Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Tình hình và xu hướng chính trị tại Việt Nam hiện nay


Nguyễn Hưng Quốc


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái)
và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, hầu như giới quan sát, từ người Việt đến người ngoại quốc, đều đi đến kết luận giống nhau: Chưa bao giờ Việt Nam yếu như hiện nay.

Tuy nhiên, nói đến cái yếu của Việt Nam, phần lớn đều tập trung vào quan hệ đối ngoại, chủ yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể nói, ở châu Á, không có nước nào bị Trung Quốc “ăn hiếp” nhiều như Việt Nam. Với Nhật Bản hay Philippines, họ chỉ dòm ngó một hai hòn đảo; với Việt Nam, họ dòm ngó cả chùm đảo và cả một vùng biển mênh mông. Với các nước khác, lâu lâu họ đưa tàu đánh cá hay tàu hải giám lượn qua lượn lại vài vòng thị uy; với Việt Nam, họ tung tàu đánh cá và tàu hải giám ào ạt như vào chỗ không người, hơn nữa, còn bắt bớ, thậm chí, hãm hại cả ngư dân Việt Nam. Cũng có thể nói, trước sự đe dọa của Trung Quốc, không có nước nào có phản ứng nhu nhược như Việt Nam. Nhật Bản dám dọa đánh chìm tàu Trung Quốc, Philippines đem Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế, còn Việt Nam? Ngay cả một lời lên án, họ cũng không dám nói; và khi, trước áp lực của dân chúng, phải nói, thì chỉ nói một cách… thì thầm. Vừa lên án vừa run lẩy bẩy.

Tuy nhiên, cái yếu của Việt Nam còn thể hiện ở nhiều lãnh vực khác nữa. Phân tích những cái yếu ấy, chúng ta dễ thấy xu hướng phát triển của tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay.

Trước hết là lãnh đạo yếu.

Nói đến lãnh đạo chủ yếu là nói đến đảng Cộng sản, và nói đến “yếu” là nói đến tương quan quyền lực với các thiết chế khác. Công thức phân quyền ở Việt Nam, ai cũng biết, là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”. Suốt hơn nửa thế kỷ, hầu như mọi quyền lực đều nằm trong tay đảng. Còn nhà nước, như chính lời thú nhận của Phạm Văn Đồng, người làm Thủ tướng lâu nhất ở Việt Nam (1955-1987), với những người quen: Chưa có ai làm Thủ tướng lâu mà bất lực như ông. Ông không những bị lép vế trước Lê Duẩn, Tổng Bí thư, mà còn bị lép vế cả trước Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng. Là Thủ tướng, Phạm Văn Đồng hoàn toàn không có quyền hạn gì trong việc chọn lựa, bổ nhiệm hoặc cách chức các Bộ trưởng hay Thứ trưởng, thậm chí, các giám đốc Sở ở địa phương. Quyền lực tập trung hết trong tay giới lãnh đạo đảng, chủ yếu là Tổng Bí thư. Tuy nhiên, sau Lê Duẩn, rõ ràng quyền lực của Tổng Bí thư cứ giảm dần. Quyền lực của các Tổng Bí thư kế tiếp Lê Duẩn, từ Trường Chinh (14/7/1986-18/12/1986) đến Nguyễn Văn Linh (1986-1991) và Đỗ Mười (1991-1997), không thể so sánh được với Lê Duẩn. Tuy nhiên, dù vậy, họ vẫn giống như những ông vua. Yếu thế, nhưng vẫn là vua. Chỉ từ Lê Khả Phiêu (1997-2001) trở đi, quyền lực của Tổng Bí thư mới bắt đầu mờ nhạt. Hơn nữa, càng lúc càng mờ nhạt. Nông Đức Mạnh (2001-2011) mờ nhạt hơn Lê Khả Phiêu. Đến nay, mờ nhạt nhất là Nguyễn Phú Trọng, người được lên làm Tổng Bí thư từ ngày 19 tháng 1 năm 2011.

Vai trò mờ nhạt của Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ nhất là qua hai lần thua cuộc trước Nguyễn Tấn Dũng. Lần thứ nhất, ở hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 năm 2012, khi Nguyễn Phú Trọng liên kết với Trương Tấn Sang tấn công Nguyễn Tấn Dũng - người được gọi là “đồng chí X” -, nhưng cuối cùng, cả hai đều thất bại. Lần thứ hai, mới đây, ở hội nghị Trung ương 7 vào đầu tháng 5/2013, Nguyễn Phú Trọng lại thất bại trước Nguyễn Tấn Dũng lần nữa khi đề nghị đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị nhưng bị Trung ương đảng bác bỏ. Thế vào đó, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu. Cả hai đều là người của Nguyễn Tấn Dũng.

Có thể nói, trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ có một Tổng Bí thư nào lại thua cuộc một cách thê thảm và nhục nhã đến như vậy.

Nhưng việc Tổng Bí thư và cùng với ông, cả cái Đảng do ông lãnh đạo yếu thế và việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng tỏ quyền lực mạnh mẽ của mình như vậy có làm cho chính phủ mạnh hơn không?

Không.

Thủ tướng mạnh. Nhưng chính phủ vẫn yếu. Nguyễn Tấn Dũng mạnh đủ để thoát các đòn tấn công hiểm hóc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang, nhưng chính phủ do ông cầm đầu, trên nguyên tắc, vẫn phải được lãnh đạo bởi đảng. Các chính sách lớn vẫn do đảng quyết định.

