Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Mộng đời

                                              
                                            

                                             Mộng đời

                          Tâm ta sao trống rỗng,
                          Mọi tạp niệm dồn chân.
                          Sắc màu như chuyển động,
                          Giữa đất trời mênh mông.
                          Ta nghe lòng nặng trĩu,
                          Từng sát na đi về;
                          Cô đơn và vắng lặng,
                          Trong cõi đời u mê.
                          Tiếng ai như tiếng tơ,
                          Từ tiền kiếp đê mê;
                          Theo ta qua muôn thuở,
                          Nhẹ nhàng những lời thơ.
                          Xin người hãy cho tôi
                          Dù chỉ một lần thôi,
                          Hình ảnh người đâu đó;
                          Đưa tôi vào cơn mơ.

                                           Nguyễn Lộc

                   

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Lệ cho nhau



                                     Lệ cho nhau

                     Hoa tuyết trắng trên cành,
                     Sương khói toả long lanh.
                     Nắng nhạt màu nhung nhớ,
                     Khép nép chiều mong manh.
                     Hoa giấy rơi ngày ấy,
                     buông lơi thắm mái đầu.
                     Mắt lặng nhìn xa vắng,
                     Dấu tủi hờn cho nhau.

                                         Nguyễn Lộc

                                      

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Chúc Xuân 2013

                                  

                                       Chúc Xuân 2013

                Ngoài trời gió lạnh tuyết rơi,
                Đón mùa xuân mới bên trời nhớ thương.
                Chúc nhau ý chí kiên cường,
                Xa lìa đảng cộng theo đường tự do.
                Bao năm tẩy não ốm o,
                Bị đảng và bác phóng loa tuyên truyền.
                Ai ơi hãy nhớ lời thiêng,
                Chúng ta dân Việt còn nguyên sử vàng.
                Ác thay việt cộng dã man,
                Đem tài đem đức lời vàng mua vui,
                Lừa dân kém trí nhất thời;
                Dựng xây Đảng cướp hưởng đời giàu sang.
                Trăm năm bia miệng còn vang,
                Những phường bán Nước nát tan thi hài.
                Hãy mau thức tỉnh giăng tay,
                Cùng nhau tạo dựng ngày mai huy hoàng.
                                                      
                                                             Nguyễn Lộc

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Dân Việt chờ Xuân độc lập



                        Dân Việt chờ Xuân độc lập

                     Nô lệ ngoại bang nhục đã lâu,
                     Bao nhiêu xuân đến cũng thêm sầu.
                     Sâu dân mọt Nước ì ra đó,
                     Dân trí dân quyền chẳng thấy đâu.
                     Việt cộng bù nhìn vui bổng lộc,
                     Dân oan chân lấm khóc canh thâu.
                     Trông chờ Đất Nước mau thay đổi,
                     Diệt bọn tham tàn hết khổ đau.

                                                    Nguyễn Lộc
                    

          

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Trần Huy Bích - MỘT BÀI THƠ NGỤ Ý THẬT HÀM SÚC CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG


Trần Huy Bích

Sau khi những người Cộng sản lấy được miền Nam tháng 4 năm 1975, hầu hết văn nghệ sĩ của miền Nam đều bị bắt giam. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị họ bắt ngày 13 tháng 4 năm 1976, đưa vào giam ở khám Chí Hoà. Khi ông bị bệnh gần nguy kịch, họ mới đưa về để chết ở nhà. Năm hôm sau ông qua đời, nhằm ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sàigòn.


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Một số thơ ông làm sau tháng 4-1975 như bài “Tranh gà lợn,” hoặc bài thơ từ nhà giam gửi về thăm vợ con, đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, một số thi phẩm khác, như 12 bài thơ vịnh một số nhân vật lịch sử và văn học Việt Nam (như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát …) cùng lịch sử và văn học Trung Hoa (như Hán Vũ đế, Thôi Hộ, Trần Đào, Bành Ngọc Lân …) chưa đuợc nhiều người biết tới. Chúng tôi xin giới thiệu một trong những bài thơ ấy ở phía sau. Đây là bài thơ Vũ Hoàng Chương viết về Bành Ngọc Lân, một danh tướng Trung Hoa cuối đời Thanh. Bài này cũng là một trong những bài thơ hay nhưng ý tưởng rất kín đáo, hàm súc của thi hào họ Vũ. Viết sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản, ngụ ý thời thế của ông rất rõ, nhưng người đọc cần lưu tâm mới nhận thấy.

ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA: BÀNH NGỌC LÂN

Thập vạn đại quân tề cổ chưởng
Bành lang đoạt đắc Tiểu Cô hồi. 

Bành lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ tay
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ
Từ bao giờ đến bao giờ
Chẳng xiêu lòng núi vì thơ họ Bành
Kể chi lúc ấy đời Thanh
Sá chi người ấy là danh tướng nào
Tiểu Cô sơn chỉ nhìn cao
Nghe Bành Lang độ thấm vào lòng chân
Non xưa bến cũ nhập thần
Đoạt non về bến đâu cần hùng binh.

Để có thể trình bày rõ ý nghĩa bài thơ, trước hết xin được nói qua ít hàng về Bành Ngọc Lân. Sau đó, xin giải thích mấy câu thơ chữ Hán của họ Bành được trích dẫn phía trên, cùng giải thích một số danh từ riêng trong bài thơ như Tiểu Cô sơn, Bành Lang độ.

Bành Ngọc Lân:

Bành Ngọc Lân (彭玉麟 -- Peng Yulin)  là một danh tướng Trung hoa cuối đời Thanh, sinh năm 1816, mất năm 1890. Khi cuộc loạn Thái Bình Thiên Quốc (với những lãnh tụ Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh …) bùng nổ, chiếm gần nửa nước Trung hoa và Nam kinh để lập kinh đô,  rạch đôi giang sơn với nhà Thanh trong 11 năm từ 1853 tới 1864, triều đình nhà Thanh đã rung rinh, đất nước cực kỳ xáo trộn. Góp công đáng kể nhất trong việc dẹp yên được Thái Bình Thiên Quốc là một nhân sĩ tỉnh Hồ nam là Tăng Quốc Phiên (Zeng Guofan) cùng một đạo quân tình nguyện, đa số gốc Hồ nam, lấy tên là “Tương quân” (“quân đội vùng sông Tương,” một con sông chảy qua tỉnh Hồ nam). Bành Ngọc Lân là một tướng lãnh của đạo quân tình nguyện ấy, chỉ huy thủy binh, có công rất lớn trong việc dẹp Thái Bình Thiên Quốc.  Sau đó ông được cử làm Thủy sư Đô đốc, dần dần thăng tới Binh bộ Thượng thư của nhà Thanh. Sau khi người Pháp lấy miền Bắc Việt Nam và đem quân tới biên giới Hoa Việt năm 1883-84, Bành Ngọc Lân đã tới biên giới trong chức Binh bộ Thượng thư để quan sát cùng tổ chức việc phòng thủ. Ông về hưu và mất ít năm sau đó.

Tiểu Cô sơn:
Có nhiều Tiểu Cô sơn (小孤山 -- Xiaogushan hay Hsiao ku shan) trong lãnh thổ Trung hoa. Nếu tra cứu các tài liệu địa dư, ta sẽ thấy ít nhất 5 ngọn núi có tên như thế tại Nội Mông cổ, Cam túc (Gansu), Cát lâm (Jilin), Liêu ninh (Liaoning), và An huy (Anhui). Ngọn Tiểu Cô sơn do Bành Ngọc Lân chiếm được và nhắc tới trong bài thơ này nằm trong tỉnh An huy. Núi này ở gần tỉnh lỵ An khánh (Anqing), sát bên bờ Trường giang (Dương tử giang). Quân Thái Bình Thiên Quốc đóng trên núi này đã bắn xuống dữ dội, ngăn chặn đường tiến binh của đạo thủy quân do Bành Ngọc Lân chỉ huy trên đường tới bao vây Nam kinh. Muốn các chiến thuyền của mình có thể đi qua một cách an toàn, Bành Ngọc Lân bắt buộc phải đánh chiếm ngọn núi. Theo các sử liệu Trung hoa, việc này xảy ra vào tháng 2 năm 1853. Sau khi chiếm được núi, Bành Ngọc Lân cao hứng làm ra bài thơ sau:

書生笑率戰船来,
江上旌旗耀日開,
十萬貔貅齊奏凱
彭郎奪得小姑回

Thư sinh tiếu suất chiến thuyền lai
Giang thượng tinh kỳ diệu nhật khai
Thập vạn tì hưu tề tấu khải
Bành lang đoạt đắc Tiểu Cô hồi.

