Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Hận đời lưu lạc



            Mùa hạ mưa buồn lên khoé mắt,
          Gót chân lưu lạc giữa ngàn khơi.
          Thời gian hờ hững trôi xuôi mãi,
          Non nước âu sầu khóc tả tơi.
          Cứ ngỡ tháng tư thôi chuốt oán,
          Nào ngờ thuở ấy hận không nguôi.
          Hoà bình chỉ có yên bom đạn,
          Biết đến bao giờ hết lệ rơi.

                                           Nguyễn Lộc
          
  

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

kông kông - Như thế nào là chống cộng quá khích


kông kông

Trong “Thư tâm tình gửi các bạn chống cộng quá khích” của Nguyễn Thành Công – DL [1] phần mào đầu bài viết, câu cuối, như ri: “.. nếu bạn không phải là những người chống cộng quá khích thì không nên đọc.”  Vậy, bất cứ ai lỡ đọc thì chớ lên tiếng, vì lên tiếng, dù khen/chê, đều tự tố cáo mình cùng giuộc với “chống cộng quá khích”!  Hãy để một mình tác giả giảng về nó thôi!


Trong bóng đá, môn thể thao người VN ưa thích, nếu đã để thua trước 0-1 thì chỉ còn con đường ráng gỡ hòa chứ nói thắng thì hơi bị mệt!  Cho nên ngồi gõ những dòng nầy (theo như mào đầu của tác giả) thì chắc tôi đang tự xác nhận mình thuộc giuộc “chống cộng quá khích”.  Và, như thế là đã bị thua 0-1, bây giờ chỉ còn nước ráng gỡ huề là may  huhuhu..!

Đặt bạn đọc ngay trong giây phút đầu tiên của “trận đấu” đã ở vào thế “bị thua” thì thử hỏi tác giả có phải là người quá khích hay cực đoan không?  Mà quá khích, hay cực đoan, thì làm sao lý để người khác nghe theo? 

Một tuần nay chưa thấy ai mắc bẫy “chống cộng quá khích” tác giả giăng ra, nên tôi đành tự sụp bẫy bằng bài trao đổi nầy!   

Nội hàm bài viết không có gì lạ.  Đại khái:  Chính phủ/chế độ như con thuyền.  Dân như nước.  Chế độ lo cho dân thì nước làm nổi thuyền.  Nhưng bỏ dân thì sóng sẽ nhận chìm thuyền!  Đứng trước nạn phe phái, nhóm đặc lợi đặc quyền bỏ dân nên nhà cầm quyền CSVN đang bị phản đối.  Tác giả nằm trong số nầy “vì là nạn nhân của bất công”!  

Chống thì chống nhưng, theo tác giả, chống mà không rơi vào “chống cộng quá khích”!  Vì “chống cộng quá khích” vô hình trung làm hại nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh”!   

“Tôi nghĩ tâm nguyện của các bạn chống cộng quá khích chỉ muốn mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước chứ không hề định cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân. Nhưng các bạn nóng lòng sốt ruột, đặt ra những yêu cầu “quá khích”, nếu ai không đồng ý thì các bạn tập trung “ném đá” dữ dội, vô hình trung làm hại nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh.” (Trích)

Như vậy chống cộng như thế nào để không bị chê là quá khích?  

Thử nêu một số trường hợp.  

Chuyện cũ, nên bỏ qua như:

Từ sau ngày 30/4/1975, Đảng và nhà nước CHXHCNVN ra rả gọi chế độ VNCH là “bọn Mỹ-Ngụy ác ôn”, “bọn tay sai bán nước”, những người bỏ chạy ra nước ngoài là “bọn ôm chân đế quốc”, “bọn ăn bơ thừa sữa cặn”, nghĩa trang Quân Quân Đội Biên Hòa của binh sĩ miền Nam bị hoang phế, cấm ngặt người vãng lai hương khói (đến người chết cũng không tha!) mãi cho đến mới đây…!   

Chuyện bây giờ, cũng chỉ đại khái như: 

Đất đai, mồ mả tổ tiên của nông dân Văn Giang bỗng biến thành đất của nhóm lợi ích.  Công an + xã hội đen + dân phòng thẳng tay đàn áp cưỡng chế, bất chấp dư luận thế giới, lại vô tình đánh phù mặt 2 phóng viên báo “phe ta” rồi “xử lý nội bộ”, ếm nhẹm êm thấm!

Anh em gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ra công quai đê lấn biển mười mấy năm, tiền vay ngân hàng để đầu tư còn sờ sờ ra đó thế mà khi đầm Cống Rộc đã tạm ổn định, có lợi tức tốt thì phe cánh nhà nước Tp Hải Phòng ra tay cưỡng chế và được ông Đại tá Giám đốc công an thành phố Đỗ Hữu Ca ca ngợi “cuộc phối hợp binh chủng giữa công an + bộ đội + dân phòng hay đến nổi có thể viết thành sách”!

Giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng, đã có lịch sử hơn cả trăm năm lập nghiệp, bỗng chốc cả làng bị cướp đuổi đi mà không biết kêu cứu với ai!

Những người dân bình thường, chẳng có bệnh tật bẩm sinh gì, lại đang khỏe mạnh, không nhức đầu sổ mũi nhưng khi bị công an bắt về đồn bỗng dưng ngã lăn ra “chết bệnh” hay “ân hận nên tự tử” (!)  Có trường hợp trước khi tự tử còn viết thư khen công an đối xử tử tế (trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương)…  

Câu hỏi: 

Nếu tác giả là thân nhân của những nạn nhân nêu trên, tác giả sẽ có thái độ như thế nào?  Sẽ dùng loại ngôn ngữ nào với Đảng và chế độ CSVN, một chế độ công-an-trị (!)  không thèm đếm xỉa đến luật lệ do chính họ đặt ra, không thèm đếm xỉa đến tiếng kêu của dân oan, không thèm đếm xỉa đến quyền sống của một con người!  (Pano “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình” nói lên tất cả!)

Rất mong tác giả Lá thư cho ý kiến chuẩn mực về những vấn đề trên để người đọc biết ứng xử mà khỏi mang tiếng “quá khích” hay “cực đoan”! 


Chuyện vừa nêu trên chỉ nhỏ thôi!  Còn chuyện bên dưới thì quan trọng hơn nhiều.  

Đó là:  Làm sao xác minh được sự chửi rủa thô tục, sắt máu, gây thù hận, gây chia rẽ tình tự dân tộc trên các diễn đàn đều là của người Việt chống cộng?  Loại “Chống cộng quá khích”, “hùa nhau ném đá” nầy là ai?

