Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Còn đâu cảnh hiền hoà !

                
                   Đến Canada một sáng trong
                   Nghe lòng thương nhớ Nước mênh mông
                   Từ khi cất bước tìm nguồn sáng
                   Đến lúc quay về tủi núi sông
                   Ngớ ngẩn bốn bề buồn Tổ Quốc
                   Lơ mơ cảnh lạ thẹn Tiên Rồng
                   Còn đâu hùng khí dân Nam Việt
                   Chỉ thấy lòng tham bẩn Lạc Hồng

                                                     Nguyễn Lộc

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Nhớ Kiên Giang


          Ai về vùng đất Kiên Giang
          Cho tôi nhắn gởi muôn ngàn lời thương
          Giòng người lượn khúc phố phường
          Áo xanh áo đỏ con đường vòng quanh
          Công viên giữa đám cỏ xanh
          Tượng cao dáng đứng lưu danh giống nòi
          Gươm thiêng Thánh Nguyễn sáng ngời
          Sông Kiên tưởng niệm đời đời ghi ơn
          Dập dìu xe lướt bon bon
          Nối nhau hoà nhịp theo làn mây trôi
          Cửa sông in bóng thuyền khơi
          Mang về tôm cá nuôi đời ấm no
          Cánh diều trẻ nhỏ thả chơi
          Đẹp khu lấn biển nhởn nhơ bầu trời
          Người từ ngàn dặm xa xôi
          Nghe về chuyện cũ nổi trôi ân tình
          Cánh đồng lúa chín xinh xinh
          Nước ôm chân đất xanh xanh bóng dừa
          Vườn tràm rọi nắng lưa thưa
          Cá ao đớp bóng chim đùa trên cây
          Hương thơm hoa dại ngất ngây
          Chập chờn cánh bướm còn đây thuở nào
          Ruộng đồng lấp lánh chiêm bao
          Tuổi thơ về với ánh sao trên trời 
          Tiếng cười còn thắm làn môi
          Những đêm trăng sáng đẹp lời ái ân
          Thuyền tình lả lướt xuôi giòng
          Duyên thời ghé bến bên nguồn sông xưa
          Nhẹ nhàng như tiếng buồn đưa
          Lặng nghe ai nói một chiều nắng phai
          Còn đây ngấn lệ u hoài
          Rơi buông nhịp thở lạc loài quê hương

                                                    Nguyễn Lộc

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Nhớ chiều quê

                            
            Nhớ chiều quê

     Một chút đời một chút tình
     Nghe lòng xao xuyến linh đinh đường về
     Mây trời níu ngã sơn khê
     Nhớ con đường đất con đê cánh diều
     Thân người bóng ngã xiêu xiêu
     Hồn bay lờ lững như chiều sắp mưa
     Nặng tình đời gửi gió mưa
     Về nơi thơ ấu như vừa hôm qua
     Mây đen vần vũ ánh tà
     Lung linh dáng ngọc trời xa lạnh lùng
     Tình nầy rời rã mông lung
     Thương về hoa dại nhớ giòng sông xưa

                                                Nguyễn Lộc

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Tham lam



        Tử tử sinh sinh biến mấy hồi
        Tham lam vật chất nhởn nhơ vui
        Đêm đêm mộng mị đời giàu mạnh
        Sáng sáng lo toan tiếng đãi bôi
        Cuộc sống qua đi trong tiếc nuối
        Tiền tài để lại lúc buông xuôi
        Có gì cống hiến cho dân tộc?
        Hay chỉ kêu gào sợ chết thôi

                                 Nguyễn Lộc

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Lang thang xứ người



      Nắng hạ chói chan phố nhộn vui
      Những cô gái trắng miệng tươi cười
      Đường chiều nắng thắp lên màu lá
      Ánh lạ tình đưa lướt mắt ngời
      Lạc chốn xứ người hờn cố quốc
      Mơ nơi tổ ấm nhớ em tôi
      Quê hương đã mất hồn muôn lối
      Lãng đãng mây trời gửi gió trôi.

