Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

 Mấy lần chọn lựa mấy lần buông,

Người đó ta đây cũng chẳng buồn.

Những cánh nhạn kia còn chao đảo,

Sá gì phải cột chặt đau thương.

- NHL

 Cái chết trên đồi hoang vắng,

Hàng cây thắp nến hai hàng.

Phật đài đứng tròng rơi lệ.

Tiếng chuông,tiếng trống reo vang.

- NHL

 Rồi đây có người hỏi tôi,

Lâu quá sao không thấy về ?

Trả lời, tôi hỏi về đâu ?

Người kia mới nói về chầu Diêm vương !

- NHL

 Cái tôi một chút gọi là...

Cái tâm hướng thiện điệu hoà làm duyên.

Cái thân sẽ cỗi ưu phiền,

Cái danh ,cái lợi về miền hư vô !

- NHL

 Bên song tôi lặng nhìn

Ánh nắng xuyên qua lá.

Chợt thấy mình xa lạ !

Thỉ chung từ đâu ra ?

NHL

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

      Nếu chúng ta đưa mắt ngắm nhìn, dõi sâu vào vũ trụ,liệu bạn sẽ nhận thấy rằng không gian trải dài bất tận,hay nó sẽ kết thúc đột ngột tại một nơi nào đó  ? hay bạn sẽ quay trở về điểm xuất phát,không như khi Francis Drake đi vòng quanh trái đất ? Cả hai khả năng nầy- một vũ trụ kéo dài bất tận,và một vũ trụ khổng lồ nhưng hữu hạn- đều tương thích với mọi kết quả quan sát của chúng ta,và suốt dài thập niên gần đây các nhà nghiên cứu hàng đầu đã nổ lực nghiên cứu cả hai lĩnh vực nầy.

       Trong một vũ trụ vô hạn,có một dải Ngân Hà trông giống dải Ngân Hà của chúng ta, với một hệ mặt trời giống hệ mặt trời của chúng ta,với một hành tinh giống trái đất của chúng ta,với một ngôi nhà không khác gì ngôi nhà của bạn,trong ngôi nhà đó là những người giống như bạn.Và không chỉ có một bản sao như thế.Trong một vũ trụ vô hạn,có vô hạn bản sao như thế.Trong một số vũ trụ khác,ngay lúc nầy chiếc bóng của bạn đang đọc câu nầy,cùng bạn.

        Dù không có khả năng quan sát được những thế giới nầy,chúng ta sẽ thấy rằng nếu vũ trụ rộng lớn vô hạn,nó là ngôi nhà của vô số thế giới song song - một số giống như thế giới của chúng ta, một số hơi khác so với thế giới của chúng ta,nhiều thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới của chúng ta.

         Trên đường hướng đến những thế giới song song này,trước tiên chúng ta phải có được một số hiểu biết thiết yếu về vũ trụ, kiến thức khoa học ngiên cứu về căn nguyên và sự tiến hoá của toàn vũ trụ.

