Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Bóng ngày qua



       Ta nhớ ở chỗ nầy khi trước,
       Nhóng mắt nhìn thơ thẩn bóng em sang.
       Hòn sỏi cũng mỏi mòn trơ góc đá,
       Cỏ úa tàn gót dẫm nát tháng ngày qua.

       Nầy khi khác lần lữa tuổi là đà,
       Pháo nổ dòn nhà ai tim rướm máu.
       Chào mắt ướt cánh mi cong chờ đón,
       Chút hồn thừa thương nhớ bóng chiều đau.
  
       Nầy khi khác sớm nầy tóc đã bạc,
       Ngó mắt về ở cuối nẻo trời xa
       Có ai nhớ tơ lòng đời trôi giạt,
       Cho hôm nay lơ lững bóng quan hà.

                                              
                                           Nguyễn Lộc

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Lời cảnh tỉnh


     Nếu lỡ mai nầy mơ cộng sản
      Thắp nhang tha thứ kẻ tà tâm.
      Lòng lành sẽ xoá tan niềm ác,
      Mầm thiện gieo trồng sáng thế nhân.
      Nước Việt bốn ngàn năm lập quốc,
      Hiền tài vạn kiếp rạng tiên rồng.
      Hồn thiêng sông núi từ bao thuở,
      Giữ vững thuần phong giống lạc hồng.

                                                 Nguyễn Lộc

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Lợi dụng tự do dân chủ và lợi dụng quyền lực


Nguyễn Hưng Quốc

Chỉ trong hơn hai tuần, chính quyền Việt Nam ra lệnh bắt khẩn cấp hai blogger nổi tiếng ở Việt Nam: bắt Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng vào ngày 26/5 và sau đó, bắt Phạm Viết Đào tại Hà Nội vào ngày 13/6. Cả hai đều bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam.


Trước đó, ở Việt Nam, công an và chính quyền cũng đã từng bắt bớ và kết án nhiều người với tội danh tương tự: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Tôi tò mò vào đọc lại bộ Luật hình sự Việt Nam, thấy ghi:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Đọc xong, thú thực, tôi vẫn không hình dung được cụ thể cái gọi là tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” ấy là như thế nào cả. Tôi sống ở Tây phương khá lâu, hiếm khi nghe đến các tội thuộc loại đó. Ở Tây phương, người ta nói nhiều đến tội lợi dụng quyền lực chứ không ai nói đến tội lợi dụng tự do dân chủ. Noam Chomsky có một cuốn sách nổi tiếng tiêu biểu cho cách nhìn ấy: Failed States: The Abuse of Power and the Assault on Democracy (Các nhà nước thất bại: Lợi dụng quyền lực và tấn công dân chủ) do Holt Paperbacks xuất bản năm 2007, ở đó, Chomsky tập trung sự phê phán vào chính phủ, chủ yếu là chính phủ Mỹ, trong việc can thiệp bằng quân sự vào nội bộ các nước khác.

Chomsky là một trí thức khuynh tả nổi tiếng vừa như một người có những suy nghĩ độc lập vừa như một người chống chính phủ (Mỹ) đến mức cực đoan, do đó, ông vừa được nể trọng vừa bị phê phán gay gắt bởi chính giới trí thức Mỹ. Tuy nhiên, điều ông nhấn mạnh hoàn toàn đúng: điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền. Có thể nói nếu bản chất của dân chủ là vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực, nguy cơ lớn nhất mà mọi nền dân chủ lúc nào cũng phải đối diện là việc lợi dụng quyền lực. Nói đến nhu cầu hoàn thiện dân chủ chủ yếu là nói đến việc hoàn thiện các phương thức hạn chế các sự lợi dụng và lạm dụng ấy.

Cách nói “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của chính quyền Việt Nam, vốn rất xa lạ với thế giới Tây phương, vừa nghịch lý vừa vô lý.

