Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

"Một số người Việt đạo đức giả"

“Người Việt Nam thật là đạo đức giả. Họ than phiền và tức giận về những gì đang xảy ra với những con cá nhưng chính họ lại đang phá hoại đất nước của họ”, một người nước ngoài nhận xét.
Dịp lễ 30/4 và 1/5, nhiều điểm du lịch trong nước đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Không chỉ chịu cảnh quá tải, nhiều nơi du khách khi đi tham quan, mua sắm, ăn uống thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi, tràn lan. Kết thúc kỳ nghỉ, hình ảnh đọng lại tại các địa điểm du lịch là rác và rác.
Đặc biệt là tại các khu du lịch biển như bãi biển Quất Lâm (Nam Định), bãi biển Hải Tiến (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), bãi biển Cồn Vành (Thái Bình), Khu vực tắm biển tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam....du khách thản nhiên xả rác vô tư trên bờ biển.
du lịch xả rác, xả rác nơi công cộng, hình ảnh xấu xí của người Việt, khu du lịch ngập rác, du lịch biển
Hình ảnh chụp tại Cồn Vành, Thái Bình (Ảnh: Nguyễn Thị Hiền).

Trong khi vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng ô nhiễm môi trường biển thì hình ảnh xả rác bừa bãi càng khiến nhiều người bức xúc.
Trần Hùng John, chàng Việt kiều Mỹ cảm thấy buồn và xấu hổ khi nhìn những hình ảnh mà bạn bè quốc tế đăng trên nhiều diễn đàn khác nhau về việc xả rác của người Việt. Người nước ngoài cho rằng người Việt đạo đức giả vì vừa than phiền tức giận về những gì xảy ra với những con cá thì chính họ lại đang phá hoại đất nước bằng cách xả rác bừa bãi.
Trong kỳ nghỉ vừa rồi ở Việt Nam, Hùng còn tận tai nghe thấy một người bố nói với con nhỏ của anh ta là "cứ vứt rác xuống đường đi".
du lịch xả rác, xả rác nơi công cộng, hình ảnh xấu xí của người Việt, khu du lịch ngập rác, du lịch biển
Bờ biển dài trải đầy rác (ảnh zing)
du lịch xả rác, xả rác nơi công cộng, hình ảnh xấu xí của người Việt, khu du lịch ngập rác, du lịch biển
Khu vực tắm biển tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam cũng rơi vào tình trạng ngập ngụa rác (Ảnh: Thiên Sơn).
Hùng John chia sẻ: “Trong khi cả nước đang tranh luận về vụ cá chết ở miền Trung, tôi muốn được nhắc mọi người nhớ rằng chính con người Việt Nam chúng ta vẫn là thủ phạm lớn nhất đang phá huỷ đất nước. Thật buồn nhưng đúng là như thế. Đã đi dọc Việt Nam hai lần, số lượng rác và mức ô nhiễm mà tôi nhìn thấy làm tôi rất buồn và giận. Vứt rác bừa bãi quá nhiều, sông và suối bị nhiễm bẩn, đốt rác và các nguyên liệu khác bừa bãi... còn nhiều nhiều việc như thế. Một đất nước xinh đẹp đang bị làm ô nhiễm bởi chính con người của nó.
Chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận ví dụ như Việt Nam vẫn đang phát triển, hoặc cơ sở hạ tầng còn kém nhưng tất cả những điều đó chỉ là nguỵ biện cho một thực tế đơn giản là không có nhiều người ở đây quan tâm đến môi trường, hoặc không đủ quan tâm để hành động. Và sẽ chẳng có gì thay đổi, thậm chí cả sau sự cố về cá này”.
“Tôi đoán là một vài người sẽ cảm thấy bị xúc phạm nhưng đây là một sự thật rất thật. Trước khi Việt Nam cần được cứu khỏi bất cứ thế lực bên ngoài nào, thì Việt Nam cần phải tự cứu khỏi mình trước”, Hùng John nói.
du lịch xả rác, xả rác nơi công cộng, hình ảnh xấu xí của người Việt, khu du lịch ngập rác, du lịch biển

du lịch xả rác, xả rác nơi công cộng, hình ảnh xấu xí của người Việt, khu du lịch ngập rác, du lịch biển

du lịch xả rác, xả rác nơi công cộng, hình ảnh xấu xí của người Việt, khu du lịch ngập rác, du lịch biển
Ở đâu có bóng dáng khách du lịch, ở đó có rác (nguồn ảnh phượt)
Rất nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự bức xúc với hành động xấu xí, thiếu ý thức của người Việt khi đi du lịch.
“Lối sống ăn đâu xả đấy, vô văn hóa ...lớp người này không được dạy dỗ giáo dục nên coi thường mọi quy định vì cộng đồng, đến nay cũng chưa phải đã muộn chúng ta cần giáo dục lớp trẻ từ khi còn nhỏ ở cả gia đình, nhà trường, xã hội mới mong có tương lai không còn người xả rác nơi công cộng”, một độc giả bày tỏ.
“Dân mình ý thức kém! Đó là thực tế. Cần phải phạt nặng bằng tiền và lao động công ích! Bắt dọn sạch chỗ rác anh vừa vất và chỗ khác nữa, nếu có do không bắt được! Sau đó nêu đích danh, nơi làm việc, ảnh (tùy trường hợp), đặc biệt những người viên chức, người có học thức, tuổi đời từ 18 - 55. Chỉ có thế đất nước này mới sạch đẹp!”, một độc giả khác tiếp lời.
K. Minh