          - Theo Brian Greene

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Gương Cuồng Trump - NL

 Buồn nghe những kẻ cuồng Trump

Vui nghe thế giới thoát vòng  đảo điên

Trở lại cuộc sống bình yên

Sống theo nề nếp chớ nên sa đà

Những người thích chốn xa hoa

Ăn chơi đàn điếm thì hoà theo Trump

Nói nhăng nói cuội lung tung

Phô trương thanh thế cùng chung theo dòng

Lưu manh đáng mặt anh hùng

Phất cờ theo gót hoà cùng Hitler

Làm thân  bị thịt chở che

Cho loài hung ác cho phe gian tà

Phải chi là Phật Thích Ca

Phải chi là Chúa,thánh ca để đời

Ai dè chỉ bốn năm thôi

Đã rơi thảm hại ghi đời bẩn nhơ


Nov 25,2020


Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

 Đạo Trump Sập sàn   - NL

Cười cho giáo chủ bốn năm

Giảng đạo khắp nước tiếng tăm vang trời

Làm nghề gánh xiếc mua vui

Đánh cho Trung cộng tơi bời đảo điên

Tiền thâu sưu thuế túi riêng

Chỉ cần lương tháng một tiền cũng vui

Quyết làm nước Mỹ đổi đời

Không còn suy nhược mấy thời lạy Trung

Tung hô người Mỹ anh hùng

Giang hồ da trắng sánh cùng trời thiêng

Ru người mê muội đảo điên

Tung hô vạn tuế Khắp miền thờ Trump

Ngàn năm mới có vĩ nhân

Trời sai xuống thế cứu dân diệt Tàu

Giảm nghèo giảm thuế nhao nhao

Giúp đỡ kẻ giàu,kẻ khó chết mau

Chỉ cần cái miệng tuôn trào

Giỏi tài bịp bơm dân nào có hay

Tiền buôn vũ khí cao bay

Tiền bất động sản khắp nơi thu về

Gia đình Trump sống hả hê

Chẳng trả xu nào tiền thuế của dân

Bịnh dich dân chết xa gần

Có thầy Trump đến nó vùng chạy ngay

Lo chi sự chết mỗi ngày

Xuống đường tranh đấu lai rai nguyện cầu

Trump nầy đạo nghĩa thâm sâu

Giúp cho dân Việt khỏi sầu đau thương

Trả thù tàu chệt nhiễu nhương

Có ngài Trump đến tình thương ngập tràn

Đến nay giáo chủ sập sàn

Bùa linh hiển  đã theo làn khói bay

Nov  24,2020



 Tổng thống Donald Trump của Hợp chủng quốc Hoa kỳ là một biểu trưng của nền dân chủ nước Mỹ bị phá sản do chính tay ông, ông đã miệt thị nền tư pháp Hoa Kỳ không đủ tư cách pháp nhân để giải quyết vấn đề kiện tụng không bằng chứng của ông.Ông là kẻ nói dối nhiều lần mà không biết xin lỗi (Quân bất thí ngôn ) Ông miệt thị nền nền an ninh quốc gia Hoa kỳ để cho kẻ xấu gian lận phiếu ,nhưng lại do chính ông điều hành đất nước trong bốn năm qua.Ông đã miệt thị nhưng quân nhân Hoa Kỳ là lũ ăn hại và hèn hạ. Ông mang tư tưởng Phát xít (fascium) kỳ thị dân da màu và tôn vinh dân da trắng là thượng đẳng ( Great American ).Ông là người không có đủ lòng từ bi ,bác ái để ngăn dịch bịnh Covid, khuyến khích dân chúng nổi loạn không cần mang khẩu trang lây bịnh cho người khác.Ông không đủ tư cách làm người khi ông tuyên truyền cho đám ngu dân thiếu hiểu biết ,không tin vào khoa học,vi trùng. Nói  tóm lại ông không đủ tư cách làm Tổng thống ở bất cứ nước nào.

 nguyễn đức tùng: khi còn bé tôi đọc sách (Tiếp theo và hết)