Nó nghịch lý ở nhiều điểm. Thứ nhất, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, ai cũng biết, dân chúng không có nhiều tự do dân chủ để lợi dụng. Thứ hai, nói đến lợi dụng là nói đến giới hạn, một người bị buộc tội là lợi dụng một cái gì đó khi người ấy vượt qua khỏi cái giới hạn mà nó cho phép; tuy nhiên, tự do của mỗi người vốn lại vô giới hạn trong chừng mực nó không đụng đến tự do của người khác. Như vậy, ở đây sẽ có ba trường hợp: Một, đối với những lãnh vực hoàn toàn không có quan hệ đến người khác, đến bất cứ ai cả, tôi có quyền tự do tuyệt đối; hai, tôi phải biết dừng lại khi chạm đến biên giới của quyền tự do của người khác (ví dụ, tôi có thể nói bất cứ điều gì về tôi nhưng tôi lại không có quyền bới móc đời tư của người khác; tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi sẽ không bị buộc tội là lợi dụng tự do của tôi mà là tội xâm phạm vào đời tư người khác hoặc làm hại đến thanh danh người khác); và ba, cái gọi là “biên giới” của tự do của mỗi người lại không phải là một cái khung cố định: một số người, khi quyết định tham gia vào chính sự, trở thành một thứ nhân vật công cộng (public figure), đã mặc nhiên tự nguyện hy sinh phần lớn cái gọi là riêng tư của mình: Với những người ấy, việc vạch trần nhiều chi tiết thuộc về đời tư, ví dụ thu nhập hay tài sản của họ hoặc gia đình họ, không còn bị xem là xâm phạm vào đời tư của nhau nữa. Trong cả ba trường hợp ấy, cái gọi là lợi dụng quyền tự do không hề hiện hữu. Thứ ba, cách nói lợi dụng dân chủ lại càng nghịch lý vì dân chủ, tự bản chất, là quyền từ dưới lên (của dân chúng đối với giới lãnh đạo qua việc bầu cử cũng như phê bình và kiểm tra), nhưng trên thực tế, về phương diện cơ cấu, lại thuộc về phía trên, ở những người cầm quyền: Chỉ có những người cầm quyền mới có thể lợi dụng dân chủ; với dân chúng, những người thấp cổ bé miệng thì vô phương.

Hơn nữa, việc lên án các hành vị lợi dụng quyền tự do dân chủ của dân chúng còn vô lý vì ở Việt Nam hiện nay, nguy cơ phổ biến và trầm trọng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người và vận mệnh của đất nước nhất, chính là việc lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi dụng tự do dân chủ. Tham nhũng: lợi dụng quyền lực. Mua quan bán chức: lợi dụng quyền lực. Đưa con cháu mình vào những chức vụ vượt quá khả năng và không đúng quy định về bổ dụng: lợi dụng quyền lực. Tạo cơ hội cho thân nhân làm giàu một cách bất chính: lợi dụng quyền lực. Trấn áp các quyền tự do căn bản và các biểu hiện căn bản của dân chủ: lợi dụng quyền lực. Chà đạp lên nhân quyền, bắt bớ những người không làm gì khác ngoài việc phát biểu ý kiến và chính kiến của mình: lợi dụng quyền lực. Khẳng định thế lãnh đạo độc tôn của đảng mình, bất chấp nguyện vọng của dân chúng, yêu cầu của dân chủ và xu hướng phát triển của nhân loại: lợi dụng quyền lực.

Ở Việt Nam hiện nay, nhìn đâu cũng thấy lợi dụng quyền lực. Quyền lực nhỏ: lợi dụng ít; quyền lực lớn: lợi dụng nhiều. Lợi dụng quyền lực từ tên công an đứng đường đến đến các bộ trưởng, các thứ trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước và vô số những kẻ gọi là lãnh đạo chủ chốt khác. Tai họa lớn nhất mà dân chúng Việt Nam phải gánh chịu hiện nay là lợi dụng quyền lực. Nhu cầu khẩn thiết nhất để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phát triển cao phải bắt đầu từ một điểm chính: hạn chế lợi dụng quyền lực.

Bắt bớ và trấn áp những người dân bình thường với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là một cách lợi dụng quyền lực một cách thô bạo. Và trơ trẽn. Trơ trẽn vì nó đánh tráo khái niệm “lợi dụng”.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Rong chơi cõi vô thường


  
      Ai biết về đâu mấy nhịp đời,
      Ba chìm bảy nổi lững lờ trôi.
      Duyên gieo tiền kiếp lần đưa tới,
      Nghiệp đến vị lai chẳng thấy vơi.
      Tàng thức hạt mầm ngầm chất chứa,
      Ác lành ngày tháng thả rong chơi.
      Tử sinh thân mạng như mây khói,
      Thế giới ta bà chỉ ảo thôi .

                                        Nguyễn Lộc

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Lòng tin và sự xấu hổ


Nguyễn Hưng Quốc

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn trong phiên họp 

khai mạc cuộc họp Shangri-La bàn về an ninh khu vực Đông Nam Á, ngày 31/5/2013.


 Nhân nhắc đến khái niệm lòng tin chiến lược trong bài nói chuyện của ông Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta thử bàn về chuyện lòng tin trong chính trị nói chung. Nói đến lòng tin, ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào sự tin cậy (trust, chứ không phải faith hay belief) và chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị đối nội, trong nội bộ một quốc gia.