      Tập thể dục không làm cho giảm cân

Sức Khỏe

Bác sĩ Hồ Ngọc Minh- Trong nhiều bài viết, tôi có khuyên độc giả không nên tập thể dục quá 30 phút mỗi ngày. Mới đây, có kết quả đúc kết từ hơn 60 nghiên cứu xác nhận là, tập thể dục thể thao không có lợi ích gì cho việc giảm cân hết!
Trước khi đọc tiếp, xin nói lại cho rõ ràng để khỏi nhầm lẫn nhé. Bạn vẫn nên thường xuyên tập thể dục để giữ gìn sức khoẻ, tránh bệnh tật, nhất là tránh hội chứng bệnh “Mỡ Đường Máu ”.
Đầu tiên, cơ thể con người ta là một bộ máy rất tinh khôn, nó được thiết kế để đốt năng lượng làm sao đỡ tốn kém nhất. Nghiên cứu cho thấy, sau 30 phút chạy bộ chẳng hạn, cơ thể tự điều chỉnh để làm thế nào tiêu thụ ít năng lượng nhất, nghĩa là tiến tới tình trạng bão hoà. Sau một giờ tập thể dục thể thao, cơ thể sẽ bị stress và tiết ra chất cortisol, mà cortisol là chất sinh ra tiểu đường, trụy tim, hoại cơ bắp thịt, và tăng mỡ.
Một nghiên cứu của nhà nhân chủng học Herman Pontzer cho thấy, khi theo dõi một bộ tộc Hadza bên xứ Tanzania, Phi Châu, mà người ta tối ngày lo săn bắt thú rừng để sống. Điều lạ là số lượng calories đốt trong một ngày bởi một người đàn ông Hadza chỉ tròm trèm tương đương một người ngồi gõ computer lên mạng, hay có khi chỉ ăn không ngồi rồi ở New York. Có thể là vì 80% năng lượng tiêu xài của cơ thể dùng để cho các cơ quan, các tế bào có thể sống còn cho dù là ngồi không. Và chỉ có từ 10% dến 30 % năng lượng là tiêu dùng cho cho sự vận động các cơ bắp thịt. Tuy nhiên điểm khác biệt là người Hadza gọn gàng, bắp thịt rắn chắc hơn người ngồi ghế sofa ở Mỹ với năng lượng dư thừa sẽ chứa vào mỡ vì bắp thịt không vận động.
Ngoài ra, lượng calories ăn vào và tiêu ra không theo tỉ lệ thuận của đường thẳng mà lòng vòng theo hình con…giun. Cơ thể luôn luôn tìm cách bão hoà, nghĩa là nếu bạn tập thể dục nhiều hơn cơ thể sẽ tìm cách bớt chi ra số lượng calories, để dành cho ngày… ốm đói. À, nói tới đói, sau khi bạn tập thể thao đến mệt lả, cơ thể sẽ đói hơn, và bắt bạn ăn nhiều hơn, thế là huề tiền và có khi lỗ vốn nghĩa là bạn tăng cân và tăng mỡ thêm hơn. Thí dụ bạn hì hục chạy máy 60 phút, sẽ đốt khoảng 700 calories, sau đó chỉ tốn 5 phút để bạn uống một ly sinh tố hay một ly nước trái cây để bồi dưỡng, bạn sẽ thu vào khoảng 1000 calories! Tùy theo cách nhìn, bạn lời hay lỗ, thêm hay bớt, 300 calories.
Vì thế muốn giảm cân thì bạn phải chú trọng vào việc ăn uống ít lại. Những người tập thể thao mà không bớt ăn thì lúc đầu có thể giảm cân, nhưng theo nghiên cứu, sau 20 tuần tối đa, sẽ tăng cân trở lại. Một thí dụ, một người đàn ông cân nặng 200 pound, tập thể dục như chạy bộ 60 phút mỗi ngày, trong vòng một tháng, sẽ giảm cân được… 5 pounds!

http://www.healthydiningfinder.com/getattachment/7127c366-e1fd-40ba-ae6c-6edbb2f013f8/Fitness-and-Weight-Loss-How-to-Stay-on-Track.aspxhttp://www.healthydiningfinder.com/getattachment/7127c366-e1fd-40ba-ae6c-6edbb2f013f8/Fitness-and-Weight-Loss-How-to-Stay-on-Track.aspx
Bây giờ hãy nói thêm về tính cách bão hòa, tiết kiệm của cơ thể khi tiêu thụ năng lượng.
Cơ thể con người là một guồng máy, nhưng không phải đơn thuần như máy xe hơi, vì có nhiều yếu tố như mỡ, đường, protein và các cơ phận tiêu dùng calories rất ư là phức tạp, không đồng bộ và không thuần nhất. Tùy theo ngày giờ trong ngày, tùy theo năm tháng mùa màng, tùy theo tuổi tác, tùy theo tâm tính khi vui khi buồn, tuỳ theo lượng hormone lúc lên lúc xuống, một bắp thịt có thể đốt calories nhiều ít khác nhau. Cụ thể, ăn bớt đi 10 calories cũng không có nghĩa là cơ thể bớt… mập đi 10 calories. Hoặc, tập thể dục thêm 10 calories, cũng không có nghĩa là cơ thể cũng… ốm đi 10 calories.
Nói như thế cũng không có nghĩa là bạn chịu thua. Bạn vẫn cần giữ một sự thăng bằng giữa việc ăn uống và thể dục thể thao. Nhưng nói chung, cán cân vẫn nghiêng về phía cắt khẩu phần lương thực nhiều hơn là tập thể dục thể thao nếu bạn muốn ốm bớt.
Vì vậy, đừng nghe những gì bà Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama nói, rằng thì là phải tích cực tập thể dục thể thao để chống béo phì. Hãy nhắm mắt, bịt lỗ tai, làm ngơ về những thông tin thương mại khuyên bạn phải è cổ chạy bộ, nai lưng tập thể dục thể thao cố mạng, lồng vào đó là những hình ảnh tươi mát đỏ chói của những lon Coca Cola, những ly sinh tố nhiều màu, gieo vào đầu bạn huyền thoại là muốn có một thân hình trẻ trung tươi đẹp thì phải tập thể dục thể thao cho nhiều và ăn uống đồ… bổ dưỡng cho cố.
Ở đây cần lưu ý thêm là, nghiên cứu cũng cho thấy, cơ thể đốt mỡ nhiều nhất khi chúng ta tập thể dục kiểu tà tà. Ngược lại khi tập thể dục thể thao “dữ dội”, cơ thể đốt năng lượng từ cả hai nguồn, đa đường dự trữ trong bắp thịt, gkycogen, rồi mới đến mỡ.
30 phút đi bộ tà tà mỗi ngày, ngắm trời ngắm đất, ngắm cây ngắm cỏ, ngắm ông bà trẻ nhỏ, và nhất là ngắm người bạn tình của mình đắm đuối như “phút đầu gặp nhau, tinh tú quay cuồng”. Nếu bạn khoẻ hơn, muốn chạy máy, chạy xe đạp, cũng nên giới hạn 30 phút mỗi lần, rồi xách giày, xách xe quay về nhà, đừng làm thí mạng, khi “người ta không còn trẻ nữa”.
Tôi đã chỉ vẽ đường cho hươu chạy một cách hữu hiệu, là làm sao tập thể dục vừa phải để khỏi mệt nhọc xác phàm, làm thế nào để xuống cân và giữ sức khoẻ một cách lười biếng nhất. Cứ theo đó mà làm, bạn nhé.
                        