4.
Tác phẩm thiếu nhi cổ xưa có khuynh hướng luân lý, chú trọng nhiều đến cảm xúc. Các nhà văn sau đó đã thay đổi quan niệm ấy, tác phẩm của họ mang tính khách quan, tự nhiên, dùng giọng nói của trẻ con. Mà trẻ con thì không quan tâm đến luân lý, chúng chỉ hành động tự nhiên: cái tốt của con người nằm ở tính tự nhiên ấy. Trẻ con ngày một trở thành những công dân của thế giới, vì vậy sách dành cho trẻ con ảnh hưởng biết bao đến khuôn mặt xã hội. Sự hấp dẫn của lối văn, tài quan sát, cái sắc sảo trong cách nhìn sự vật, tình cảm đằm thắm, cảm xúc chân thật, là những thứ làm tôi trở lại với một cuốn sách, đọc nó lần thứ hai. Tôi tiếc rằng tôi biết đến cuốn Ngàn lẻ một đêm khá muộn, khi tôi đã lớn. Tôi yêu mến cuốn sách ấy nhưng tin rằng nếu được đọc nó từ những năm mười tuổi, cảm xúc của tôi đã khác, thế giới của tôi đã khác. Alibaba và bốn mươi tên cướp đã có thể làm tôi nghĩ khác đi về thế giới. Một người bạn của tôi ở Sài Gòn than rằng đọc Kim Dung không thấy thú, vì anh đọc lúc ngoài năm mươi tuổi; tôi e rằng đó không phải là cái tuổi để bắt đầu đọc kiếm hiệp. Tôi đang nói đến một điểm mà các nhà giáo dục lưu tâm: không những cuốn sách được giảng dạy có nội dung như thế nào mà chúng nên được giới thiệu vào lúc nào, mấy tuổi. Tôi học truyện Kiều chương trình giáo khoa năm lớp chín, mười bốn tuổi. Tức là khá sớm. Hình như ngày nay trong nước cũng dạy truyện Kiều vào tuổi ấy? Như thế là quá sớm hay quá trễ? Đối với tôi, tuổi ấy thích hợp để bắt đầu tiếp nhận thơ Nguyễn Du, nhưng chỉ bước đầu thôi, vì vậy vào năm cuối bậc trung học, các em cũng cần phải học lại Kiều một lần nữa. Mười bốn tuổi chưa đủ chín chắn để hiểu hết cái hay đẹp của Kiều, nên nhiều người lớn lên thì quên hẳn. Thơ đến với tôi muộn hơn với văn xuôi. Trong một lớp học báo chí ở Canada mà tôi theo học, bài giảng đầu tiên là bài về thơ. Nếu đọc các nhà văn lớn Âu Mỹ đương đại, ta đều thấy các thủ pháp thơ ca được họ sử dụng. Lục bát là một thể thơ đặc biệt, tôi bắt đầu yêu thích nó không phải chỉ từ truyện Kiều mà còn nhờ đọc tạp chí Văn số đặc biệt “Hai trăm năm sinh Nguyễn Du”. Tôi tìm thấy ở lục bát của Hoài Khanh, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, trong mục “Lục bát bây giờ”, và Tản Đà, Huy Cận, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, trong mục “Lục bát ngày xưa”, sự hấp dẫn của thể thơ dân tộc. Câu thơ lục bát thật quyến rũ, có nhiều điều để bạn học hỏi. Chức năng của các chữ trong một câu thơ khác nhau tùy vị trí: những chữ quan trọng nhất là chữ mở đầu, quyết định giọng của câu thơ, và các chữ cuối, vì chúng bắt vần với hai câu trước và sau nó.
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Chữ màu và chữ san là quan trọng nhất. Chữ cuối còn quan trọng vì nó phải dừng lại lâu hơn.
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Chữ đi không thay thế được, vì nó xuất hiện một cách tự nhiên. Câu thơ không thể dịch chuyển được nữa, trong tiếng Anh gọi là best words, best orders. Người làm thơ có vần non tay: chữ của họ có thể thay đổi. Tôi học được cách lặp đi lặp lại:
Khi về bỏ vắng trong nhà
Khi vào dúng dắng khi ra vội vàng
Khi ăn khi nói lỡ làng
Việc trùng điệp ở đây là để nhấn mạnh vào thói quen. Khi đọc Chinh phụ ngâm, tôi hiểu song thất lục bát đi trước lục bát. Thể song thất lục bát giàu tình cảm, thể hiện sức suy nghĩ bên trong. Câu thơ song thất lục bát dùng để mô tả tâm lý nhân vật, như trong trường hợp Chinh phụ ngâm, là thích hợp. Nếu trẻ em được dạy kỹ về các thể thơ từ những lớp nhỏ, ví dụ lớp năm hay lớp sáu, không những về nội dung mà về hình thức của chúng, nghệ thuật dùng chữ của cha ông, và mở rộng ra các thể thơ thế giới, làm cho học sinh có hiểu biết từ sớm, đối với các thể sonnet, ballad, ghazal, nghệ thuật dùng chữ của học sinh sẽ tiến bộ hơn. Khuynh hướng “dòng ý thức” cũng làm cho thơ ca thâm nhập văn xuôi, ít nhất về mặt nhịp điệu.