Như vậy, ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý: Người có chức năng lãnh đạo thì yếu; còn người mạnh lại không thể lãnh đạo. Hậu quả là ở Việt Nam hiện nay, giới cầm quyền, từ đảng đến chính phủ, chỉ quản lý (management) chứ không hề có lãnh đạo (leadership). Sự khác biệt căn bản giữa quản lý và lãnh đạo là với quản lý, người ta chỉ làm theo mệnh lệnh và chỉ nhắm tới những mục tiêu ngắn hạn; nhưng khi không có lãnh đạo, người ta vừa không có tầm nhìn xa lại vừa không có mệnh lệnh cụ thể để thực hiện. Một nền quản lý thiếu lãnh đạo bao giờ cũng vừa thiển cận vừa lúng túng, vá víu và đầy mâu thuẫn. Chúng ta có thể thấy rõ những điều đó qua các chính sách và cung cách làm việc của nhà cầm quyền Việt Nam những năm gần đây. Rõ nhất là qua cuộc thảo luận về thay đổi Hiến pháp do chính họ đề xướng. Thoạt đầu, bảo không có vùng cấm trong thảo luận; sau, lại lên án kịch liệt những người kiến nghị. Thoạt đầu, hứa hẹn như một sự thay đổi lớn lao; sau, cứ thu hẹp dần lại. Thoạt đầu, định thay đổi cả tên nước; sau, lại loại bỏ ý định ấy, v.v.. Nhưng nguy hiểm nhất là thái độ lúng ta lúng túng của họ trong việc đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ. Ngoài vài lời thề nguyền là sẽ không bán nước, cho đến nay, vẫn không có ai trong giới lãnh đạo phác họa được một chiến lược rõ ràng, chưa nói đến việc có hiệu quả hay không. Một chút rõ ràng cũng không có.

Đảng lãnh đạo yếu, chính phủ cũng yếu, hậu quả tất nhiên là đất nước yếu theo. Tất cả những sự nhu nhược được đề cập ở phần đầu bài viết này đều là hậu quả của hai cái yếu ấy. Ngư dân Việt Nam đi đánh cá ngoài biển cả bị “tàu lạ” đâm chìm, bắt bớ hay giết chết, không có ai can thiệp. Dân chúng hàng ngày phải ăn uống hoặc tiêu dùng những thứ độc hại được nhập cảng chính thức hay qua các con đường không chính thức không hề được ai bảo vệ. Kinh tế ngày càng kiệt quệ, gánh nặng nợ nần trên đầu người dân càng ngày càng chồng chất, không có ai quan tâm. Những người có lòng với đất nước đứng lên chống lại Trung Quốc bị đối xử như tội phạm. Mở các trang báo ngoại quốc, mỗi khi thấy tin tức về Việt Nam, đoán mười lần đến chín lần đúng: tin xấu. Nếu không phải tham nhũng thì là trấn áp.

Đảng yếu, chính phủ cũng yếu. Vậy thì ai mạnh?

Thứ nhất, các phe phái mạnh.

Thật ra, đảng Cộng sản lúc nào cũng có nạn phe phái. Trong hồi ký của mình, Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng và Tổng biên tập báo Nhân Dân, giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, kể, lúc Hồ Chí Minh còn sống và ngay cả trước mặt Hồ Chí Minh, các thành viên trong Bộ Chính trị cũng không thèm nói chuyện với nhau. Hồ Chí Minh khuyên mấy cũng không được. Nhưng, dù vậy, những sự xung khắc ấy chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân. Không có phe hay nhóm nào dám công khai chống lại phe Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Thành ra, Lê Duẩn và dưới bóng Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tha hồ tác oai tác quái. Sau này, các phe phái nổi lên rõ hơn, nhưng không có lúc nào các phe phái lại tấn công nhau một cách công khai như bây giờ. Trước, nếu tranh chấp, hầu như chỉ dừng lại trong phạm vi mấy người trong Bộ Chính trị với nhau; bây giờ, chúng bày ra trước Trung ương đảng gồm cả gần 200 người; hơn nữa, còn tràn ra cả trước quần chúng, dù được ngụy trang dưới mật danh “đồng chí X”.

Thứ hai, vai trò của các nhóm lợi ích. Cần nói ngay, ở nước nào cũng có các nhóm lợi ích luôn tìm cách ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước. Ở các quốc gia dân chủ, các nhóm lợi ích ấy có thể là các nhà tài phiệt, các công đoàn, các tổ chức xã hội dân sự, các hội nghề nghiệp, v.v.. Các nhóm lợi ích ấy thường hoạt động công khai, một cách trực tiếp, dưới hình thức kiến nghị hoặc thậm chí, đình công và biểu tình, hoặc qua trung gian các cơ quan lobby chính thức, chuyên đi ngả tắt. Ở Việt Nam, trước đây, ngay cả sự hiện diện của cái gọi là “nhóm lợi ích” như thế cũng không thể có, thậm chí, không thể tưởng tượng được. Thế nhưng gần đây, các nhóm lợi ích ấy lại phát triển rất mạnh và khuynh đảo cả tình hình chính trị Việt Nam.