                                      Nguyễn Lộc

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Xa nhau



         Anh vẫn chờ em ở những kia
         Có hoa có bướm có đường dìa
         Lơm chơm đá sỏi đau lòng đất
         Ngăn cách đôi chân sớm rẽ chia

         Trên không tiếng oán hờn non nước
         Xiêm áo lên đường nặng gió sương
         Thân gởi xứ người đời nô lệ
         Mây ngàn mấy bận níu quê hương

         Chợt nhớ rằng đây thân đã mất
         Nửa đêm thức giấc gọi ân tình
         Nhớ ai ngày đón năm tháng đợi
         Nón lá khoe duyên tóc bồng bềnh

         Mưa về đường đất đôi chân ướt
         Tháng hạ gió về tiếng lá ru
         Lóng lánh trên mi rưng ngấn lệ
         Chảy ngược phương trời khóc thiên thu

                                            
                                                 Nguyễn Lộc

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Bóng ngày qua



       Ta nhớ ở chỗ nầy khi trước,
       Nhóng mắt nhìn thơ thẩn bóng em sang.
       Hòn sỏi cũng mỏi mòn trơ góc đá,
       Cỏ úa tàn gót dẫm nát tháng ngày qua.

       Nầy khi khác lần lữa tuổi là đà,
       Pháo nổ dòn nhà ai tim rướm máu.
       Chào mắt ướt cánh mi cong chờ đón,
       Chút hồn thừa thương nhớ bóng chiều đau.
  
       Nầy khi khác sớm nầy tóc đã bạc,
       Ngó mắt về ở cuối nẻo trời xa
       Có ai nhớ tơ lòng đời trôi giạt,
       Cho hôm nay lơ lững bóng quan hà.

                                              
                                           Nguyễn Lộc

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Lời cảnh tỉnh


     Nếu lỡ mai nầy mơ cộng sản
      Thắp nhang tha thứ kẻ tà tâm.
      Lòng lành sẽ xoá tan niềm ác,
      Mầm thiện gieo trồng sáng thế nhân.
      Nước Việt bốn ngàn năm lập quốc,
      Hiền tài vạn kiếp rạng tiên rồng.
      Hồn thiêng sông núi từ bao thuở,
      Giữ vững thuần phong giống lạc hồng.

                                                 Nguyễn Lộc

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Lợi dụng tự do dân chủ và lợi dụng quyền lực


Nguyễn Hưng Quốc

Chỉ trong hơn hai tuần, chính quyền Việt Nam ra lệnh bắt khẩn cấp hai blogger nổi tiếng ở Việt Nam: bắt Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng vào ngày 26/5 và sau đó, bắt Phạm Viết Đào tại Hà Nội vào ngày 13/6. Cả hai đều bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam.


Trước đó, ở Việt Nam, công an và chính quyền cũng đã từng bắt bớ và kết án nhiều người với tội danh tương tự: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Tôi tò mò vào đọc lại bộ Luật hình sự Việt Nam, thấy ghi:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Đọc xong, thú thực, tôi vẫn không hình dung được cụ thể cái gọi là tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” ấy là như thế nào cả. Tôi sống ở Tây phương khá lâu, hiếm khi nghe đến các tội thuộc loại đó. Ở Tây phương, người ta nói nhiều đến tội lợi dụng quyền lực chứ không ai nói đến tội lợi dụng tự do dân chủ. Noam Chomsky có một cuốn sách nổi tiếng tiêu biểu cho cách nhìn ấy: Failed States: The Abuse of Power and the Assault on Democracy (Các nhà nước thất bại: Lợi dụng quyền lực và tấn công dân chủ) do Holt Paperbacks xuất bản năm 2007, ở đó, Chomsky tập trung sự phê phán vào chính phủ, chủ yếu là chính phủ Mỹ, trong việc can thiệp bằng quân sự vào nội bộ các nước khác.

Chomsky là một trí thức khuynh tả nổi tiếng vừa như một người có những suy nghĩ độc lập vừa như một người chống chính phủ (Mỹ) đến mức cực đoan, do đó, ông vừa được nể trọng vừa bị phê phán gay gắt bởi chính giới trí thức Mỹ. Tuy nhiên, điều ông nhấn mạnh hoàn toàn đúng: điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền. Có thể nói nếu bản chất của dân chủ là vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực, nguy cơ lớn nhất mà mọi nền dân chủ lúc nào cũng phải đối diện là việc lợi dụng quyền lực. Nói đến nhu cầu hoàn thiện dân chủ chủ yếu là nói đến việc hoàn thiện các phương thức hạn chế các sự lợi dụng và lạm dụng ấy.

Cách nói “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của chính quyền Việt Nam, vốn rất xa lạ với thế giới Tây phương, vừa nghịch lý vừa vô lý.