Văn học là các giá trị được tác giả chọn lựa. Bạn đọc sách, chịu ảnh hưởng của các nhân vật. Trẻ con thích bắt chước một cách ý thức. Những nhân vật có tính anh hùng, thông minh, tháo vát, hài hước, thương người, được bọn trẻ bắt chước nhiều nhất. Đó là một trong những phần thưởng của việc đọc. Tất nhiên không phải ảnh hưởng sách vở nào cũng đem lại kết quả tốt, không phải cuốn sách nào cũng dạy trẻ em những điều lành mạnh. Có những cuốn tối tăm, có những tư tưởng u ám, nhưng chúng ta đành phải giới thiệu cho người đọc những khía cạnh khác nhau, nhất là sau tuổi tiểu học. Truyện Kiều rất buồn nhưng nó làm tôi yêu cuộc sống. Những câu hỏi lớn có thể được đặt ra khi một đứa trẻ tiếp xúc với văn học. Tôi sẽ làm gì? Tôi có nên lấy vợ hay lấy chồng không? Tôi có nên đi làm cách mạng không? Tôi có nên tự tử không? Đừng sợ những câu hỏi ấy, rồi chúng sẽ tự tìm được cách trả lời. Đặc tính của ngôn ngữ là biến đổi. Con người thường xuyên thay đổi ngôn ngữ của họ, thay đổi cách giao tiếp, đảo lộn ngôn từ, sắp xếp chúng lại, rút ngắn, kéo dài ra, bẻ gãy. Ngôn ngữ đòi hỏi điều ấy, nhà văn cần làm điều ấy. Đó là cội rễ của việc cách tân ngôn ngữ trong văn học. Con người không ưa chuộng sự sáo mòn, tức sự lặp lại nhiều lần. Mặc dù khi một chàng trai nói “anh yêu em” là anh ta nói thật, từ trái tim, sẽ có những phụ nữ không tin điều ấy. Anh ta không biết rằng trước mình nhiều chàng trai khác đã nói như vậy với nàng. Có lẽ bạn phải nói khác đi. Tiểu thuyết ngày càng mới, tiểu thuyết dành cho thiếu nhi cũng ngày càng mới. Ngày nay các nhà văn không thể viết như trước nữa, chúng ta không thể viết về buổi tựu trường như Thanh Tịnh, “hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều”. Chỉ một lần người ta được viết như thế, lâu lắm rồi. Văn chương thiếu nhi rất khó viết, và trong khi các nhà văn tài năng làm cho nó trở nên dễ dàng, có vẻ như vậy, thì văn chương ấy không đơn giản như bạn tưởng. Thật hạnh phúc được đọc những cuốn sách đầu tiên và những cuốn sách cuối cùng của đời mình trên cùng một miếng đất.
Sáng tạo của Lê Tất Điều là độc đáo: chuyện của đồ vật. Một sự kiện được nhìn bởi một người, nhưng cũng có thể được nhìn bởi nhiều người: việc chọn lựa góc nhìn cho một tiểu thuyết là quan trọng. Tên của nhân vật cũng thú vị. Tôi có thể quên tên nhiều người nhưng không quên được Hiền và Vọi trong Trống mái của Khái Hưng, Xuân tóc đỏ, nghị Hách của Vũ Trọng Phụng, cô Mùi của Nhất Linh. Tôi yêu những cái lớn trong tiểu thuyết, hầu như lúc nào cũng vượt ra khỏi tính cách của tôi. Mơ ước về cái lớn lao là mơ ước của mỗi người, nhưng bạn càng lớn tuổi nó càng bớt đi. Thế còn sự thân mật? Tôi tìm thấy chúng ở sự yếu đuối, ở những khuyết tật. Nếu người mẹ của Phượng trong Chim hót trong lồng là một người đàn bà mẫu mực, sống toàn hảo, tôi sẽ không nhớ đến bà, nhưng vì bà là một phụ nữ làm nghề bị khinh rẻ, tôi mới xúc động. Tôi thấy gần gũi nhân vật ấy hơn vì những khiếm khuyết của bà. Đó là lòng thương xót.
Bạn đừng sợ những cuốn sách bạn không hiểu gì cả. Thời nhỏ tôi đã từng thử đọc một vài cuốn, như Người xa lạ hay Tội ác và trừng phạt, mà tôi không hiểu, nhưng ấn tượng tôi còn lại là sự mô tả tỉ mỉ chi tiết đời sống nội tâm, sự xung đột giữa các tính cách, bức tranh về số phận con người. Chẳng bao lâu sau bạn sẽ nhận ra các nhân vật là người quen gặp trên đường: giữa người đọc và nhân vật văn học có những điều chia sẻ cùng nhau, giống nhau, họ không ngớt an ủi khích lệ nhau. Ở Zhivago lần đầu tôi nhìn thấy sự kết hợp giữa văn xuôi và thơ, khi chàng thi sĩ bác sĩ ấy khóc thương cho một nước Nga đẹp như mơ đến hồi tan vỡ.
5.
Ba tôi mua sách, thỉnh thoảng bắt tôi đọc cho ông nghe. Tôi có nhiệm vụ rọc giấy. Thời ấy, sách in nhiều trang dính vào một, người đọc nào cũng có cái dao nhỏ để rọc sách. Một cái dao như vậy đã gây ra vụ án sát nhân của Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi thích mùi thơm của giấy khi rọc sách, nhìn trước nhìn sau không có ai, tôi úp mặt vào đó, hít hà. Mẹ tôi không đọc nhưng hay kể chuyện. Nhờ vậy mà khi lớn lên tôi có thói quen kể chuyện cho tụi bạn, dần dần thói quen kể chuyện trở thành một sở thích. Đối với nhiều người, đọc là hành động riêng tư: người ta đọc trong im lặng, một chỗ ngồi kín đáo. Nhưng trẻ em cũng cần được dạy rằng đọc là hành động tập thể. Học sinh cần tập đọc trước lớp, tập diễn thuyết, thanh niên cần tập đọc trước thính giả và khán giả, và lắng nghe đối thoại của người đến nghe. Truyền thống đọc sách công cộng tiếc thay không phổ biến ở người Việt Nam, và hình như ngày càng lụi tàn. Đi nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra người Việt không có thói quen trò chuyện trước đám đông, đọc tác phẩm cho người khác nghe. Người Việt nói chung có tính nhút nhát khi ra ngoài, không quen đối đáp với người ngoài, và những người như thế về mặt tâm lý học sẽ chuyển dịch năng lượng của họ vào việc khác: lắng nghe lời đồn, thích đả kích nhau trong nội bộ, không quen tỏ ra khâm phục, không sẵn sàng đối thoại.