Theo Trần Kinh Nghị, chiến thắng của Nguyễn Tấn Dũng đối với Nguyễn Phú Trọng trong hai kỳ hội nghị 6 và 7 của Trung ương đảng vừa qua chính là chiến thắng của nhóm lợi ích đối với nhóm bảo thủ. Mới đây, trong bài “Đổi luật chơi trong đảng”, nhà bình luận chính trị Ngô Nhân Dụng cũng có quan niệm tương tự khi cho lý do chính khiến Nguyễn Tấn Dũng chiến thắng liên tiếp là nhờ biết sử dụng một thứ luật chơi mới: dựa trên tiền.

Thường, để cai trị, người ta sử dụng một trong hai, hoặc cả hai yếu tố: quyền và tiền. Quyền để khai thác lòng sợ hãi; tiền để kích thích lòng tham. Trước, người ta chỉ dùng quyền; bây giờ, người ta dùng cả quyền lẫn tiền. Theo Ngô Nhân Dụng:
“Từ khi làm thủ tướng năm 2006, […] Nguyễn Tấn Dũng tập trung quyền điều động các xí nghiệp quốc doanh vào phủ thủ tướng, thay vì chia quyền cho các “bộ chủ quản” theo lối cũ. Từ đó, người đóng vai thủ tướng tạo cơ hội kiếm tiền cho tay chân của mình; phân phát cơ hội kiếm tiền để mua lòng trung thành của đồng đảng. Các ủy viên Trung Ương Ðảng được chia chỗ trong Hội Ðồng Quản Trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các chương trình kinh tế đều nhằm tạo cơ hội kiếm tiền cho những thủ túc chứng tỏ lòng trung thành. Khi người dân Việt Nam nhận thấy cả guồng máy cai trị là một mạng lưới tham nhũng chằng chịt liên kết với nhau, người cầm đầu mạng lưới đó là ông thủ tướng.”

Như vậy, cái mà Trần Kinh Nghị gọi là nhóm lợi ích ấy chủ yếu là những kẻ vừa có quyền vừa có tiền. Sức mạnh của Nguyễn Tấn Dũng so với Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang chính là sức mạnh của nhóm lợi ích vừa có quyền vừa có tiền ấy.

Sự thao túng của nhóm lợi ích ấy dẫn đến hai hệ quả:

Thứ nhất, nó tạo ra một vẻ dân chủ giả, thường được gọi là dân chủ trong nội bộ đảng (intra-Party democracy). Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật Thủ tướng, Trung ương đảng bác bỏ: Bộ Chính trị chịu thua. Tổng Bí thư đích thân đề cử Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị, Trung ương đảng bác bỏ: Tổng Bí thư chịu thua. Giới quan sát chính trị quốc tế, ở xa, dễ ngỡ đó là dân chủ. Nhưng không phải. Một là, thứ dân chủ nội bộ ấy không biến thành dân chủ xã hội (social democracy). Hai là, nó chỉ là cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ. Chứ không phải là dân chủ.

Thứ hai, sự thắng thế của các nhóm lợi ích vừa có quyền vừa có tiền ấy biến đảng Cộng sản thành một đám mafia không những khuynh loát chính trị mà còn vét kiệt hết tài nguyên của đất nước và tài sản của dân chúng, ngay cả của những người dân chưa ra đời (với số nợ khổng lồ nó tạo ra!).

Điều đáng chú ý là tất cả các hiện tượng trên, từ chuyện đảng và chính phủ yếu đến chuyện phe phái và các nhóm lợi ích mạnh đều cũng xuất hiện ở Trung Quốc. Trong bài “The end of the CCP’s resilient authoritarianism? A tripartite assessment of shifting power in China” đăng trên tạp chí The China Quarterly năm 2012, Cheng Li cũng phân tích các hiện tượng tương tự tại Trung Quốc. Chỉ có hai sự khác biệt lớn. Thứ nhất, ở mức độ: Cũng yếu, nhưng cái yếu của đảng và chính phủ Việt Nam ở mức trầm trọng hơn hẳn ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, quyền hạn của Chủ tịch đảng chưa bao giờ bị thách thức một cách nghiêm trọng như ở Việt Nam. Quyền lực của Tập Cận Bình cũng như của Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ lớn bằng Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình nhưng dù sao vẫn nghiêng trời lệch đất; cả Trung ương đảng cũng không dám chống lại. Thứ hai, theo Cheng Li, nhiều nhà phân tích chiến lược tin tưởng: đảng Cộng sản Trung Quốc có thể yếu và càng ngày càng yếu, nhưng đất nước Trung Quốc thì vẫn mạnh.

Còn Việt Nam?

Chính cái mạnh không cưỡng nổi của Trung Quốc là một tai họa cho Việt Nam. Việt Nam càng yếu, cái họa ấy càng lớn.

Những bóng ma cộng sản

 

     Những âm hồn tàn bạo đụt khoét da thịt người,
    Máu đã cạn nguồn rồi không chảy nữa.
    Thân tả tơi rong ruổi bốn phương trời,
    Tìm thiên đường trong cõi đời bịnh hoạn.
    Con người mới mang linh hồn cộng sản,
    Tư tưởng toàn trị hoàng đế lên ngôi,
    Phong kiến trở lại giăng tay gọi mời.
    Trần ích tắc,Lê chiêu Thống rạng ngời.
    "Lê nin,Lê duẩn,Hồ Chí Minh vạn tuế"
    Những linh hồn không đầu thai thoát kiếp,
    Bay phất phơ chiêu hồn kẻ u mê.
    Xã hội định hướng kiểu vua hề,
    Chàng Charllot Chaplin cười ngạo nghễ.
    Tư bản đỏ nối thêm đuôi rạng rỡ;
    Dân chủ cộng nô,kinh tế thị trường,
    Vẫn khua vang chiến tích bạo tàn,
    Cướp nhà,cướp của bán Nước cầu vinh,
    Cùng thay danh hiệu quỷ dữ đổi hình,
    (Việt Nam dân chủ cộng hoà toàn trị !).