BS Hồ Ngọc Minh

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Nguyễn Quang Chơn - Lan man chuyện Tổng Thống Obama thăm Việt Nam

Thứ Bảy, ngày 28 tháng 5 năm 2016


Ông chỉ có hơn hai ngày đến thăm Việt Nam. Chào xã giao và làm việc với bốn vị nguyên thủ xong, ông đi ăn tối ở một quán ăn bình dân. Ngày hôm sau ông nói chuyện với hơn một ngàn người về chuyến viếng thăm, về các quan điểm và tình cảm của ông đối với đất nước này rồi ông lên xe ra sân bay bay vào Sài gòn. Trên đường đi ông chống dù che mưa, ghé thăm nhà một người dân bình thường ven lộ. Ông hỏi thăm đời sống, chụp hình chung với họ... Tại SG, ông thắp hương một ngôi chùa cổ trước khi đi gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở đó. Ông nói chuyện với những con người trẻ tuổi của một phong trào lập nghiệp ở khu vực được hình thành trên sáng kiến của ông... Rồi ông bay đi Nhật để hội đàm với 7 nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất toàn cầu.... Chưa tròn 3 ngày với lịch trình kín mít, ông đã để lại cái gì cho đất nước Việt nam?...
Cái quà mà ông tặng chính là lệnh dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn khi ông thay mặt chính phủ Mỹ tuyên bố VN được quyền mua vũ khí sát thương để bảo vệ tổ quốc mình. Ông còn hứa sẽ tặng một số thuyền để giám sát lãnh hải biển Đông. Và chắc còn nhiều thứ nữa ông tặng nhân dân Việt Nam, được giữ kín trong các cuộc hội đàm... 
Thế nhưng đối với tôi, đối với người dân Việt, cái mà ông Obama đem đến chính là phong cách của ông, con người của ông. Những người dân Việt nam từ Hà Nội đến Sài Gòn đã đứng đón ông từ sân bay trở về và tiễn ông đi dẫu khuya, dẫu mưa, dẫu nắng. Họ tự nguyện xếp hàng, cầm cờ hoa, băng rôn, hình ảnh. Họ đón ông như đón một người thân, một anh hùng của VN đi xa về. Không phải như những trường hợp chính phủ bắt người dân vẫy cờ đón nguyên thủ XHCN  ngày xưa, họ đón ông với một tình cảm chân thành tự nguyện với niềm tin, hy vọng... 
Và sự thật như vậy. Bản thân con người ông cùng những lời nói của ông đã truyền cho người ta những niềm tin và hy vọng. Tôi có cảm tưởng những hình thức đón tiếp trang trọng của nhà nước, những chiếc áo vest và cà vạt cứng đơ khiến ông ngột ngạt. Ông có vẻ thích áo sơ mi, quần jeans hơn. Và thật vậy. Ông đi ăn tối tại một quán bình dân, ngồi trên một ghế nhựa không có lưng ghế. Ăn bún chả. Cầm chai bia nội địa uống ngon lành như... tôi hay ngồi với bạn bè. Rồi ông móc túi trả tiền. Rồi ông chào, chụp hình với mọi người, mua thêm vài xuất mang về rồi ra đi... Ôi, ông "đẹp" đến ngỡ ngàng. Ông là con người quyền lực nhất thế giới kia mà. Đại diện cho một nước Mỹ vĩ đại mà đi ăn bún chả bình dân, lại còn mua mấy suất đem về, lại tự rút ví trả tiền? Có phải ông diễn không? Có phải ông muốn tỏ ra muốn gần dân như thi thoảng một vài vị quan trong nước tôi vẫn làm để tự lăng xê mình? Không. Tôi thấy ông dung dị lắm và tôi biết trong nước ông ông cũng vậy. Ông thích... ăn hàng. Ông thích ăn bánh mì săng uýt và tôi cũng đã thấy những hình ảnh này của ông nhiều lần. Và, ẩm thực địa phương cũng chính là văn hoá địa phương. Ông ăn bún chả là ông đang thưởng thức văn hoá Hà Nội đó chứ. Hãy nhìn những bước ông đi. Những cái bắt tay và cái nhìn thân thiện của ông với người dân. Hãy nhìn và so sánh cách ông cho cá ăn trong ao nước vườn ông Hồ cùng bà chủ tịch quốc hội nước tôi. Ông thả những nắm cám một cách nhẹ nhàng, rồi khi bước đi, ông quay mặt lại lưu luyến vẫy chào đàn cá đang đớp mồi. Ông chân thực và duyên dáng làm sao!... 
Rồi bài phát biểu của ông giữa thủ đô Hà nội. Đây có phải là bài phát biểu chính trị của tổng thống một cường quốc lớn nhất thế giới không? Đúng. Bài phát biểu của một ông tổng thống thì phải ẩn chứa nhiều công hàm chính trị, mà sao tôi lại thấy như của một nhà văn hoá. Ông không răn đe ai, không dạy bảo ai. Ông nhắc lại cái tình của con người với con người. Ông lấy ngay câu thơ hàng ngàn năm trước của dân tộc VN để hàm chứa sự khẳng định và hứa hẹn rằng: Nước VN là để dân Việt ở. Không ai được quyền lấn áp hiếp đáp. Ông còn trích dẫn lời nhạc của người viết quốc ca VN, của nhạc sĩ phản chiến nổi tiếng, để nói với nhau rằng từ đây chúng ta đã rút bỏ hết mọi rào cản để yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, nối lại một vòng tay lớn... 
Ông nói hay quá. Ông nói nhẹ nhàng quá. Và một lần nữa tôi thấy ông đẹp. Ông đẹp khi ông chào mọi người và e rằng mọi người chưa tin những điều ông nói nên ông dùng đến một câu Kiều. Của tin có một chút này làm ghi! Trời. Trái tim tôi muốn bay ra khỏi lồng ngực khi ông kết thúc buổi nói chuyện. Bài nói thật sự bao trùm tất cả mọi vấn đề thời sự nóng bỏng mà tôi nghe chừng như lời tâm sự của một người bạn đến với một người bạn. Mong người bạn mạnh mẽ lên. Thức tỉnh lên. Tôi sẽ ở bên bạn. Tôi đã quên những gì bạn không tốt với tôi. Tôi với bạn hãy cùng làm một điều gì tốt đẹp cho loài người, cho thế giới. Bạn đừng sợ. Đã có tôi bên mình! 
Ông Obama là thế đấy. Đặc biệt bên những doanh nhân trẻ ông lại càng trẻ trung. Ông từ một người diễn thuyết lại biến thành một MC để hoà quyện mọi người và cùng gởi đến giới trẻ, đến các doanh nhân VN những thông điệp chung cho tương lai sáng lạn ngày mai. Ông thật thông minh. Tự tin. Dí dỏm. Giữa đám đông. Trên diễn đàn. Ông tự cởi chiếc áo vest nặng nề nóng bức để thoải mái trò chuyện cùng giới trẻ trên các lĩnh vực, kinh doanh, văn hoá, công nghệ... Tôi thực sự ngỡ ngàng khi ông giỏi và trẻ đến không ngờ! Ôi bao giờ trên đất nước tôi xuất hiện một người lãnh đạo có nhân cách, có văn hoá, có tài, có tình, như ông? 
Và rồi ông chia tay đấtnước tôi. Người dân lại đổ ra đường xếp hàng dưới nắng vẫy cờ hoa tiễn đưa ông. Họ đã thật sự rất yêu mến ông, tin tưởng ông. Đó là cái lớn nhất mà ông đạt được trong chuyến công du này! 
Tôi nhớ cách đây không lâu. Lãnh tụ một nước láng giềng thật lớn cũng qua thăm VN. Nhà nước tổ chức đón rước linh đình. Đại bác bắn chào ầm ầm. Rồi chui vào chỗ quan chức họp để phát biểu những điều to tát, hứa hẹn linh tinh rồi lầm lũi ra đi. Về lại quê nhà thì quên hết lời hứa hẹn. Mèo lại hoàn mèo. Trâu lại hoàn trâu! Ôi lãnh tụ! Có là lãnh tụ nào đi nữa thì trước hết phải là một con người. Phải học làm người. Với lương tâm. Văn hoá. Tài năng!... 
Xin cám ơn ông. Ông Obama. Tôi kính mến, quí trọng và muốn được học tập ông... 
ĐN, 25/5/16
Nguyễn Quang Chơn

