dáng các vị sư cô thể
hiện lòng tử bi độ đời với tấm lòng vị tha bẩm sinh của Phật Tính.

   Tôi làm công quả chỉ có một mình, những người tới lui Tịnh xá nhìn tôi với
cặṕ mắt ngạc nhiên lắm , bởi vì tôi làm việc cho nhà nước mới - Chính Quyền
địa phương, hồi đó chính quyền ít thiện cảm với tôn giáo. Những người tới lui
chùa là những phật tử rất mộ đạo, hầu như là người lớn tuổi, nhưng thỉnh thoảng
tôi cũng thấy có vài thanh niên như tôi vào lễ phật, tôi cũng có ý làm quen để
kết bạn, rồi sau đó thì được toại nguyện.

   Lần đầu tiên , tôi mở lời thân mật với một anh cũng gần trạc tuổi tôi, anh ấy lớn
hơn tôi hai tuổi, gia đình người Tàu và rất mộ đạo, anh có pháp danh là TG,anh
có nụ cười rất là hiền hoà và tươi mát khiến cho người đối diện có nhiều thiện cảm.
Tôi cũng hơi ngại đôi chút khi tiếp chuyện với anh vì tôi là Phật Tử mới trong ngôi
Tịnh Xá nầy, phép tắ́c oai nghi của người Phật Tử, giáo lý, kinh điển thì không hiểu
biết nhiều. Tôi còn nhớ, đó là lần cúng hội mà tôi tham dự. Sau giờ ăn trưa,tôi lại
gần anh thưa chuyện :

- Chào anh,anh có phải là phật tử lau năm ở Tịnh Xá nầy ?

Anh mĩm cười đáp :

- Dạ phải . Tôi thấy anh quen lắm, hình như tôi đã gặp anh chỗ nào rồi,thì phải .

Tôi nhìn anh rất lâu để đoán ý tưởng của anh. Rồi nói :

- Có lẽ anh đã gặp tôi ở Phường, nơi tôi làm việc.

Anh cười xoà :

- Phải rồi, nhà tôi cùng ở Phường ấy,nơi anh làm việc.

Sau đó chúng tôi kết bạn với nhau, cùng chung làm công quả, Anh ấy rất giỏi về
Phật pháp, cũng nhờ anh mà tôi lần lần hiểu biết nhiều về kinh điển và giáo lý
đạo phật . Anh dạy tôi thiền định, tập cho tôi thở đúng cách. Sau mỗi lần cúng
hội, anh thường dẫn tôi đi thăm các chùa trong Thị Xã ,lúc chúng tôi rảnh rỗi.

   Từ khi tôi kết bạn với anh ấy, tôi có cảm giác sống lại thuở thanh bình trước
khi có cuộc đổi đời năm 1975 . Anh hiền từ như một ông sư, anh thường kể cho
tôi nghe về chuyện gia đình, cuộc sống trước đây của anh rất là giàu có , nhưng
nay tất cả đã hết rồi,chỉ còn lại tình thương yêu đùm bọc của anh, chi em trong  
gia đình, Nhiều lần anh nói với tôi, anh có quen với một người Phật Tử trạc bằng
tuổi tôi, lúc trước cũng hay vào Tịnh xá làm công quả, nhưng không biết mấy tháng
nay không thấy anh  trở lại Tịnh Xá và nếu có dịp anh sẽ nhắn tin cho tôi cùng với
anh đến nhà người bạn ấy để thăm hỏi sứ́c khoẻ.

   Vào một buổi sáng đẹp trời cũng là ngày Lễ Phật Đản, tôi vào Tịnh
Xá sớm để tưới kiểng,thì bỗng nhiên tôi thấy một anh tay xách bọc trái cây,tay kia
dẫn xe đạp bước vào cổng Tịnh Xá. Anh dụng xe đạp vào lễ Phật. Tôi có linh cảm
là người mà anh TG thường nhắc tới. Tôi vội chạy vào trong để tìm anh TG và gọi
anh ra ngoài xem có phải người mà anh  đã nhắc nhiều lần với tôi không?Anh TG
rất ngạc nhiên không ngờ lòng thành nhắc nhở để tôi kết bạn với bạn ấy, nhờ ơn
trên phù hộ đã khiến bạn ấy vào Tịnh Xá với chúng tôi.Anh TG nói :

- Ồ , Phải rồi HA ơi - pháp danh của tôi là HA. Anh lộ vẻ vui mừng.

Lễ Phật xong, người bạn ấy bước ra khỏi chánh điện và chào chúng tôi,khi chúng tôi
đang trò chuyện dưới bậc thềm.Bạn ấy nhìn chúng tôi mĩm cười,bắt tay chúng tôi,và
nhìn anh TG nói :

- Lâu quá mới gặp lại anh, Anh TG khỏ không ?

- Khoẻ re thôi ; Chà dạo nầy HD có vẻ hơi ốm đó nhe, làm ăn thế nào rồi,sao lâu nay
  ít thấy HD vào làm công quả vậy ?
- Cũng bận lắm anh à , rồi HD quay sang tôi hỏi : còn bạn nầy là ai,anh TG giới thiệu đi.