Trước thực trạng thối nát, tha hóa về mọi mặt của chế độ CSVN, đã có không ít những đảng viên kỳ cựu thuộc hàng cao cấp lên tiếng phản đối từ mười mấy năm trước, thời Tướng Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn…hay hiện tại như Nguyễn Trọng Vĩnh.  Vì thế, nội bộ đang cầm quyền của đảng CSVN càng ngày càng chia rẽ, công khai đấu đá tranh giành quyền lực, lợi lộc bất kể sự tồn vong của tổ quốc!  

Con đường sinh tử hiện tại của họ là phải cố gắng kéo dài sự thống trị.  Và muốn kéo dài thì không gì khác hơn là phải gây ra sự sợ hãi tột cùng cho người dân, cho đảng viên có ý chống đảng!  “Là suy thoái thiếu lập trường chớ gì nữa” như lời TBT Nguyễn Phú Trọng cảnh báo.  Sự sợ hãi đó là, nếu họ không trung thành thì không chết về tay Đảng cũng sẽ chết vì sự căm thù của dân chúng!  Đảng viên đàng nào cũng phải đối mặt với cái chết!  Vì thế cách tốt nhất là lo bảo vệ Đảng, để ngày nào Đảng còn thì gia đình và bản thân còn hưởng đặc quyền đặc lợi!  

Đảng còn, còn tất cả.  Đảng mất, mất tất cả!

Muốn cho đảng viên sợ hãi và trung thành thì cách tốt nhất là cho hàng ngàn “dư luận viên” đội lốt chống cộng cực đoan, chửi rủa, gây căm thù giữa người nầy với người khác, giữa dân với cán bộ đảng viên, giữa nhóm nầy với nhóm khác, giữa quốc nội với hải ngoại!  Đọc loại ngôn ngữ côn đồ, sắt máu đó thì người bình thường cũng phải nhăn mặt, ngán ngẫm, sợ hãi, nói chi đến ủng hộ!  Vì thế hình ảnh của những người chống chế độ CSVN ôn hòa, thật sự dấn thân cho tự do dân chủ đất nước bỗng trở thành xấu xa, hạ cấp!  Ủng hộ họ là cùng một giuộc với bọn mất dạy!  

Một công hai ba chuyện như thế đều nhắm vào mục đích bảo vệ Đảng, tại sao đảng CSVN không làm?

Đọc truyện Tam Quốc, một lần Khổng Minh cho đóng quân ở mé sông, trái ngược với binh pháp, là không có đường tẩu thoát, vì Khổng Minh biết quân mình đang yếu thế,  đàng nào cũng chết nên Khổng Minh mới đưa quân sĩ vào thế phải tử chiến.  Chỉ có thắng trận mới bảo vệ được mạng sống.  CSVN với đảng viên bây giờ cũng như thế!  

Cứ tạo ấn tượng là người VN đang căm thù họ và cả gia tộc.  Tất cả sẽ bị sát hại hay đọa đày nếu để chế độ CSVN sụp đổ!  Vì thế chỉ còn con đường duy nhất là phải “trung với Đảng”!

Đây là cách mà đảng CSVN đang trang bị tinh thần quyết tử cho đảng viên và gia đình dòng họ trước chính nghĩa đòi dân chủ tự do!  Vì thế trong bản Dự thảo sửa đổi HP 1992,  đảng CSVN quyết đặt 3 chữ Quân đội “trung với Đảng” thay vì “trung với nước” như tất cả các nước dân chủ trên thế giới!  

Như vậy thì ai mới thật sự là kẻ “chống cộng quá khích” hay “chống cộng cực đoan” và tại sao cụm từ nầy thường được nhắc đến!

Dù giai đoạn hiện tại không phải là giai đoạn hài tội để gây chia rẽ dân tộc!  Không phải là giai đoạn khích bác nhau “chống cộng quá khích” hay “chống cộng cực đoan”!  Trái lại, là giai đoạn mà người VN phải ngồi lại với nhau, xóa bỏ hận cốt nhục tương tàn đã qua, để tìm ra phương hướng giải cứu đất nước!  

Chủ nghĩa cộng sản và đảng CSVN là nguyên nhân chính đưa dân tộc đến thảm họa hiện tại, nhưng đó là vấn đề của lịch sử.  Và đã là lịch sử thì hãy để lịch sử phán xét!  

Hiện tại, sự đoàn kết của người VN yêu nước phải là mục tiêu tối thượng!  Vì đất nước và dân tộc!  Cũng vì tương lai của đất nước và dân tộc nên không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để không đoàn kết với những anh em đã từ bỏ con đường cộng sản!  

Đấy là điều đảng CSVN đang lo sợ nhất!

Cho nên, thiển nghĩ, những chữ “chống cộng quá khích” hay “chống cộng cực đoan” chỉ nên dành riêng cho nhà nước CSVN!  Để khi họ dùng đến nó chúng ta biết họ là ai và tại sao họ dùng nó.  

Hễ ai dùng nó chúng ta nhận diện được đó là người đang chia rẽ dân tộc!

Trở lại với nội dung của tác giả về “Thư tâm tình gửi các bạn chống cộng quá khích”. 

Loại ngôn ngữ thô lỗ từ Thủ đô Hà Nội như “cháo chửi”, “phở chửi”, “đ..m..” tràn lan.  Xã hội ngày một hung dữ.  Tội phạm hình sự kinh khiếp, ngày một nhiều.  Tất cả những sự kiện đó đến từ đâu?  Gốc rễ từ loại văn hóa nào?  Không lẽ đã 38 năm trôi qua mà vẫn còn do hậu quả chiến tranh, do văn hóa “Mỹ-Ngụy” để lại?  Vậy ngôn ngữ “chống cộng quá khích” tự nó có thể cho biết điểm xuất phát! 

Nếu vợ con tác giả bị công an bắt đem về đồn lột trần truồng và quay phim, nói là để “kiểm soát” (trường hợp của cô Nguyễn Hoàng Vi xảy ra hôm tòa xử vụ án Điếu Cày)  Hay như đang xảy ra, ngày “Dã ngoại thảo luận quyền con người” mà cả gia đình cô đang phải hứng chịu!  Bị đánh đập tàn nhẫn, máu me, răng gãy, trán bị gí thuốc điếu đang cháy..  Nếu là tác giả thì sẽ phản ứng ra sao?  

Những sự thật như thế nên dùng loại ngôn ngữ nào để khỏi bị rơi vào giuộc “chống cộng quá khích”?  

Phải chăng nội hàm chính của “Thư tâm tình” là tất cả mọi người hãy giữ bình tỉnh, đừng gây xúc động mạnh đến xã hội vì như thế rất dễ sinh ra biến động.  Hãy để nhà nước “ta” từ từ sửa sai, vì phải lo ưu tiên về “giữ vững ổn an ninh để phát triển kinh tế”?  Chống cộng nhưng “không cực đoan”, “không quá khích” để khỏi làm ảnh hưởng đến “nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh” như tác giả?

Sự thật là phải nói trung thực sự kiện.  Thí dụ như bản mặt của chế độ CSVN đã phơi bày rõ ràng qua hành động công an giết người ngay tại đồn, công an lột trần truồng cô Nguyễn Hoàng Vi để quay phim “kiểm soát”!  

Nói như thế có phải là “chống cộng quá khích” không?

(May 7th, 2013)

Nguyễn Hưng Quốc - Tôi không chống Cộng



Nguyễn Hưng Quốc

Ở cả hai lần bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam (11/2005 và 4/2009), tôi đều không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào từ chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi nghe được phong thanh đâu đó: người ta cho là tôi “chống Cộng”. Mà không phải từ phía chính quyền, một số bạn đọc ở hải ngoại, ngay cả những người có vẻ có cảm tình với tôi cũng thường nói: Tôi “chống Cộng”. Riêng tôi, xin nói một cách thành thực: Tôi không hề chống Cộng.


Viết thế, tôi biết nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên. Tuy nhiên, trước khi đánh giá (hay chụp mũ), xin đọc tiếp phần giải thích phía dưới.

Tôi nói tôi không chống Cộng vì hai lý do chính:

Thứ nhất, tôi không thích chữ “chống”. “Chống”, trong tiếng Việt, khác với các từ hoặc từ tố được xem là tương đương trong tiếng Anh như “fight”, “against”, “counter-” hay “anti-”, thường gợi lên hai ấn tượng chính: một, gắn liền với tổ chức, và hai, có tính chất bạo động. Tôi không thích cả hai. Với bạo động, tôi tuyệt đối không thích. Với tổ chức, tôi trân trọng và nghĩ nó cần thiết, hơn nữa, một nhu cầu tất yếu trong đời sống xã hội, nhưng tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị chung nào (1), dù, trên nguyên tắc, có thể tôi đồng tình và ủng hộ những việc làm ấy. Tôi không làm những việc ấy chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi không thích ở trong “đội ngũ”, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức. Vậy thôi. Khác với Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ “Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ”, tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính mình và những gì mình tin là đúng. “Lực lượng” của tôi chỉ có sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có chữ. Hết.

Thứ hai, quan trọng hơn, ở thời điểm bây giờ, theo tôi, nói chống Cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa.

Lý do thứ hai này cần được giải thích nhiều hơn:

Cái gọi là “chống Cộng” bao gồm hai nội dung chính: một, chống lại chủ thuyết Cộng sản (chủ yếu là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin); và hai, chống lại chế độ Cộng sản. Với cả hai nội dung ấy, trước năm 1975, nói chống Cộng: Được; trước năm 1990, nói chống Cộng: Được. Nhưng sau năm 1991, nói chống Cộng là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại.

Trong việc chống Cộng, trước năm 1991, hai khía cạnh chống chủ thuyết (hoặc ý thức hệ) và chống chế độ (hoặc một guồng máy) là một. Chế độ, vốn cụ thể, gắn liền với hệ thống chính trị, tức là hệ thống quyền lực, là mục tiêu chống đối trước mắt. Nhưng sức mạnh của chế độ Cộng sản không phải chỉ ở đảng viên, cán bộ, quân đội, công an, súng đạn và các nhà tù. Sức mạnh của chế độ Cộng sản còn ở các lý tưởng tự do, bình đẳng cũng như cái thiên đường Cộng sản chủ nghĩa vốn có sức mê hoặc to lớn đối với mọi người, đặc biệt với giới trí thức vốn khao khát những điều cao cả, có tầm nhân loại. Hơn nữa, nó còn nằm ở các ảo tưởng về tính khoa học của chủ nghĩa Cộng sản hay ở cái gọi là tính tất yếu trong quy luật phát triển của lịch sử. Bởi vậy, người ta không thể chống lại chế độ Cộng sản chỉ bằng các phương tiện vật chất. Người ta phải chống lại chế độ Cộng sản ngay cả trong phạm trù tư tưởng, trong lãnh vực nhận thức, nghĩa là bằng các phương tiện tuyên truyền và giáo dục, nhắm thẳng vào những tên tuổi như Marx, Engels, Lenin và Stalin, những người đã chết; hơn nữa, bằng một bảng giá trị khác, cao hơn, hiện hữu ngay trong đời sống xã hội để mọi người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được, nghĩa là bằng một nỗ lực không ngừng tự do hoá, dân chủ hoá và nhân quyền hoá, như những điều chủ nghĩa tư bản, ở các quốc gia phát triển nhất, từng làm trong suốt thế kỷ 20.

Tuy nhiên, kể từ năm 1991, với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Cộng sản, với tư cách một chế độ, hoàn toàn sụp đổ; và cùng với nó, chủ nghĩa Cộng sản, với tư cách một ý thức hệ chính trị, cũng bị phá sản theo. Trật tự này, thật ra, theo một số học giả, cũng có thể đảo ngược hẳn lại: Vì sự phá sản của ý thức hệ Cộng sản, chế độ Cộng sản, với tư cách một bộ máy chính quyền, đã sụp đổ. Nhưng dù mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi, thực chất của vấn đề vẫn là một: phá sản và sụp đổ.

Về phương diện lý thuyết, hầu như ai cũng thấy chủ nghĩa Cộng sản sai. Những người thiên tả, ít nhiều lưu luyến với chủ nghĩa Cộng sản, cố vớt vát khi cho cái sai ấy không xuất phát từ Karl Marx mà từ Lenin, đặc biệt từ Stalin và Mao Trạch Đông; nghĩa là, nó không sai hẳn, nhưng một, nó không được cập nhật để theo kịp những thay đổi và tiến bộ của chủ nghĩa tư bản; và hai, nó chỉ sai trong cách ứng dụng và vận dụng lý thuyết Marx vào thực tế. Tuy nhiên, nói theo Richard Pipes, trong cuốn Communism, a History (2), chủ nghĩa Cộng sản, ngay trong tư tưởng của Karl Marx, không phải là một ý tưởng hay nhưng bị thực hiện sai mà, tự bản chất, nó là một ý tưởng dở; hay nói theo Kolakowski, do Pipes trích dẫn, chủ nghĩa Marx – nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản – là một huyễn tưởng lớn nhất của thế kỷ 20 (3).

Trong vô số những cái sai của chủ nghĩa Marx-Lenin, cái sai này là đáng kể nhất: Họ cho chế độ tư hữu là cội rễ của bất bình đẳng và tin là họ có thể xóa bỏ chế độ tư hữu ấy để xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, không ai bóc lột ai và cũng không ai thống trị ai. Trên thực tế, khi công hữu hóa mọi tài sản và mọi phương tiện sản xuất, thứ nhất, họ triệt tiêu hầu như mọi động cơ lao động và sản xuất của người dân; thứ hai, họ tạo nên một giai cấp đặc quyền và đặc lợi để nắm toàn bộ việc lãnh đạo và quản lý các tài sản và công cụ sản xuất đã được công hữu hóa ấy. Những người ấy, một mặt, kém khả năng quản lý nên dẫn đến hết thất bại này sang thất bại khác; mặt khác, quan trọng hơn, trở thành một thành phần thống trị vừa ngu dốt vừa độc đoán, vừa tham nhũng vừa tàn bạo. Tất cả các yếu tố ấy không những dẫn đến những sự thất bại nặng nề về phương diện kinh tế mà còn phá hủy toàn bộ nền tảng lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản vốn nhắm đến tự do, bình đẳng và hạnh phúc.

Một cái sai khác của chủ nghĩa Marx-Lenin là họ đơn giản hóa lịch sử nhân loại vào lịch sử đấu tranh giai cấp. Sự phát triển của lịch sử, thật ra, còn tùy thuộc, thậm chí, tùy thuộc chủ yếu vào sự hợp tác của con người trong việc khám phá các quy luật của tự nhiên, từ đó, đẩy mạnh các khám phá về kỹ thuật để nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của mọi người. Chủ nghĩa tư bản, trong thế kỷ 20, đã chứng minh điều đó: Giới chủ nhân biết san sẻ trách nhiệm và quyền lợi với giới công nhân, nhờ đó, so với thế kỷ 19, công nhân càng ngày càng được hưởng lương cao và càng ngày càng được hưởng chế độ lao động hợp lý hơn. Hơn nữa, chính quyền cũng can thiệp để bảo vệ quyền lợi của công nhân và, qua chính sách thuế khóa, bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Nhiều quốc gia mang tiếng là tư bản nhưng về các chính sách lao động và an sinh xã hội lại không khác gì với cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Marx mơ ước. Chưa hết. Yếu tố then chốt trong sản xuất không phải chỉ là công cụ sản xuất mà còn có cả tri thức. Mà tri thức thì không ai độc quyền được.

Một người tị nạn, như người Việt Nam sau năm 1975, chẳng hạn, khi sang nước ngoài, với hai bàn tay trắng, không thể sở hữu các công cụ sản xuất để làm chủ nhân bất cứ thứ gì được. Nhưng bù lại, chỉ cần chịu khó học hành, sau một thời gian nhất định, người đó có thể sở hữu một vốn tri thức khá cao đủ để bước vào thế giới trung lưu, thậm chí trung lưu cao, dễ dàng. Chính trong lãnh vực tri thức, vốn gắn liền với giáo dục, xã hội tư bản đã tạo nên sự bình đẳng thực sự và tối đa: Nếu mọi người không được và không thể bình đẳng khi ra đời (vốn gắn liền với gia đình, thành phần xã hội, chủng tộc và những đặc điểm về trí tuệ riêng – những điều không ai có thể lựa chọn được), họ lại được bình đẳng trong cơ hội để phát triển và tiến bộ. Ai cũng được quyền đi học; bất cứ ai có trí và có nghị lực cũng đều đi học được, và từ đó, có thể thay đổi cuộc đời mình được. Với những đặc điểm ấy, chủ nghĩa tư bản không những thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội một cách hiệu quả mà còn tạo nên sự bình đẳng và dân chủ, tuy không hẳn đã hoàn hảo, nhưng cũng hơn hẳn chế độ xã hội chủ nghĩa đủ để mọi người, kể cả những người đang sống dưới chế độ Cộng sản, cũng nhận thấy không phải kẻ thù mà chính mình mới là những kẻ đang đứng trước vực thẳm. Sự so sánh ấy cũng làm cho người ta nhận thấy những hứa hẹn về một thiên đường Cộng sản chủ nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, chỉ là một ảo tưởng, hơn nữa, một không tưởng. Cái không tưởng ấy lại bị trả giá bằng máu. Không phải máu của một hai người. Mà là của cả một tập thể, có khi cực kỳ đông đảo. Cả hàng triệu hay chục triệu người.

Về phương diện thực tiễn, với tư cách một chế độ, chủ nghĩa Cộng sản có năm đặc điểm chính trên bình diện tổ chức. Một, đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo; hai, đảng ấy được tổ chức một cách chặt chẽ với một thứ kỷ luật thép từ trên xuống dưới; ba, kinh tế hoàn toàn tập trung, mọi quyết định, kể cả về giá cả thị trường, đều do cấp trên quyết định; bốn, mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước; và năm, mỗi quốc gia đều liên kết và, với những mức độ khác nhau, lệ thuộc vào cái gọi là phong trào Cộng sản quốc tế nói chung. Với cách tổ chức như thế, chế độ Cộng sản vấp phải vô số sai lầm. Và những sai lầm ấy rất dễ thấy.

Thứ nhất, các chế độ Cộng sản không những không công bằng hơn các chế độ tư bản, mà thậm chí, còn tệ hại hơn cả các chế độ phong kiến ngày xưa. Xưa, chỉ có vua, nay có cả nguyên một đảng đứng trên pháp luật. Xưa, chỉ có vua là được hưởng mọi đặc quyền và đặc lợi; nay, có cả hàng triệu người nhân danh đảng thi nhau vơ vét lợi và thao túng quyền.

Thứ hai, ngoài chuyện bất bình đẳng, chế độ Cộng sản, qua hơn 70 năm tồn tại, đã chứng tỏ sự tàn bạo vô tiền khoáng hậu. Những nhà lãnh đạo Cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Fidel Castro… không phải giống vua mà là giống các bạo chúa. Vua, còn đỡ. Trong đám vua còn có các minh quân. Trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản, được xây dựng quyền lực trên nguyên tắc “chuyên chính”, ngay cả những người có tiềm năng là minh quân cũng trở thành bạo chúa. Hậu quả là chế độ Cộng sản trở thành một chế độ đứng đầu trong danh sách giết người trong suốt cả thế kỷ 20. Họ giết người còn nhiều hơn cả chế độ phát xít và Nazi. Bàn tay của Stalin và Mao Trạch Đông còn nhuộm nhiều máu hơn cả bàn tay của Hitler. Trong cuốn The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression do Stéphane Courtois và nhiều người khác biên tập (4), các tác giả ước tính tổng số nạn nhân bị giết chết dưới các chế độ Cộng sản trên thế giới kể từ năm 1917 đến năm 1991 là khoảng 100 triệu người, bao gồm khoảng 20 triệu ở Nga, 65 triệu ở Trung Quốc, hai triệu ở Campuchia, hai triệu ở Bắc Triều Tiên, một triệu ở Đông Âu, v.v..

Thứ ba, chế độ Cộng sản hoàn toàn thất bại về phương diện lãnh đạo và quản lý kinh tế đất nước. Không có nước Cộng sản nào giàu có và dân chúng được no ấm. Từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, kinh tế của các nước Cộng sản bị lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đến thập niên 1980, chỉ số phát triển của nó hầu như chỉ là một con số không to tướng. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa thời ấy, rất nhiều cửa tiệm trống rỗng không có hàng hóa để bán (5). Dân chúng ngất ngư vì đói khát. Nhưng dễ thấy nhất là khi chúng ta nhìn vào các quốc gia bị chia đôi, trong đó, một nửa theo chế độ Cộng sản và một nửa theo chế độ tư bản. Như Đông Đức và Tây Đức. Hay như Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên. Cái nửa theo chế độ Cộng sản bao giờ cũng có chỉ số phát triển thấp hơn hẳn cái nửa theo chế độ tư bản. Thấp một cách toàn diện. Riêng ở Triều Tiên, thu nhập tính trên đầu người ở miền Nam (32.400 đô la/người/năm) gấp 18 lần ở miền Bắc (1.800 đô la). Cùng một dân tộc. Cùng một lịch sử. Chỉ khác ở chế độ. Mà hai nơi khác nhau đến vậy.

Cuối cùng, nói theo Stéphane Courtois (6), Cộng sản phạm vô số tội ác không phải đối với con người với tư cách cá nhân mà còn đối với cả văn minh nhân loại và văn hóa quốc gia. Ở đâu, các chế độ Cộng sản cũng phá tan tành rất nhiều di tích và di sản lịch sử cũng như các nhà thờ, chùa chiền và các nơi thờ tự. Họ trấn áp các tôn giáo, xóa bỏ nhiều truyền thống tốt đẹp với lý do, theo họ, đó là những tàn tích của chế độ phong kiến.

Với những thất bại hiển nhiên về cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành như vậy, chủ nghĩa Cộng sản đã hoàn toàn bị sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, thoạt đầu, vào năm 1989, với việc đảng Cộng sản Hungary chấp nhận một hệ thống chính trị đa đảng vào tháng 2; việc Công đoàn Đoàn kết thắng phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan vào tháng 6, sau đó, lên nắm chính quyền vào tháng 9; việc Bức tường Berlin bị sụp đổ vào tháng 11 (sau đó nước Đức được thống nhất vào tháng 10/ 1990); kết thúc bằng việc Mikhail Gorbachev tuyên bố từ bỏ chế độ độc đảng vào ngày 7/2/1990; và sau đó, sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào tháng 12/1991 (trước, trong và sau sự tan ra ấy, có 16 quốc gia – vốn bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết - tuyên bố độc lập, bao gồm: Lithuania, Estonia, Latvia, Georgia, Ukraine, Belarus, Moldova, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Armenia, Turkmenistan, và Kazakhstan).

Nếu sự ra đời của chủ nghĩa Cộng sản là biến cố lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, sự tan rã của nó ở Nga và Đông Âu là một biến cố trọng đại nhất trong nửa sau thế kỷ 20. Cả hai đều là cách mạng. Cuộc cách mạng đầu nổ ra và, sau đó, tồn tại bằng máu và nước mắt; cuộc cách mạng sau, ngược lại, diễn ra với ba đặc điểm chính: nhanh chóng, nhẹ nhàng và bất bạo động. Có vẻ như giới lãnh đạo Cộng sản (trừ ở Romania) tự ý từ bỏ quyền lực và chế độ Cộng sản tự tan rã. Không có sự kháng cự nào đáng kể cả.

Trước thập niên 1990, trên thế giới có tổng cộng 23 quốc gia theo chế độ Cộng sản. Trong thời điểm giao thừa giữa hai thập niên 1980 và 1990, có 18 quốc gia từ bỏ Cộng sản: Afghanistan, Albania, Angola, Benin, Bulgaria, Campuchia, Congo, Czechoslovakia, Đông Đức, Ethiopia, Hungary, Mông Cổ, Mozambique, Ba Lan, Romania, Nga, Nam Yemen và Yugoslavia. Người ta gọi những nước này (trừ Đông Đức vốn không còn là một “nước” riêng sau khi thống nhất) là “hậu Cộng sản” (postcommunism), một thuật ngữ do Zbigniew Brzezinski đưa ra vào năm 1989 (7). Do một số quốc gia, sau năm 1991, bị chia cắt (chủ yếu là do vấn đề chủng tộc), hiện nay có 28 quốc gia được xem là hậu Cộng sản (8).

“Hậu Cộng sản” nghĩa là không còn Cộng sản nữa.

Có thể nói, trên bình diện thế giới, cái gọi là “Cộng sản” đã thuộc về quá khứ. Khi “Cộng sản” thuộc về quá khứ, chuyện chống Cộng cũng không còn lý do hiện hữu nữa.

Thật ra, trên thế giới cũng còn ít nhất năm quốc gia, trên danh nghĩa, chưa từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên và Cuba. Tuy nhiên, trong năm quốc gia ấy, chỉ có Bắc Triều Tiên là thực sự Cộng sản, Cộng sản theo kiểu Stalin trong thập niên 1930 và 1940. Ở tất cả bốn nước còn lại, kể cả Việt Nam, chủ nghĩa Cộng sản đang dần dần biến chất và biến thể. Nó không giống chủ nghĩa Cộng sản của Stalin và Mao Trạch Đông. Nó cũng không giống chủ nghĩa Cộng sản của Lenin. Và nó cũng không giống chút nào với cái chủ nghĩa Cộng sản mà Mark và Engels quan niệm.

Thứ nhất, về phương diện kinh tế, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều chấp nhận kinh tế thị trường vốn là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên, cái gọi là “kinh tế thị trường” ở đây vẫn còn bị giới hạn bởi cái đuôi phía sau “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cái đuôi ấy chỉ là một cố gắng níu kéo nắm giữ quyền lợi cho một số người thuộc tầng lớp thống trị qua các đại công ty và tập đoàn quốc doanh. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động và sự điều hướng kinh tế vẫn theo quy luật thị trường, nghĩa là tư bản hóa.

Thứ hai, về phương diện chính trị, tất cả vẫn cố thủ, trên danh nghĩa, trong cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng ở đây cũng lại có vấn đề. Cái gọi là chính trị Cộng sản chủ nghĩa vốn bao gồm hai khía cạnh: một, về tổ chức, sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản; và hai, về phương diện ý thức hệ, lý thuyết của Marx và Lenin. Ở tất cả bốn quốc gia kể trên, Cộng sản chỉ nằm ở bình diện tổ chức, còn ở bình diện ý thức hệ, hầu như không ai còn tin, thậm chí, không mấy người muốn nhắc đến ý thức hệ Cộng sản nữa. Ngay ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng thừa hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin không còn sức thuyết phục và sự quyến rũ nữa. Họ phải thêm vào mấy chữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, cho đến nay, họ cũng không biết cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” ấy thực sự là gì. Lý do là Hồ Chí Minh vốn là người thực hành, không viết về lý thuyết, và thật ra thì cũng chẳng có lý thuyết gì ngoài một mớ giáo điều đơn giản và cũ kỹ ông học được ở Nga và Trung Quốc. Những kẻ đang nắm quyền tại Việt Nam sử dụng cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” như một huyền thoại chứ không như một chủ thuyết.

Theo chủ nghĩa Marx-Lenin, một hình thái chính trị đúng nghĩa phải tương ứng với, thứ nhất, một hình thái kinh tế nhất định; và thứ hai, một ý thức hệ nhất định. Nền chính trị Việt Nam hiện nay, trên danh nghĩa, vẫn là Cộng sản, nhưng kinh tế lại là tư bản hoặc ít nhất, nửa-tư bản hoặc đang trong quá trình tư bản hóa; còn ý thức hệ thì hoàn toàn trống rỗng: Nó phi-Marx và cũng phi-Lenin. Chẳng giống ai và cũng chẳng là cái gì cả. Đó là một thứ tôn giáo vừa không có thần linh vừa không có điển phạm (canon). Tên nó, ở Việt Nam, nhiều người gọi thẳng: mafia.

Bởi vậy, trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta nói đến chuyện chống Cộng có lẽ ngay cả những người đang mang danh hiệu đảng viên Cộng sản trong nước – hầu hết đều rất giàu có và sống rất trưởng giả - sẽ cười khì, hỏi: “Cộng nào vậy nhỉ?” Lôi tư tưởng Marx, Engels và Lenin ra phê phán, phần lớn họ - những người chẳng bao giờ thực sự đọc Marx, Engels và Lenin – hẳn sẽ trố mắt lên hỏi: “Mấy người đó là ai vậy? Có phải mấy ông râu ria xồm xoàm gì đó không?” Nói đến đấu tranh giai cấp, đến tầng lớp công nhân và nông dân, đến chuyên chính vô sản, đến công bằng xã hội và đến lý tưởng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, những vấn đề nòng cốt của ý thức hệ Cộng sản, họ - những người đang sống như giới thượng lưu và thường được gọi là “tư bản đỏ” – hẳn sẽ bịt tai lại, như nghe những chuyện cổ tích vừa xa vời vừa nhảm nhí.

Trong trường hợp ấy, chống Cộng là chống ai và chống cái gì?

Đối với riêng tôi, khi phê phán chính quyền trong nước, tôi không nghĩ là tôi chống Cộng. TÔI CHỈ CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI.

Chế độ Việt Nam hiện nay đáng bị phê phán không phải vì nó là Cộng sản. Mà vì nó là độc tài. Cộng sản chỉ là nhãn hiệu. Độc tài mới là thực chất. Ngay cả khi chúng ta chống lại điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam, chúng ta cũng chỉ chống lại một sự độc tài. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang rục rịch muốn đổi tên nước. Có khi họ đổi cả tên đảng. Nhưng dù đổi đảng Cộng sản thành đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, cái việc nhân danh Hiến pháp để giành quyền lãnh đạo độc tôn như vậy cũng vẫn là độc tài. Tên gọi có thể thay đổi, thực chất vẫn là một. Vẫn độc tài.

Mọi sự độc tài đều đáng phê phán. Nhưng khi độc tài đi liền với bất tài thì càng đáng bị phê phán hơn. Và nhu cầu phê phán ấy cũng càng khẩn cấp hơn. Sự độc tài chà đạp lên dân chủ và nhân quyền, nhưng trong một số trường hợp nào đó, dưới một sự độc tài sáng suốt, người ta cũng có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh dân chủ và nhân quyền trong một thời gian nào đó để xây dựng và phát triển đất nước (như trường hợp của Singapore). Độc tài mà bất tài thì bao giờ cũng gắn liền với sự ngu dốt và tham nhũng bởi họ sẽ không có, không thể có, bất cứ lý tưởng nào khác ngoài tiền và cũng không có một thứ trí tuệ nào khác nào thứ “trí tuệ” dùng để làm giàu cho bản thân và gia đình. Sự ngu dốt trong chính sách và tham nhũng trong bộ máy chỉ tồn tại được nhờ hai yếu tố: dối trá trong tuyên truyền và tàn bạo trong quản trị. Tập hợp của tất cả các yếu tố ấy, người ta chỉ làm được mỗi một việc duy nhất là tàn phá đất nước và hành hạ dân chúng. Tính chất độc tài, bất tài, tham nhũng, dối trá và tàn bạo ấy càng trở thành nguy hiểm hơn nữa khi đất nước đối diện với nguy cơ xâm lấn chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc.

Đối diện với các nguy cơ trên, chữ “chống Cộng”, theo tôi, rất dễ làm lệch vấn đề. Nó dễ gợi lên ấn tượng là, khi chống lại chế độ Việt Nam hiện nay, chúng ta nhân danh hai điều vốn bị xem là đối lập với Cộng sản, nhất là Cộng sản Việt Nam: Một, chủ nghĩa tư bản và hai, Việt Nam Cộng Hoà lúc trước. Nhưng chúng ta chống Cộng không phải vì chủ nghĩa tư bản và cũng không phải vì để trả thù hay để phục hồi miền Nam. Việc chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam cần xuất phát từ những lý tưởng hiện đại, cao cả và phổ quát hơn: quyền tự do, dân chủ và quyền làm người. Hơn nữa, nó còn xuất phát từ cả sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tiền đồ của đất nước nữa. Trong chiến tranh có tính dân tộc chủ nghĩa, người ta có thể huy động lịch sử, hay nói như Tố Hữu, trước năm 1975, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”; trong cuộc chiến chống độc tài, nguồn sức mạnh không phải chỉ nằm ở quá khứ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu còn, nằm ở tương lai.

Chúng ta chống lại chế độ Việt Nam hiện nay không phải vì việc họ chọn lựa hệ thống xã hội chủ nghĩa, việc họ gây ra cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam, việc họ cưỡng chiếm miền Nam, việc họ trả thù những người miền Nam: Tất cả đều đã thuộc quá khứ.

Người ta cần lưu giữ quá khứ, cần thường xuyên đào xới lại quá khứ và cần viết lại quá khứ, một cách chính thức, bằng lịch sử; hoặc một cách không chính thức, bằng ký ức, từ ký ức cá nhân đến ký ức tập thể. Nhưng không ai thay đổi được quá khứ. Càng không cần phải chống lại quá khứ. Những điều ấy khác nhau.

Chúng ta chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam vì nó ĐANG chà đạp lên quần chúng, ĐANG làm cho đất nước bị phá sản trên mọi phương diện, từ kinh tế đến giáo dục, từ ý thức đạo đức đến cả lòng tự hào dân tộc, từ các giá trị truyền thống đến tinh thần hiện đại với những giá trị về dân chủ và nhân quyền vốn đang, cùng với xu hướng toàn cầu hoá, càng ngày càng trở thành phổ quát, ĐANG kiềm hãm sự phát triển của đất nước khiến Việt Nam, một dân tộc vốn rất nhiều năng lực, bị thua kém không những các nước được xem là những con rồng của châu Á mà còn có nguy cơ thua cả một quốc gia vốn bị rất nhiều tai tiếng, như Miến Điện.

Và chúng ta cũng chống lại chế độ ấy vì, với sự nhu nhược của nó, Việt Nam có nguy cơ bị biến thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc.

Cuối cùng, có một điểm cần được nói thêm: Ở Tây phương, ngay trong thời Chiến tranh lạnh, nghĩa là lúc chế độ Cộng sản vẫn còn rất mạnh, nhiều chiến lược gia và trí thức, đặc biệt ở châu Âu, đã chuyển khẩu hiệu “chống Cộng” (anti-communism) thành “chống toàn trị” (anti-totalitarianism). Dưới khẩu hiệu chống toàn trị, người ta không những chống lại chế độ Cộng sản mà còn chống lại cả chế độ phát xít, đồng thời người ta cũng khẳng định được lập trường của họ một cách rõ ràng: Việc chống đối ấy, thứ nhất, không nhắm vào một lý thuyết mà nhắm vào một chế độ với những guồng máy và chính sách cụ thể; và thứ hai, không nhằm bảo vệ hay bênh vực cho chủ nghĩa tư bản mà là để bảo vệ dân chủ và nhân quyền, những lý tưởng vừa có tính phổ quát vừa dễ được mọi người đồng thuận.

Cả tính phổ quát và sự đồng thuận ấy tạo nên sức mạnh cho cuộc tranh đấu, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa như một hệ thống độc tài đáng kinh tởm (9).

***

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Hiện pháp lạc trú



                  Vườn lòng xanh mát giữa trời mây,
               Ong bướm đùa vui suốt tháng ngày.
               Óng ánh nắng vàng vui phố nhỏ,
               Chập chờn diệu pháp tỉnh niềm say.
               Búp sen hé mở lời chào đón,
               Chánh niệm độ sanh vọng nghiệp bày.
               Sụp lạy ba ngàn di lạc Quốc,
               Hoá thân viên mãn khắp đó đây.

                                            Nguyễn Lộc
           
              

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Tại sao phải chạy trốn hòa bình?

Cập nhật: 10:54 GMT - thứ tư, 1 tháng 5, 2013
Đây là bản tiếng Việt bài viết mới nhất của tôi đã được đăng bằng tiếng Anh trên báo Asia Times (Á Châu), USA Today (Mỹ) và The Age (Úc) nhân kỷ niệm lần thứ 38 ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Luật sư Trịnh Hội đang làm việc cho VOICE, giúp người tỵ nạn Việt tại Philippines
Là thế hệ lớn lên sau chiến tranh, không liên quan đến việc thắng, thua, nên từ lâu tôi đã có hai câu hỏi.
Một dành cho những người đang lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nếu Sài Gòn thật sự được giải phóng, thì tại sao hơn một triệu người phải bỏ nước ra đi?
Hai dành cho những thành phần phản chiến trước năm 1975.
Nếu lúc ấy họ thật sự tranh đấu cho dân tộc Việt Nam được tự chủ, tự cường thì tại sao, trong suốt bốn thập niên dài mãi cho đến hôm nay, khi người dân Việt Nam hoàn toàn không được tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, không có tự do bầu cử những người phản chiến này đang ở đâu, sao không lên tiếng?
Tôi có câu hỏi nhưng không có câu trả lời. Nếu bạn có xin vui lòng cho tôi biết qua email: hoitrinh@gmail.com

Hai hình ảnh về Việt Nam

Ngày 30 Tháng Tư năm 2013 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 38 ngày Sài Gòn thất thủ, ngày Miền Nam Việt Nam bị Miền Bắc Cộng Sản tiêu diệt - hay thường được nhiều người gọi là ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam.
Nếu không có ngày này, tôi tin rằng đã không có nhiều nhà hàng Việt Nam như hiện nay nơi bạn ở. Và nếu không có ngày này thì chắc chắn tôi cũng đã không có mặt hôm nay tại nơi này để nói cho các bạn rõ về những gì đã xảy ra.
Sinh sống qua gần 2 thập niên ở nước ngoài trước khi quyết định trở lại Việt Nam vào năm 2007, tôi thường được hỏi về thời gian tôi sống ở Việt Nam sau năm 1975 và về tình hình đất nước hiện nay, 38 năm sau.
Điều thường khiến tôi ngạc nhiên là khi tôi hỏi lại họ về những gì họ đã biết thì hình như chỉ có hai phiên bản Việt Nam được nhắc tới.
"Angeline Jolie và Brad Pitt còn nhận một em bé Việt Nam làm con nuôi và đặt tên cho em là Pax – Hòa Bình."
Phiên bản thứ nhất là một Việt Nam đầy rẫy những câu chuyện kinh hoàng, những hình ảnh về một đất nước tan nát vì cuộc chiến do người Mỹ dẫn đầu tàn phá.
Phiên bản thứ hai là một con hổ kinh tế đang trỗi dậy ở Viễn Đông , điểm đến 'thời thượng' của những người trẻ trung và danh tiếng.
Brad Pitt và Angelina Jolie đã tiếp tục trở lại Việt Nam. Trước đây không lâu họ còn nhận một em bé Việt Nam làm con nuôi và đặt tên cho em là Pax – Hòa Bình.
Trong khi hàng đoàn du khách từ Úc, Châu Âu và khắp nước Mỹ theo lời khuyên của sách hướng dẩn du lịch Lonely Planet ghé thăm mọi nơi từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, tên mới của Sài Gòn, để sững sờ trước nền văn hóa và cảnh sắc mỹ miều.
Họ đã có thể nhìn thấy tận mắt rằng bây giờ mọi thứ đều thanh bình, yên ổn và dân chúng có vẻ hạnh phúc, hài lòng với vận mệnh mới của mìn
Hay ít ra nó cũng có vẻ như vậy. Cho đến khi tôi cho họ biết sự thật không hẳn vậy.
Như các bạn có thể đã biết, cũng giống như hai triệu người Việt Nam rời bỏ đất nước từ ngày định mệnh đó, gia đình tôi đã đến Úc như những người tỵ nạn khác.
Nhưng thật ra chúng tôi là những người Việt đầu tiên trong lịch sử đất nước quyết định rời bỏ quê cha đất tổ.
Mặc dù đã xảy ra nhiều cuộc chiến với nước Trung Hoa láng giềng ở phương bắc qua hàng ngàn năm, mặc dù đã trải qua một trăm năm đấu tranh giành độc lập chống chủ nghĩa thực dân Pháp, và mặc dù là nạn nhân của một nạn đói khủng khiếp do người Nhật gây ra trong Thế chiến thứ II, tiếp theo đó là Chiến tranh Việt nam kéo dài cho đến năm 1975, người Việt đã luôn gắn bó với nơi chôn nhau, cắt rốn của mình và chấp nhận, chịu đựng tất cả để chọn Việt Nam làm quê cha đất tổ.
Bất chấp mọi cuộc đổ máu. Bất chấp mọi mất mát, thiệt hại.
Nhưng. Lần đầu tiên trong lịch sử và chẳng bao lâu sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta bắt đầu ra đi.
Thoạt tiên là từng nhóm nhỏ, rồi sau đó là hàng chục, hàng trăm ngàn người. Họ đi bằng thuyền và bằng đường bộ. Bất chấp mọi hiểm nguy trên biển cả và những gì đang chờ đợi họ tại bến bờ bên kia.
Theo ước tính, từ 10% cho đến 30% tổng số thuyền nhân đã không bao giờ được đặt chân lên đất liền. Từ 1975 đến 1997, khi cuộc vượt thoát ồ ạt chấm dứt, đã có khoảng 1 triệu thuyền nhân Việt Nam đặt chân đến được các nước trong vùng.