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Tổng thống Obama thân thiện chụp ảnh kỷ niệm với người dân “Tổng thống mặc sơ mi trắng, tay áo xắn cao, bước vào quán với nụ cười và bắt tay tôi, rồi hỏi ngoài bán nước, thuốc lá, kẹo cao su còn bán gì nữa không”, chị Trà thuật lại.


 Dịch giả: Facebooker Phan Minh Thu - Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama tại Trung Tâm hội nghị Quốc gia, sáng 24 tháng 5 năm 2016

Thứ Tư, ngày 25 tháng 5 năm 2016



Xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho chúng tôi sự chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm này. Xin cảm ơn các bạn có mặt ở đây ngày hôm nay.
Những người Việt Nam đến từ khắp đất nước, trong đó những người trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng của người dân Việt Nam. Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của những người Việt Nam đã chạm tới trái tim của chúng tôi. Nhiều người đã vẫy tay chào tôi bên đường, làm tôi cảm thấy được tình cảm dân tộc.
Hôm qua tôi đến thăm phố cổ Hà Nội và được ăn bún chả rất ngon, uống bia Hà Nội. Đường phố thật đông đúc, tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy. Tôi chưa thử đi qua đường, nhưng sau này có dịp trở lại Việt Nam, các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào.
Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi cũng là người như các bạn, đã trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khi lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc đó tôi 13 tuổi, do vậy lần đầu tiên được tiếp xúc với người Việt Nam, khi mà tôi lớn lên ở Hawaii, tôi đã gặp một số người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người còn trẻ hơn tôi. Nhiều người trẻ Việt Nam cũng như hai con gái của tôi khi sinh ra chỉ biết đến tình hòa bình và hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, do vậy khi đến đây tôi ý thức về quá khứ nhưng chúng ta nên hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để chúng ta có thể thúc đẩy lẫn nhau.
Tôi cũng trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam. Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cấy ở những mảnh đất này. Chúng ta đã có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam và Văn Miếu là bằng chứng kiến thức của Việt Nam. Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp, nhưng cây tre cũng như tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời.
Hôm nay chúng ta cũng nhớ tới lịch sử giữa người Việt và người Mỹ mà chúng ta có thể bỏ quên 200 năm trước, khi một trong những người Mỹ đi tìm kiếm giống lúa gạo và ông đã đến Việt Nam, tìm thấy giống gạo trắng, ngon, năng suất rất cao. Tiếp đó, những con thuyền đã đến Việt Nam buôn bán. Trong chuyến đi thứ hai, người Mỹ đã tới hỗ trợ cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Khi những phi công Mỹ đến đây, người Việt Nam đã giúp đỡ họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ.
Vào một thời điểm khác, việc đánh đuổi thực dân đã đưa chúng ta xích lại gần nhau. Chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ với chủ nghĩa cộng sản đã đưa chúng ta tới một cuộc chiến. Chúng ta đã nhận thức được sự thật đau đớn rằng chiến tranh dù cho thế nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta.
Trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Trong nghĩa trang của đất nước chúng tôi, người ta có thể chạm vào hơn 58.000 liệt sĩ vĩnh viễn không trở về. “Khi chúng ta bất đồng một điều gì đó, chúng ta vẫn phải nhớ đến những người đã ngã xuống vì đất nước, cả người Việt và người Mỹ”. Chúng ta đã hàn gắn với nhau: tìm kiếm người mất tích, đưa họ về nước, gỡ bỏ những bãi mìn còn chưa nổ. Trẻ con không thể nào bị mất chân bởi những bãi mìn này.
Trẻ em khuyết tật và chất độc màu da cam sẽ được chúng tôi hỗ trợ nhiều hơn. Chúng tôi tự hào vì những công việc chúng ta đã phối hợp với nhau tại Đà Nẵng và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ở sân bay Biên Hòa. Quá trình hòa giải của hai nước chúng ta không chỉ là liên quan đến các cựu chiến binh. Thượng nghị sĩ John Mc là cựu binh trong chiến tranh đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng “Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù trong chiến tranh, nên làm bạn”.
Nhiều người Mỹ, Việt đã nỗ lực hàn gắn những vết thương và cũng đã đem lại những lợi ích cho hai nước, như trung úy Hải quân giờ là ngoại trưởng John Kerry. Xin cảm ơn ngoại trưởng. Chính bởi những người cựu chiến binh đã cho chúng ta thấy con đường đi và người dân đã cảm thấy rất phấn khích để tiếp tục mưu cầu hòa bình. Chúng ta trở nên gần gũi nhau hơn, thương mại tự do ngày càng tăng lên, các sinh viên, học giả nghiên cứu với nhau.
Chúng tôi đã đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở Châu Á. Rất nhiều khách du lịch đã đến thăm Việt Nam, 36 phố phường cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế. Như người Việt và người Mỹ đều có thể thuộc những bài hát của Văn Cao “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người”. Với vai trò là tổng thống, tôi muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước và với quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta ngày càng gần gũi hơn, chúng ta đang ngày càng hợp tác.
Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là chúng ta xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Chúng ta đã mất rất nhiều năm để nỗ lực hàn gắn quan hệ. Chúng tôi muốn nói một điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng được trước đây: ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau. Tôi tin tưởng rằng những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới. Có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không giải quyết được thì giờ đây quan hệ của chúng ta đã cho thấy có thể tạo ra sự thay đổi để có tương lai tốt đẹp hơn. Hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Với sự tiến bộ, những giá trị tốt đẹp của con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh hay xung đột. Đây là điều mà hai nước đã chỉ ra cho thế giới thấy. Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam.
Chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Tôi không còn nhiều thời gian nữa trong nhiệm kỳ của mình nhưng tôi mong muốn mình có thể đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước. Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn để tạo ra và đem lại những cơ hội thịnh vượng thực sự cho người dân hai nước. Tôi hiểu những giá trị mới của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Nền kinh tế sẽ phát triển, đặc biệt ở các nước có pháp quyền và có hành lang pháp lý đúng đắn. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục. Do vậy, bên cạnh phát triển kinh tế cần đầu tư vào nguồn lực con người. Đó là những kỹ năng đào tạo và đầu tư vào những con người có tài năng, thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là những thế mạnh mà Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam. Ngày hôm qua như tôi đã thông báo, đội hòa bình sẽ đến Việt Nam. Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước. Các công ty hàng đầu, đại học danh tiếng Mỹ đã đến Việt Nam để hợp tác, đào tạo về khoa học công nghệ, toán học, y tế… vì khi chúng tôi muốn chào đón nhiều công dân, thanh niên Việt Nam sang Mỹ thì chúng tôi cũng muốn thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng những giá trị giáo dục tốt hơn.
Do vậy, tôi rất vui mừng thông báo với các bạn, mùa thu năm nay đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động. Đại học này phi lợi nhuận, chất lượng cao sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam và đóng góp cho hợp tác giáo dục giữa hai nước. Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh tới lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu…
Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối những doanh nghiệp trẻ Việt – Mỹ. Nếu có thể tiếp cận với công nghệ, kỹ năng mà người Việt cần thì sẽ không có gì là trở ngại với các bạn. Chúng tôi mong muốn khuyến khích cả phụ nữ Việt Nam, những người có tài năng để đảm bảo về bình đẳng giới ở Việt Nam. Từ thời đại Hai Bà Trưng đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, tự cường và giúp cho đất nước Việt Nam tiến lên phía trước. Khi chúng ta có một gia đình tốt, sự đóng góp của người phụ nữ, phụ nữ được đi học và có vị trí xứng đáng ở trường học, chính phủ, trong giới lãnh đạo thì chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này luôn đúng kể cả ở Mỹ cũng như Việt Nam.
Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, bởi vì bản thân tôi sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa đến Mỹ. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất mà mở rộng thị trường của mình như với Hoa Kỳ.
TPP cũng sẽ giúp thúc đẩy hợp tác vùng, giúp các bạn giải quyết các vấn đề bình đẳng kinh tế, thúc đẩy nhân quyền, giúp cho người lao động có điều kiện lao động an toàn hơn. Có thể người lao động tổ chức nghiệp đoàn, thúc đẩy bảo vệ môi trường. Đây là tương lai, hy vọng mà TPP mang lại cho chúng ta. Tất cả các quốc gia thành viên phải cam kết thực hiện các mục tiêu mà TPP đặt ra.
Tất cả chúng ta phải nỗ lực đảm bảo an ninh chung, điều này chúng ta có thể hợp tác với nhau trong chương trình đào tạo an ninh chung. Trong chuyến thăm này của tôi hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin, tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai. Hôm qua, tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ Hoa Kỳ bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam.
Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, không chỉ Việt Nam một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được hại nước nhỏ hơn.
Kể cả Mỹ thông qua các biện pháp hòa bình và liên kết vùng như ASEAN cần được tiếp tục củng cố như niềm tin của tôi, niềm tin của Hoa Kỳ. Đây là điều chúng tôi tuyên bố khi đến thăm Lào đầu năm nay.
Chúng tôi sát cánh cùng đối tác tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do thương mại. Khi chúng ta sát cánh bên nhau, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chiều sâu từ hàng không đến các vùng biển mà quốc tế cho phép.
Quan hệ của chúng ta là giải quyết sự khác biệt giữa hai chính quyền về nhân quyền. Tôi nói điều này, không biết quốc gia nào hoàn hảo. Sau 2 thế kỷ lập quốc, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc như kinh tế ngày càng gia tăng, định tiến tư pháp, hình sự. Tất nhiên chúng tôi vẫn nhận được sự phê bình. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được phê bình, tôi và Chính phủ, nhưng những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo. Việc mọi người có quyền đưa ra lời phê phán thì chính là điều giúp xã hội tiến bộ hơn. Hoa Kỳ không muốn áp đặt cho Việt Nam, chúng tôi tin rằng giá trị Hoa Kỳ mà chúng tôi nói là giá trị tổng quát được nêu trong Hiến pháp Việt Nam như người dân có quyền tự do ngôn luận, lập hội. Đây là những điều đã được nêu trong hiến pháp Việt Nam.
Tôi xin chia sẻ một số điểm theo quan điểm của mình, chúng ta tiếp cận internet vì thúc đẩy sáng tạo mà nền kinh tế cần có để phát triển, như facebook. Các công ty lớn đã có ý tưởng đưa ra và chia sẻ.
Người Việt Nam quyết định tương lai của người Việt. Tôi xin chia sẻ một số điểm của bản thân. Trong đất nước tự do, người dân sẽ lựa chọn lãnh đạo tốt nhất cho họ, mọi người có quyền bày tỏ sự nhân ái và chúng ta cần tăng cường hơn nữa tiếp cận hỗ trợ cho người nghèo để đời sống của họ được cải thiện. Các quyền bình đẳng người dân Việt Nam sẽ mang đến nền tảng cho sự thịnh vượng và lợi ích cho tất cả người dân Việt Nam. Suốt 8 năm qua tôi suy nghĩ nhiều về việc cải tiến hệ thống chính quyền Mỹ.
Về thách thức toàn cầu, Việt Nam cần bảo vệ các nơi như Vịnh Hạ Long, Sơn Đòng vì tương lai con cháu chúng ta. Nước biển tăng sẽ làm ảnh hưởng đến các vùng ven biển và Việt Nam cần thực hiện cam kết chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chống lại ảnh hưởng vùng ngập mặn như đồng bằng sông Cửu Long - nơi cung cấp thực phẩm lớn cho thế giới. Chúng ta cũng phải giúp đỡ cho các nước để xây dựng năng lực về nhiều vấn đề như cải thiện y tế. Mỹ vui mừng khi đã giúp đỡ Việt Nam tham gia hơn nữa về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đặc biệt hai nước trước đây tham gia trận chiến, nhưng giờ cùng hợp tác bảo vệ hòa bình. Việt Nam và Mỹ vần nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường đối thoại hai bên. Nhìn vào lịch sử, thách thức mà chúng ta vượt qua, tôi lạc quan vào tương lai của quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin tôi là nhờ nền tảng dựa trên tình hữu nghị. Hay như Trịnh Công Sơn viết bài “nối vòng tay lớn” để mở tấm lòng của mình ra để thấy bản chất và trái tim của mình. Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn. Sau này khi người Mỹ Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.
“Cảm ơn các bạn. Thank you very much. Thank you Vietnam”