Trước hết, hầu như ai cũng biết sự tin cậy là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mọi người có thể sinh hoạt chung với nhau trong xã hội, từ phạm vi nhỏ và riêng tư nhất là gia đình và bạn bè đến những phạm vi lớn hơn như các cơ sở làm ăn buôn bán hoặc các đoàn thể và cuối cùng, sinh hoạt chính trị trong cả nước. Nền tảng của cái gọi là đạo đức công dân, thật ra, là vấn đề tin cậy: mình tin người khác và làm cho người khác tin mình bằng cách, trước hết, tự mình làm cho mình đáng tin cậy. Nền tảng của dân chủ, nghĩ cho cùng, cũng là sự tin cậy: tin cậy vào thiện chí của người khác và vào quyết định của đa số (biểu hiện cụ thể nhất là qua các lá phiếu).

Trong chính trị đối nội, lòng tin có ba loại: tin vào các nhà lãnh đạo, tin vào các tổ chức công quyền và tin vào cơ chế.

Trong các tổ chức công quyền, nổi bật nhất là lập pháp (tập trung vào Quốc hội - ở một số nước, có hai hình thức chính Thượng viện và Hạ viện), hành pháp (tập trung vào phủ Tổng thống và/hoặc văn phòng Thủ tướng) và tư pháp (qua hình ảnh của toà án cũng như công an). Ranh giới giữa lòng tin vào các nhà lãnh đạo và các tổ chức công quyền không hoàn toàn rạch ròi: Ở các cơ quan hành pháp, người ta có khuynh hướng nhìn vào người lãnh đạo cao nhất (tổng thống hoặc/và thủ tướng); còn ở các cơ quan khác, từ lập pháp đến tư pháp, vai trò tập thể nổi bật hơn vai trò của cá nhân, do đó, người ta có thói quen nhìn vào cả cơ quan hơn là từng người cụ thể, ngay cả là người lãnh đạo cao nhất.

Đối với các nhà lãnh đạo, lòng tin cũng có nhiều loại: Một, tin vào cá tính và đạo đức của họ; và hai, tin vào lý tưởng cũng như các chính sách mà họ theo đuổi. Trong hai loại lòng tin ấy, cá tính của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng đầu tiên, có vai trò thu hút quần chúng nhất. Không có cá tính mạnh và không có sức cuốn hút quần chúng, không ai có thể trở thành lãnh tụ được, nhất là ở các quốc gia dân chủ, nơi để trở thành lãnh tụ, người ta phải trải qua những cuộc tranh cử và bầu cử gay gắt, trước hết, trong nội bộ đảng, và sau đó, trong phạm vi quốc gia. Nhưng yếu tố đầu tiên này tức khắc trở thành thứ yếu khi người ta trở thành lãnh tụ thực sự. Khi trở thành lãnh tụ, yếu tố được quần chúng quan tâm nhất lại là lý tưởng và từ đó, chính sách của họ. Lý tưởng, vốn thường lớn và chung chung, là yếu tố đầu tiên để gây chú ý và sự đồng cảm. Tuy nhiên, yếu tố chính để quần chúng đánh giá giới lãnh đạo chính là đường lối và chính sách, tức những khía cạnh nhằm hiện thực hoá lý tưởng mà họ tuyên truyền. Đối với đường lối và chính sách, ba điều kiện căn bản nhất là: một, rõ ràng; hai, nhất quán; và ba, hiệu quả. Xuyên suốt từ đầu đến cuối, vấn đề đạo đức của nhà lãnh đạo luôn luôn là một vấn đề quan trọng. Có điều, ở đây là đạo đức công dân chứ không phải là đạo đức cá nhân. Những cái gọi là hiền lành, khiêm tốn, hòa nhã, dễ thương, mau nước mắt, v.v. đều thuộc loại đạo đức cá nhân. Là đạo đức cá nhân, chúng chỉ có ý nghĩa trong phạm vi liên-cá nhân, giữa người này và người khác, trong một không gian có giới hạn. Điều người ta quan tâm nhất ở nhà lãnh đạo là thứ đạo đức công dân, trong đó, nổi bật nhất là sự trong sạch, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng pháp luật, bởi vậy, ba cái xấu thường dễ bị theo dõi và lên án nhất chính là tham nhũng, vô trách nhiệm và lạm dụng quyền hành.

Đối với các tổ chức, nội dung của cái gọi là lòng tin chỉ tập trung chủ yếu vào khía cạnh thực hành với hai nội dung chính: năng lực và tính hiệu quả. Tiêu chí để đánh giá việc thực hành là hiến pháp và luật pháp. Nói đến năng lực và tính hiệu quả của các cơ quan, người ta phải đối chiếu việc thực hành của các cơ quan ấy so với các quy định ghi trong hiến pháp và luật pháp. Nếu nhiệm vụ chính của công an, chẳng hạn, là bảo đảm an ninh và an toàn trong xã hội thì năng lực và tính hiệu quả của công an cần phải được đo lường và đánh giá trên mức độ tội phạm các loại trong xã hội.