Tôi bắt đầu đọc sách tiếng Anh trong trại tị nạn, với cuốn sách duy nhất, một cuốn tiểu thuyết mà tôi lượm được, của Dostoievsky bản tiếng Anh. Thoạt đầu tôi không hiểu, vì không có từ điển, cuốn từ điển tôi mang theo đã rớt xuống sông Tiền (không phải Tiền đường), cùng với lương khô, quần áo. Rất nhiều thứ chúng ta không hiểu, nhưng chúng ta sẽ suốt đời không hiểu nếu không bắt đầu từ bây giờ. Hãy để cho tính cách của nhân vật mà bạn yêu mến chinh phục bạn. Đừng ngượng ngùng nếu bạn thấy mình giống với Pinocchio, Zorba, Alyosha, vì họ đã là một phần của cuộc đời bạn; một cách vô thức họ trở thành chính bạn, vì lịch sử là một phần của hiện tại, mỗi người đọc là một nhân vật của cuốn tiểu thuyết được viết chưa xong, không bao giờ đến chương cuối cùng. Tình yêu đối với chữ, tình yêu đối với sách, làm nên nhân cách một kẻ mới lớn.
“Vũ và Côn nằm dài trên chiếc chiếu rách trải dưới giàn hoa lý sau vườn. Bóng râm mỗi lúc một lan rộng ra. Nắng chiều yếu dần nên màu xanh của lá và màu vàng của chùm hoa tươi lên làm dịu mắt hai thằng bé.”
Đoạn văn dịu dàng này làm tôi yêu miền Bắc, yêu không khí tự do của miền Nam, nhờ bầu không khí ấy mà Duyên Anh viết được như vậy về quê hương ông, thay vì viết những dòng khuyến khích trẻ em đánh giặc và yêu nước, thường là thứ văn sáo rỗng. Theo tôi một cuốn tiểu thuyết hay ngay từ đầu phải hấp dẫn người đọc. Nó phải mở ra một cánh cửa, hoặc là cánh cửa nhìn vào căn phòng hoặc nhìn ra cánh đồng bao la. Nhưng hơn thế nữa, người làm thơ và viết văn đều biết rằng ngay những câu đầu tiên, giọng điệu của tác phẩm đã được hình thành, sau đó bạn rất khó thay đổi, vốn từ ngữ, thói quen sử dụng chúng được xác lập ngay từ đầu. Khi đọc bao giờ bạn cũng hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nếu mọi chuyện xảy ra đúng như bạn dự đoán, câu chuyện bớt hấp dẫn.
Trong tiểu thuyết, đó là sự mở đầu, trong thơ, đó là sự kết thúc.
Anh trai tôi giới thiệu cho tôi tùy bút Mai Thảo, và loạt bài tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, hồi đó đăng trên Văn mỗi tháng một kỳ, nếu tôi nhớ không lầm, ví dụ “Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt” đăng tháng giêng, “Tháng chín gạo mới chim ngói” đăng tháng chín. Tôi háo hức chờ đọc Văn mỗi tháng, nhận được từ trang viết của Vũ Bằng biết bao hương thơm của đất trời phương Bắc, mùi nhớ thương của người đàn ông dứt áo ra đi mà vẫn nhớ người vợ cũ, nhớ quê cũ đẹp như giấc mộng, nhớ mà không muốn về, Vũ Bằng rạch ròi như vậy trong sách. Tôi học ở anh tôi sự phán đoán dựa trên trang viết, không cần tiểu sử tác giả. Cái chết của Anna Karenina bên đường xe lửa làm tôi xúc động mấy ngày. Sự thương cảm ấy có thật, nó chuẩn bị cho tôi năm học sau, lớp đệ tứ, học truyện Kiều. Tôi lờ mờ nhận ra việc bán mình của Kiều không những là bi kịch xã hội mà còn là một tính cách cá nhân. Thực ra đối với nhiều người, tính cách của nhân vật mới là tâm điểm của tiểu thuyết. Nhân vật và cốt truyện tuy khác biệt, chúng không hoàn toàn tách rời. Cốt truyện làm cho nhân vật được thể hiện và nhân vật đẩy cốt truyện đi.
Không còn thơ ấu nữa, khi cuộc chiến tranh đến hồi chấm dứt, miền Nam đứng trước ngày sụp đổ, tôi may mắn đọc tuyển tập "Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta" do Nguyễn Đông Ngạc biên tập. Truyện ngắn khác truyện dài không những ở kích thước của nó, tức là phải ngắn, mà còn phải là một câu chuyện, câu chuyện của một nhân vật muốn một điều gì đó, phải tìm cách vượt qua chướng ngại để đạt được điều ấy. Khác với thể văn khác, truyện ngắn bao giờ cũng hướng tới một sự kiện cụ thể. Truyện ngắn viết về một tình huống, một xung đột, một phân vân lựa chọn, một khoảnh khắc trong khi tiểu thuyết hướng về mô tả các nhân vật, sự biến chuyển của các nhân vật. Mặc dù truyện ngắn có thể được viết với một ngôn ngữ đầy tính thơ, chúng không phải là một bài thơ. Bài thơ tập trung vào ngôn ngữ, hình tượng, giọng điệu, trong khi truyện ngắn hướng tới một câu chuyện. Tôi thường chỉ đọc tiểu thuyết một lần, thỉnh thoảng mới đọc nhiều hơn, nhưng truyện ngắn hay tôi đọc đi đọc lại. Tôi mê chất giọng của Mai Thảo, bề ngoài phóng túng mà bên trong trầm tư. Tập truyện Chuyến tàu trên sông Hồng gồm chín truyện ngắn, truyện nào cũng hay, là một thành tựu của văn xuôi ngày ấy. Những suy nghĩ mà hôm nay chúng ta đọc lại vẫn gần gũi.