Nó nghịch lý ở nhiều điểm. Thứ nhất, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, ai cũng biết, dân chúng không có nhiều tự do dân chủ để lợi dụng. Thứ hai, nói đến lợi dụng là nói đến giới hạn, một người bị buộc tội là lợi dụng một cái gì đó khi người ấy vượt qua khỏi cái giới hạn mà nó cho phép; tuy nhiên, tự do của mỗi người vốn lại vô giới hạn trong chừng mực nó không đụng đến tự do của người khác. Như vậy, ở đây sẽ có ba trường hợp: Một, đối với những lãnh vực hoàn toàn không có quan hệ đến người khác, đến bất cứ ai cả, tôi có quyền tự do tuyệt đối; hai, tôi phải biết dừng lại khi chạm đến biên giới của quyền tự do của người khác (ví dụ, tôi có thể nói bất cứ điều gì về tôi nhưng tôi lại không có quyền bới móc đời tư của người khác; tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi sẽ không bị buộc tội là lợi dụng tự do của tôi mà là tội xâm phạm vào đời tư người khác hoặc làm hại đến thanh danh người khác); và ba, cái gọi là “biên giới” của tự do của mỗi người lại không phải là một cái khung cố định: một số người, khi quyết định tham gia vào chính sự, trở thành một thứ nhân vật công cộng (public figure), đã mặc nhiên tự nguyện hy sinh phần lớn cái gọi là riêng tư của mình: Với những người ấy, việc vạch trần nhiều chi tiết thuộc về đời tư, ví dụ thu nhập hay tài sản của họ hoặc gia đình họ, không còn bị xem là xâm phạm vào đời tư của nhau nữa. Trong cả ba trường hợp ấy, cái gọi là lợi dụng quyền tự do không hề hiện hữu. Thứ ba, cách nói lợi dụng dân chủ lại càng nghịch lý vì dân chủ, tự bản chất, là quyền từ dưới lên (của dân chúng đối với giới lãnh đạo qua việc bầu cử cũng như phê bình và kiểm tra), nhưng trên thực tế, về phương diện cơ cấu, lại thuộc về phía trên, ở những người cầm quyền: Chỉ có những người cầm quyền mới có thể lợi dụng dân chủ; với dân chúng, những người thấp cổ bé miệng thì vô phương.

Hơn nữa, việc lên án các hành vị lợi dụng quyền tự do dân chủ của dân chúng còn vô lý vì ở Việt Nam hiện nay, nguy cơ phổ biến và trầm trọng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người và vận mệnh của đất nước nhất, chính là việc lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi dụng tự do dân chủ. Tham nhũng: lợi dụng quyền lực. Mua quan bán chức: lợi dụng quyền lực. Đưa con cháu mình vào những chức vụ vượt quá khả năng và không đúng quy định về bổ dụng: lợi dụng quyền lực. Tạo cơ hội cho thân nhân làm giàu một cách bất chính: lợi dụng quyền lực. Trấn áp các quyền tự do căn bản và các biểu hiện căn bản của dân chủ: lợi dụng quyền lực. Chà đạp lên nhân quyền, bắt bớ những người không làm gì khác ngoài việc phát biểu ý kiến và chính kiến của mình: lợi dụng quyền lực. Khẳng định thế lãnh đạo độc tôn của đảng mình, bất chấp nguyện vọng của dân chúng, yêu cầu của dân chủ và xu hướng phát triển của nhân loại: lợi dụng quyền lực.

Ở Việt Nam hiện nay, nhìn đâu cũng thấy lợi dụng quyền lực. Quyền lực nhỏ: lợi dụng ít; quyền lực lớn: lợi dụng nhiều. Lợi dụng quyền lực từ tên công an đứng đường đến đến các bộ trưởng, các thứ trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước và vô số những kẻ gọi là lãnh đạo chủ chốt khác. Tai họa lớn nhất mà dân chúng Việt Nam phải gánh chịu hiện nay là lợi dụng quyền lực. Nhu cầu khẩn thiết nhất để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phát triển cao phải bắt đầu từ một điểm chính: hạn chế lợi dụng quyền lực.

Bắt bớ và trấn áp những người dân bình thường với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là một cách lợi dụng quyền lực một cách thô bạo. Và trơ trẽn. Trơ trẽn vì nó đánh tráo khái niệm “lợi dụng”.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Rong chơi cõi vô thường


  
      Ai biết về đâu mấy nhịp đời,
      Ba chìm bảy nổi lững lờ trôi.
      Duyên gieo tiền kiếp lần đưa tới,
      Nghiệp đến vị lai chẳng thấy vơi.
      Tàng thức hạt mầm ngầm chất chứa,
      Ác lành ngày tháng thả rong chơi.
      Tử sinh thân mạng như mây khói,
      Thế giới ta bà chỉ ảo thôi .

                                        Nguyễn Lộc