Đối với cơ chế, lòng tin chủ yếu tập trung vào tính lý tưởng, tính hiệu quả và sự bền vững của nó.

Qua ba loại lòng tin ở trên, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các xã hội dân chủ và các xã hội phi dân chủ.

Ở các xã hội dân chủ, từ Mỹ đến Úc và toàn bộ các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu, dân chúng có thể mất lòng tin vào giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền, nhưng họ luôn luôn tin tưởng vào cơ chế. Cơ chế dân chủ mà họ thiết lập và hoàn thiện suốt cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa không những có tính lý tưởng cao, phù hợp với những bảng giá trị phổ quát của nhân lại (tôn trọng tự do cá nhân và sự bình đẳng giữa mọi người cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật) mà còn có tính hiệu quả trong việc vận hành kinh tế, an sinh xã hội và đặc biệt, quản trị đất nước. Hơn nữa, mọi người còn tin tưởng vào sự bền vững của nó: Một mặt, giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền có thể thay đổi, nhưng cơ chế dân chủ thì không; mặt khác, chính cơ chế ấy bảo đảm mọi sự thay đổi quyền lực đều diễn ra một cách êm thắm, không gây nên bất cứ một xáo trộn nào trong xã hội. Chính vì vậy, ở hầu hết các nước dân chủ, tâm lý quần chúng thường khá an tâm sau các cuộc bầu cử. Trong bầu cử, người ta có thể tranh đấu với nhau một cách dữ dội nhưng bầu cử xong, tuy có kẻ thắng người thua và tuy sẽ có những chính sách khác nhau, mọi người vẫn biết rõ một điều: tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp chế vẫn được tôn trọng và duy trì. Dưới chính phủ mới, một số người có thể bị cắt bớt một phần trong các trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội, chẳng hạn, nhưng chắc chắn, sẽ không có ai bị bỏ đói, bị tước đoạt đất đai hay bị bắt bỏ tù một cách vô lý vì một số phát ngôn hay vì tham gia một cuộc biểu tình nào đó.

Cũng chính vì tin cậy vào cơ chế nên ở các quốc gia Tây phương, hầu như không ai nghĩ đến chuyện gây bạo loạn để lật đổ chính quyền. Mọi sự thay đổi, nếu có, đều diễn ra bên trong cơ chế, với các luật chơi gắn liền với cơ chế.

Ở các nước phi dân chủ, ngược lại, điều người ta ít tin nhất, lại là cơ chế. Thoạt đầu, chế độ phi dân chủ nào cũng khuếch đại tính lý tưởng của nó để thu phục nhân tâm. Nhiều người sẵn sàng tin và có người sẵn sàng hy sinh tính mạng để thực hiện các lý tưởng ấy. Nhưng cái thiếu nhất của các chế độ độc tài là tính hiệu quả. Khái niệm hiệu quả ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà còn trải rộng ra mọi phạm vi khác, từ luật pháp đến xã hội, văn hóa, chính trị và nhân quyền. Cứ nói mãi đến tự do nhưng đi đâu cũng đối đầu với công an, lúc nào cũng có nguy cơ bị công an còng tay hay đạp vào mặt; cứ nói mãi đến dân chủ, nhưng tranh cử thì hạn chế, bầu cử thì gian lận, bộ máy công quyền đều được giao phó cho những kẻ bất tài nhưng có nhiều “quan hệ”… dần dần người ta sẽ mất hết niềm tin. Chính vì có sự trái ngược giữa tính lý tưởng và tính hiệu quả như vậy, mọi chế độ độc tài đều thiếu hẳn tính ổn định và bền vững. Kiểu tuyên truyền ưu tiên cho ổn định ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam, là một lối ngụy biện đầy nghịch lý, bởi, tự bản chất, đã độc tài thì không thể ổn định, và vì không ổn định, nó cũng không thể bền vững.

Đó chính là tình trạng ở Việt Nam hiện nay.

Lần lượt, nhiều người, ngay cả những kẻ từng cúc cung phục vụ chế độ gần như cả đời, đều nhận ra một điểm: tất cả các khuyết điểm ở Việt Nam đều bắt rễ từ một cái lỗi chính, có người gọi là “lỗi hệ thống”. Lỗi hệ thống tức là lỗi ở cơ chế. Lỗi ở cơ chế chủ yếu là lỗi ở ba khía cạnh: một, phương thức lên cầm quyền (thường, một cách chính đáng, phải gắn liền với các cuộc bầu cử tự do); hai, ở phương thức phân quyền (yêu cầu tối thiểu là tính chất độc lập của tư pháp, và đằng sau nó, lực lượng công an); và ba, phương thức kiểm soát quyền lực (chỉ đáng tin cậy khi, thứ nhất, người kiểm soát độc lập với người bị/được kiểm soát; và thứ hai, từ nhiều nguồn khác nhau. Ở Tây phương, cơ cấu kiểm soát quyền lực thường chằng chịt nhiều tầng và từ nhiều góc độ khác nhau, từ tư pháp đến truyền thông, các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức phi chính phủ và, bàng bạc khắp nơi, dân chúng).