" Nhát dao chặt đứt mình mẩy quá khứ thì thi thể của hiện tại cũng rách nát đau đớn. Ba phần thời gian chỉ là một. Tôi nghĩ miên man như vậy. Chung quanh tôi là thành phố, dòng nước chảy, những hàng cây, những mái nhà, vòm trời cao, đáy nước sao. Chúng tổng hợp lại thành một thực thể tổng hợp. Tôi không thấy một khởi điểm riêng lẻ nào. Những vần thơ tôi sẽ viết và sẽ được in ra sẽ còn cái hơi thở của tập thơ buổi đầu. Làm cái việc ôn lại đời mình qua những điều chắt gạn ở cuộc sống một người đã khuất, tôi muốn tự đặt cho mình một thái độ. Con người phải đi trên đường mặt trời hướng vào tương lai. Nhưng quá khứ đã làm tôi lớn lên. Tôi tưởng rằng nếu tôi có hàng ngàn năm để làm cái việc thu lượm những cái đẹp, những vì sao từ quá khứ gửi tới thì cái việc thu lượm đó sẽ không bao giờ hết. Và tôi đi đến một kết luận: Cái đẹp nào cũng chứa đựng một hình ảnh của quá khứ."
(Những vì sao thứ nhất, Mai Thảo)
Những truyện trong tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất” tôi đều đọc hai lần trở lên, cách nhau nhiều năm. Khi đọc lần đầu tôi không để ý đến một chi tiết trong Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam, đọc đến lần thứ hai mới để ý, là lũ học trò giành nhau chụp cho được cây dùi trống đánh thùng thùng báo giờ vào lớp. Tôi từng có kỷ niệm này, năm học lớp hai. Phải đọc đến lần thứ ba truyện Bạch hóa của Cung Tích Biền, tôi mới nhớ ra mùi dầu nhị thiên đường của một người lính hành quân về quê, và câu nói của anh ta, kết thúc truyện ngắn, một câu nói có vẻ hờ hững: “Ờ, hồi nãy có đứa nào chịu khó chôn lão già không bây”, thực ra là một nỗi xúc động được nén lại. Toàn bộ câu chuyện của họ, chứ không chỉ là cái kết, bao giờ cũng mang lại niềm tin vào con người. Không có niềm tin vào con người, cuộc sống không đáng sống.
Tôi nhớ truyện của Hồ Hữu tường có đoạn ngắn: “lửa bắt cháy, văn chương của ngươi như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên”.
6.
Vì sao tôi đọc sách? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Vì thích. Vì bắt buộc. Vì bắt chước. Vì bị hấp dẫn bởi một nhân vật. Kiến thức. Lối văn. Người đọc thích một cuốn sách cũng vì người ấy nhận ra sự tương hợp với giọng nói của người kể chuyện. Một tác phẩm có thể có giá trị, nhưng khi giọng của người kể chuyện là giọng quá buồn bã, hay quá trang nghiêm, hay dạy dỗ, có thể bạn không muốn nghe. Người đọc thích giọng văn vui tươi, dí dỏm, trữ tình mà vẫn hài hước. Nhưng giọng điệu chưa phải là tất cả: diễn tiến câu chuyện, sự hồi hộp, bất ngờ, các khúc quanh. Yếu tố cốt truyện trở nên ít quan trọng trong truyện ngắn, càng không quan trọng trong tùy bút và trong thơ. Do ảnh hưởng của nhiều phong trào văn học gần đây, có những tiểu thuyết không có cốt truyện, hay cốt truyện trở nên không hấp dẫn. Đó là sự xóa nhòa ranh giới giữa tiểu thuyết và truyện ngắn. Tôi tin rằng truyện dài cần nhân vật và cốt truyện, sức hấp dẫn của cả hai, trong khi truyện ngắn cần tia chớp khoảnh khắc. Đọc một truyện ngắn, bạn không có kỳ vọng biết hết về đời sống của nhân vật, không đòi hỏi câu chuyện nhiều biến chuyển, đọc một tùy bút lại càng không thế. Đó là lý do vì sao hiện nay tiểu thuyết phổ biến hơn truyện ngắn và thơ. Trong khi tiểu thuyết được giới bình dân yêu thích như vậy, truyện ngắn và thơ kén độc giả hơn nhiều. Đối với thơ, số lượng người viết và người đọc nhiều hay ít không quan trọng lắm.
Một đứa trẻ không hề nghĩ đến tác dụng giáo dục của tác phẩm. Vả lại một câu thơ hay, một truyện ngắn hay cũng chưa chắc đã mang lại cho tôi bài học luân lý nào. Tuy vậy, dù tác giả có ý định hay không, một tác động văn hóa thế nào cũng xảy ra nơi người đọc. Có những bài học rõ ràng như Tâm hồn cao thượng, có sự gợi lên lòng thương người như Vô gia đình, nhưng cũng có những tác động mơ hồ, khó hiểu, làm thay đổi tâm hồn bạn. Khi tôi đọc câu thơ:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vào năm tôi mười bốn tuổi, tôi chẳng hề nhận được bài học nào ở câu thơ của Bích Khê cả, nhưng cảm xúc của tôi thay đổi. Tôi thấy yêu mùa thu hơn, tôi nhìn ra cái đẹp của nó. Ngoài những ảnh hưởng tinh thần, còn có những hữu ích khác, như đối với cách hành văn của bạn và do đó đối với lối suy nghĩ của bạn. Khi đọc đi đọc lại một tác phẩm, một đoạn văn, những bài tập đọc trong nhà trường, tôi bắt đầu cảm nhận cái hay của câu văn. Ngày nay các trường học ít khi bắt trẻ con học thuộc lòng, nhưng tôi nghĩ học thuộc lòng cần thiết, nó giúp trẻ em thói quen hình thành một lối viết và lối nói chuẩn mực trong sáng, biểu lộ hết vẻ đẹp của tiếng Việt. Hay tiếng Anh, tiếng Pháp, nếu bạn đọc truyện trong các tiếng ấy. Văn chương dạy chúng ta lòng yêu mến chữ, yêu mến câu. Cũng như trong thơ, câu thơ là quan trọng nhất, thì trong văn xuôi, câu văn là viên gạch, là đơn vị quan trọng nhất. Tôi lắng nghe các mẩu đối thoại trong phim ảnh, kịch. Các câu đối thoại ấy được viết thật hay, gọn ghẽ, chữ dùng chính xác, ý tưởng sâu xa. Những câu hay có thể nằm bất cứ nơi đâu trong những đoạn tả cảnh thiên nhiên hay trong lời đối thoại. Tôi để ý thấy Duyên Anh viết ngắn, câu thoại rõ ràng, mạch lạc, dí dỏm. Giọng kể pha lẫn giọng tả, thoăn thoắt, các ý tưởng của nhân vật và hành động của họ xen kẽ nhau, vì vậy mà truyện Duyên Anh hấp dẫn với trẻ nhỏ.