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

 Phạm Phú Minh - MỘT XÃ HỘI VIỆT NAM BĂNG HOẠI

Chủ Nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016


* Vài nhận xét nhân đọc cuốn Người Việt Nam Tồi Tệ của Lâm Nhược Trần, 359 trang, do Người Việt Books, California, xuất bản tháng 5, 2016. 
Thông tin từ Việt Nam trong ít nhất một hai chục năm qua, ngày càng dày đặc, dù là trên báo lề phải hay lề trái, dù là nhận định của người sống trong nước hay người ở nước ngoài về thăm quê hương, đều cùng nhau đồng ý một điểm: xã hội Việt Nam hiện đang trong tình trạng xuống cấp, ngày càng trầm trọng. Một nhận xét đồng loạt như vậy về sự suy thoái của phẩm chất con người, của nền giáo dục, nền y tế, về công cuộc làm ăn sinh sống, về đạo đức của quan và của dân v.v... thì không thể là những nhận xét vô căn cứ, nặng về cảm tính, mà là những lời báo động của những ai còn có lương tâm trước cái Xấu đang lấn dần cái Tốt, cái Ác đang thắng cái Thiện.
Ai trong chúng ta cũng đều muốn tìm ra nguyên nhân của tình trạng này, nhưng suy cho cùng thì nguyên nhân sâu xa nhất chỉ có một: do sự toàn trị của đảng Cộng sản suốt mấy chục năm qua. Nói một cách khác, nếu không bị cái họa cộng sản thì đất nước chúng ta ngày hôm nay CHẮC CHẮN không đối diện với cái họa đang lao xuống vực thẳm như chúng ta đang chứng kiến.
Cuộc cách mạng cộng sản thế giới bắt đầu từ năm 1917 tại nước Nga, sau đó đã xưng hùng xưng bá trên gần nửa quả địa cầu, nhưng đã cáo chung một cách khá đột ngột mà rất triệt để sau khi tồn tại được 70 năm. Dù còn một số nước nhỏ nhoi gọi là xã hội chủ nghĩa có thể đếm bằng các ngón trên một bàn tay, nhưng thực chất không còn chủ nghĩa cộng sản trên mặt đất, vì các nước này coi như đã quy hàng thế giới tự do khi đã thay đổi hẳn phương thức sản xuất để sống còn giữa một thế giới giàu mạnh và tự do.
Vì sao đã có lúc tỏ ra khá hùng mạnh, chủ nghĩa cộng sản lại chết một cách bất đắc kỳ tử như vậy? Vì căn bản tồn tại của nó chỉ dựa trên hai điều: dối trá và bạo lực. Nó phủ nhận những thành tựu trong quá khứ của con người về tinh thần và sản xuất, đặt ra những giá trị tinh thần mới và phương thức sản xuất mới dựa trên thuyết duy vật và lý thuyết về giai cấp vô sản, và dùng bạo lực để cưỡng bách mọi lý luận cũng như việc tổ chức xã hội mới của mình. Về lâu về dài, con người không thể chịu đựng mãi sự dối trá và sự áp bức là những gì đi ngược lại căn bản hướng Thiện trong suốt quá trình thành người của mình, chủ nghĩa cộng sản phải sụp đổ. Nó sụp đổ vì cái ảo tưởng thành lập một xã hội hoàn toàn mới, trong khi không đem lại một chút tốt đẹp gì cho đời sống vật chất lẫn tinh thần cho con người; nó chỉ sản sinh ra toàn những điều xấu xa, mà rõ rệt nhất là tình hình xã hội hiện tại của đất nước Việt Nam.
Chủ nghĩa cộng sản đã vào Việt Nam với tất cả bản chất đặc thù của nó. Hãy nhớ lại những gì họ đã làm: ra sức đánh đổ những phong tục tập quán xa xưa của dân tộc Việt Nam để xây dựng cái họ gọi là “đời sống mới”; đập phá đình chùa miếu mạo là những cấu trúc tượng trưng cho thành tựu đời sống tinh thần, tâm linh của dân tộc; thẳng thay giết những ai không đồng ý với chủ thuyết của họ, dù đó là thành phần ưu tú của đất nước; xóa bỏ tinh thần tương thân tương ái của xã hội Việt Nam mà tiền nhân nhiều đời đã dày công bồi đắp để chỉ còn một tinh thần quy phục đảng một cách nô lệ; chủ trương đấu tranh giai cấp để phá vỡ hồn tính của dân tộc chúng ta đã được xây dựng nên từ hàng nghìn năm sau lũy tre xanh... Với cái gọi là “bạo lực cách mạng” họ thẳng tay tàn phá đất nước Việt Nam của chúng ta tận gốc rễ.
Họ thay thế bằng những gì? Bằng những hứa hẹn không tưởng về một thiên đường trên mặt đất, nghĩa là bằng một mớ bánh vẽ. Và trên con đường vô tận để đến “thiên đường” ấy, họ dẫn dắt cả dân tộc vào các cuộc chiến tranh “đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”, bằng nền sản xuất tập thể không hiệu quả gây ra nghèo nàn, đói khổ. Và nhất là tất cả mọi quyền tự do của con người đều bị tước đoạt.
Nhìn lại, nguyên do chính khiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ chỉ vì nền tảng chế độ ấy chỉ dựa vào cái GIẢ. Thiên đường mà họ dựng lên chỉ dựa toàn vào ảo tưởng không bao giờ có thể thực hiện được (xã hội không giai cấp, triệt tiêu tư hữu v.v..., toàn là những chuyện không thể có trong loài người) nên họ phải dựa thêm vào cái DỐI. Cái cứu cánh đã giả thì không thể không dối trá, nói trắng ra là phải BỊP. Và tất cả những món Giả, Dối và Bịp ấy dĩ nhiên không thể tồn tại nếu không có một Bạo Lực đi kèm, với giết chóc, khủng bố, tù đày.