Lâu nay, dường như chính quyền Việt Nam cảm thấy tuyệt vọng trong việc củng cố lòng tin của dân chúng vào cơ chế nên bộ máy tuyên truyền của họ thường hiếm khi đề cập đến cơ chế, vốn gắn liền với chế độ. Họ chỉ sử dụng biện pháp tiêu cực là cấm đoán việc phê phán cơ chế hoặc lâu lâu vẽ vời vài chuyện nhăng nhít (trong đó, mới nhất là việc bỏ phiếu tín nhiệm giới lãnh đạo) để mị dân hoặc lừa dân với ảo tưởng là cơ chế ấy đang trong tiến trình tự hoàn thiện. Nhưng cố gắng xây dựng lòng tin dựa trên lời hứa hẹn là nó đang tự thay đổi và hoàn thiện chỉ là một trò chơi nửa vời của những kẻ đang biết là mình thua cuộc. Nó thiếu hẳn tự tin. Và cũng thiếu lòng tin ở cơ chế.

Trước đây, bộ máy đảng và chính quyền tập trung thật nhiều công sức vào việc gây dựng lòng tin vào các nhà lãnh đạo bằng cách thần thánh hóa, hoặc ít nhất, thần tượng hóa một người nào đó, trước là Hồ Chí Minh, sau là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Nhưng với giới lãnh đạo thuộc các thế hệ sau, các nỗ lức ấy bị biến thành tuyệt vọng ngay cả trước khi họ bắt đầu thực hiện. Lý do chính, tôi nghĩ, là do sự phát triển của truyền thông. Với thế hệ lãnh đạo đầu tiên, việc thần thánh hóa tương đối dễ: dưới mắt dân chúng, ông Hồ Chí Minh, chẳng hạn, lâu lâu mới thoáng qua một lần. Toàn bộ hình ảnh của ông là do các cán bộ tuyên truyền hoặc chính ông vẽ ra. Không ai có thể kiểm tra được cả. Giới lãnh đạo gần đây, đi đâu cũng có các ống kính chĩa vào ghi hình và ghi âm, rất dễ bộc lộ những sự hớ hênh trong cả trí tuệ lẫn nhân cách. Huống gì hầu hết các nhà lãnh đạo gần đây đều thuộc loại kém cỏi. Họ khó đủ sức để giữ được lòng tin của quần chúng.

Dĩ nhiên, nói đến lòng tin của dân chúng đối với lãnh đạo Việt Nam, chúng ta khó tìm ra một bằng chứng cụ thể nào để phân tích. Bầu cử thì gian lận; các cuộc điều tra dư luận thì bị cấm đoán, mọi cố gắng tìm kiếm số liệu đều trở thành vô vọng. Nhưng ít nhất cũng có một số người biết chắc chắn là dân chúng không tin giới lãnh đạo: Đó chính là giới lãnh đạo hiện nay. Biết, nên họ sợ và tìm mọi cách để tránh né việc đối đầu với việc bày tỏ cách đánh giá của dân chúng. Họ biết chắc chắn một điều: nếu để dân chúng tự do bộc lộ lòng tin, họ sẽ chỉ đạt được số âm.

Như vậy, ở đây, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác: Ở Việt Nam, không phải chỉ có việc dân chúng mất lòng tin vào cơ chế, cơ quan công quyền và giới lãnh đạo mà còn có hiện tượng bản thân giới lãnh đạo cũng không tin vào cơ chế và đặc biệt, vào quần chúng. Họ không bao giờ dám để dân chúng phát biểu một cách tự do và trung thực. Họ cũng không dám để dân chúng được tự do lựa chọn. Đây đó, họ giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể đa đảng: đa đảng sẽ gây nên hỗn loạn. Tại sao đa đảng, ở các nơi khác không gây nên hỗn loạn mà ở Việt Nam thì có? Họ trả lời: Tại dân trí Việt Nam còn thấp! Nói thế tức là không tin vào trí tuệ, vào phán đoán, và cuối cùng, sự lựa chọn của dân chúng.