                                           Nguyễn Lộc

Nguyễn Hưng Quốc - ‘Khựa’ và ‘Đi chết đi’

Nguyễn Hưng Quốc


Hai biểu ngữ được viết bằng máu trên tấm vải trắng:
“Đi chết đi ĐCS VN bán nước” và “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” (ảnh: Danlambao) 

Nguyễn Phương Uyên bị kết án sáu năm tù giam và ba năm quản chế chỉ vì “tội” tuyên truyền chống lại Trung Quốc và nhà nước Việt Nam. Bằng chứng là một số truyền đơn, và quan trọng nhất, hai biểu ngữ được viết bằng máu trên tấm vải trắng có nội dung như sau:

“Đi chết đi ĐCS VN bán nước”
“Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”

Với câu trên, Phương Uyên bị buộc tội “phỉ báng đảng Cộng sản Việt Nam”; với câu dưới, nói những điều “không hay về Trung Quốc”.

Nhìn hai tấm biểu ngữ, được treo trên một hàng rào ở một nơi nào đó, ngay sau lưng Phương Uyên, tôi cứ băn khoăn. Cả hai đều khá lớn; mỗi chiều ít nhất cũng 60-70cm. Nét chữ cũng lớn. Để viết được chừng ấy chữ với kích thước như vậy, cần một lượng máu (dù pha nước đi nữa) khá nhiều. Không thể là máu của chỉ một mình em được. Thế nhưng cách diễn đạt trong hai biểu ngữ ấy lại có vẻ như được trào ra một cách tự phát và đầy cảm tính, của một người không quen sử dụng ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp, dù trong lãnh vực tuyên truyền. Kiểu nói “Đi chết đi”, vốn xa lạ với mọi loại văn viết, chỉ thường được nghe trong các lời chửa rủa, có khi là vợ chửi chồng, chồng chửi vợ hoặc cha mẹ chửi con cái. Đó là một lời xua đuổi. Người ta chỉ xua đuổi cái gần mình, vốn gắn liền với mình. Không ai xua đuổi một người lạ hay ở xa. Bởi vậy, lời chửi rủa ấy thường được dùng trong phạm vi gia đình hơn là ngoài xã hội. Cũng bởi vậy, gần đây, nó được dùng như một câu nói có tính chất hài hước, trong các câu chuyện phiếm, thậm chí thành đề tài của hài kịch (do Hoài Linh đóng).

Với câu biểu ngữ “Đi chết đi ĐCS VN bán nước”, Phương Uyên và các bạn của em không hề có ý chống hay tiêu diệt đảng Cộng sản. Họ chỉ muốn nó biến đi cho khuất mắt. Họ đã chán nó đến tận cùng. Chán vì cái khúc “bán nước” ở cuối.

Câu “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” cũng vậy. Nó chả có gì không hay về Trung Quốc cả. Nó chỉ ghi nhận một thực tế: Trung Quốc đang chiếm cứ Biển Đông. Phương Uyên và các bạn chỉ muốn xua đuổi chúng đi.

Hay nhất trong câu ấy là chữ “Tàu khựa”.

Chắc chắn chữ “khựa” là một từ mới, chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây. Trước, chưa hề có. Tôi cũng không hiểu ai đã đặt ra từ ấy và nó có ý nghĩa gì. Vào Google, thấy có nhiều người bàn, nhưng không ai đưa ra được một lời giải đáp nào có sức thuyết phục cả. Về phương diện ngữ nghĩa, “khựa” chưa hề có lịch sử hay tiền sử trong tiếng Việt. Về phương diện ngữ âm, nó gần với hai từ: “khứa”, chỉ một gã nào đó với hàm ý khinh thị (khứa lão) và “bựa”, một tính từ chỉ sự nhếch nhác và thiếu tư cách. Từ “khựa”, bất kể xuất phát từ đâu, đều có âm vang xấu từ hai từ ấy. Hơn nữa, theo Nguyễn Tuân, phần lớn những từ có phụ âm “KH” đều “nhắc đến gọi đến những vật những việc những trạng thái không được vừa mắt, vừa mũi, vừa tai, không được vừa lòng; nó khiến người ta trông thấy nghe thấy, rờ phải ngửi phải nếm phải, đều phải thấy không đẹp lòng, phải thấy khó chịu, đều phải phản đối bằng… một số từ mở ra bởi phụ âm kép KH rất chi là chối cho những cặp tai sành thẩm âm. Có thể nói như thế này được không: những phụ âm kép KH đó báo cáo những cái không hay…” (Chuyện nghề, nxb Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1986, tr. 143-7).

