Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

THOÁNG TÌNH XƯA - NL

Những con đường lá me
Bây giờ chừ thấy lạ !
Người ơi giờ đâu tá ?
Như giấc ngủ thoáng qua

Hàng dừa xanh nghiêng bóng
Những con đường bình yên
Chiều về còn loáng thoáng
Tà áo trắng trinh nguyên

Ta về tìm dĩ vãng
Thời gian nào phôi pha
Ta nghe hồn lãng đãng
Tiếng vọng còn vang xa

Một cõi nào tồn đọng
Cho ta những nhớ mong
Một chút tình lận đận
Thả  hồn vào mênh mông

Dec.2,2016


Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

THỜI TUỔI NGỌC - NL

Anh về đây tình bao năm thức giấc
Lớp lớp xô bờ sóng dậy mỗi chiều rơi
Thuở yêu em anh còn nghe ngây ngất
Từng đêm về giấc ngủ mộng em tôi

Quê nhà đó mà sao lòng trống vắng
Người thương ơi em còn mãi trong ta
Hàng dừa phủ con đường mòn quen lối
Dẫn anh về tìm hơi ấm trên môi

Anh vẫn nhớ con sông xưa tắm mát
Bóng chiều thu toả rộng cảnh đồng quê
Nằm mơ màng trên liếp dừa xào xạc
Ngắm mây bay theo gió cuốn mây về

Anh lặng lẽ nghe bước chân thầm nhắc
Tưởng như chừng ngày đó còn bên em
Tiếng rơi đều nhịp đập của con tim
Vòng tay ấy ấm lòng trong hơi thở

Thôi em nhé ! anh trao lòng mơ ước
Trả lại em những năm tháng yêu thương
Cảm ơn em cho anh mảnh tơ vương
Em đã đến cho anh tròn tuổi ngọc

Apr.05,2010

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

BÀN TAY - NL

Một bàn tay nắm chặt
Dòng máu chảy trong tay
Nhỏ xuống đời lạnh ngắt
Ngày ra đi em từ giã luống cày

Một bàn tay  rộng mở
Thả lòng với ước mơ
Ngàn năm xưa còn dấu
Hoa vàng với tuổi thơ

Còn bàn tay nào nữa
Dành lại cho quê hương
Thắp sáng đời lữ thứ
Cho Việt Nam yêu thương

Nov.03,2016

HƯƠNG CỐ NHÂN - NL

Dòng sông xưa ta nhớ về dĩ vãng
Chiếc áo nào thoáng hiện thuở tinh khôi
Sao ta nghe tim đập những bồi hồi
Như ngày cũ quê hương còn xót lại

Bên ghế đá trải dài hàng đá cuội
Xào xạc nghe ai nhịp bước đi qua
Hồn xao động chờ đợi nép bên hoa
Ngày mới lớn con tim hồng  chợt thức

Trời hôm xưa còn thấy lòng ngây  ngất
Hương cố nhân sao cứ mãi quanh đây
Đôi cánh tay ôm ấp đôi vai gầy
Phút tỏ tình đôi môi đầy nắng ấm

Trời hôm nay còn như nghe tiếng sóng
Dội vào lòng những năm tháng yêu thương
Vẫn còn loang màu chiều tím vương vương
Trên làn tóc đã phai màu sắc thắm

Nov.03,2016


Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

GÁI QUÊ - NL

Ánh vàng ghe nhỏ
Sương chiều thả khói đi hoang
Đèn trời giăng bủa
Ngã nghiêng bóng dáng em ngoan

Hồn say chếnh choáng
Thương ngày lược giắt thơ ngây
Nước đùa loáng thoáng
Mơ màng tựa áng xuân đầy

Bờ vai ngày ấy
Êm đềm ru giấc tiên bồng
Tôi nghe lòng giấy
Viết đầy năm tháng thả giòng sông quê

Nov.02,2016


HÌNH BÓNG NHỚ THƯƠNG - NL

Ta nhớ từng sợi tóc
Mềm theo gió cuốn phôi pha
Nghe như tiếng khóc
Mưa chiều đổ xuống hiên nhà

Nhà ai vương khói
Mây mù tràn ngập đời ta
Còn nghe giọng nói
Anh về kẻo trể làng xa

Có ai ngóng đợi
Chim chuyền nhánh liễu nơi đâu
Tình xa duyên mới
Bao giờ trở lại vườn dâu hao gầy

Giòng sông vẫn chảy nơi đây
Đìu hiu hoang vắng tiếng ai gọi thầm

Nov . 02,2016

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

TIẾNG.... - NL


Tiếng thương mở cửa mối tình
Tiếng cười  rạng rỡ bình minh cho đời
Tiếng thầm gọi nhớ em tôi
Tiếng hôn còn ngọt bên trời nhớ nhung