Trên diễn đàn quốc tế, giới lãnh đạo Việt Nam nói đến lòng tin, nhưng một trong những bi kịch lớn nhất ở Việt Nam là không ai tin ai cả. Trong quan hệ xã hội, người ta không tin nhau. Trong quan hệ chính trị, dân chúng không tin nhà cầm quyền và nhà cầm quyền, ngược lại, cũng không tin dân chúng. Khi lòng tin bị đánh mất, yếu tố thống trị mọi quan hệ xã hội và chính trị chỉ còn là sự giả dối.

Giả dối thì ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam, sự giả dối có hai điểm đặc biệt: Thứ nhất, nó không phải chỉ hiện diện, thậm chí, không phải chỉ phổ biến mà còn thống trị mọi sinh hoạt và mọi loại quan hệ; và thứ hai, chính vì tính chất thống trị ấy, nó trở thành một điều bình thường, không còn làm cho ai xấu hổ cả.

Không có một xã hội nào có thể lành mạnh nếu thiếu sự tin cậy và không có một nền đạo đức nào có thể đứng vững nếu thiếu sự xấu hổ.

Tiếc, Việt Nam thiếu cả hai.

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Đường tình dạo ấy



       Ai tô cánh phượng thắm màu,
       Tim hồng rực nắng dạt vào lối xưa,
       Sân trường lặng tiếng cười đùa;
       Những đàn chim nhỏ bây giờ ở đâu?
       Lang thang vàng lá rơi đầu,
       Ngỡ rằng cô bé nghịch lâu thuở nào.
       Đường chiều phố xá lao xao,
       Gót mòn nhịp bước tình trao duyên nồng;
       Chung tay lối mộng lâng lâng,
       Gió mơn tà áo nhẹ làn tóc bay
       Cánh diều còn lướt trên mây,
       Ngã nghiêng theo dấu em gầy dáng xưa.
       Lòng nghe tình th́ắm đong đưa,
       Quay về trường cũ bao mùa nhớ thương.

                                                  Nguyễn Lộc
       

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Mưa chiều năm ấy



         Lá theo gió lướt về nguồn,
         Mưa rơi dìu dặt phủ buồn hoàng hôn.
         Gót chân gõ nhịp hai thôn,
         Sầu khơi bóng xế ru hồn lãng du.
         Tiếng lòng quyện áng mây thu,
         Thấm vào nỗi nhớ người thu gọi về.
         Con đò rời bến xa quê,
         Giã từ dáng nhỏ tóc thề bóng soi.
         Mái chèo bong bóng nổi trôi,
         Lướt dòng nước cuốn thuyền sôi men tình.
         Mưa chiều vàng chiếu lung linh,
         Nhấp nhô gợn sóng soi hình dáng hoa.
         Mưa rơi rơi mãi chan hoà,
         Bên giòng sông cũ chiều xa vắng người.

                                                   Nguyễn Lộc
    

         

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Cánh hoa về nguồn



          Tiếng mưa rơi nhịp buồn xa vắng,
          Cánh hoa tàn tim nát ly tan.
          Lặng nghe giây phút bàng hoàng ,
          Hoa hồng thương nhớ theo làn khói bay.
          Nhẹ gió cuốn lung lay tình lỡ,
          Bóng thời gian thắp nến bên bờ.
          Còn đâu năm tháng đợi chờ,
          Người xưa tình cũ lững lờ đâu đây.
          cõi vô thường tình dầy sương gió,
          Kiếp luân hồi nặng nợ bốn phưong.
          Đưa người về với cội nguồn,
          Riêng ta lãng đãng ru hồn chiều nay.

                                             Nguyễn Lộc
       
      

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Xây dựng lòng tin chiến lược


Nguyễn Hưng Quốc


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La 2013.

 Bài phát biểu “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 vào ngày 31/5 gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trên các diễn đàn mạng. Một số người khen, cho là với bài phát biểu ấy, Nguyễn Tấn Dũng chứng tỏ có một tầm nhìn khá có tính chiến lược. Một số người khác chê là ông nói toàn những sáo ngữ trống rỗng, không dám trực diện với những vấn đề trầm trọng mà Việt Nam đang phải đối đầu với Trung Quốc.

Trước hết, ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin: “nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ ‘mất lòng tin là mất tất cả’. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành.”

Sau đó, ông điểm qua tình hình chính trị của vùng Đông Nam Á và cả Châu Á - Thái Bình Dương nói chung: Trong quá khứ, đó là một “chiến trường ác liệt, bị chia rẽ trong suốt nhiều thập kỷ”; trong hiện tại, nó đối diện với nhiều nguy cơ và thử thách, trong đó, quan trọng nhất là “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Ông cảnh báo: nếu những nguy cơ ấy bùng nổ thành xung đột quân sự thì hậu quả sẽ là “không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua”. Cuối cùng, ông kết luận: “Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta. Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành.”