Nghĩa:
Thư sinh vừa cười vừa đốc thúc chiến thuyền tiến lại
Trên sông, cờ xí, các sao sáng và mặt trời cùng mở ra 
(chỉ việc quân Thái Bình Thiên Quốc bắn xuống như mưa)
Mười vạn quân dũng mãnh cùng hát khúc ca chiến thắng:
“Bành lang đã đoạt được Tiểu Cô trở về.”

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã đưa hai câu cuối của bài thơ này lên phía trước bài thơ của ông nhưng đổi đi mấy chữ trong câu thứ ba. Ông đã đổi “thập vạn tì hưu” (mười vạn quân dũng mãnh, do nghĩa gốc của “tì hưu” là con gấu trắng, một giống thú rất mạnh) ra “thập vạn đại quân” (đạo quân đông tới mười vạn). Ông cũng đổi “tề tấu khải” (cùng hát khúc ca chiến thắng) ra “tề cổ chưởng” (cùng vỗ tay), có lẽ để gần với hoàn cảnh của Việt Nam năm 1975 hơn.

Từ  “Tiểu Cô sơn 小孤山” tới “Tiểu Cô 小姑”: Mối chung tình của Bành Ngọc Lân:

Một điểm đáng lưu ý là ngọn núi được nhắc tới ở trên có tên小孤山 (núi nhỏ cô đơn) nhưng trong bài thơ, Bành Ngọc Lân đã cố tình viết sai, dùng một chữ cũng có âm “cô” nhưng nghĩa khác, là小姑 (người cô bé nhỏ). Thừa tiếp ý ấy, trong câu thơ thứ 3, Vũ Hoàng Chương viết, “Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây.” Muốn hiểu rõ điểm tế nhị này, ta cần biết qua về cuộc đời của Bành Ngọc Lân.

Khi còn ít tuổi, Bành Ngọc Lân yêu một thiếu nữ, con nuôi của bà ngoại ông. Đúng ra ông phải gọi bằng “dì” vì là em nuôi của mẹ. Nhưng hai người trạc tuổi, cùng lớn lên và chơi đùa với nhau, tình yêu đến một cách tự nhiên. Gia đình không chấp thuận vì trong xã hội cổ, một hôn nhân như thế có thể bị coi là “loạn luân.” Bành Ngọc Lân phải đưa đi học xa trong khi cô gái, có biệt danh Mai cô, được gả cho người khác. Một năm sau Mai cô qua đời, lý do chính là sinh nở khó, nhưng Bành Ngọc Lân suốt đời không quên. Ông tới mộ Mai cô thương khóc, nguyện sẽ vẽ một vạn bức tranh hoa mai để trọn đời nhớ tới cô (giữ lời nguyện, ông vẽ được trên một vạn bức tranh hoa mai, trở thành một trong những họa sĩ Trung hoa chuyên về hoa mai). Khi chiếm được Tiểu Cô sơn năm 1853, Bành Ngọc Lân đã 37 tuổi và Mai cô đã mất từ lâu. Sau một cuộc ác chiến rất gần cái chết nhưng đắc thắng, ông tưởng như từ cõi chết trở lại. Nhân lấy được Tiểu Cô sơn và trước kia vẫn gọi Mai cô là “Tiểu Cô” (người cô bé nhỏ), ông cao hứng, tưởng như đã đem được nàng từ cõi chết về theo:

Bành lang đoạt đắc Tiểu Cô hồi
(Bành lang đoạt được Tiểu Cô [từ cõi chết] trở về).