Nếu bạn thích đọc nhưng không cảm thấy thích thú trước các câu, thì bạn không có khuynh hướng trở thành người viết. Cũng như vậy một người không thích mùi sơn, không thể làm người thợ sơn giỏi, không yêu mùi cỏ, không thể trở thành một người làm vườn tài năng, không yêu bảng đen phấn trắng, sao có thể trở thành thầy cô giáo giỏi? Có những câu văn dài và câu ngắn, có những câu với nhiều ngắt đoạn, với các dấu phẩy ở giữa và những câu không hề có dấu phẩy, có những câu văn dùng nhiều dấu chấm phẩy, có những câu không hề dùng đến chúng, có những câu trực tiếp và những câu bất ngờ, có những câu dễ hiểu và những câu khó hiểu, những câu làm bạn an tâm và những câu làm bạn thẫn thờ, có những câu đẹp như lụa và những câu sắc như dao, những câu văn làm dáng của Nguyễn Tuân và những câu chân thật cũng của ông, trong Vang bóng một thời, nhất là trong Chùa đàn. Câu là chất giọng của người viết. Câu là tiếng nói của người ấy. Thời bé tôi ghét những câu dài lòng thòng, sau này lớn lên đọc Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, tôi thay đổi ý nghĩ ấy, và thấy rằng bạn không cứ phải viết như Ernest Hemingway mới hay.
Khi người thợ mộc, biệt hiệu là Anh đào, với cái mũi đỏ chót, tìm thấy một thanh củi, ông ta chuẩn bị đẽo thành cái chân ghế. Nói sao làm vậy, lúc sắp chặt mảnh gỗ bỗng ông nghe một tiếng nói vang lên: chao ôi, đừng chặt mạnh quá. Chi tiết ấy tôi không thể nào quên được. Như vậy một chi tiết, một hình ảnh, ở lại lâu dài. Tôi cũng nhớ câu văn mở ra một câu chuyện. “Má ơi, thế là hôm nay má không đến con rồi. Con bắt đền má đấy. Cả buổi tối hôm qua con gấp áo đầu giường, con đi ngủ rồi mà còn nghĩ đến má.”
Nhật Tiến mở đầu Chim hót trong lồng với lời kể, giọng của đứa bé gái. Hai ba câu giản dị mà vẽ lên cả một khung cảnh, một mối quan hệ, một tình cảnh lạ lùng. Trong đoạn văn ấy hàm chứa nội dung của cả cuốn tiểu thuyết. Nói một lời đẹp, hạ một chữ chuẩn xác, viết một câu văn quyến rũ, không chỉ là công việc của nhà văn: chúng hình thành một lối tư duy mới, sáng sủa, rõ ràng mạch lạc. Tôi chưa thấy một nhà văn nào viết câu văn sai văn phạm mà có thể là một nhà văn lớn. Tất cả những chính trị gia tài ba đều là những người ăn nói gãy gọn, thậm chí là những người viết văn. Nếu có dịp đọc thủ tướng Anh Winston Churchill, tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, bạn sẽ thấy điều ấy.
Nhân vật phải thay đổi với chiều dài cuốn sách. Các nhân vật của những tiểu thuyết hay đều thay đổi. Tác giả, người kể chuyện, nhân vật chính, ba người ấy ở trong những trạng thái xung đột và họ thường xuyên thu xếp với nhau khi câu chuyện diễn biến. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một thế giới riêng rẽ, không có cuốn sách nào đại diện được cho con người như một tập thể, tuy vậy điều lạ lùng là trong những cái riêng rẽ ấy chúng ta mới nhìn ra khuôn mặt của con người. Năm mười lăm tuổi, tôi vớ được tập thơ của Hàn Mặc Tử.
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Hình ảnh ấy riêng tư, riêng cho một người, một hoàn cảnh, một tâm trạng, nhưng cũng chung cho nhân loại. Những ngày cuối cùng của miền Nam, đọc Cuốn theo chiều gió, thấy câu chuyện của nhân vật nữ đi trong những căn nhà đổ nát ở một tiểu bang ở Hoa Kỳ, tôi hình dung thấy, từ một đất nước xa lạ, sự phản chiếu số phận của dân tộc tôi. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết ấy giữa những buổi trưa hè hầm hập nóng sau một tấm bạt trong chợ Cồn, một thứ chợ trời hồi ấy ở Đà Nẵng, mùa hè năm 1975. Cho trẻ em đọc sách nào, đọc như thế nào, là câu chuyện của các thầy cô giáo, các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ. Nhưng tôi tin rằng việc đọc góp phần hình thành nên tính cách. Hơn một nửa những điều tôi đọc, từ trước tới nay, tôi không hiểu gì cả, nhưng vẫn xúc động. Tôi lờ mờ nhận ra rằng bên ngoài thế giới mà tôi đang sống, bên ngoài ngôi nhà ấm áp của cha mẹ tôi, ngôi trường tiểu học Triệu Thượng bên sông đẹp như giấc mơ dưới hàng dương liễu, đằng sau cây ngọc lan cao ngất cuối cánh đồng, còn có một thế giới khác nữa, kỳ bí, độc ác, đầy cạm bẫy, nhưng ở đó lại có những con người cao thượng, sự hy sinh, lối hành xử vượt ra ngoài lễ giáo. Lớn lên nữa, chuẩn bị vào đời, tôi nhận ra rằng cái thế