Nhưng vấn đề là: Làm thế nào để xây dựng lòng tin chiến lược? Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: “cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.” Sau đó, ông giải thích thêm: “Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược.”

Nhiệm vụ xây dựng lòng tin chiến được chia đều cho mọi quốc gia trong khu vực, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vào vai trò của hai cường quốc có trách nhiệm lớn nhất trong khu vực: Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.”

Phần kết luận, ông khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam: “Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.”

Đọc bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi có mấy nhận xét chính:

Thứ nhất, đó là một bài phát biểu khá “an toàn”. An toàn hiểu theo hai nghĩa: Một, nó không trở thành một đề tài để mọi người chế giễu, coi như một dấu hiệu của tâm thần (như các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt Nam khác ở ngoại quốc, chẳng hạn, bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết về vai trò của Việt Nam và Cuba vốn đã trở thành một chuyện tiếu lâm trong dân gian hay của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự khác biệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội tại Cuba vào đầu tháng 4 năm 2012, một bài phát biểu “phản cảm” đến độ Tổng thống Dilma Rousseff phải hủy bỏ lời mời ông Nguyễn Phú Trọng thăm Brazil vào phút chót!). Hai, nó cũng tránh được nguy cơ trở thành một đối tượng để mọi người mổ xẻ, phê phán, có thể gây nhiều tranh cãi bất lợi.

Thứ hai, để tránh hai nguy cơ trên, Nguyễn Tấn Dũng và dàn tham mưu của ông đã chọn một biện pháp đơn giản và thiếu sáng tạo nhất: nói lại những điều đã nhiều người nói và hầu như ai cũng biết. Theo dõi báo chí quốc tế, hầu như ai cũng thấy ý niệm “lòng tin chiến lược” (strategic trust) đã được rất nhiều nhà lãnh đạo đề cập.

Gần với cuộc Đối thoại Shangri-La 2013 nhất, trong cuộc Đối thoại Quốc phòng Quốc tế được tổ chức tại Jakarta kéo dài hai ngày vào giữa tháng 3 năm 2013, trước sự hiện diện của 1.300 viên chức và quan sát viên đến từ 38 quốc gia trên thế giới, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia đã có bài thuyết trình dài về lòng tin chiến lược. Ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin chiến lược là nhu cầu khẩn thiết để bảo đảm an toàn và an ninh thế giới, trước hết, để giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến chủ quyền của các nước ở Nam Hải (South China Sea). Để xây dựng lòng tin chiến lược, ông cũng kêu gọi các nước, trước hết, phải chấp hành và tuân thủ các nguyên tắc ứng xử trên biển (South China Sea Code of Conduct) đã được thỏa thuận.

Đọc, cứ ngỡ như tình báo của Yudhoyono đã ăn cắp được trước bài nói chuyện của Nguyễn Tấn Dũng!

Thật ra, Yudhoyono cũng chẳng nói được điều gì mới. Trên thế giới, những năm gần đây, người nói nhiều nhất đến chuyện xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước, oái oăm thay, lại là giới lãnh đạo Trung Quốc. Tháng 8 năm 2009, trong cuộc họp tại New Dehli, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh công việc cần thiết nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ là phải xây dựng lòng tin chiến lược.

Ngày 27/3/2013, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Manmohan Singh, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh đến lòng tin chiến lược; hai tháng sau, ngày 20/5/2013, trong chuyến viếng thăm Ấn Độ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại nhấn mạnh lần nữa đến việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 2 năm 2012, Tập Cận Bình, lúc ấy còn là Phó chủ tịch nước, cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế: “Với chúng tôi, lòng tin chiến lược là nền tảng của sự hợp tác để hai bên cùng có lợi, và lòng tin càng lớn, sự hợp tác càng rộng rãi.”

Tháng 4 năm 2013, tiếp một phái đoàn quân sự cao cấp của Mỹ tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình cũng lại nói về lòng tin chiến lược.

Có thể nói, cho đến nay, người đề cập nhiều nhất đến khái niệm lòng tin chiến lược là Trung Quốc, chủ yếu trong quan hệ giữa họ với Ấn Độ và đặc biệt, với Mỹ. Liên quan đến đề tài này, bài viết hay nhất tôi đọc được là bài nói chuyện của Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Úc, tại Washington vào ngày 2 tháng 4 năm 2013. Ông cho trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất là xây dựng được lòng tin chiến lược. Để làm được điều đó, ông đề nghị cùng nhau xây dựng một lộ trình chiến lược (strategic roadmap) để giải quyết từng bước các tranh chấp giữa hai nước, trước hết, bằng cách thay thế loại ngôn ngữ đối đầu bằng ngôn ngữ hợp tác, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao, v.v..