Mối thiện cảm Vũ Hoàng Chương dành cho Bành Ngọc Lân:  

Cùng có một tình đầu tan vỡ và cùng suốt đời không quên mối tình ấy, thi sĩ Vũ Hoàng Chương hẳn đã dành rất nhiều thiện cảm cho Bành Ngọc Lân. Ý tưởng nguyên thủy trong các câu:

  Bành lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ tay
nhưng:
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây

biểu lộ một  thông cảm “đồng cảnh” giữa thi nhân họ Vũ với vị tướng quân kiêm họa sĩ họ Bành: không thể làm sống lại người yêu cũ, không thể đổi được định mệnh. Dù có nhân chuyện cùng một âm “cô” để cố tình hiểu “ngọn núi cô đơn” ra “người cô bé nhỏ” thì sau khi đoạt về, “Tiểu Cô” cũng không còn sự sống. Nhưng mối thông cảm Vũ Hoàng Chương -- Bành Ngọc Lân đã dừng ở đó. Toàn bài, nhất là 6 câu cuối, là những phán đoán rất bình tĩnh của tác giả về cuộc thống nhất đất nước năm 1975.

Cuộc thống nhất Việt Nam năm 1975 qua ngòi bút của Vũ Hoàng Chương:

Sống tại miền Nam cho tới tháng 9 năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương hẳn đã chứng kiến tận mắt những kinh hoàng của dân chúng trước cuộc tiến công của Hà nội trong các tháng 3 và 4-1975, được nghe tới nhàm chán những lời tự tôn đầy huênh hoang của kẻ chiến thắng, và nhất là hiểu rõ nỗi chua xót thấm thía của người dân miền Nam qua những câu “ca dao mới” như:

“Nam kỳ khởi nghĩa” tiêu “Công lý”
“Đồng khởi” vùng lên mất “Tự do.”

Bản thân ông, một người cầm bút, càng hiểu rõ thực trạng xã hội mới:
Rằng vách có tai, thơ có họa

và đã từng bị giam giữ trong cảnh ngộ:
Nửa manh chiếu nỉa hồn ngây ngất
Hai chén cơm rau xác mỏi mòn.

Sống tại Sàigòn, chắc chắn ông cũng từng nghe những câu nói rất được phổ biến trong dân chúng, “Đến cái cột đèn, nếu có chân, nó cũng muốn đi…”

Qua mấy câu đầu của bài “Đọc lại người xưa: Bành Ngọc Lân,” Vũ Hoàng Chương phác cho ta thấy một cảnh tượng tương phản: trong khi những người cầm đầu chế độ và tay chân của họ hớn hở, hồ hởi … tự ca tụng công ơn “giải phóng miền Nam,” thì những người được “giải phóng” không hưởng ứng, biểu lộ một thái độ dửng dưng, lãnh đạm:
Bành lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ tay
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ.

Người dân miền Nam, vốn thực tế, không bị chi phối bởi những thơ văn tuyên truyền đầy tính cách phóng đại:
Từ bao giờ đến bao giờ

Chẳng xiêu lòng núi vì thơ họ Bành.

Vũ Hoàng Chương cũng ghi nhận thái độ khinh miệt, bất cần, không coi trọng kẻ chiến thắng, của đa số dân chúng miền Nam:

Kể chi lúc ấy đời Thanh
Sá chi người ấy là danh tướng nào
Tiểu Cô sơn chỉ nhìn cao
Nghe Bành Lang độ thấm vào lòng chân.

Trong cuộc tấn công giành Tiểu Cô sơn năm 1853, Bành Lang độ (bến Bành Lang) là nơi Bành Ngọc Lân cho thủy quân đổ bộ để đánh lên núi.

Ý tưởng then chốt của Vũ Hoàng Chương nằm trong hai câu cuối. “Non” và “nước” vốn có những liên hệ tình cảm mật thiết và thiêng liêng. Muốn đưa “non” về với “nước,” muốn non sông thống nhất, không phải chuyện quá khó, nhưng cần có những thứ khác hơn là sức mạnh quân sự:

Non xưa bến cũ nhập thần
Đoạt non về bến đâu cần hùng binh

vì như đã nói trên, nếu chỉ biết dùng sức mạnh để chiếm đoạt, sẽ được một cơ thể  không có sự sống:

… Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ.