Nguyễn Tuân nêu nhận xét trên trong một bài viết từ năm 1972. Lúc ấy, Nguyễn Tuân chưa hề biết đến chữ “khựa”. Bây giờ đọc lại những nhận xét của ông, chúng ta thấy tất cả đều đúng. Và đúng nhất khi ứng dụng vào chữ “khựa”: Chúng ta không biết nghĩa nó là gì, nhưng nghe cái âm vang nó gợi ra, chúng ta đều cảm thấy khó chịu, hơn nữa, kinh tởm. Nó gợi liên tưởng đến những khai, những khẳm, những khẳn, những khét, những khú, những khạc, những khò khè, khù khờ, khừ khừ, khùng khùng, khô khốc, khấp khểnh, khệnh khạng, những khèng khẹc, những khắt khe, những khốn khổ, những khủng khiếp…

Ngày xưa, trong văn hóa chính thống, hình như lúc nào người Việt cũng phục Tàu, xem Tàu như mẫu mực để học tập và mô phỏng. Cha ông chúng ta học chữ Tàu, học lịch sử, triết học và văn chương Tàu. Từ lễ nghi trong triều đình đến tập tục trong xã hội đều cố gắng làm cho giống Tàu. Lâu lâu, họa hoằn mới có những chủ trương “đánh để dài tóc”, “đánh để đen răng” như thời Quang Trung. Nhưng đánh thắng Tàu rồi thì đến trường, vào lớp, vẫn phải ngoác mồm ra ra rả đọc mấy câu mật ngữ “Tử viết” hết năm này đến năm khác.

Trong văn hóa dân gian, đặc biệt, trong ngôn ngữ thì khác, có vẻ như người Việt không tôn trọng Tàu mấy. Họ thờ Khổng Tử, Lão Tử cũng như các cao đồ của hai ông; nhưng với con cháu của hai ông, những người đương thời, thì họ vẫn gọi là “chú”: “Chú ba Tàu” hay “Chú Chệc”. “Chú” có thể là vai em của ba; nhưng “chú” cũng có thể là vai em của mình: “chú em”. Không biết người Việt dùng theo nghĩa nào, nhưng có điều chắc chắn, những cách gọi ấy, thân mật thì có thân mật, còn tôn trọng thì không. Năm 1945, lính Tưởng Giới Thạch, dưới quyền của Lư Hán, vào miền Bắc để giải giới quân Nhật, được/bị dân chúng gọi là “Tàu phù”. Phù tức là phù thũng, một chứng bệnh phổ biến của lính Tàu lúc ấy. Cách gọi như thế, đầy tính chất mỉa mai, thể hiện sự rẻ rúng của người Việt. Nhưng bây giờ, với chữ “Tàu khựa”, nó không còn là mỉa mai hay rẻ rúng nữa: Nó biến thành một sự ghê tởm và khinh bỉ.

Có thể nói, chưa bao giờ người Việt lại ghét Tàu và khinh Tàu đến như vậy.

Dĩ nhiên, cần lưu ý, khái niệm Tàu ở đây không đồng nghĩa với người Hoa. Có lẽ người Việt chưa đến mức kỳ thị người Hoa. Tàu khựa chỉ là bọn Tàu cầm quyền. Chứ không phải là người Tàu nói chung. Phương Uyên cũng như các bạn của em và phần lớn người Việt có lẽ không có ý định xua đuổi người Hoa ra khỏi Việt Nam như chính quyền Việt Nam đã từng xua đuổi Hoa kiều ra khỏi Việt Nam vào những năm 1978-79. Các em chỉ đòi bọn “Tàu khựa cút ra khỏi Biển Đông”. Vậy thôi.

Các công tố viên ở Long An buộc Phương Uyên tội nói những điều “không hay về Trung Quốc”. Cái gọi là “không hay” ấy nằm ở đâu trong câu biểu ngữ “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”? Có lẽ không phải ở nhóm động từ “cút khỏi Biển Đông”. Bởi đó chỉ là sự kiện. Cái “không hay” có lẽ nằm ở danh từ “Tàu khựa”: Nó thể hiện sự khinh bỉ.

Với chính quyền Việt Nam, chữ “khựa” là một chữ húy. Ngay cả chữ “Tàu” cũng là một chữ húy. Tàu Trung Quốc (hay tàu của Tàu, theo cách gọi dân gian) đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam hay bắt bớ hoặc giết chết ngư dân Việt Nam thì được gọi là “tàu lạ”.

Với chữ “Tàu”, còn thế, huống gì là “Tàu khựa”.

Tuy nhiên, điều thú vị là khi vào Google, tìm chữ “khựa”, tôi mới phát hiện ra, một số cây bút Việt Nam thỉnh thoảng cũng chơi trò du kích, đánh lén Tàu khựa trên cả báo chí chính thống.

Tôi bắt gặp hai lần như thế. 

 Một lần, trong một chuyện có nhan đề “Sự lên gân của Khựa” đăng trên báo Pháp Luật ngày 1/6/2011. Chuyện kể: Khựa là hàng xóm của Hai Lúa. Khựa hay qua ao nhà Hai Lúa trộm cá. Lúc đầu, ăn trộm, sau, nó cấm cả nhà Hai Lúa bắt cá ở ao nhà của họ. Tức quá, Hai Lúa chửi um lên. Khựa có thấy nhục không? Không. Tác giả, Người Sành Điệu, viết: “Khựa đâu cần quan tâm mấy lời chửi đó. Tổ tông nhà Khựa bao đời nay vốn vậy nên máu mủ trong người Khựa cũng vậy. Nghe đâu Khựa còn tự đắc là mình ngày càng đa mưu túc trí.”