Trở lại bài nói chuyện của Nguyễn Tấn Dũng. Khi lặp lại những vấn đề giới lãnh đạo Trung Quốc đã nói đi nói lại trên khắp các diễn đàn quốc tế, Nguyễn Tấn Dũng không những bộc lộ việc thiếu sáng kiến mà còn, nguy hiểm hơn, ông vấp phải một khuyết điểm thứ ba: nói những điều sáo rỗng khi không mang lại cho khái niệm lòng tin chiến lược một nội dung cụ thể nào trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông cả. Thiếu những nội dung cụ thể như thế, bài nói chuyện của ông không khác gì mấy với những bài luân lý giáo khoa thư dùng để dạy cho học trò. Làm như vậy, ông đánh mất một cơ hội để đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực, lại là khu vực gần gũi với Việt Nam nhất.

Trong chính trị, đối nội cũng như đối ngoại, để tạo và giữ được lòng tin, cần có nhiều điều kiện, trong đó, có hai điều kiện nổi bật lên hàng đầu là: Một, bản thân mình phải giữ chữ tín; và hai, phải có sự minh bạch trong cả chính sách lẫn trong hành động.

Không thể đòi hỏi người khác phải tin mình khi chính mình lại không đáng tin. Ở khía cạnh này, lòng tin trong chính trị đối nội sẽ là cơ sở để xây dựng lòng tin trong chính trị đối ngoại. Tại sao giữa các quốc gia dân chủ ở Tây phương, người ta có thể tin cậy và xây dựng liên minh chặt chẽ với nhau một cách dễ dàng trong khi giữa các nước độc tài hoặc giữa các nước độc tài và các nước dân chủ, điều đó lại trở thành khó khăn, hầu như không thể thực hiện được?

Câu trả lời rất đơn giản: Một kẻ thường xuyên lươn lẹo với dân chúng ở nước họ thì không thể “thực tâm và thành thực” (chữ của Nguyễn Tấn Dũng) trong quan hệ với nước ngoài được. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên khi bàn đến bài nói chuyện về lòng tin chiến lược của Nguyễn Tấn Dũng, nhiều nhà báo và blogger Việt Nam liên hệ ngay đến các vụ đàn áp hoặc tuyên truyền giả dối của chính quyền Việt Nam ở trong nước: Trên diễn đàn quốc tế, Thủ tướng kêu gọi tôn trọng các giá trị và chuẩn mực chung mà mọi người trong “thời đại văn minh” đều tôn trọng thì ở trong nước, chính phủ của ông lại bắt bớ, đánh đập, bắt bỏ tù vô số người dân vô tội chỉ vì họ lên tiếng chống lại Trung Quốc hoặc đòi hỏi những quyền làm người căn bản nhất.

Một điều kiện khác cho lòng tin là sự minh bạch (transparency). Nguyên nhân chính khiến thế giới không tin Trung Quốc là vì ở Trung Quốc hoàn toàn không có sự minh bạch, ngay cả sự minh bạch trong ngân sách, đặc biệt ngân sách quốc phòng. Đó chính là sự khác biệt căn bản giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược: Với Mỹ, muốn có lòng tin, cần phải có, trước hết, sự minh bạch; Trung Quốc, ngược lại, cho sự minh bạch là phó sản (by-product) của lòng tin chiến lược, nghĩa là: Hãy tin họ trước, từ từ họ sẽ minh bạch sau! 

Với cả hai điều kiện trên, uy tín và sự minh bạch, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không có. Thiếu hai điều kiện căn bản ấy, việc kêu gọi lòng tin giữa hai nước chỉ là một trò đùa.

Trò đùa ấy dễ trở thành một sự lố bịch khi những kẻ hoàn toàn không có uy tín về lòng tin lại kêu gọi người khác phải giữ lòng tin!

Nghe, giống như nghe bà Phó Đoan (trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) nói về đức hạnh và trinh tiết.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tiếng hạ buồn !

 

         Nắng hạ ơi! đã bao mùa xa xứ,
         Nét em cười còn đó những ngày vui,
         Xe nhanh chân đạp lướt chốn đông người;
         Chiều thứ bảy còn đây thời thơ dại.
         Góc phố nghiêng nghiêng thường qua lại,
         Tay trong tay quên cả tiếng thời gian;
         Trọn đường tình ru mãi một âm vang,
         Nhành phượng vĩ chú ve sầu than thở.
         Giả từ hương yêu,ghế đá sân trường,
         Tà áo trắng ,tóc xanh còn sắc thắm.
         Ôi ly loạn !đã tàn mùa chinh chiến,
         Nước mắt vẫn rơi tiễn đôi lứa xa nhau;
         Rơi thêm nữa cho hết những khổ đau ,
         Sợi tóc mềm cũng phai màu nhung nhớ .

                                                  Nguyễn Lộc