Tóm lại, “Đọc lại người xưa: Bành Ngọc Lân” không phải là một bài thơ phù phiếm, chỉ để bàn về mối tình đầu của một viên tướng Trung hoa cuối đời Thanh. Mượn chuyện đời xưa để nói chuyện đương thời, Vũ Hoàng Chương đã đưa ra một nhận xét có tính cách phán đoán về một sự kiện lịch sử xảy ra trong đời ông: việc thống nhất đất nước bằng cách xua quân chiếm miền Nam do những người cầm quyền ở Hà nội thực hiện năm 1975. Sống ở trong nước giữa giai đoạn ấy, ông không thể công khai nói một cách trực tiếp, nên đã để lại một bài thơ ngụ ý vô cùng hàm súc. Vũ Hoàng Chương rất xứng với danh hiệu một nhà thơ có lương tâm, phát biểu ý kiến một cách thành thật về những biến cố trong thời đại của mình, dù lời phát biểu ấy không hợp ý kẻ cầm quyền. Tuy chỉ dùng những lời thật hiền hoà, thái độ của ông không khác thái độ của Phùng Quán khi viết những câu sau đây:

Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ cầm dao viết văn lên đá.

Trần Huy Bích

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Nghệ sĩ Kim chi khinh lời khen Thủ Tướng



                 Nghệ sĩ Kim Chi khinh lời khen Thủ Tướng.

                Kim Chi nghệ sĩ được khen tài,
                Vinh dự trao lời thật mỉa mai.
                Thủ Tướng biết gì mà múa miệng,
                Bọn quan dốt chữ lại ra oai.
                Chối từ quà tặng từ Dũng sĩ ! 
                Khinh rẻ lời ban đến các ngài.
                Mọt Nước sâu dân lìa khỏi chức,
                Mới mong hạnh phúc đến muôn loài.

                                                  Nguyễn Lộc

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Nhóm chuyên gia bút hèn mới -Hà Nội



             Nhóm chuyên gia bút hèn mới -Hà Nội.

            Thời mạt vận mình lại đánh mình,
            Việt suy tàn biểu hiện âm binh.
            Chống dân đen biểu tình thù giặc,
            Lập bút đoàn nịnh bợ cầu vinh.
            Thà bán Nước phì thân ngu dốt,
            Để lừa người sống kiếp u minh.
            Đâu hay hán cộng đem tiền của,
            Mượn bọn văn nô diệt nghĩa tình.