giới kỳ bí ấy không phải chỉ là thế giới bên kia biển, trên hoang đảo của Robinson Crusoe, đằng sau ngọn núi, nơi chú dế mèn từng muốn phiêu lưu tới đó, nơi thằng người gỗ nhảy nhót muốn được làm người, mà thế giới ấy tồn tại ngay bây giờ, ở đây, giữa chúng ta, trong lòng mỗi chúng ta. Tôi nghĩ văn học đặt ra những câu hỏi nội tâm. Cái thế giới riêng tư ấy cũng mênh mông kỳ ảo, cũng đầy bóng tối và ánh sáng, đầy tội lỗi đớn hèn và cao thượng. Tôi yêu gần như tất cả những tác phẩm mà tôi đọc, tôi nhớ các nhân vật chính trong ấy như nhớ những người bạn. Những tác phẩm ấy giúp triển nở trí tưởng tượng của tôi. Cái kết hạnh phúc làm tôi sung sướng, tin tưởng vào một cuộc đời, cái kết buồn bã như trong chuyện cổ tích của Andersen làm tôi vương vấn. Tôi nghiệm ra nỗi buồn làm con người trở nên chín chắn hơn trong khi niềm vui làm cho họ mạnh mẽ. Đọc Xóm cầu mới của Nhất Linh, tôi biết có một thứ hạnh phúc êm đềm, nếp sống đơn sơ bề ngoài tẻ nhạt mà bên trong sống động, hồi hộp. Đọc Băn khoăn của Khái Hưng, tôi hiểu ra người ta đọc là để vượt qua đau khổ, là để chống lại những hoàn cảnh bất hạnh. Sau này khi lớn lên, xa quê hương, mất nó, chính nỗi cô đơn, cảm giác mất mát một khoảng trời tự do, sự không hài lòng trước lịch sử, dấy lên từ Khái Hưng, đã mang tôi trở lại với đọc và viết. Sự thương xót đối với con người, nhỏ bé và hay quên, có mặt trong mỗi chúng ta, vốn được hình thành từ sớm, từ khi chúng ta đọc Andersen, Kim Dung, Saint Exupéry, những nhân vật của các tiểu thuyết gieo vào lòng các bạn, những đứa bé mười mấy tuổi những hạt nhân đầu tiên không thay thế được: từ tâm và trí tuệ. Qua tuổi ấy rồi mà bạn không đọc thì bạn gần như mất hết.
Tiểu thuyết là những câu chuyện không có thực, nhưng chúng lại thực hơn cả ngoài đời. Đó sự thực bên trong. Các nhà văn đừng dạy cho trẻ con lòng căm thù, dù đôi khi trong đời sự căm thù là chính đáng và cần thiết. Cuộc đời sẽ dạy cho chúng điều ấy mau lẹ hơn chúng ta, cũng như thói chửi tục, bạn không cần phải vội. Hãy dạy cho chúng cái khác, cái đẹp thơ mộng có vẻ không có thực chẳng hạn. Nếu một người có một trăm cuốn sách quan trọng trong đời, năm mươi cuốn sẽ được đọc trong thời thơ ấu. Những cuốn ấy nếu bạn không đọc trước năm mười bảy tuổi, thì bạn sẽ mất chúng. Dù sau này bạn có bắt đầu đọc chăng nữa, những cuốn sách ấy sẽ không còn ý nghĩa ấy dành cho bạn, cũng tựa như cuốn truyện tranh thời ta bảy tuổi, truyện kiếm hiệp lúc mười ba tuổi, truyện tình diễm ảo mà bạn vừa đọc vừa khóc sướt mướt, vì khi đã lớn rồi bạn không còn khóc được nữa, những cuốn truyện kiếm hiệp đọc xong bạn muốn tập nhảy lên nóc nhà, vì khi lớn rồi bạn không ngu gì phi thân như thế nữa.
Sống để đọc. Vì văn học là tâm hồn. Chúng ta càng hiểu tâm hồn con người, thế giới mà chúng ta đang sống sẽ càng tốt đẹp. Chúng ta tin vào giáo dục, mà giáo dục bắt đầu từ tuổi nhỏ. Sự phát triển sinh lý và tâm lý của trẻ con có những đặc điểm riêng, vì vậy việc tiếp nhận văn học ở chúng khác hẳn người lớn. Việc giảng dạy trong nhà trường từ lớp một tới lớp mười hai, đặc biệt các tác phẩm văn học thời kỳ trung học có tác dụng quyết định hình thành nhân cách một thế hệ. Người ta thích nghe lời đồn là vì không chịu đọc sách: nghe dễ hơn đọc. Chúng ta phải khởi sự từ trẻ em, tập cho chúng đọc sách và đọc lớn thành tiếng. Chúng ta không kỳ vọng một nền giáo dục toàn hảo, trong những điều kiện của đất nước khó khăn, nhưng chúng ta đòi hỏi trẻ em được sống trong không khí lành mạnh, tự do, tiếp xúc với các tác phẩm giá trị của nhân loại, với sự hướng dẫn. Đừng sợ tác phẩm văn học không chứa những cái kết hạnh phúc, không có những lời khuyên mô phạm. “Tâm hồn cao thượng” là một tác phẩm gồm những bài học lớn, nhưng đừng đòi hỏi mọi tác phẩm đều là những bài học như thế.
Nhiều nhân vật trong truyện là những kẻ khiếm khuyết, bất thường, rồ dại, ở trong những tình huống nguy ngập, trước vực thẳm, trong mất mát, sau tan vỡ. Bạn có thể gặp trong câu chuyện của họ nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, sự tệ bạc, bất công nhiều hơn, nhưng chúng không làm tôi gục ngã, không làm tôi trở nên khinh bạc, trái lại chúng làm người đọc phẫn uất trước bất công, nuôi trong họ sự dịu dàng nghiêm khắc, tính khiêm tốn dũng mãnh. Kinh nghiệm của các nhân vật ấy dạy tôi lòng vị tha, sự tin cậy vào người khác, bóng tối trong những tác phẩm ấy hắt ánh sáng lên tâm hồn tôi, như quầng sáng của ngọn đèn dầu Hoa Kỳ trên trang giấy cũ, đêm xóm vắng.
Nguyễn Đức Tùng
Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 22, 2020