Nov. 01,2016

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG - NL

Người ở người đi cứ vạn lần
Trò chơi cút bắt cảnh trời dông
Mây mù giăng toả nơi quê mẹ
Khí độc ngập tràn khắp phố đông
Lũ lụt đưa về miền trung khổ
Quan tham ki cóp túi tiền nông
Bao giờ cho hết đời mưa gió
Nhà nước thương dân trọn tấm lòng

Oct.24,2016

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Trần Thảo: TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN / THƠ THANH TỊNH

Chủ Nhật, ngày 23 tháng 10 năm 2016


Niên khóa 1970 - 1971 tôi vào học lớp đệ thất, là lớp sáu bây giờ, của trường trung học công lập Trần Quốc Tuấn của tỉnh Quảng Ngãi. Với tuổi đời vừa qua mười hai, tôi cũng như hầu hết những học sinh khác thời đó, vừa nôn nao, vừa hồi họp khi bản thân mình sắp bước qua một giai đoạn mới mẻ trong cuộc đời học sinh của mình. Tôi nhớ người thầy dạy chúng tôi Kim Văn và Cổ Văn trong niên học ấy chính là Thầy Trương Quang Lục. Thầy Lục dáng người cao lớn, giọng giảng bài trầm ấm, khá thu hút chúng tôi, những học sinh vừa từ giả môn văn với những bài luận tả con mèo, con chó của bậc tiểu học, để đón nhận những cảm quan tinh tế hơn về Cổ Văn và Kim Văn. Tôi rất thích Văn Học, nên thường say mê nghe Thầy Lục giảng những truyện thơ như Bích Câu Kỳ Ngộ, tả mối tình thật thơ mộng đầy tính cách huyền thoại của Tú Uyên và Giáng Kiều. Trong giờ Kim Văn, chúng tôi được học về những nhà văn, nhà thơ cận đại như Thanh Tịnh, Bàng Bá Lân, Anh Thơ v.v. Dĩ nhiên với tâm hồn non nớt của chúng tôi, những cậu bé lớp đệ thất, thì chương trình văn học không đòi hỏi phải đào sâu vào những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Trong những tác giả Kim Văn, người đã đem lại những xúc động dạt dào nhất cho tôi, và tôi tin là cho bất kỳ học sinh nào cũng vậy, là nhà văn, nhà thơ Thanh Tịnh. 

Tôi đã không quá đáng khi viết như thế. Bởi vì chỉ với mỗi truyện ngắn TÔI ĐI HỌC, nhà văn Thanh Tịnh đã khơi dậy cái tình cảm lãng mạn, đáng yêu biết bao của một thời tuổi nhỏ. TÔI ĐI HỌC, được viết dưới dạng truyện ngắn, nhưng trong đó có những đoạn đọc lên nghe êm ái, nhẹ nhàng như những tứ thơ.


"Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường."


hay
"Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn : Hôm nay tôi đi học."

Nhà Văn Thanh Tịnh không sáng tác nhiều thơ, nhưng những bài thơ của ông đều để lại trong lòng độc giả ấn tượng rõ nét về một tâm hồn lãng mạn, yêu quê hương tha thiết. Ông từng đoạt giải nhất thi ca với bài thơ Rồi Một Ngày, đồng hạng với thi sĩ Phạm Đình Bách trong cuộc thi thơ do Hà Nội Báo tổ chức vào năm 1936. Những tác phẩm khác của ông như Quê Mẹ, Ngậm Ngải Tìm Trầm v.v. cũng được độc giả chú ý và yêu thích.

Sau này, khi tìm hiểu thêm về ông, tôi mới hay ông sinh tại Huế năm 1911. Vào năm 1945, ông thoát ly gia đình, bỏ lại vợ con để đi theo cách mạng. Năm 1946, ông từ chiến khu Bình Trị Thiên, tập kết thẳng ra miền bắc Việt Nam. Quân hàm đầu tiên ông được phong là đại úy, và cuối cùng trước khi về hưu, ông mang quân hàm đại tá. Ông đã từng là nhân tố thành lập Hội Nhà Văn Việt Nam tại Hà Nội.
Điều khiến tôi, cho tới giờ này, luôn giữ lòng yêu mến và kính trọng ông chính là phong cách quân tử, hào sảng và chân thành với bạn bè. Đọc những bài viết của khá nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc viết về ông, tôi nghĩ cái động cơ thôi thúc ông thoát ly gia đình, tập kết ra bắc chính là lòng yêu nước nồng nàn của một chàng trai đất Việt được sinh ra trong một giai đoạn nhiễu nhương, muốn quên tình riêng để đáp lời sông núi, góp sức mình để mong đem vinh quang thực sự về cho nòi giống. Chính vì yêu nước quá nồng nàn, chẳng riêng ông mà cả một thế hệ thanh niên thời ấy đã lên đường như trong bài hát Nam Bộ Kháng Chiến:
"Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Vùng chân trời đầy hoang vu, muôn dân nam nhịp chân tiến ra trận tiền..."