Một lần khác, trong bài “Ba Khựa và món giỗ cha” của Thái Sinh trên báo Nông Nghiệp Thứ Sáu 14/12/2012. Đó là một câu chuyện phiếm có hai nhân vật chính: Thảo Dân và Ba Khựa. Hai người là láng giềng của nhau. Ba Khựa, làm nghề đồ tể, chuyên câu trộm cá ở ao nhà Thảo Dân. Thảo Dân trách, nó cứ chối. Một hôm, Ba Khựa mời Thảo Dân sang nhà ăn giỗ. Trong đám đồ cúng trên bàn thờ có một cái lưỡi bò bên cạnh một con dao nhọn buộc chỉ đỏ. Ngày hôm sau, Ba Khựa phát hiện cái lưỡi bò bị mèo tha mất nên tức giận quát tháo om sòm. Kết thúc câu chuyện có ý nghĩa: Mèo, thật ra, là Mẽo. Và Mẽo là Mỹ. Ý của tác giả rất rõ: Chỉ có Mỹ mới cắt được con đường lưỡi bò!

Như vậy, đâu phải chỉ có Nguyễn Phương Uyên và các bạn của em đòi đuổi đám Tàu khựa ra khỏi Biển Đông?

Buộc tội cho em như thế là oan.

Hơn nữa, còn làm cho chữ “Tàu khựa” đi vào lịch sử.

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Ca dao biểu tình chống cộng của dân ngu

 

           Dân ngu thì đã lâu rồi,
           Yếu thì chịu yếu cần chi tỏ bày.
           Sống thì sống xỉn say,
           Sợ là sợ có ngày tiêu vong.
           Còn đảng thì còn nhân dân;
           Còn nhà còn bạc còn mong của trời.
           Ai dâng Nước, ai gọi mời,
           Dựng xây chủ nghĩa bao đời đấu tranh.
           Đấu tranh dâng Nước cho nhanh,
           Cho người sáng suốt lưu manh ba tàu.
           Lũ ngu cứ mãi  làu nhàu,
           Ngàn năm chưa tỉnh đảng nào là của dân?
           Đảng chúng tôi là đảng có công,
           Dạy cho người Việt ngu đần gian tham,
           Quây đầu về với tàu man;
           Nước Việt ta bán khỏi làm có ăn.
           Nếu muốn lật lộng lăng nhăng,
           Đừng nên chửi bới làm càn ích chi,
           Có ngon cướp chính quyền đi;
           Mới mong đảng sợ,đảng quỳ sửa sai.


                                                  Nguyễn Lộc

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Dáng thơ mùa hạ



       Âm thầm ẩn khuất giữa đồi hoang,
       Từng cánh hoa mơ đón gió ngàn.
       Chiều xuống em về đùa nắng ấm,
       Ngày lên tôi đến mộng bên nàng;
       Tung bay tà áo vờn theo gió,
       Buông thả làn tơ nghiêng dáng ngoan.
       Mắt lướt chân trời ru hạ thắm,
       Ngàn năm văng vẳng tiếng ve vang.

                                         Nguyễn Lộc

Đạo phật thời toàn trị



           Thà đừng giảng đạo mà tu chứng,
         Lý thuyết dài dòng lại rối tung.
         Từ ngữ dao to gây mất hướng,
         Người dân kém trí vững lòng tin.
         Đem tiền dâng lộc cho thầy cúng,
         Chứng giám ơn lành nhớ đảng hung.
         Dân tộc đạo tràng và chủ nghĩa
         Tiếp tay phá nước sớm tiêu vong.

                                             Nguyễn Lộc

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Cung đàn ngũ uẩn



          Ánh bình minh dậy muôn tia nắng,
        Rung cánh chim trời nhịp sống tươi.
        Những đoá hoa đời hương sắc thắm,
        Vạn lời ong bướm ý tinh khôi.
        Quyện hoà trời đất duyên tao ngộ,
        Xoay chuyển âm dương giấc mộng người.
        Thương ghét  đàn vang cung ngũ uẩn,
        Âm thanh sắc tướng tấu muôn nơi .
                                         
                                           Nguyễn Lộc

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Bản án dành cho chế độ



Nguyễn Hưng Quốc


Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công Nghệ Thực phẩm TPHCM, và 8 năm tù đối với Đinh Nguyên Kha, sinh viên Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, ngày 16 tháng 5, 2013.
  
Phiên toà xét xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An ngày 16 tháng 5 kết thúc vào lúc 4 giờ chiều với bản án: Kha bị 8 năm tù và Phương Uyên bị 6 năm tù; ra tù, cả hai đều bị quản chế thêm ba năm nữa. Lúc ấy, ở Úc là bảy giờ tối. Từ đó đến sáng hôm sau, Thứ Sáu 17/5, tôi nhận được cả mấy trăm bức email từ khắp nơi. Có người gửi riêng cho tôi; có người gửi chung trong các mailing list gồm nhiều người. Tất cả đều nói về một chuyện: Phương Uyên. Chỉ có một số ít trình bày dài dòng cảm nghĩ của họ; còn lại, đại đa số, chỉ chuyển các thông tin về phiên tòa mà tôi đã được đọc trên các tờ báo mạng kèm theo vài lời bình ngăn ngắn đầy phẫn nộ.

Số lượng email ấy nói lên điều gì? Chỉ một điều đáng kể nhất: Sự quan tâm và bức xúc của mọi người.