                                         Nguyễn Lộc

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Chủ nghĩa đầu hàng

Nguyễn Hưng Quốc
 
Trong bài “Cái nước mình nó thế”, tôi có dùng chữ “chủ nghĩa đầu hàng”. Đó không phải là chữ của tôi. Ở Trung Quốc, đặc biệt dưới thời Mao Trạch Đông, người ta rất hay dùng chữ “chủ nghĩa đầu hàng”. “Chủ nghĩa đầu hàng” trở thành chiếc mũ cối được dùng để chụp lên đầu nhau trong các cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng. Trong Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông phê phán truyện Thủy Hử là tuyên truyền cho “chủ nghĩa đầu hàng” và chủ nghĩa xét lại. Ở Việt Nam, trong bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được soạn thảo vào năm 1943, Trường Chinh, lúc ấy là Tổng Bí thư đảng Cộng sản, đã sử dụng chữ ấy khi tố cáo chính sách văn hóa của Pháp là nhằm “tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng và chủ nghĩa ái quốc mù quáng và hẹp hòi (chauvinisme)”. Sau đó, đặc biệt sau năm 1954, ở miền Bắc, chữ “chủ nghĩa đầu hàng” cũng được một số nhà nghiên cứu sử dụng. Trong số đó, có hai nhà phê bình văn học nổi tiếng: Trần Thanh Mại, với bài “Thơ văn Phan Thanh Giản chỉ là tiếng thở dài của chủ nghĩa đầu hàng” và Hoài Thanh khi đánh giá nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ở đây, xin nói một chút về nhận định của Hoài Thanh.
Trong Truyện Kiều, nhân vật được chú ý và gây tranh cãi nhiều nhất, ngoài Thúy Kiều, chắc chắn là Từ Hải. Người khen, khen hết lời. Khen tướng mạo: “Râu hùm, hàm én, mày ngài”. Khen bản lĩnh: “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”. Khen tài hoa: “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Khen tính cách: “Đội trời đạp đất ở đời”. Khen hành động: “Nghênh ngang một cõi biên thùy”. Nhưng người chê, cũng chê hết sức gay gắt. Chê dại gái: “Bốn bể anh hùng còn dại gái / Thập thành con đĩ mắc mưu quan.” Tương truyền vua Tự Đức, khi đọc đến câu “Chọc trời quấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?” đã tức giận ném cuốn sách xuống đất và dọa nếu Nguyễn Du còn sống thì sẽ căng ra đánh ba chục roi vì tội bất kính đối với hoàng đế. Hoài Thanh kể: Hồ Chí Minh có lần nói với Tố Hữu: “Từ Hải là một thằng tồi, nó không chết đứng thì rồi cũng đến chết ngồi, mà đã chết vì đầu hàng thì chết đứng hay chết ngồi đều là chết nhục.” (Hoài Thanh toàn tập, tập 4, nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 856.)
Hoài Thanh rất mê Truyện Kiều, và ở Truyện Kiều, “đặc biệt thích nhân vật Từ Hải”. Tháng 5 năm 1943, trên báo Thanh Nghị, ông viết bài ca ngợi Từ Hải: với nhân vật Từ Hải, văn thơ cổ điển của cha ông chứng tỏ “cái cốt cách tráng kiện, cái khí chất hào hùng”. Năm 1949, thời kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục ca ngợi Từ Hải: “Từ Hải chết không nhắm mắt, Từ Hải chết đứng… Từ Hải chết với lòng ngay thẳng của mình, vì sự hèn nhát của Hồ Tôn Hiến.” Năm 1959, sau hiệp định Geneve, ở miền Bắc, ông lại vẫn khen Từ Hải: “Từ Hải ngay thẳng cả với kẻ thù và đã chết vì sự ngay thẳng, vì thật dạ tin người.” Nhưng sau đó, dưới ảnh hưởng của đảng Cộng sản, đặc biệt của Hồ Chí Minh và Tố Hữu, ông thay đổi hẳn cách đánh giá của mình. Năm 1965, ông lại phê phán Từ Hải: “Từ Hải bị giết, vì dại dột tin người mà bị giết.”
Trong bài “Thêm một lý do để yêu Đảng”, sau khi tóm tắt các chi tiết kể trên, ông tự đánh giá:
“Như thế là từ chỗ nói Từ Hải ‘chết vì ngay thẳng, vì thật dạ tin người’ đến nói ‘vì dại dột tin người’, qua đúng hai mươi năm tham gia cách mạng tôi mới bắt đầu nhìn thấy cái chết này cần phê phán. Rõ ràng là quá chậm. Nhưng tôi vẫn chưa nhìn ra cái chính cần phê phán. Cái chính ấy, tạp chí Văn nghệ Giải phóng tháng 12 năm 1965 đã nói lên trong một bài viết về Truyện Kiều nhân dịp kỷ niệm Nguyễn Du: ‘Thế rồi Từ Hải chết vì phạm sai lầm của chủ nghĩa đầu hàng’.”
Rồi ông nói thêm:
“Trong điều kiện chiến đấu ác liệt ở miền Nam, các đồng chí đã nhanh chóng nhìn ra sự thật; đầu hàng là chết, và đã chết vì đầu hàng thì chết đứng, chết ngồi đều là chết nhục.” (Hoài Thanh toàn tập, tập 2, nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 1414.)