Anh TG làm ra vẻ bí mật ,rồi trả lời :

- Đố HD biết đó .

HD nhìn tôi có vẻ dò xét khi nhìn thấy bộ quần áo tôi đang mặc có vẻ tươm tất, rồi nói;

- Chịu thua anh rồi đó.

Anh TG hù doạ :

- Anh nầy là Công An Phường muốn tìm HD đó.

   Ánh mắt HD nhìn tôi hơi ngờ ngợ. Nửa tin, nửa ngờ. Sao không nghi ngờ được,
bởi vì tình hình xã hội thời bây giờ rất phức tạp, mọi người tìm cách vượt biên ra
nước ngoài để tránh nạn đói, nên nhìn thấy ai cũng là Công An muốn theo dõi mình.

   Thấy HD lúng túng, Anh TG cười xoà, rồi nói :

- Tôi giởn chơi mà HD tưởng thiệt nữa à. Anh nầy tên LC, pháp danh HA, đây là
   Phật tử mới của Tịnh Xá, đã làm công quả mấy tháng nay thay HD đó.

   Đợi anh TG nói xong, tôi nhìn HD rồi nói :

- Rất hân hạnh được biết bạn và muốn kết bạn để tinh tấn trên đường đạo.

HD nói :

- Chúng ta cùng là Phật Tử, đừng khách sáo nhe bạn. Tôi cũng như bạn cùng nhau tinh
   tấn ,đừng thối chuyển nhe.

   Từ đó ba chúng tôi thân nhau như ruột thịt, hoàn cảnh đã lôi kéo chúng tôi gần lại với
nhau thật là mau lẹ .Bây giờ xã hội Việt Nam rất là đói kém, chỉ thấy dân chúng mua gánh
bán bưng mà thôi, chẳng thấy ai buôn bán lớn như thuở xưa. Chính sách của chế độ mới
ban hành - kinh tế hợp tác xã quốc doanh . Lần lượt chúng tôi có thêm bạn mới như chị
DP, anh CT, anh CHT ..v.v...

   Chúng tôi hầu như suốt ngày trong Tịnh Xá , coi như là nhà của mình vậy, bời trong
tình hình mới của xã hội; nhà nước đang xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội, đình chỉ mọi hoạt
động buôn bán cá nhân nên dân chúng buồn ,thất nghiệp và đói thường vào chùa van vái
trời phật cho tai qua nạn khỏi, và nương nhờ cửa từ bi; tìm chút miếng ăn từ những gia
khá giả cúng kiến cho Tịnh Xá.Chúng tôi thường đến thăm các chùa khác trong Thị Xã
mỗi khi nghe nói có vị sư nào tu hành cao thâm nào xuất hiện. Tôi nghe nói bây giờ có
những vị phật tử do hoàn cảnh đói kém phải xuất gia hay là tu tập những pháp môn
khổ hạnh cho qua cơn đói. Dần dần phật giáo đi vào mê tín dị đoan Phật tử lợi dụng chùa
chùa lợi dụng phật tử. Cũng có nhiều vị Phật Tử gắng công hành trì để mau chứng đạo quả
lại bị tính cống cao ngã mạn lại tự xưng mình là Thiền Sư dạy đạo cho mọi người và dạy
luôn cho các vị sư trụ trì lâu năm,thành ra có sự xung đột nho nhỏ trong nội bộ Phật
Giáo . Hay là có người tham thiền không đúng cách rồi sinh ra bịnh hoạn, lơ lơ lãng lãng
về tâm trí,cũng có người bị tâm thần mà chết. Riêng tôi thì không dám nghĩ tới những pháp
môn cao xa, tôi chỉ hành theo pháp môn làm công quả của chính tôi chế ra.

   Mỗi buổi chiều Chị DP hay rủ Tôi và HD đi ra chợ để xin rau cải còn lại sau một ngày
ế ẩm bán không hết của các bà bán rau cải. Họ cũng thành tâm cúng dường cho chùa
nên chúng tôi cũng vui lây khỏi phải ngượng ngùng cho việc làm công quả mang tính chất
cầu xin của bố thí .

    Chúng tôi hầu như tự nguyện đến với nhau như một đoàn thể phật tử  hộ pháp, khi các
nhà chùa cần đến thì chúng tôi có mặt; thật là những ngày tháng êm đềm và thánh thiện
trong tâm của chúng tôi, mặc dầu đời sống vật chất rất thiếu thốn.

    Thời gian trôi qua đến năm 1987 thì nhà nước ra nghị quyết đổi mới chính sách từ
kinh tế quốc doanh sang kinh tế thị trường thì lần lần có sự thoái chuyển lý tưởng phụng
sự đạ̃o pháp của chúng tôi. Kinh tế gia đình của các Phật tử có phần thoáng và khá giả
hơn xưa. Hàng ngũ Phật tử của chúng tôi thưa thớt dần để lo kế sinh nhai và không
còn mặn mà gì với đạo nữa. Từ đó tôi cảm thấy buồn và cô độc để chờ ngày chị tôi bảo
lãnh qua Canada sống trong năm 1991.


                                                                                                                   Nguyễn Lộc

Không có nhận xét nào: