Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Tiếng chim gọi đàn

 

          Chim khẽ trên cành rưng tiếng khóc,
        Thì thầm nhớ tổ lúc xa nguồn.
        Lạc đàn lẽ bạn thân phiêu bạt,
        Nhớ nước sầu non lệ tủi buồn.
        Biết bao cuộc sống luôn trôi nổi,
        Vô số dân lành mãi oán vương.
        Cầu nguyện quan quyền thôi cướp bóc,
        Quay về chung sống trọn tình thương.

                                              Nguyễn Lộc

Sợ hãi và lòng tham



            Ta mắc lỗi lầm nên sợ hãi,
          Hận thù muốn tránh phải ra tay.
          Ý dò thăm hỏi trừ hậu hoạ,
          Tìm cách an thân giấc mộng dài.
           Ma quỷ đưa đường tâm bấn loạn,
           Con người dối gạt chuyện làm sai.
           Tưởng rằng lợi lạc do tu chứng,
           Chỉ một lòng tham ác nghiệp bày.

                                                Nguyễn Lộc

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Từ chống Cộng đến chống toàn trị



Nguyễn Hưng Quốc

Trong lịch sử loài người, thời nào cũng có xung đột. Nhưng xung đột ở thế kỷ 20 và 21 khác các thế kỷ trước ở nhiều điểm.


Thứ nhất, chúng có tính chất toàn cầu. Trước đó, một số đế quốc mang quân đi chinh phạt nhiều quốc gia thuộc nhiều lục địa khác nhau, nhưng xung đột vẫn giới hạn giữa hai quốc gia chính: đế quốc và thuộc địa. Đã có một số liên minh được thành lập để chống lại một nước nào đó, nhưng tất cả các liên minh ấy đều tạm thời và cũng chỉ giới hạn trong một khu vực nhất định. Bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, ngược lại, với hai cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai cũng như cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, quy mô của xung đột mới thực sự có tính toàn cầu: Không có nơi nào thoát khỏi ảnh hưởng của chúng.

Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử, thông tin, và cùng với nó, tuyên truyền, trở thành một thứ vũ khí chủ đạo. Trong thông tin và tuyên truyền, có hai yếu tố đóng vai trò chủ yếu: hình ảnh và ngôn ngữ. Trong hai yếu tố ấy, hình ảnh là một yếu tố mới, gắn liền với các kỹ thuật truyền thông hiện đại, đặc biệt báo chí và truyền hình. Còn ngôn ngữ thì đã có từ lâu. Nó chỉ thay đổi ở mức độ và cách thức được sử dụng. Có thể nói chưa bao giờ ngôn ngữ bị chính trị hóa một cách sâu sắc đến như vậy.

Thứ ba, như là hệ quả của điểm trên, chỉ từ thế kỷ 20 trở đi, các cuộc xung đột mới mang màu sắc văn hóa rõ nét. Hậu quả là, bên cạnh mặt trận quân sự và chính trị vốn hiện hữu từ lâu, người ta có thêm một thứ mặt trận mới: mặt trận văn hóa. Mục tiêu chính của mặt trận văn hóa là chinh phục tình cảm và tư tưởng của con người. Có khi chính mặt trận văn hóa này quyết định cục diện của cuộc chiến đấu, phân định kẻ thắng và người thua, một cách tạm thời cũng như trong dài hạn. Theo Samuel P. Huntington, trong cuốn The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (1996), xung đột chính trên phạm vi toàn thế giới sau thời kỳ chiến tranh lạnh không còn xuất phát từ ý thức hệ như trước mà chủ yếu xuất phát từ văn hóa, trong đó yếu tố quan trọng nhất là tôn giáo. Tình hình chính trị thế giới sau biến cố 11/9/2001, châu tuần chung quanh cuộc chiến chống khủng bố vốn gắn liền với các phần tử Hồi giáo cực đoan, dường như củng cố một phần các luận điểm của Huntington.

Trong mặt trận văn hóa và với vai trò của thông tin cũng như tuyên truyền, việc định danh (hay gọi tên) là một trọng tâm trong chính sách của mọi phía.

Trên nguyên tắc, sự khác biệt căn bản giữa các nước Cộng sản (từ 1917 đến 1991) và các quốc gia Tây phương là ở bình diện kinh tế, hoặc nói theo thuật ngữ của các nhà Mác-xít, ở phương thức sản xuất: Đó là sự khác biệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, để ý mà xem, trên hầu hết các khẩu hiệu được sử dụng ở các nước Cộng sản ấy, từ Liên Xô đến Trung Quốc và cả Việt Nam nữa, khẩu hiệu trung tâm và phổ biến nhất, là chống chủ nghĩa đế quốc (hoặc gọn hơn, như ở Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, “phản đế”, anti-imperialism) chứ không phải là chống chủ nghĩa tư bản (anti-capitalism).

Khi đưa việc chống chủ nghĩa đế quốc thành nội dung chính trong chính sách tuyên truyền, Lenin đã thay đổi một luận điểm căn bản của Karl Marx: Với Marx, được trình bày trong cuốn Tư bản luận, chủ nghĩa đế quốc là thời tiền sử - hoặc sơ kỳ - của chủ nghĩa tư bản; với Lenin, nó là giai đoạn phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản; http://www.marx2mao.com/Lenin/IMP16.html với Marx, nó đã hoặc sắp thuộc về quá khứ, với Lenin, nó đang ở thì hiện tại và có thể, trong tương lai. Biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa thực dân (colonialism).

Có điều, sau thập niên 1950, chủ nghĩa thực dân hầu như tan rã khắp nơi: Hầu hết các nước thuộc địa, bằng chiến tranh hoặc bằng biện pháp hòa bình, lần lượt giành được độc lập. Các nhà tuyên truyền Cộng sản phải tạo nên một khái niệm mới: chủ nghĩa thực dân mới (neo-colonialism). Nếu, nói như Lenin, chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân mới được xem là giai đoạn phát triển cao nhất, thậm chí, là giai đoạn cuối cùng, của chủ nghĩa đế quốc.

Cả chủ nghĩa thực dân cũ lẫn chủ nghĩa thực dân mới đều nhắm đến một mục tiêu giống nhau: kiểm soát các thuộc địa. Chỉ khác ở cách thức và phương tiện: Với chủ nghĩa thực dân cũ, đó là quân sự và việc xâm chiếm lãnh thổ; với chủ nghĩa thực dân mới, đó là kinh tế và âm mưu thực dân hóa tâm hồn con người bằng một thứ “văn hóa đồi trụy”; với chủ nghĩa thực dân cũ, cái lợi chủ yếu nằm ở tài nguyên và sức lao động, với chủ nghĩa thực dân mới, cái lợi chủ yếu nằm ở thị trường và các ảnh hưởng chính trị trên bàn cờ quốc tế.

Có thể nói một cách tóm tắt, sự phát triển của phong trào Cộng sản thế giới từ cuối thế kỷ 19 cho đến lúc sụp đổ vào cuối thế kỷ 20 đã trải qua ba giai đoạn với ba khẩu hiệu chính: Thoạt đầu, với Marx và Engels, đó là chống chủ nghĩa tư bản; với Lenin và Stalin, là chống chủ nghĩa đế quốc; với các nhà lãnh đạo sau Stalin, là chống chủ nghĩa thực dân mới. Về phương diện tuyên truyền, hai giai đoạn sau tinh tế hơn: Nó chuyển mục tiêu từ kinh tế sang chính trị; và ở chính trị, biến một ý thức hệ trừu tượng và mơ hồ thành một ác quỷ mang mặt người với súng đạn và tiền bạc, với những bàn tay đầy máu me. Tất cả đều được sử dụng như những con ngoáo ộp để dọa dẫm người khác. Bên cạnh những con ngoáo ộp ấy, mọi quốc gia thân thiện với Mỹ đều bị gắn nhãn là tay sai hoặc là bù nhìn. Chưa hết, vì cả hai đều là những giai đoạn “phát triển cuối cùng” nên sau đó chỉ là “vực thẳm”! Hình ảnh để quốc đứng trên bờ vực thẳm là một sáo ngữ được lặp đi lặp lại khắp nơi.

Về phía Tây phương, để chống lại sự phát triển và những đe dọa từ chủ nghĩa Cộng sản, kể từ sau năm 1917, người ta đã tung ra những chiến dịch chống Cộng rầm rộ dưới nhiều hình thức và bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ quân sự đến chính trị và văn hóa. Trong lãnh vực văn hóa, người ta nhắm đến việc chứng minh lý thuyết của Marx và Lenin, đặc biệt chủ nghĩa duy vật lịch sử, là sai: Với Marx, lịch sử phát triển theo con đường tuyến tính, sau chủ nghĩa phong kiến là chủ nghĩa tư bản và sau chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng sản; với những người chống Cộng, diễn trình ấy chỉ là một ngộ nhận và cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản như một thứ thiên đường hạ giới chỉ là một không tưởng.

Tuy nhiên, khi biến việc chống Cộng thành một khẩu hiệu chính như vậy, người ta lại vấp phải khá nhiều sai lầm trong việc thu hút sự chú ý và sự đồng tình của quần chúng, đặc biệt của giới trí thức.

Thứ nhất, nó biến một xung đột chính trị, thậm chí, xung đột vũ trang thành một thứ xung đột về phương diện lý thuyết. Thay vì chống lại những đội quân hùng hậu đang cầm súng bắn vào họ hoặc bắn vào nhân dân của nước họ, người ta lại tập trung vào việc chống lại ông Marx và ông Engels cũng như các tác phẩm triết học và kinh tế học dày cộm của hai ông ấy – những tác phẩm mà, oái oăm thay, ngay chính các lãnh tụ cao cấp nhất của các đảng Cộng sản cũng chưa chắc đã đọc!

Thứ hai, chống lại chủ nghĩa Cộng sản không khác gì chống lại một tôn giáo. Cả chủ nghĩa Cộng sản lẫn tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, đều giống nhau ở chỗ: cả hai đều nhắm đến những lý tưởng cao đẹp và cao cả, nhằm giải phóng và cứu rỗi con người. Người ta không thể chống lại những lý tưởng như thế. Hơn nữa, ngay cả khi người ta có thể chứng minh những lý tưởng ấy chỉ là những sự không tưởng, người ta cũng rất khó thuyết phục được người khác. Có hai lý do chính. Một, với lý tưởng, người ta sử dụng niềm tin hơn lý trí. Mà niềm tin lại có thể bất chấp lý trí. Hai, nhân danh những lý tưởng ấy, người ta có thể biện hộ cho các sai lầm trong hiện thực: lý tưởng đúng, chỉ có chính sách là sai. Mà chính sách thì có thể thay đổi được. Nếu không thay đổi được thì cũng có thể… thông cảm được.

Lý do thứ hai kể trên là thái độ chung của rất nhiều trí thức Tây phương trong suốt thế kỷ 20. Không phải người ta không biết Cộng sản độc tài và tàn bạo; không phải người ta không biết Stalin và Mao Trạch Đông đã giết chết cả hàng chục triệu người. Nhưng người ta vẫn cho đó chỉ là những giải pháp tình thế trong giai đoạn chuyển tiếp của cách mạng. Với họ, đó là những cái giá phải trả và cần trả cho một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại.

Đó là chưa kể việc nhân danh chiêu bài chống Cộng, một số chính trị gia đã trở thành những kẻ hung hãn, khắc nghiệt, thậm chí độc tài đến độ bóp nghẹt cả tự do và dân chủ, biến thành những cơn ác mộng hãi hùng trong xã hội. Tiêu biểu nhất là trường hợp Thượng nghị sĩ Joseph MacCarthy (1908-1957) ở Mỹ. Chống Cộng một cách cuồng nhiệt, McCarthy liên tục chụp mũ hết người này đến người khác là Cộng sản hoặc là gián điệp của Cộng sản và yêu cầu Quốc hội phải điều tra để làm sáng tỏ “tội phạm” của họ. Ông nhắm mũi dùi tấn công vào cả văn phòng Tổng thống Harry Truman (có khi ngay chính bản thân Tổng thống Truman!), Quân đội Mỹ và đặc biệt, đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA). Do yêu cầu của ông, từ năm 1949 đến 1954, Quốc hội Mỹ đã mở trên 100 cuộc điều tra lớn. Nhiều công chức cao cấp, kể cả nhân viên đài VOA bị mang ra Quốc hội trả lời các cuộc điều tra của ông (có người không chịu nổi sức ép và sự nhục nhã đã tự tử ngay trong quá trình điều tra để chứng minh mình vô tội!) Chưa hết. Ông còn lùng sục vào các thư viện, tố cáo hết cuốn này là của Cộng sản đến cuốn khác là thân Cộng và yêu cầu phải dẹp bỏ; cuối cùng, có đến 30.000 cuốn sách bị loại ra khỏi các kệ sách trong thư viện. Nhiều trí thức và văn nghệ sĩ nổi tiếng, như Richard Wright, James Baldwin, Lester Cole… không chịu nổi cảnh ấy, đã bỏ sang Âu châu sinh sống.

McCarthy và chủ nghĩa McCarthy (McCarthyism) đã gây kinh hoàng cho đa số dân chúng Mỹ và trở thành một hình ảnh xấu trong chính trường Mỹ. Nhiều nhà bình luận chính trị cho chủ nghĩa McCarthy là một món quà quý báu nhất mà người Mỹ đã tặng cho Stalin. Nói cách khác, không ai có “công” đối với Cộng sản cho bằng chủ nghĩa McCarthy. Một mặt, nó làm việc “chống Cộng” trở thành đồng nghĩa với một cái gì cực đoan và thô bạo. Nó gợi lên những ấn tượng thật xấu, một “bad name”, thậm chí, một “từ bẩn thỉu” (“dirty word”). Mặt khác, nó làm nản lòng những người chống Cộng thực sự. Trước, những người chống Cộng nhất là những người có tinh thần tự do; sau, là những người bảo thủ, lại là thứ bảo thủ hẹp hòi. Những người có tinh thần tự do, ngược lại, một mặt, không thích Cộng sản, mặt khác, lại dị ứng với việc chống Cộng.

Hai sự kiện trên dẫn đến hai hiện tượng đáng tiếc.

Thứ nhất, nó làm nảy nở phong trào chống-chống Cộng (anti-anti-communist) ở Tây phương, ngay tại Mỹ, trong suốt thập niên 1960 và 1970. Chính trong khí quyển tinh thần như thế, Jean-Paul Sartre đã nói một câu đầy tai tiếng: “Các tên chống Cộng đều là chó.”

Thứ hai, nó khiến người ta quên bẵng đi chủ nghĩa phát xít hoặc xem những người chống Cộng như là đồng minh của chủ nghĩa phát xít, trong khi, trên thực tế, ai cũng biết, như Susan Sontag tuyên bố trong một bài diễn văn tại New York năm 1982: “Chủ nghĩa Cộng sản là chủ nghĩa phát xít, một thứ chủ nghĩa phát xít thành công.” (Communism is Fascism - successful Fascism)

Xin lưu ý là: Mặc dù xem chủ nghĩa Cộng sản là một thứ chủ nghĩa phát xít, Susan Sontag cũng không thích những người chống Cộng dù bà không hề phản đối những người chống lại chủ nghĩa phát xít. Trong chiến tranh Việt Nam, bà từng ủng hộ Hà Nội và từng đi Hà Nội, sau đó, viết nguyên cả cuốn sách về chuyến đi ấy dưới nhan đề Trip to Hanoi (1969).

Ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý của rất nhiều trí thức Tây phương: Người ta vừa không thích chủ nghĩa Cộng sản vừa không thích những người chống lại Cộng sản. Có điều, những người Cộng sản thì ở xa, trong khi đó, những người chống Cộng lại ở gần, rất gần. Cộng sản tồn tại như một ý niệm trừu tượng, thuộc một thế giới khác, trong khi những người chống Cộng lại cụ thể, hiện diện ngay trước mắt, và không ngừng quấy nhiễu họ. Chính vì vậy, có lúc phong trào chống-Chống cộng mạnh hơn cả các phong trào chống Cộng. Hơn nữa, cũng cần lưu ý, những trí thức khuynh tả mang tinh thần chống-chống Cộng như vậy, một thời gian dài, có rất nhiều ảnh hưởng trong hệ thống giáo dục ở Tây phương. Do đó, ấn tượng xấu về các phong trào chống Cộng càng lúc càng lan rộng và còn lại lâu dài. Không chừng đến tận bây giờ. (Những ai có điều kiện tiếp xúc nhiều với giới trí thức Tây phương có thể thấy rõ điều này.)

Nhận ra được điều đó, ngay từ thập niên 1960, một số nhà chiến lược và trí thức đề nghị chuyển đổi mục tiêu và tiêu ngữ: thay vì giương cao ngọn cờ chống Cộng (anti-communism), người ta lại hô hào chống toàn trị (anti-totalitarianism).

Có bốn nguyên nhân chính của việc chuyển đổi từ chống Cộng đến chống toàn trị:

Thứ nhất, nhờ các công trình nghiên cứu của Hannah Arendt, đặc biệt cuốn The Origins of Totalitarianism, được xuất bản lần đầu năm 1950, nghĩa là trước bài phát biểu nhắc ở trên của Susan Sontag trên 30 năm, người ta nhận thấy chủ nghĩa Cộng sản rất gần chủ nghĩa phát xít: cả hai đều độc tài và toàn trị; cả hai đều là những tội ác khủng khiếp. Nếu người ta chống lại chủ nghĩa phát xít thì người ta cũng cần chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Vì cả hai là một. Bằng cách đó, công cuộc chống Cộng huy động được một lực lượng cực kỳ đông đảo ở Tây phương: những người chống lại chủ nghĩa phát xít, trong đó, có cả hàng chục triệu người vốn là nạn nhân hoặc là thân nhân của các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít.

Thứ hai, tập trung vào khía cạnh độc tài và toàn trị, một mặt, người ta né tránh được khía cạnh lý thuyết và chỉ nhắm vào khía cạnh thực tiễn; mặt khác, người ta cũng tránh được những ấn tượng xấu do chủ nghĩa McCarthy để lại trong dư luận quần chúng. Bằng cách đó, người ta vừa hạn chế được mặt yếu của mình (sự hoành hành của phong trào chống Cộng cực đoan) vừa khai thác được mặt yếu của đối phương (thực tế độc tài và nghèo đói, sự hiện diện của các trại tù và trại tập trung cải tạo từng giết chết cả hàng triệu người).

Thứ ba, với chiêu bài chống toàn trị, người ta sử dụng một bảng giá trị và những lý tưởng khác ngoài chủ nghĩa tư bản: Người ta chống lại toàn trị không phải để bảo vệ chủ nghĩa tư bản, vốn dù cố gắng đến mấy, vẫn còn đầy những bất toàn, mà là để bảo vệ những lý tưởng cao cả nhất của nhân loại: tự do, bình đẳng và nhân quyền. Bằng cách đó, nó huy động được sự ủng hộ của nhiều người hơn, đặc biệt các trí thức khuynh tả, những người vốn cấp tiến và yêu chuộng tự do.

Thứ tư, như là hệ quả của ba điểm trên, với nội dung chống toàn trị, cuộc đấu tranh chống lại Cộng sản có một nội dung cụ thể. Nói chung, bất cứ một phong trào nào bắt đầu bằng chữ “chống” cũng đều có một nội dung tiêu cực: Nó nhằm phủ nhận. Nó không hứa hẹn một sự thay thế nào cả. Nhưng khi xem việc phủ nhận là mục tiêu chính của việc tranh đấu, người ta cũng lại tự tạo thành những khoảng trống ngay dưới chân mình. Hậu quả là người ta chỉ chiến đấu một cách chơi vơi, từ đó, không có sức mạnh gì đáng kể. “Chống toàn trị”, ngược lại, hầu như là một ngoại lệ. Nó không đơn thuần là một sự phủ định. Mà còn là một sự xây dựng. Lý do chính là “toàn trị” chỉ có một mặt đối lập: Dân chủ. Chống toàn trị bao hàm ý nghĩa là bênh vực và xây dựng dân chủ. Không thể có cách hiểu nào khác.

Với bốn lý do nêu trên, từ nửa sau thập niên 1970, việc chống chủ nghĩa toàn trị đã trở thành tâm điểm trong ý thức hệ chống Cộng thời Chiến tranh lạnh. Việc chọn lựa tâm điểm này làm cho cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản trở thành cụ thể và có sức thuyết phục hơn: Người ta chống lại Cộng sản không phải vì nó là Cộng sản mà vì nó độc tài. Sự độc tài chỉ có thể có hiệu lực khi Cộng sản nắm chính quyền một cách độc tôn. Nếu đảng Cộng sản chỉ tồn tại như bao nhiêu đảng phái chính trị khác, nó hoàn toàn vô hại. Hơn nữa, sự có mặt của nó còn chứng minh tính chất tự do của một chế độ dân chủ. Nhớ đến điều này chúng ta hiểu tại sao trong thời chiến tranh lạnh, ở phần lớn các quốc gia Tây phương, một mặt người ta chủ trương chống Cộng, mặt khác, người ta vẫn cho phép các đảng Cộng sản được hoạt động một cách công khai (thật ra, một số quốc gia, trong đó có Úc, từng có kế hoạch loại đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, nhưng nghị quyết của đảng cầm quyền bị Tòa án Tối cao bác bỏ với lý do nó vi phạm nguyên tắc về tự do tư tưởng và chính trị đã được ghi trong Hiến pháp).

Có thể nói, chiến thắng của Tây phương trong cuộc Chiến tranh lạnh vào cuối thế kỷ 20 thực chất là chiến thắng của cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa toàn trị.

Chiến thắng ấy bắt đầu từ một thay đổi mang tính chiến lược: Từ chống Cộng sản đến chống toàn trị.

Xin lưu ý chữ “tính chiến lược” ở trên.

Giấc mộng tồi



           Hãy chạy nữa đi hỡi dục ôi !
         Bao nhiêu sức đổ ở trên đồi.
         Tiền tài danh vọng thân mòn mỏi,
         Con cháu gia đình tiếng đãi bôi.
         Sáng khởi tối tàn dăm bạc hưởng,
         Ngày lo đêm nghĩ dạ đầy vơi.
         Trăm năm chỉ bấy nhiêu dòng sống,
         Chảy mãi khổ vui giấc mộng tồi.

                                            Nguyễn Lộc

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Huyền thoại anh hùng Cộng sản sụp đổ



      Huyền thoại khi xưa đã lộ ra,
    Anh hùng thời vận hoá gian tà.
    Tham tiền cướp của lên rừng núi,
    Cầm súng biểu dương cứu nước nhà.
    Đâu phải yêu thương choTổ Quốc,
    Chỉ vì đố kỵ lấy danh xa.
    Rước Tàu chống Mỹ mua quyền quí,
    Vô dụng bất tài một lũ ma
                                         Nguyễn Lộc

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Hận đời lưu lạc



            Mùa hạ mưa buồn lên khoé mắt,
          Gót chân lưu lạc giữa ngàn khơi.
          Thời gian hờ hững trôi xuôi mãi,
          Non nước âu sầu khóc tả tơi.
          Cứ ngỡ tháng tư thôi chuốt oán,
          Nào ngờ thuở ấy hận không nguôi.
          Hoà bình chỉ có yên bom đạn,
          Biết đến bao giờ hết lệ rơi.

                                           Nguyễn Lộc
          
  

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

kông kông - Như thế nào là chống cộng quá khích


kông kông

Trong “Thư tâm tình gửi các bạn chống cộng quá khích” của Nguyễn Thành Công – DL [1] phần mào đầu bài viết, câu cuối, như ri: “.. nếu bạn không phải là những người chống cộng quá khích thì không nên đọc.”  Vậy, bất cứ ai lỡ đọc thì chớ lên tiếng, vì lên tiếng, dù khen/chê, đều tự tố cáo mình cùng giuộc với “chống cộng quá khích”!  Hãy để một mình tác giả giảng về nó thôi!


Trong bóng đá, môn thể thao người VN ưa thích, nếu đã để thua trước 0-1 thì chỉ còn con đường ráng gỡ hòa chứ nói thắng thì hơi bị mệt!  Cho nên ngồi gõ những dòng nầy (theo như mào đầu của tác giả) thì chắc tôi đang tự xác nhận mình thuộc giuộc “chống cộng quá khích”.  Và, như thế là đã bị thua 0-1, bây giờ chỉ còn nước ráng gỡ huề là may  huhuhu..!

Đặt bạn đọc ngay trong giây phút đầu tiên của “trận đấu” đã ở vào thế “bị thua” thì thử hỏi tác giả có phải là người quá khích hay cực đoan không?  Mà quá khích, hay cực đoan, thì làm sao lý để người khác nghe theo? 

Một tuần nay chưa thấy ai mắc bẫy “chống cộng quá khích” tác giả giăng ra, nên tôi đành tự sụp bẫy bằng bài trao đổi nầy!   

Nội hàm bài viết không có gì lạ.  Đại khái:  Chính phủ/chế độ như con thuyền.  Dân như nước.  Chế độ lo cho dân thì nước làm nổi thuyền.  Nhưng bỏ dân thì sóng sẽ nhận chìm thuyền!  Đứng trước nạn phe phái, nhóm đặc lợi đặc quyền bỏ dân nên nhà cầm quyền CSVN đang bị phản đối.  Tác giả nằm trong số nầy “vì là nạn nhân của bất công”!  

Chống thì chống nhưng, theo tác giả, chống mà không rơi vào “chống cộng quá khích”!  Vì “chống cộng quá khích” vô hình trung làm hại nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh”!   

“Tôi nghĩ tâm nguyện của các bạn chống cộng quá khích chỉ muốn mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước chứ không hề định cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân. Nhưng các bạn nóng lòng sốt ruột, đặt ra những yêu cầu “quá khích”, nếu ai không đồng ý thì các bạn tập trung “ném đá” dữ dội, vô hình trung làm hại nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh.” (Trích)

Như vậy chống cộng như thế nào để không bị chê là quá khích?  

Thử nêu một số trường hợp.  

Chuyện cũ, nên bỏ qua như:

Từ sau ngày 30/4/1975, Đảng và nhà nước CHXHCNVN ra rả gọi chế độ VNCH là “bọn Mỹ-Ngụy ác ôn”, “bọn tay sai bán nước”, những người bỏ chạy ra nước ngoài là “bọn ôm chân đế quốc”, “bọn ăn bơ thừa sữa cặn”, nghĩa trang Quân Quân Đội Biên Hòa của binh sĩ miền Nam bị hoang phế, cấm ngặt người vãng lai hương khói (đến người chết cũng không tha!) mãi cho đến mới đây…!   

Chuyện bây giờ, cũng chỉ đại khái như: 

Đất đai, mồ mả tổ tiên của nông dân Văn Giang bỗng biến thành đất của nhóm lợi ích.  Công an + xã hội đen + dân phòng thẳng tay đàn áp cưỡng chế, bất chấp dư luận thế giới, lại vô tình đánh phù mặt 2 phóng viên báo “phe ta” rồi “xử lý nội bộ”, ếm nhẹm êm thấm!

Anh em gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ra công quai đê lấn biển mười mấy năm, tiền vay ngân hàng để đầu tư còn sờ sờ ra đó thế mà khi đầm Cống Rộc đã tạm ổn định, có lợi tức tốt thì phe cánh nhà nước Tp Hải Phòng ra tay cưỡng chế và được ông Đại tá Giám đốc công an thành phố Đỗ Hữu Ca ca ngợi “cuộc phối hợp binh chủng giữa công an + bộ đội + dân phòng hay đến nổi có thể viết thành sách”!

Giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng, đã có lịch sử hơn cả trăm năm lập nghiệp, bỗng chốc cả làng bị cướp đuổi đi mà không biết kêu cứu với ai!

Những người dân bình thường, chẳng có bệnh tật bẩm sinh gì, lại đang khỏe mạnh, không nhức đầu sổ mũi nhưng khi bị công an bắt về đồn bỗng dưng ngã lăn ra “chết bệnh” hay “ân hận nên tự tử” (!)  Có trường hợp trước khi tự tử còn viết thư khen công an đối xử tử tế (trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương)…  

Câu hỏi: 

Nếu tác giả là thân nhân của những nạn nhân nêu trên, tác giả sẽ có thái độ như thế nào?  Sẽ dùng loại ngôn ngữ nào với Đảng và chế độ CSVN, một chế độ công-an-trị (!)  không thèm đếm xỉa đến luật lệ do chính họ đặt ra, không thèm đếm xỉa đến tiếng kêu của dân oan, không thèm đếm xỉa đến quyền sống của một con người!  (Pano “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình” nói lên tất cả!)

Rất mong tác giả Lá thư cho ý kiến chuẩn mực về những vấn đề trên để người đọc biết ứng xử mà khỏi mang tiếng “quá khích” hay “cực đoan”! 


Chuyện vừa nêu trên chỉ nhỏ thôi!  Còn chuyện bên dưới thì quan trọng hơn nhiều.  

Đó là:  Làm sao xác minh được sự chửi rủa thô tục, sắt máu, gây thù hận, gây chia rẽ tình tự dân tộc trên các diễn đàn đều là của người Việt chống cộng?  Loại “Chống cộng quá khích”, “hùa nhau ném đá” nầy là ai?

Trước thực trạng thối nát, tha hóa về mọi mặt của chế độ CSVN, đã có không ít những đảng viên kỳ cựu thuộc hàng cao cấp lên tiếng phản đối từ mười mấy năm trước, thời Tướng Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn…hay hiện tại như Nguyễn Trọng Vĩnh.  Vì thế, nội bộ đang cầm quyền của đảng CSVN càng ngày càng chia rẽ, công khai đấu đá tranh giành quyền lực, lợi lộc bất kể sự tồn vong của tổ quốc!  

Con đường sinh tử hiện tại của họ là phải cố gắng kéo dài sự thống trị.  Và muốn kéo dài thì không gì khác hơn là phải gây ra sự sợ hãi tột cùng cho người dân, cho đảng viên có ý chống đảng!  “Là suy thoái thiếu lập trường chớ gì nữa” như lời TBT Nguyễn Phú Trọng cảnh báo.  Sự sợ hãi đó là, nếu họ không trung thành thì không chết về tay Đảng cũng sẽ chết vì sự căm thù của dân chúng!  Đảng viên đàng nào cũng phải đối mặt với cái chết!  Vì thế cách tốt nhất là lo bảo vệ Đảng, để ngày nào Đảng còn thì gia đình và bản thân còn hưởng đặc quyền đặc lợi!  

Đảng còn, còn tất cả.  Đảng mất, mất tất cả!

Muốn cho đảng viên sợ hãi và trung thành thì cách tốt nhất là cho hàng ngàn “dư luận viên” đội lốt chống cộng cực đoan, chửi rủa, gây căm thù giữa người nầy với người khác, giữa dân với cán bộ đảng viên, giữa nhóm nầy với nhóm khác, giữa quốc nội với hải ngoại!  Đọc loại ngôn ngữ côn đồ, sắt máu đó thì người bình thường cũng phải nhăn mặt, ngán ngẫm, sợ hãi, nói chi đến ủng hộ!  Vì thế hình ảnh của những người chống chế độ CSVN ôn hòa, thật sự dấn thân cho tự do dân chủ đất nước bỗng trở thành xấu xa, hạ cấp!  Ủng hộ họ là cùng một giuộc với bọn mất dạy!  

Một công hai ba chuyện như thế đều nhắm vào mục đích bảo vệ Đảng, tại sao đảng CSVN không làm?

Đọc truyện Tam Quốc, một lần Khổng Minh cho đóng quân ở mé sông, trái ngược với binh pháp, là không có đường tẩu thoát, vì Khổng Minh biết quân mình đang yếu thế,  đàng nào cũng chết nên Khổng Minh mới đưa quân sĩ vào thế phải tử chiến.  Chỉ có thắng trận mới bảo vệ được mạng sống.  CSVN với đảng viên bây giờ cũng như thế!  

Cứ tạo ấn tượng là người VN đang căm thù họ và cả gia tộc.  Tất cả sẽ bị sát hại hay đọa đày nếu để chế độ CSVN sụp đổ!  Vì thế chỉ còn con đường duy nhất là phải “trung với Đảng”!

Đây là cách mà đảng CSVN đang trang bị tinh thần quyết tử cho đảng viên và gia đình dòng họ trước chính nghĩa đòi dân chủ tự do!  Vì thế trong bản Dự thảo sửa đổi HP 1992,  đảng CSVN quyết đặt 3 chữ Quân đội “trung với Đảng” thay vì “trung với nước” như tất cả các nước dân chủ trên thế giới!  

Như vậy thì ai mới thật sự là kẻ “chống cộng quá khích” hay “chống cộng cực đoan” và tại sao cụm từ nầy thường được nhắc đến!

Dù giai đoạn hiện tại không phải là giai đoạn hài tội để gây chia rẽ dân tộc!  Không phải là giai đoạn khích bác nhau “chống cộng quá khích” hay “chống cộng cực đoan”!  Trái lại, là giai đoạn mà người VN phải ngồi lại với nhau, xóa bỏ hận cốt nhục tương tàn đã qua, để tìm ra phương hướng giải cứu đất nước!  

Chủ nghĩa cộng sản và đảng CSVN là nguyên nhân chính đưa dân tộc đến thảm họa hiện tại, nhưng đó là vấn đề của lịch sử.  Và đã là lịch sử thì hãy để lịch sử phán xét!  

Hiện tại, sự đoàn kết của người VN yêu nước phải là mục tiêu tối thượng!  Vì đất nước và dân tộc!  Cũng vì tương lai của đất nước và dân tộc nên không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để không đoàn kết với những anh em đã từ bỏ con đường cộng sản!  

Đấy là điều đảng CSVN đang lo sợ nhất!

Cho nên, thiển nghĩ, những chữ “chống cộng quá khích” hay “chống cộng cực đoan” chỉ nên dành riêng cho nhà nước CSVN!  Để khi họ dùng đến nó chúng ta biết họ là ai và tại sao họ dùng nó.  

Hễ ai dùng nó chúng ta nhận diện được đó là người đang chia rẽ dân tộc!

Trở lại với nội dung của tác giả về “Thư tâm tình gửi các bạn chống cộng quá khích”. 

Loại ngôn ngữ thô lỗ từ Thủ đô Hà Nội như “cháo chửi”, “phở chửi”, “đ..m..” tràn lan.  Xã hội ngày một hung dữ.  Tội phạm hình sự kinh khiếp, ngày một nhiều.  Tất cả những sự kiện đó đến từ đâu?  Gốc rễ từ loại văn hóa nào?  Không lẽ đã 38 năm trôi qua mà vẫn còn do hậu quả chiến tranh, do văn hóa “Mỹ-Ngụy” để lại?  Vậy ngôn ngữ “chống cộng quá khích” tự nó có thể cho biết điểm xuất phát! 

Nếu vợ con tác giả bị công an bắt đem về đồn lột trần truồng và quay phim, nói là để “kiểm soát” (trường hợp của cô Nguyễn Hoàng Vi xảy ra hôm tòa xử vụ án Điếu Cày)  Hay như đang xảy ra, ngày “Dã ngoại thảo luận quyền con người” mà cả gia đình cô đang phải hứng chịu!  Bị đánh đập tàn nhẫn, máu me, răng gãy, trán bị gí thuốc điếu đang cháy..  Nếu là tác giả thì sẽ phản ứng ra sao?  

Những sự thật như thế nên dùng loại ngôn ngữ nào để khỏi bị rơi vào giuộc “chống cộng quá khích”?  

Phải chăng nội hàm chính của “Thư tâm tình” là tất cả mọi người hãy giữ bình tỉnh, đừng gây xúc động mạnh đến xã hội vì như thế rất dễ sinh ra biến động.  Hãy để nhà nước “ta” từ từ sửa sai, vì phải lo ưu tiên về “giữ vững ổn an ninh để phát triển kinh tế”?  Chống cộng nhưng “không cực đoan”, “không quá khích” để khỏi làm ảnh hưởng đến “nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh” như tác giả?

Sự thật là phải nói trung thực sự kiện.  Thí dụ như bản mặt của chế độ CSVN đã phơi bày rõ ràng qua hành động công an giết người ngay tại đồn, công an lột trần truồng cô Nguyễn Hoàng Vi để quay phim “kiểm soát”!  

Nói như thế có phải là “chống cộng quá khích” không?

(May 7th, 2013)

Nguyễn Hưng Quốc - Tôi không chống Cộng



Nguyễn Hưng Quốc

Ở cả hai lần bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam (11/2005 và 4/2009), tôi đều không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào từ chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi nghe được phong thanh đâu đó: người ta cho là tôi “chống Cộng”. Mà không phải từ phía chính quyền, một số bạn đọc ở hải ngoại, ngay cả những người có vẻ có cảm tình với tôi cũng thường nói: Tôi “chống Cộng”. Riêng tôi, xin nói một cách thành thực: Tôi không hề chống Cộng.


Viết thế, tôi biết nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên. Tuy nhiên, trước khi đánh giá (hay chụp mũ), xin đọc tiếp phần giải thích phía dưới.

Tôi nói tôi không chống Cộng vì hai lý do chính:

Thứ nhất, tôi không thích chữ “chống”. “Chống”, trong tiếng Việt, khác với các từ hoặc từ tố được xem là tương đương trong tiếng Anh như “fight”, “against”, “counter-” hay “anti-”, thường gợi lên hai ấn tượng chính: một, gắn liền với tổ chức, và hai, có tính chất bạo động. Tôi không thích cả hai. Với bạo động, tôi tuyệt đối không thích. Với tổ chức, tôi trân trọng và nghĩ nó cần thiết, hơn nữa, một nhu cầu tất yếu trong đời sống xã hội, nhưng tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị chung nào (1), dù, trên nguyên tắc, có thể tôi đồng tình và ủng hộ những việc làm ấy. Tôi không làm những việc ấy chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi không thích ở trong “đội ngũ”, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức. Vậy thôi. Khác với Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ “Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ”, tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính mình và những gì mình tin là đúng. “Lực lượng” của tôi chỉ có sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có chữ. Hết.

Thứ hai, quan trọng hơn, ở thời điểm bây giờ, theo tôi, nói chống Cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa.

Lý do thứ hai này cần được giải thích nhiều hơn:

Cái gọi là “chống Cộng” bao gồm hai nội dung chính: một, chống lại chủ thuyết Cộng sản (chủ yếu là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin); và hai, chống lại chế độ Cộng sản. Với cả hai nội dung ấy, trước năm 1975, nói chống Cộng: Được; trước năm 1990, nói chống Cộng: Được. Nhưng sau năm 1991, nói chống Cộng là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại.

Trong việc chống Cộng, trước năm 1991, hai khía cạnh chống chủ thuyết (hoặc ý thức hệ) và chống chế độ (hoặc một guồng máy) là một. Chế độ, vốn cụ thể, gắn liền với hệ thống chính trị, tức là hệ thống quyền lực, là mục tiêu chống đối trước mắt. Nhưng sức mạnh của chế độ Cộng sản không phải chỉ ở đảng viên, cán bộ, quân đội, công an, súng đạn và các nhà tù. Sức mạnh của chế độ Cộng sản còn ở các lý tưởng tự do, bình đẳng cũng như cái thiên đường Cộng sản chủ nghĩa vốn có sức mê hoặc to lớn đối với mọi người, đặc biệt với giới trí thức vốn khao khát những điều cao cả, có tầm nhân loại. Hơn nữa, nó còn nằm ở các ảo tưởng về tính khoa học của chủ nghĩa Cộng sản hay ở cái gọi là tính tất yếu trong quy luật phát triển của lịch sử. Bởi vậy, người ta không thể chống lại chế độ Cộng sản chỉ bằng các phương tiện vật chất. Người ta phải chống lại chế độ Cộng sản ngay cả trong phạm trù tư tưởng, trong lãnh vực nhận thức, nghĩa là bằng các phương tiện tuyên truyền và giáo dục, nhắm thẳng vào những tên tuổi như Marx, Engels, Lenin và Stalin, những người đã chết; hơn nữa, bằng một bảng giá trị khác, cao hơn, hiện hữu ngay trong đời sống xã hội để mọi người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được, nghĩa là bằng một nỗ lực không ngừng tự do hoá, dân chủ hoá và nhân quyền hoá, như những điều chủ nghĩa tư bản, ở các quốc gia phát triển nhất, từng làm trong suốt thế kỷ 20.

Tuy nhiên, kể từ năm 1991, với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Cộng sản, với tư cách một chế độ, hoàn toàn sụp đổ; và cùng với nó, chủ nghĩa Cộng sản, với tư cách một ý thức hệ chính trị, cũng bị phá sản theo. Trật tự này, thật ra, theo một số học giả, cũng có thể đảo ngược hẳn lại: Vì sự phá sản của ý thức hệ Cộng sản, chế độ Cộng sản, với tư cách một bộ máy chính quyền, đã sụp đổ. Nhưng dù mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi, thực chất của vấn đề vẫn là một: phá sản và sụp đổ.

Về phương diện lý thuyết, hầu như ai cũng thấy chủ nghĩa Cộng sản sai. Những người thiên tả, ít nhiều lưu luyến với chủ nghĩa Cộng sản, cố vớt vát khi cho cái sai ấy không xuất phát từ Karl Marx mà từ Lenin, đặc biệt từ Stalin và Mao Trạch Đông; nghĩa là, nó không sai hẳn, nhưng một, nó không được cập nhật để theo kịp những thay đổi và tiến bộ của chủ nghĩa tư bản; và hai, nó chỉ sai trong cách ứng dụng và vận dụng lý thuyết Marx vào thực tế. Tuy nhiên, nói theo Richard Pipes, trong cuốn Communism, a History (2), chủ nghĩa Cộng sản, ngay trong tư tưởng của Karl Marx, không phải là một ý tưởng hay nhưng bị thực hiện sai mà, tự bản chất, nó là một ý tưởng dở; hay nói theo Kolakowski, do Pipes trích dẫn, chủ nghĩa Marx – nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản – là một huyễn tưởng lớn nhất của thế kỷ 20 (3).

Trong vô số những cái sai của chủ nghĩa Marx-Lenin, cái sai này là đáng kể nhất: Họ cho chế độ tư hữu là cội rễ của bất bình đẳng và tin là họ có thể xóa bỏ chế độ tư hữu ấy để xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, không ai bóc lột ai và cũng không ai thống trị ai. Trên thực tế, khi công hữu hóa mọi tài sản và mọi phương tiện sản xuất, thứ nhất, họ triệt tiêu hầu như mọi động cơ lao động và sản xuất của người dân; thứ hai, họ tạo nên một giai cấp đặc quyền và đặc lợi để nắm toàn bộ việc lãnh đạo và quản lý các tài sản và công cụ sản xuất đã được công hữu hóa ấy. Những người ấy, một mặt, kém khả năng quản lý nên dẫn đến hết thất bại này sang thất bại khác; mặt khác, quan trọng hơn, trở thành một thành phần thống trị vừa ngu dốt vừa độc đoán, vừa tham nhũng vừa tàn bạo. Tất cả các yếu tố ấy không những dẫn đến những sự thất bại nặng nề về phương diện kinh tế mà còn phá hủy toàn bộ nền tảng lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản vốn nhắm đến tự do, bình đẳng và hạnh phúc.

Một cái sai khác của chủ nghĩa Marx-Lenin là họ đơn giản hóa lịch sử nhân loại vào lịch sử đấu tranh giai cấp. Sự phát triển của lịch sử, thật ra, còn tùy thuộc, thậm chí, tùy thuộc chủ yếu vào sự hợp tác của con người trong việc khám phá các quy luật của tự nhiên, từ đó, đẩy mạnh các khám phá về kỹ thuật để nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của mọi người. Chủ nghĩa tư bản, trong thế kỷ 20, đã chứng minh điều đó: Giới chủ nhân biết san sẻ trách nhiệm và quyền lợi với giới công nhân, nhờ đó, so với thế kỷ 19, công nhân càng ngày càng được hưởng lương cao và càng ngày càng được hưởng chế độ lao động hợp lý hơn. Hơn nữa, chính quyền cũng can thiệp để bảo vệ quyền lợi của công nhân và, qua chính sách thuế khóa, bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Nhiều quốc gia mang tiếng là tư bản nhưng về các chính sách lao động và an sinh xã hội lại không khác gì với cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Marx mơ ước. Chưa hết. Yếu tố then chốt trong sản xuất không phải chỉ là công cụ sản xuất mà còn có cả tri thức. Mà tri thức thì không ai độc quyền được.

Một người tị nạn, như người Việt Nam sau năm 1975, chẳng hạn, khi sang nước ngoài, với hai bàn tay trắng, không thể sở hữu các công cụ sản xuất để làm chủ nhân bất cứ thứ gì được. Nhưng bù lại, chỉ cần chịu khó học hành, sau một thời gian nhất định, người đó có thể sở hữu một vốn tri thức khá cao đủ để bước vào thế giới trung lưu, thậm chí trung lưu cao, dễ dàng. Chính trong lãnh vực tri thức, vốn gắn liền với giáo dục, xã hội tư bản đã tạo nên sự bình đẳng thực sự và tối đa: Nếu mọi người không được và không thể bình đẳng khi ra đời (vốn gắn liền với gia đình, thành phần xã hội, chủng tộc và những đặc điểm về trí tuệ riêng – những điều không ai có thể lựa chọn được), họ lại được bình đẳng trong cơ hội để phát triển và tiến bộ. Ai cũng được quyền đi học; bất cứ ai có trí và có nghị lực cũng đều đi học được, và từ đó, có thể thay đổi cuộc đời mình được. Với những đặc điểm ấy, chủ nghĩa tư bản không những thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội một cách hiệu quả mà còn tạo nên sự bình đẳng và dân chủ, tuy không hẳn đã hoàn hảo, nhưng cũng hơn hẳn chế độ xã hội chủ nghĩa đủ để mọi người, kể cả những người đang sống dưới chế độ Cộng sản, cũng nhận thấy không phải kẻ thù mà chính mình mới là những kẻ đang đứng trước vực thẳm. Sự so sánh ấy cũng làm cho người ta nhận thấy những hứa hẹn về một thiên đường Cộng sản chủ nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, chỉ là một ảo tưởng, hơn nữa, một không tưởng. Cái không tưởng ấy lại bị trả giá bằng máu. Không phải máu của một hai người. Mà là của cả một tập thể, có khi cực kỳ đông đảo. Cả hàng triệu hay chục triệu người.

Về phương diện thực tiễn, với tư cách một chế độ, chủ nghĩa Cộng sản có năm đặc điểm chính trên bình diện tổ chức. Một, đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo; hai, đảng ấy được tổ chức một cách chặt chẽ với một thứ kỷ luật thép từ trên xuống dưới; ba, kinh tế hoàn toàn tập trung, mọi quyết định, kể cả về giá cả thị trường, đều do cấp trên quyết định; bốn, mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước; và năm, mỗi quốc gia đều liên kết và, với những mức độ khác nhau, lệ thuộc vào cái gọi là phong trào Cộng sản quốc tế nói chung. Với cách tổ chức như thế, chế độ Cộng sản vấp phải vô số sai lầm. Và những sai lầm ấy rất dễ thấy.

Thứ nhất, các chế độ Cộng sản không những không công bằng hơn các chế độ tư bản, mà thậm chí, còn tệ hại hơn cả các chế độ phong kiến ngày xưa. Xưa, chỉ có vua, nay có cả nguyên một đảng đứng trên pháp luật. Xưa, chỉ có vua là được hưởng mọi đặc quyền và đặc lợi; nay, có cả hàng triệu người nhân danh đảng thi nhau vơ vét lợi và thao túng quyền.

Thứ hai, ngoài chuyện bất bình đẳng, chế độ Cộng sản, qua hơn 70 năm tồn tại, đã chứng tỏ sự tàn bạo vô tiền khoáng hậu. Những nhà lãnh đạo Cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Fidel Castro… không phải giống vua mà là giống các bạo chúa. Vua, còn đỡ. Trong đám vua còn có các minh quân. Trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản, được xây dựng quyền lực trên nguyên tắc “chuyên chính”, ngay cả những người có tiềm năng là minh quân cũng trở thành bạo chúa. Hậu quả là chế độ Cộng sản trở thành một chế độ đứng đầu trong danh sách giết người trong suốt cả thế kỷ 20. Họ giết người còn nhiều hơn cả chế độ phát xít và Nazi. Bàn tay của Stalin và Mao Trạch Đông còn nhuộm nhiều máu hơn cả bàn tay của Hitler. Trong cuốn The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression do Stéphane Courtois và nhiều người khác biên tập (4), các tác giả ước tính tổng số nạn nhân bị giết chết dưới các chế độ Cộng sản trên thế giới kể từ năm 1917 đến năm 1991 là khoảng 100 triệu người, bao gồm khoảng 20 triệu ở Nga, 65 triệu ở Trung Quốc, hai triệu ở Campuchia, hai triệu ở Bắc Triều Tiên, một triệu ở Đông Âu, v.v..

Thứ ba, chế độ Cộng sản hoàn toàn thất bại về phương diện lãnh đạo và quản lý kinh tế đất nước. Không có nước Cộng sản nào giàu có và dân chúng được no ấm. Từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, kinh tế của các nước Cộng sản bị lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đến thập niên 1980, chỉ số phát triển của nó hầu như chỉ là một con số không to tướng. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa thời ấy, rất nhiều cửa tiệm trống rỗng không có hàng hóa để bán (5). Dân chúng ngất ngư vì đói khát. Nhưng dễ thấy nhất là khi chúng ta nhìn vào các quốc gia bị chia đôi, trong đó, một nửa theo chế độ Cộng sản và một nửa theo chế độ tư bản. Như Đông Đức và Tây Đức. Hay như Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên. Cái nửa theo chế độ Cộng sản bao giờ cũng có chỉ số phát triển thấp hơn hẳn cái nửa theo chế độ tư bản. Thấp một cách toàn diện. Riêng ở Triều Tiên, thu nhập tính trên đầu người ở miền Nam (32.400 đô la/người/năm) gấp 18 lần ở miền Bắc (1.800 đô la). Cùng một dân tộc. Cùng một lịch sử. Chỉ khác ở chế độ. Mà hai nơi khác nhau đến vậy.

Cuối cùng, nói theo Stéphane Courtois (6), Cộng sản phạm vô số tội ác không phải đối với con người với tư cách cá nhân mà còn đối với cả văn minh nhân loại và văn hóa quốc gia. Ở đâu, các chế độ Cộng sản cũng phá tan tành rất nhiều di tích và di sản lịch sử cũng như các nhà thờ, chùa chiền và các nơi thờ tự. Họ trấn áp các tôn giáo, xóa bỏ nhiều truyền thống tốt đẹp với lý do, theo họ, đó là những tàn tích của chế độ phong kiến.

Với những thất bại hiển nhiên về cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành như vậy, chủ nghĩa Cộng sản đã hoàn toàn bị sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, thoạt đầu, vào năm 1989, với việc đảng Cộng sản Hungary chấp nhận một hệ thống chính trị đa đảng vào tháng 2; việc Công đoàn Đoàn kết thắng phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan vào tháng 6, sau đó, lên nắm chính quyền vào tháng 9; việc Bức tường Berlin bị sụp đổ vào tháng 11 (sau đó nước Đức được thống nhất vào tháng 10/ 1990); kết thúc bằng việc Mikhail Gorbachev tuyên bố từ bỏ chế độ độc đảng vào ngày 7/2/1990; và sau đó, sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào tháng 12/1991 (trước, trong và sau sự tan ra ấy, có 16 quốc gia – vốn bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết - tuyên bố độc lập, bao gồm: Lithuania, Estonia, Latvia, Georgia, Ukraine, Belarus, Moldova, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Armenia, Turkmenistan, và Kazakhstan).

Nếu sự ra đời của chủ nghĩa Cộng sản là biến cố lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, sự tan rã của nó ở Nga và Đông Âu là một biến cố trọng đại nhất trong nửa sau thế kỷ 20. Cả hai đều là cách mạng. Cuộc cách mạng đầu nổ ra và, sau đó, tồn tại bằng máu và nước mắt; cuộc cách mạng sau, ngược lại, diễn ra với ba đặc điểm chính: nhanh chóng, nhẹ nhàng và bất bạo động. Có vẻ như giới lãnh đạo Cộng sản (trừ ở Romania) tự ý từ bỏ quyền lực và chế độ Cộng sản tự tan rã. Không có sự kháng cự nào đáng kể cả.

Trước thập niên 1990, trên thế giới có tổng cộng 23 quốc gia theo chế độ Cộng sản. Trong thời điểm giao thừa giữa hai thập niên 1980 và 1990, có 18 quốc gia từ bỏ Cộng sản: Afghanistan, Albania, Angola, Benin, Bulgaria, Campuchia, Congo, Czechoslovakia, Đông Đức, Ethiopia, Hungary, Mông Cổ, Mozambique, Ba Lan, Romania, Nga, Nam Yemen và Yugoslavia. Người ta gọi những nước này (trừ Đông Đức vốn không còn là một “nước” riêng sau khi thống nhất) là “hậu Cộng sản” (postcommunism), một thuật ngữ do Zbigniew Brzezinski đưa ra vào năm 1989 (7). Do một số quốc gia, sau năm 1991, bị chia cắt (chủ yếu là do vấn đề chủng tộc), hiện nay có 28 quốc gia được xem là hậu Cộng sản (8).

“Hậu Cộng sản” nghĩa là không còn Cộng sản nữa.

Có thể nói, trên bình diện thế giới, cái gọi là “Cộng sản” đã thuộc về quá khứ. Khi “Cộng sản” thuộc về quá khứ, chuyện chống Cộng cũng không còn lý do hiện hữu nữa.

Thật ra, trên thế giới cũng còn ít nhất năm quốc gia, trên danh nghĩa, chưa từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên và Cuba. Tuy nhiên, trong năm quốc gia ấy, chỉ có Bắc Triều Tiên là thực sự Cộng sản, Cộng sản theo kiểu Stalin trong thập niên 1930 và 1940. Ở tất cả bốn nước còn lại, kể cả Việt Nam, chủ nghĩa Cộng sản đang dần dần biến chất và biến thể. Nó không giống chủ nghĩa Cộng sản của Stalin và Mao Trạch Đông. Nó cũng không giống chủ nghĩa Cộng sản của Lenin. Và nó cũng không giống chút nào với cái chủ nghĩa Cộng sản mà Mark và Engels quan niệm.

Thứ nhất, về phương diện kinh tế, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều chấp nhận kinh tế thị trường vốn là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên, cái gọi là “kinh tế thị trường” ở đây vẫn còn bị giới hạn bởi cái đuôi phía sau “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cái đuôi ấy chỉ là một cố gắng níu kéo nắm giữ quyền lợi cho một số người thuộc tầng lớp thống trị qua các đại công ty và tập đoàn quốc doanh. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động và sự điều hướng kinh tế vẫn theo quy luật thị trường, nghĩa là tư bản hóa.

Thứ hai, về phương diện chính trị, tất cả vẫn cố thủ, trên danh nghĩa, trong cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng ở đây cũng lại có vấn đề. Cái gọi là chính trị Cộng sản chủ nghĩa vốn bao gồm hai khía cạnh: một, về tổ chức, sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản; và hai, về phương diện ý thức hệ, lý thuyết của Marx và Lenin. Ở tất cả bốn quốc gia kể trên, Cộng sản chỉ nằm ở bình diện tổ chức, còn ở bình diện ý thức hệ, hầu như không ai còn tin, thậm chí, không mấy người muốn nhắc đến ý thức hệ Cộng sản nữa. Ngay ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng thừa hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin không còn sức thuyết phục và sự quyến rũ nữa. Họ phải thêm vào mấy chữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, cho đến nay, họ cũng không biết cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” ấy thực sự là gì. Lý do là Hồ Chí Minh vốn là người thực hành, không viết về lý thuyết, và thật ra thì cũng chẳng có lý thuyết gì ngoài một mớ giáo điều đơn giản và cũ kỹ ông học được ở Nga và Trung Quốc. Những kẻ đang nắm quyền tại Việt Nam sử dụng cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” như một huyền thoại chứ không như một chủ thuyết.

Theo chủ nghĩa Marx-Lenin, một hình thái chính trị đúng nghĩa phải tương ứng với, thứ nhất, một hình thái kinh tế nhất định; và thứ hai, một ý thức hệ nhất định. Nền chính trị Việt Nam hiện nay, trên danh nghĩa, vẫn là Cộng sản, nhưng kinh tế lại là tư bản hoặc ít nhất, nửa-tư bản hoặc đang trong quá trình tư bản hóa; còn ý thức hệ thì hoàn toàn trống rỗng: Nó phi-Marx và cũng phi-Lenin. Chẳng giống ai và cũng chẳng là cái gì cả. Đó là một thứ tôn giáo vừa không có thần linh vừa không có điển phạm (canon). Tên nó, ở Việt Nam, nhiều người gọi thẳng: mafia.

Bởi vậy, trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta nói đến chuyện chống Cộng có lẽ ngay cả những người đang mang danh hiệu đảng viên Cộng sản trong nước – hầu hết đều rất giàu có và sống rất trưởng giả - sẽ cười khì, hỏi: “Cộng nào vậy nhỉ?” Lôi tư tưởng Marx, Engels và Lenin ra phê phán, phần lớn họ - những người chẳng bao giờ thực sự đọc Marx, Engels và Lenin – hẳn sẽ trố mắt lên hỏi: “Mấy người đó là ai vậy? Có phải mấy ông râu ria xồm xoàm gì đó không?” Nói đến đấu tranh giai cấp, đến tầng lớp công nhân và nông dân, đến chuyên chính vô sản, đến công bằng xã hội và đến lý tưởng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, những vấn đề nòng cốt của ý thức hệ Cộng sản, họ - những người đang sống như giới thượng lưu và thường được gọi là “tư bản đỏ” – hẳn sẽ bịt tai lại, như nghe những chuyện cổ tích vừa xa vời vừa nhảm nhí.

Trong trường hợp ấy, chống Cộng là chống ai và chống cái gì?

Đối với riêng tôi, khi phê phán chính quyền trong nước, tôi không nghĩ là tôi chống Cộng. TÔI CHỈ CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI.

Chế độ Việt Nam hiện nay đáng bị phê phán không phải vì nó là Cộng sản. Mà vì nó là độc tài. Cộng sản chỉ là nhãn hiệu. Độc tài mới là thực chất. Ngay cả khi chúng ta chống lại điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam, chúng ta cũng chỉ chống lại một sự độc tài. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang rục rịch muốn đổi tên nước. Có khi họ đổi cả tên đảng. Nhưng dù đổi đảng Cộng sản thành đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, cái việc nhân danh Hiến pháp để giành quyền lãnh đạo độc tôn như vậy cũng vẫn là độc tài. Tên gọi có thể thay đổi, thực chất vẫn là một. Vẫn độc tài.

Mọi sự độc tài đều đáng phê phán. Nhưng khi độc tài đi liền với bất tài thì càng đáng bị phê phán hơn. Và nhu cầu phê phán ấy cũng càng khẩn cấp hơn. Sự độc tài chà đạp lên dân chủ và nhân quyền, nhưng trong một số trường hợp nào đó, dưới một sự độc tài sáng suốt, người ta cũng có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh dân chủ và nhân quyền trong một thời gian nào đó để xây dựng và phát triển đất nước (như trường hợp của Singapore). Độc tài mà bất tài thì bao giờ cũng gắn liền với sự ngu dốt và tham nhũng bởi họ sẽ không có, không thể có, bất cứ lý tưởng nào khác ngoài tiền và cũng không có một thứ trí tuệ nào khác nào thứ “trí tuệ” dùng để làm giàu cho bản thân và gia đình. Sự ngu dốt trong chính sách và tham nhũng trong bộ máy chỉ tồn tại được nhờ hai yếu tố: dối trá trong tuyên truyền và tàn bạo trong quản trị. Tập hợp của tất cả các yếu tố ấy, người ta chỉ làm được mỗi một việc duy nhất là tàn phá đất nước và hành hạ dân chúng. Tính chất độc tài, bất tài, tham nhũng, dối trá và tàn bạo ấy càng trở thành nguy hiểm hơn nữa khi đất nước đối diện với nguy cơ xâm lấn chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc.

Đối diện với các nguy cơ trên, chữ “chống Cộng”, theo tôi, rất dễ làm lệch vấn đề. Nó dễ gợi lên ấn tượng là, khi chống lại chế độ Việt Nam hiện nay, chúng ta nhân danh hai điều vốn bị xem là đối lập với Cộng sản, nhất là Cộng sản Việt Nam: Một, chủ nghĩa tư bản và hai, Việt Nam Cộng Hoà lúc trước. Nhưng chúng ta chống Cộng không phải vì chủ nghĩa tư bản và cũng không phải vì để trả thù hay để phục hồi miền Nam. Việc chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam cần xuất phát từ những lý tưởng hiện đại, cao cả và phổ quát hơn: quyền tự do, dân chủ và quyền làm người. Hơn nữa, nó còn xuất phát từ cả sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tiền đồ của đất nước nữa. Trong chiến tranh có tính dân tộc chủ nghĩa, người ta có thể huy động lịch sử, hay nói như Tố Hữu, trước năm 1975, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”; trong cuộc chiến chống độc tài, nguồn sức mạnh không phải chỉ nằm ở quá khứ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu còn, nằm ở tương lai.

Chúng ta chống lại chế độ Việt Nam hiện nay không phải vì việc họ chọn lựa hệ thống xã hội chủ nghĩa, việc họ gây ra cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam, việc họ cưỡng chiếm miền Nam, việc họ trả thù những người miền Nam: Tất cả đều đã thuộc quá khứ.

Người ta cần lưu giữ quá khứ, cần thường xuyên đào xới lại quá khứ và cần viết lại quá khứ, một cách chính thức, bằng lịch sử; hoặc một cách không chính thức, bằng ký ức, từ ký ức cá nhân đến ký ức tập thể. Nhưng không ai thay đổi được quá khứ. Càng không cần phải chống lại quá khứ. Những điều ấy khác nhau.

Chúng ta chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam vì nó ĐANG chà đạp lên quần chúng, ĐANG làm cho đất nước bị phá sản trên mọi phương diện, từ kinh tế đến giáo dục, từ ý thức đạo đức đến cả lòng tự hào dân tộc, từ các giá trị truyền thống đến tinh thần hiện đại với những giá trị về dân chủ và nhân quyền vốn đang, cùng với xu hướng toàn cầu hoá, càng ngày càng trở thành phổ quát, ĐANG kiềm hãm sự phát triển của đất nước khiến Việt Nam, một dân tộc vốn rất nhiều năng lực, bị thua kém không những các nước được xem là những con rồng của châu Á mà còn có nguy cơ thua cả một quốc gia vốn bị rất nhiều tai tiếng, như Miến Điện.

Và chúng ta cũng chống lại chế độ ấy vì, với sự nhu nhược của nó, Việt Nam có nguy cơ bị biến thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc.

Cuối cùng, có một điểm cần được nói thêm: Ở Tây phương, ngay trong thời Chiến tranh lạnh, nghĩa là lúc chế độ Cộng sản vẫn còn rất mạnh, nhiều chiến lược gia và trí thức, đặc biệt ở châu Âu, đã chuyển khẩu hiệu “chống Cộng” (anti-communism) thành “chống toàn trị” (anti-totalitarianism). Dưới khẩu hiệu chống toàn trị, người ta không những chống lại chế độ Cộng sản mà còn chống lại cả chế độ phát xít, đồng thời người ta cũng khẳng định được lập trường của họ một cách rõ ràng: Việc chống đối ấy, thứ nhất, không nhắm vào một lý thuyết mà nhắm vào một chế độ với những guồng máy và chính sách cụ thể; và thứ hai, không nhằm bảo vệ hay bênh vực cho chủ nghĩa tư bản mà là để bảo vệ dân chủ và nhân quyền, những lý tưởng vừa có tính phổ quát vừa dễ được mọi người đồng thuận.

Cả tính phổ quát và sự đồng thuận ấy tạo nên sức mạnh cho cuộc tranh đấu, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa như một hệ thống độc tài đáng kinh tởm (9).

***

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Hiện pháp lạc trú



                  Vườn lòng xanh mát giữa trời mây,
               Ong bướm đùa vui suốt tháng ngày.
               Óng ánh nắng vàng vui phố nhỏ,
               Chập chờn diệu pháp tỉnh niềm say.
               Búp sen hé mở lời chào đón,
               Chánh niệm độ sanh vọng nghiệp bày.
               Sụp lạy ba ngàn di lạc Quốc,
               Hoá thân viên mãn khắp đó đây.

                                            Nguyễn Lộc