Tiếc thay, giòng máu nóng anh hùng hừng hực đó đã bị lợi dụng, bị bán đứng, bị bịt mắt, để khi biết rõ bộ mặt thật của những tên cai thầu chính trị cộng sản, thì tất cả đã sa vào cái vòng kim cô, không thể nào thoát ra được. Đây cũng chính là lý do mà vụ án NHÂN VĂN GIAI PHẨM bùng nổ ở miền Bắc. Bắt đầu bởi những văn nghệ sĩ trong quân đội như Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Hữu Loan v.v. Bởi vì những tài năng văn học đó phải sống và viết theo chỉ thị, không một chút sáng tạo nào, nên lâu ngày cái xú bắp cần được xả là chuyện đương nhiên. Và những kết quả mà những văn nghệ sĩ trong vụ NVGP phải chịu đựng trong nhiều năm trời với sự tra tấn, cô lập, dìm xuồng đã khiến cho những người muốn tìm hiểu phải kinh sợ. Nhà Văn Thanh Tịnh không dính vô trong vụ NVGP. Có phải ông hài lòng với sự ưu đãi của chế độ Hà Nội, và thấy thỏa mãn với công việc làm văn nô cho đảng? Theo cái nhìn của tôi thì không phải vậy. Ông Thanh Tịnh là người nổi tiếng hay xuề xòa, hay hài hước nhẹ nhàng với tất cả bạn hữu, đồng đội từ khi ông còn trong lực lượng vệ quốc quân. Con người chân thành ấy, tôi nghĩ ông không có ngu để không thấy được cá nhân mình và cả một thế hệ trai trẻ đã bị lừa bịp, ông chỉ giả dại qua ải, vì ông không thấy được một tia hy vọng nào trong hoạt động có tính cách bộc phát của nhóm NVGP. Nhưng ông Thanh Tịnh vẫn giữ được tư cách quân tử của mình. Những sáng tác của ông sau năm 1945, có thể nói là vô thưởng vô phạt. Ông không a dua theo đóm ăn tàn như những Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận v.v. Những tài năng một thời chói sáng ấy, đã cúi rạp mình làm văn nô cho đảng, sẵn sàng bán bạn cầu vinh, bốc thơm những già Hồ, Sóng Hồng, Tố Hữu v.v. lên tận trời xanh. Có ai mà ngờ một Huy Cận mà viết câu " Đánh Mỹ vui như trẩy hội", Chế Lan Viên thì "Tổ quốc ta có bao giờ đẹp thế này chăng ? " và Xuân Diệu với bài thơ sắt máu a dua trong cải cách ruộng đất nghe sao mà rùng mình.


Ông Thanh Tịnh không tham gia NVGP, nhưng ông luôn lưu tâm giúp đỡ những bạn văn, thơ bị đảng đày đọa, dở sống dở chết trong vụ án nổi tiếng này. Điển hình là nhà thơ Phùng Quán, người nổi tiếng với bài thơ LỜI MẸ DẶN, với hai câu kết "Giấy bút tôi, ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá." Vì dính vô NVGP, Phùng Quán cũng như khá nhiều người khác như Trần Dần, Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Cung v.v. đã bị đảng cô lập, đày đọa về tinh thần lẫn vật chất. Chỗ ở không có, phiếu thực phẩm bị cắt, mọi sáng tác đều không có chỗ dùng, người người xa lánh vì sợ bị liên lụy. Trong hoàn cảnh đó, ông Thanh Tịnh lại hề hà xuất hiện, ông vẽ cho Phùng Quán cái cần câu cơm, bằng cách là có những sáng tác nào vô thưởng vô phạt mà ở trên cần ông viết, ông nhường lại cho Phùng Quán chấp bút, rồi cứ lấy tên ông ra mà in, tiền nhuận bút ông trao cả cho gia đình Phùng Quán. Sự tích người ta kể lại là nhà thơ "dùng dao viết văn lên đá " đã quỳ xuống chân thành tri ân Thanh Tịnh đã cứu mình. Cũng chính nhờ sự giúp đỡ tận tình này mà sau này khi Phùng Quán qua đời, vợ của ông, Bà Bội Trâm, đã có tiền để chuyển hài cốt của nhà thơ về Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