Cho đến khi đảng cộng sản Việt Nam phải đi vào con đường Đổi Mới để sống còn thì trên đất nước Việt Nam lại bày ra một tấn thảm kịch khác. Có đổi thay một phần phương thức sản xuất để dân chúng có thể làm ăn sinh sống; có đổi thay về đối ngoại, thôi không còn gào lên câu “tư bản đang dãy chết” nữa để hòng được các nước tư bản giúp đỡ, đầu tư, nhưng về căn bản vẫn giữ nguyên sự độc tài toàn trị. Đảng độc quyền về báo chí, truyền thông để tiếp tục thông tin một chiều; chương trình giáo dục vẫn theo lối ngu dân, với những môn “thầy không muốn dạy trò không muốn học” là triết học Mác-Lênin; với môn lịch sử bị bóp méo thành dị dạng để làm triệt tiêu lòng ham muốn nghiên cứu về quá khứ dân tộc của học sinh. Đảng độc quyền về đất đai để từ cái vốn ông cha bao đời gầy dựng và con cháu bao đời vun xới bỗng biến thành một nguồn tiền khổng lồ vô tận chạy vào túi một lớp lãnh đạo cao cấp, mặc kệ cho dân mất đất, mất nhà cửa, mất cả phương tiện sinh sống.
Về mặt văn hóa của dân tộc, họ đã làm gì? Bao nhiêu vốn liếng quý báu của xã hội Việt Nam đã bị cộng sản triệt hạ sau khi họ cướp được chính quyền, lấy cớ đó là sản phẩm của phong kiến lạc hậu phải diệt trừ đi để xây dựng một xã hội chủ nghĩa và con người xã hội chủ nghĩa. Nhưng như trên đã nói, những thứ họ mang từ xa về toàn là đồ giả, nên sau mấy mươi năm “xây dựng” xem ra chẳng đem lại chút giá trị đích thực nào cho xã hội và con người Việt Nam, ngoài việc dạy cho người dân sự giả dối và bạo lực. Rồi họ bắt đầu nghĩ tới việc phục hồi các phong tục tập quán cũ mà họ đã đánh đổ suốt mấy mươi năm qua. Nhưng với não trạng chỉ làm những gì có ích cho đảng chứ không cần dân tộc, họ lại bắt đầu xây dựng nên cái giả. Những phong tục tập quán của dân Việt Nam chúng ta bắt nguồn từ sự sống ngàn năm của tổ tiên, đã qua sàng lọc để còn lại những gì rất tinh túy hầu nhắc nhở, giáo dục con người sống cho xứng đáng, thì khi qua tay đảng cộng sản khi làm mới lại, đã thành các khí cụ gớm ghiếc. Họ “tổ chức” lại các lễ hội nhưng xóa hẳn ý nghĩa cũ để tạo cho chúng một linh hồn mới, dựa trên mê tín, khai thác tối đa tính tham lam của con người với mục đích thu tiền càng nhiều càng tốt.
Các lễ hội truyền thống đều mang ý nghĩa sâu xa của sự minh triết qua kinh nghiệm sống từ nhiều ngàn năm của dân tộc. Khi những nhà vô thần --và có lẽ vô học nữa-- đứng ra làm sống lại các phong tục cũ thì họ không cần tìm hiểu cái phần tinh túy của phong tục đó là gì, họ tùy tiện bày ra các hình thức hào nhoáng nông cạn để thu hút quần chúng, một quần chúng đã là nạn nhân lâu năm được đảng đào tạo về tính  thực dụng, tham lam và dễ tin vào một thần linh mới. Dù các nhà mác xít thừa biết là chẳng có thần linh nào cả, nhưng họ có rất nhiều kinh nghiệm tạo ra thần linh. Đó là nghề suốt đời của họ. Họ đã bái lạy các tên đồ tể của lịch sử như Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, và cả Hồ Chí Minh nữa, thành thần linh và bắt buộc cả một dân tộc chúng ta phải tin theo. Đến khi sự thật phơi bày không che giấu được nữa, thì họ lại tạo nên thần linh khác dựa vào phong tục tập quán sẵn có của dân tộc Việt. Lại là trò giả mạo! Và trò giả mạo nào cũng tạo ra những kết quả vô cùng tiêu cực cho một nền văn hóa.
Nói chung, cách cai trị của đảng cộng sản Việt Nam trên mọi lãnh vực rất hạ cấp, không có thiện chí làm cho dân tộc và đất nước được phát triển tươi đẹp, mà chỉ nhằm giữ cho vững đảng của mình thôi, chính vì thế hậu quả hiển nhiên là xã hội cứ ngày một suy đồi. Con người Việt Nam trong hiện tại trở thành một giống người mà đi đến nước nào người ta cũng phải dè chừng và khinh ghét vì những đặc tính “ưu việt” như trộm cắp, lường gạt, dữ tợn, bất lương. Đó là kết quả sau mấy mươi năm đảng cộng sản “giáo dục” dân chúng bằng “đạo đức xã hội chủ nghĩa” và khuyến khích toàn dân “theo gương Bác Hồ”. Đơn giản chỉ vì đạo đức ấy, tấm gương ấy toàn là đồ giả, được mang ra dùng chỉ với một động lực duy nhất là bịp bợm, chứ bản thân chúng nó chẳng có một giá trị nội tại nào cả.
Những lời báo động từ Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy xã hội Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy sụp nền tảng tinh thần là có thật. Tốc độ suy sụp nhanh như một ngôi nhà bị mối mọt ăn ruỗng bên trong, đang từ từ khụy ngã. Nhưng mãi đến gần đây mới có người tổng hợp những mối lo ấy lại, trình bày trong một cuốn sách. Đó là cuốn sách độc giả đang cầm trên tay của tác giả Lâm Nhược Trần, có nhan đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”. Dĩ nhiên tác giả đang sống và làm việc trong xã hội Việt Nam bây giờ, đã quan sát, chứng kiến từng bước băng hoại của xã hội, ghi lại và trình bày như một lời cảnh báo lớn cho tất cả chúng ta. Qua những trang viết, chúng ta thấy được đây đó chân dung của tác giả, là một nhà trí thức ở tuổi trung niên, đã du học tại Anh Quốc và có dịp thăm viếng nhiều quốc gia trên thế giới, và đang hành nghề chuyên môn (Bác sĩ Tâm lý lâm sàng) tại miền Nam Việt Nam. Chính kinh nghiệm sống nhiều năm ở nước ngoài đã cho tác giả những hiểu biết rộng rãi và những tiêu chuẩn khách quan để đánh giá về cuộc sống và con người. Và chính nhờ những năm làm việc ở quốc nội tác giả đã chứng kiến sự xuất hiện của những hiện tượng lạ lùng kỳ quặc của xã hội Việt Nam. Cả hai đều là những vốn sống quý báu giúp tác giả mạnh dạn cầm bút viết nên cuốn sách này.