Sau đó, vào các trang báo mạng của các blogger độc lập trong nước cũng như các website ngoài nước, hầu như ở đâu tôi cũng thấy các bài viết về phiên tòa và bản án ấy. Nhiều bài cung cấp những thông tin rất chi tiết, như “Tường thuật phiên tòa 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An” của Dân Làm Báo hay bài “Những chuyện bên trong và chưa nói về phiên tòa xử sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha” của Hải Huỳnh. Đó là chưa kể các bản tin trên nhiều cơ quan thông tấn ở ngoại quốc, trong đó, có BBC và VOA.

Tôi chú ý nhất đến bài “Tiếng nói Uyên, Kha trước tòa, lời cảnh tỉnh cuối cùng cho đảng CSVN” của nhà thơ Hoàng Hưng. Chú ý vì nó sáng suốt, và đặc biệt, mạnh mẽ. Ông cho việc kết án nặng nề đối với Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là một việc làm “phi pháp, phi nghĩa, phản dân phản nước và cũng thật ngu xuẩn”. Ông cũng xem “phiên tòa xét xử Kha, Uyên là một dấu mốc lịch sử trên con đường đấu tranh dân chủ của Việt Nam”. Dấu mốc ấy thể hiện ở mấy điểm chính: Thứ nhất, cả hai đều rất trẻ. Thứ hai, cả hai đều dũng cảm, bất chấp những sự đe dọa hay mua chuộc của công an, dõng dạc khẳng định “Tôi không có tội” hoặc “chỉ có một tội là yêu nước”. Thứ ba, cả hai không những có những nhận định chính trị sâu sắc mà còn có “phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc, hiên ngang” khi đứng trước tòa. 

Dường như, liên quan đến phiên tòa, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho mọi người chính là cái phong thái ấy. Khi đăng lại bài phỏng vấn “Việt Nam tuyên án nặng 2 sinh viên chống Trung Quốc” của Trà Mi trên blog Quê Choa của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã sửa lại nhan đề, nhằm làm nổi bật phong thái bất khuất của hai thanh niên yêu nước này: “Suốt phiên tòa, Uyên & Kha đều ngẩng cao đầu”. Đạo diễn Song Chi cũng chú ý và nêu bật phong thái ấy trong bài “Ngẩng cao đầu, tiếp bước nhau vào nhà tù nhỏ”. Nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên Người Việt, xem phong thái ấy là tiêu biểu cho cả một thế hệ mới ở Việt Nam: “Một thế hệ không cúi đầu”.

Báo Diễn Đàn tại Pháp chỉ đăng bức ảnh của Phương Uyên kèm theo câu nói của em trước tòa “Việc tôi làm thì tôi chịu, xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn” dưới một nhan đề đầy ý nghĩa “Dáng đứng Phương Uyên”. Nhà báo Trương Duy Nhất, ở trong nước, cho hình ảnh của Nguyễn Phương Uyên đứng trước tòa là “tuyệt đẹp”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi nhắc đến Phương Uyên, đã dùng chữ “sự bình thản trong suốt” và “tuyệt vời”. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo làm bài thơ lục bát ca ngợi Phương Uyên, xem em như một đóa hoa, một đóa hoa bị bỏ tù.

Theo tôi, vài năm hay nhiều năm nữa, có lẽ người ta sẽ quên các chi tiết liên quan đến phiên tòa và các bản án. Nhưng người ta sẽ nhớ mãi cái hình ảnh, như nhà văn Trần Trung Đạo mô tả: “Cô bé đứng trên bục cao, đôi kính cận có gọng dày, tóc vén cao, áo trắng học trò, thân hình mảnh mai trông giống như một cô bé học sinh 15 tuổi đang đứng trước bảng đen trong lớp học chứ không phải đứng trước tòa án Cộng sản. Em không sợ hãi, không van xin, trầm tĩnh và tinh khôi như một thiên thần.”

Cũng giống như hiện nay, có lẽ không phải ai cũng nhớ các chi tiết liên quan đến phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội ngày 4/4/2011, nhưng tôi tin là nhiều người còn nhớ hình ảnh của ông, hai tay bị còng, ra tòa với bộ đồ vét đen và chiếc cà vạt màu đỏ với những chấm trắng, toát lên vẻ uy nghi của một trí thức khi đối diện với bạo quyền.

Cũng vậy, người ta vẫn còn nhớ và có lẽ sẽ còn nhớ mãi hình ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị một nhân viên an ninh bịt miệng ngay trước tòa án tại Huế vào ngày 30/3/2007 dù có lẽ, không mấy người còn nhớ ông bị buộc tội gì và bị kết án mấy năm tù.

Liên quan đến tòa án, tôi cho đó là ba hình ảnh tiêu biểu nhất cho việc đàn áp dân chúng của chính quyền Việt Nam hiện nay: đàn áp tu sĩ, đàn áp trí thức và đàn áp cả những thanh niên còn trẻ măng không làm gì khác ngoài việc bày tỏ lòng yêu nước hay, nói theo lời các công tố viên khi buộc tội Nguyễn Phương Uyên, là “nói những điều không hay về Trung Quốc”.