Điều tôi thấy xúc động nhất là hoàn cảnh gia đình của nhà thơ Thanh Tịnh rất bi thương. Như đã nói ở trên, năm 1945 ông thoát ly gia đình, theo tiếng gọi non sông, rồi từ đó ông không có bất kỳ liên lạc nào với vợ con. Những cán bộ tập kết ra Bắc phần lớn đều lập lại gia đình, chả quan tâm gì tới vợ con còn ở trong miền nam VN. Nhưng ông Thanh Tịnh vẫn cứ sống cu ky một mình như vậy, với hy vọng đất nước hòa bình trở lại để về vui buổi đoàn viên. Nhưng sau năm 1975, khi ông trở lại Huế thì mới biết người vợ của mình đã lập gia đình với một đại tá của quân đội miền nam Việt Nam. Nhà thơ Thanh Tịnh đã đứng ra làm đơn bảo lãnh cho người chồng sau của vợ mình, sau đó ông trở lại miền Bắc với nỗi u uất của riêng mình, và không trở lại Huế nữa .Cuộc chiến Việt Nam bi thương, và không cần thiết đó, đã đem lại bao bi kịch ê chề cho người dân hai miền nam bắc, mất mát chia lìa đã là chuyện không thể nào tránh khỏi, nhưng đọc câu chuyện đời của nhà thơ Thanh Tịnh, ai có chút lòng trắc ẩn, cũng khó nén một tiếng thở dài. Nghe đâu sau khi ông qua đời, nhằm kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của ông, những thân hữu và cộng tác viên trong Hội Nhà Văn có tổ chức một buổi lễ kỷ niệm trang trọng, và có mời người con trai của ông là Trần Thanh Vệ từ Huế ra tham dự, nhưng anh đã không đến được, lý do là mẹ của anh vừa mới qua đời. Âu cũng là định mệnh, khi đã nhắm mắt xuôi tay, tất cả chỉ còn là hạt bụi.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến bài thơ Et S’il Revenait Un Jour, Rồi Một Hôm , của nhà thơ người Bỉ Maurice Maeterlinck, do Thanh Tịnh phỏng dịch :


Rồi một hôm, nếu về, cha hỏi :
Mẹ ở đâu ? Con biết nói sao ?
Con hãy bảo : Trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau.

Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ ?
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao ?
Con lặng chỉ bình hương khói rẽ
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao.

Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng ?
Con sẽ chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng, rồi đứng lặng yên.

Còn mồ mẹ, nếu cha muốn biết
Phải hướng nào con nói cùng cha ?
Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc
Và bên trời chỉ nội cỏ xa.

1936

Cuộc đời như phù vân, có đó rồi mất đó. Nhưng là một nhà văn, nhà thơ chân chính, hẳn ai cũng mong cho tác phẩm của mình còn sống mãi với thời gian. Có những ánh sao chói sáng trên bầu trời, nhưng rồi vụt tắt. Có thể là vì bản mệnh ngắn ngủi như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Nho Sa Mạc, Đặng Thế Phong v.v. nhưng thơ nhạc của họ vẫn sống mãi trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Cũng có thể chính họ tự khai tử chính mình, chối bỏ những đứa con mà họ đã đứt ruột sinh ra như trường hợp của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận v.v. 

Riêng trường hợp của Nhà Thơ Thanh Tịnh, thơ văn của ông, tư cách của ông, đã khiến cho tôi cực kỳ xúc động. Có thể ông rất buồn vì hoàn cảnh đau thương của gia đình mình, nhưng tôi tin rằng, cho tới phút cuối của cuộc đời, ông hẳn đã vô cùng hạnh phúc khi biết rằng, trong khi chế độ Hà Nội chối bỏ tất cả những sáng tác của ông thời kỳ trước năm 1945, thì trong miền nam Việt Nam đã có hằng triệu học sinh, sinh viên luôn ái mộ những đứa con tinh thần của ông, bởi có người học sinh nào, mà không thấy tâm hồn trong trắng của mình rung động như cậu bé lần đầu theo chân mẹ đến trường, trong một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh?

Kính chúc hương linh Nhà Thơ luôn mỉm cười an lạc nơi cõi vĩnh hằng.

Truyện Ngắn THANH TỊNH: TÔI ĐI HỌC

Chủ Nhật, ngày 23 tháng 10 năm 2016


Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. 


Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.
Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chìa ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước có sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.
Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
– Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
– Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.
Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.
Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:
– Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).
Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
– Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học. 

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.
– Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.
Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi học! 
[Rút từ tập truyện ngắn QUÊ MẸ, 1941.