Phương pháp của tác giả là quan sát và cảm nhận các hiện tượng, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp của mình trong cuộc sống, hoặc qua các thông tin của các phương tiện truyền thông. Tiếp theo là phân loại, mô tả, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh. Đôi khi tác giả mang các hình ảnh tích cực từ các xã hội lành mạnh trên thế giới mà mình đã sống qua so sánh với những tiêu cực trong đất nước mình như là một cách tô đậm thêm sự quái gở ngày càng phát sinh dày đặc trong xã hội Việt Nam.
Tác giả đã áp dụng một phương pháp viết sát thực tế, “nói có sách mách có chứng” chứ không chỉ bắt nguồn từ các nhận thức trừu tượng. Nhiều chương sách cho chúng ta cảm tưởng như một phóng sự tâm lý xã hội. Nhiều chương như một nghiên cứu sâu về hiện tượng thành hình tội ác. Có chương lại giống một tùy bút mô tả cung cách và tâm lý của một “giai cấp mới” vừa nảy sinh. Chính nhờ lối xây dựng từng vấn đề, từng hiện tượng và lối viết đa dạng của tác giả mà khi gấp sách lại, người đọc có cảm tưởng như vừa được đối diện với một xã hội rộng lớn đầy sinh động, trong đó biết bao lớp người đang diễn vai trò của họ. Bi có, hài có, quan có, dân có, “đại gia” có, trộm cướp có... đủ mặt của một xã hội (định hướng xã hội chủ nghĩa), nhưng tất cả đều ngọ nguậy diễn trò trong một môi trường độc hại, thê thảm, mà mỗi động tác, mỗi ngôn từ của họ lại tô đậm sắc thái bi đát của một sự vong thân nếu so với con người bình thường lương thiện trong một xã hội chân chính.
Nhưng dù đề cập những hiện tượng đã rất hiển nhiên, tác giả cũng đã tiên liệu những phản ứng của một bộ phận chỉ thích biện hộ và bao che cho những cái xấu của dân tộc mình, do tình trạng thiếu hiểu biết hoặc tự ái không đúng chỗ của họ. Ông cũng khẳng định một cách cương quyết và can đảm:
“Là người hoàn toàn độc lập, tác giả không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật, viết lại những điều mắt thấy tai nghe, thể hiện đúng vai trò của một công dân chân chính, những ý kiến và cảm nghĩ riêng tư khó có thể tránh khỏi mang ít nhiều dấu ấn cá nhân, nhưng nó bao quát và xác đáng, tác giả sẽ cố gắng trình bày sự việc một cách vô tư, trung thực và khách quan nhất.”
Với tinh thần ấy, tác giả đã thực hiện và trao cho chúng ta tác phẩm này.
Trong những năm gần đây, đọc các lời than phiền, cảnh báo của một số truyền thông trong nước (lề trái và cả lề phải) về sự xuống cấp thê thảm của xã hội, tôi để ý nhiều cây bút đã không ngần ngại nhắc lại xã hội miền Nam trước 1975 như một mẫu mực đáng sống. Là một người lớn lên tại miền Nam, ngẫm lại tôi thấy nhận xét trên đây rất chí lý. Dĩ nhiên xã hội nào mà không có mặt trái của nó, tôi xin thành thật nói rằng xã hội miền Nam trước 1975 cũng không ra ngoài quy luật muôn đời tốt xấu lẫn lộn ấy. Nhưng cái xấu của xã hội miền Nam, bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy là “cái xấu trong vòng lễ giáo”! Có tham nhũng không? - Có chứ. Nhưng người công chức họa hoằng có nhận tham nhũng thì chỉ trong một mức độ không phá vỡ đạo đức của một nền công quyền nghiêm minh, trí tuệ và lương tâm. Có xã hội đen không? - Đương nhiên là có, nhưng ở mức độ rất “nhân bản” tựa như trong cái đen ấy vẫn tồn tại những quy luật đạo đức điều khiển hành vi của các tay giang hồ một cách hoặc tiềm tàng hoặc có ý thức. Nghĩa là con người tại miền Nam trước kia không hề bị băng hoại và xã hội miền Nam là một xã hội lành mạnh. Sau 1975, đồng bào miền Nam vượt biên ra nước ngoài có thể hội nhập vào thế giới văn minh với đầy đủ tư cách đạo đức và học thức của một dân tộc có trình độ ngang ngửa với thế giới. Con người Việt Nam --hoặc thuộc bất cứ quốc gia nào-- chỉ bị xuống cấp, thậm chí mất tính người, khi phải sống trong chế độ cộng sản, từ nhỏ đã bị sự dối trá và bạo lực bao trùm và nhiễm sâu vào người.
Vì thế bây giờ nghe nhắc đến xã hội miền Nam trước 1975, tôi có cảm tưởng như người ta đang nói tới một thời Nghiêu Thuấn nào đó. Nhắc lại để thấy cái tương phản của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, đã sản sinh ra một lớp người đông đảo mà tác giả Lâm Nhược Trần gọi là “Người Việt Nam Tồi Tệ”.
Little Saigon, Nam California, 17 tháng Năm, 2016.
Phạm Phú Minh