Tôi tin những hình ảnh sẽ còn lại mãi. Như, trước đây, trong chiến tranh Việt Nam, những yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất đối với người Mỹ và người Tây phương nói chung, không phải là các bản tin, mà là các bức ảnh, bắt đầu với bức ảnh chụp cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngay tại Sài Gòn vào năm 1963, và sau đó, bức ảnh chụp cảnh cô bé Kim Phúc trần truồng chạy trên đường với vết cháy khắp người do bom napalm gây ra vào năm 1972. Gần 40 năm sau 1975, với rất nhiều người Tây phương, kể cả trong giới trí thức, chiến tranh Việt Nam chỉ còn lại mấy hình ảnh chính. Không có gì khác.

Trước đây, ở cả Tây phương lẫn Đông phương, người ta đều đề cao sức mạnh của ngòi bút, thường ví ngòi bút với lưỡi gươm; thậm chí, với một số người, như Edward G. Bulwer-Lytton, cho ngòi bút còn mạnh mẽ hơn cả lưỡi gươm (the pen is mightier than the sword). Ở Việt Nam, cũng có nhiều người nói như vậy. Khen Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú viết: “Văn chương của ông có sức mạnh bằng mười vạn quân”. Phan Bội Châu cũng từng viết: “Sức vãn hồi bút mạnh hơn gươm.” Trước Phan Bội Châu và Phan Huy Chú, đời Lê, Thân Nhân Trung có lần mơ ước: “Sức bút tung hoành quét sạch hàng nghìn quân”. Trước đó nữa, vua Trần Thái Tông cũng tâm niệm: “Văn chương phải có thế trận đuổi nghìn quân giặc” (Văn bút tảo thiên quân chi trận). Tuy nhiên, sau này, ở thời đại thông tin, người ta khám phá ra, sức mạnh thực sự không nằm trong chữ nghĩa mà chính là ở hình ảnh.

Trong bài nói chuyện nhan đề “Tính chính trị của hình ảnh” tại Malta vào ngày 4 tháng 6 năm 2008, Tiến sĩ Michael Frendo, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Malta, cho tất cả các chính trị gia đều ý thức rất rõ là một hình ảnh nằm ở trang nhất của các tờ báo có sức mạnh hơn hẳn các bài diễn văn hay bình luận trên tờ báo ấy. Chữ, đọc xong, có khi người ta quên ngay. Chỉ có hình ảnh là còn lại. Frendo cho đó là một đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Ông dẫn lại một nhận xét của Bernard Manin trong cuốn The Principles of Representative Government (1997), cho, trước, sân khấu chính của chính trị chủ yếu nằm ở Quốc hội và các trung tâm đầu não của các đảng phái; sau, nó nằm ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Manin gọi đó là nền “dân chủ khán giả” (audience democracy), ở đó, dân chúng chọn lựa giới lãnh đạo qua các hình ảnh họ nhận được từ các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, và gần đây, internet. Trong thời đại của nền “dân chủ khán giả” như thế, hình ảnh trở thành một sức mạnh vạn năng: Chính qua các hình ảnh được chọn lọc kỹ càng, các chính khách trở thành nổi tiếng, gần gũi và đáng tin cậy đối với quần chúng.

Các chế độ độc tài cũng biết cách tận dụng hình ảnh để tuyên truyền và vận động quần chúng. Mặc dù tất cả các lãnh tụ của Nazi, Phát xít và hầu hết các lãnh tụ của Cộng sản đều là những sát thủ đứng đầu trong lịch sử với “thành tích” giết hại có khi cả đến mấy chục triệu người, nhưng, trên các trang báo cũng như trên máy truyền hình, bao giờ họ cũng xuất hiện một cách hiền lành bên cạnh trẻ con. Chính vì vậy, tất cả các chế độ độc tài đều cố hết sức siết chặt các phương tiện truyền thông. Họ kiểm duyệt từng bức ảnh một.

Nhưng nếu các chế độ độc tài duy trì quyền lực bằng cách kiểm soát hình ảnh thì hình ảnh, tự chúng, cũng có sức mạnh đủ để quật ngã các chế độ độc tài ấy. Ai cũng biết yếu tố đầu tiên dẫn đến cuộc cách mạng mùa xuân ở Ai Cập, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Hosni Mubarak vào năm 2011 chính là những bức ảnh chụp thi thể của anh thanh niên Khaled Mohamed Saeed, người bị cảnh sát đánh chết vào ngày 6/6/2010. Hình ảnh thân thể Saeed bị đánh bầm dập với cái miệng há hốc đầy máu me, khi được tung lên mạng, đã khiến hàng triệu người dân Ai Cập phẫn nộ, từ đó, xuống đường biểu tình. Và cách mạng bùng nổ.

Dĩ nhiên, còn quá sớm để có thể nói hình ảnh của một Nguyễn Phương Uyên, một Cù Huy Hà Vũ hay một Nguyễn Văn Lý trước tòa có thể làm thay đổi điều gì ngay ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng sẽ còn lại, như bằng chứng của một tội ác. Với những bằng chứng ấy, bản án dành cho họ trở thành bản án dành cho chế độ.

Một chế độ độc tài và tàn bạo.

Tâm hành thiện ác



         Tu hành còn vướng mối tham si,
       Vật chất nao lòng có ra gì !
       Thuận cảnh chan hoà tình quyến luyến
       Nghịch duyên lộ diện luống sầu bi.
       Hạt giống ác căn nằm lẩn quất,
       Tâm lành cội rễ giữ oai nghi
       Khách quen tàng thức thường lui tới,
       Ngã mạn khua lên địa ngục quy !

                                          Nguyễn Lộc