Viết như trên, Hoài Thanh chỉ có dụng ý ca ngợi đảng Cộng sản, kẻ đã làm ông “sáng mắt sáng lòng”. Nhưng cái giá phải trả cho những cái “sáng” ấy là ông phải hy sinh nhiều thứ: thứ nhất là văn học (vì những mục tiêu chính trị); thứ hai là tài năng (khi ông trở thành một kẻ nói leo). Đó là chưa kể chuyện hy sinh nhân cách; nói như Xuân Sách: “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời / Nửa đời còn lại vị người bề trên.”
Nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói đến chuyện khác:
Tại sao trước 1975, giới lãnh đạo Cộng sản ghét chủ nghĩa đầu hàng đến như vậy mà bây giờ, từ lời nói đến hành động của họ, ở đâu cũng bàng bạc một thứ chủ nghĩa đầu hàng đến thảm hại như vậy?
Trung Quốc ức hiếp họ đến mấy, họ vẫn cứ nhịn. Trung Quốc chửi: họ nhịn. Trung Quốc đánh: họ nhịn. Tàu Trung Quốc đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam, họ cũng không dám gọi tên. Chỉ nói bâng quơ: “tàu lạ”. Tàu Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò dầu khí Việt Nam, họ cũng không dám lên tiếng; hơn nữa, còn biện hộ giùm cho Trung Quốc: vì Trung Quốc “vô tình”. Họ phân bua: Không phải họ hèn mà vì họ muốn tránh chiến tranh. Nhưng dưới mắt người dân, qua lời nói cũng như việc làm của họ, vừa đối với dân vừa đối với Trung Quốc, họ thực sự đã đầu hàng và muốn cổ vũ cho một thứ chủ nghĩa đầu hàng trong quần chúng. Để đừng ai hô hào chống lại Trung Quốc cả.
Tôi gặp khá nhiều đảng viên thuộc thành phần trí thức, có người giữ một số chức vụ khá cao, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, ở miền Bắc. Mỗi lần nhắc đến các hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc và các phản ứng yếu ớt của Việt Nam, hầu như ai cũng đều nói một giọng giống nhau: “Mình là nước nhỏ và yếu mà. Làm gì được?” Người ta xem chuyện thua Trung Quốc là chuyện đương nhiên. Và người ta chịu thua ngay từ đầu.
Bạn tôi có một người quen trước đây từng du học ở Úc. Học cũng chẳng đến đâu. Sau, về nước, không có một mảnh bằng nào cả. Nhưng nhờ bố làm lớn trong Trung ương đảng, anh ta nhảy lên làm giám đốc một công ty ở Hà Nội; sau đó, chuyển sang làm đại diện cho một đại công ty Việt Nam ở Bắc Kinh. Nói chuyện qua điện thoại với bạn tôi, anh ta khoe là suốt ngày đi chơi. Bạn tôi ngạc nhiên: “Mày là trưởng phòng đại diện mà sao rảnh rỗi quá vậy?” Anh ta đáp: “Thì em có biết gì đâu. Toàn bọn Tàu làm cho em cả!”. Bạn tôi lại hỏi: “Mày không sợ Tàu cướp nước mình hả?”. Anh ta cười giòn giã: “Thôi, anh ơi. Bận tâm gì đến chuyện đó. Cứ xem như mình đã mất nước rồi đi! Bọn Tàu bây giờ khác Tàu ngày xưa lắm. Ngay cả khi cướp nước mình, bọn nó cũng chả hành hạ gì dân mình đâu!” Rồi anh ta lại cười. Cười rất giòn giã.
Thoạt nghe chuyện ấy, tôi nghĩ đó chỉ là một chuyện cá biệt. Nhưng sau, nói chuyện với nhiều cán bộ từ Việt Nam sang, tôi mới biết đó là một thái độ hết sức phổ biến. Ngay trong bài giảng về Biển Đông của Đại tá Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, vào giữa tháng 12 vừa qua, cũng toát lên điều đó. Chỉ khác ở cách nói.
Tại sao có một sự thay đổi nhanh chóng và lạ lùng đến như vậy nhỉ?
Không thể không nghĩ đến chuyện Hoài Thanh kể trên. Ông đi từ sự ngưỡng mộ đến sự phê phán đối với Từ Hải, từ việc cho Từ Hải là anh hùng đến việc chê trách Từ Hải là kẻ theo chủ nghĩa đầu hàng, chỉ vì những ảnh hưởng của đảng, cụ thể là của Hồ Chí Minh, qua lời kể của Tố Hữu.
Còn bây giờ, sự phát triển tràn lan của chủ nghĩa đầu hàng tại Việt Nam hiện nay là do đâu?
Hỏi cho vui vậy thôi.
 

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Xuân tha hương



                           Xuân tha hương 2013

                Nước mất nhà tan đời chia cắt,
                Vui gì xuân mới chúc cho nhau.
                Ấm no cũng thẹn người vong quốc,
                Lệ nhỏ chi ! nhung nhớ! biệt ly nào ?

                                                 Nguyễn Lộc

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Mùa xuân có tự bao giờ !



                                 Mùa xuân có tự bao giờ !

                    Mùa xuân có tự bao giờ !
                    Cớ sao dí dỏm ỡm ờ buồn vui;
                    Rằng từ nguyên thuỷ tới lui,
                    Tâm duyên theo cảnh vọng nuôi ý tình.
                    Mỗi ngày mỗi nụ xuân xinh,
                    Mỗi giây chánh niệm thoát hình trầm luân.

                                                                Nguyễn Lộc