Chạy trốn hòa bình

Thuyền nhân Việt dạt vào bờ biển Malaysia trong một đợt chạy trốn
Điều này bắt buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Tại sao họ lại phải trốn chạy hòa bình?
Câu trả lời rất đơn giản. Đó là ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc và hòa bình được lập lại, sự thật và công lý chưa bao giờ thắng thế trên đất nước tôi. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền tự do hội họp và lập hội, Ông Maina Kiai, đã gọi tình trạng này là một “cơn hôn mê hòa bình” (peace coma).
Rằng nhân danh hòa bình, chúng ta đã cố tình làm ngơ trước những vi phạm trắng trợn nhất về quyền con người bởi các chế độ áp bức nhất trên thế giới hiện nay, trong đó có chế độ Cộng sản Việt Nam.
Mặc dù từ thập niên 1990, những nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho cải tổ về kinh tế, nhưng trong suốt 38 năm qua, chế độ xã hội và chính trị của đất nước này vẫn không có gì thay đổi.
"Không một phương tiện truyền thông độc lập nào được phép hoạt động, các cuộc biểu tình phản đối bị nghiêm cấm, và những người bảo vệ nhân quyền thường xuyên bị sách nhiễu"
Cho đến hôm nay, tất cả đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước và hàng trăm người bất đồng chính kiến vẫn còn bị bắt bớ, giam cầm chỉ vì họ dám thách thức sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự thật là Facebook bị ngăn chặn, không một phương tiện truyền thông độc lập nào được phép hoạt động, các cuộc biểu tình phản đối bị nghiêm cấm, và những người bảo vệ nhân quyền thường xuyên bị sách nhiễu, khủng bố.
Để cuối cùng một số nhân vật bất đồng chính kiến phải đào thoát để xin tỵ nạn chính trị ở các nước khác. Trong khi những người ở lại có thể bị kết án đến 16 năm tù như Trần Huỳnh Duy Thức vì những hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ.
Vì vậy, một sự thật phũ phàng là vẫn còn người tỵ nạn từ Việt Nam và chưa bao giờ hòa bình thật sự hay công lý được thực hiện trên quê hương tôi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Trịnh Hội, nhà hoạt động nhân quyền hiện làm cho tổ chức Bấm VOICE.

Tháng Tư Mùa Xuân và Những Tấm Màn

x
CỠ CHỮ - +
Trần Mộng Tú
Tháng Tư, tôi đi dưới bầu trời mây trắng, nắng ấm và mềm như chiếc khăn quàng trên vai, hai chân thong thả bước, mặt ngước nhìn hàng cây bên đường, hàng cây xanh ngọt màu cốm non, những chùm lá nho nhỏ, cong cong he hé mở ra như những cánh môi thiếu nữ mới lớn. Những vạt cỏ xanh non mịn như nhung thỉnh thoảng điểm một đóa hoa bồ-công-anh nhỏ xíu như chiếc khuy màu vàng từ áo khoác ai rơi xuống. Hoa đỗ quyên cũng bắt đầu khe khẽ nở dịu dàng bên một góc hàng rào nhà ai. Mùa xuân ở Seattle đẹp lắm, những giọt nước mưa trong veo và những giọt nắng vàng như mật ong. Ngửa mặt lên là uống vào lồng ngực cả lượng xuân của đất trời.

Ước gì, ừ nhỉ, ước gì đừng có Tháng Tư oan khiên của nước mình ngày đó. Tháng Tư hàng năm vẫn đến. Ban ngày, những hình ảnh, bài viết tràn ngập trên máy điện toán, những nhắc nhở trong những lần gặp gỡ hàn huyên với bè bạn; ban đêm mang theo cả vào giường, vào giấc mơ, giật mình cho số năm tháng đã đi qua trên xứ người.

Tôi đi trong ân sủng của đất trời, nhưng sao lòng không thanh thản, những hình ảnh không đẹp cứ theo nhau về trong tâm trí. Chiến tranh quê mình, chiến tranh quê người. Những cái xấu và cái ác như mực đổ loang vào lòng giấy.

Những vòm lá trên cao nghiêng xuống như cái tán làm râm một khoảng đất dưới chân đi, tôi bỗng rùng mình liên tưởng đến những tấm hình trong một bài báo được một chị bạn thân mới chuyển cho đọc tối hôm qua: “The Veils of Aleppo: Photographs by Franco Pagetti” của Rania Abouzeid. Bài viết đề cập đến những tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Franco Pagetti chụp những tấm màn cửa chăng từ bức tường đổ bên này sang mái nhà vỡ bên kia ở thành phố Aleppo. Trải qua hai năm của cuộc nội chiến ở đất nước Syria làm hơn 70 ngàn người chết, Aleppo là chiến trường đẫm máu nhất, nơi cả hai phe đều tìm cách chiếm đi chiếm lại nhiều lần, không lúc nào ngưng tiếng súng. Những tấm màn trước đây để che khung cửa sổ tránh cặp mắt tò mò của hàng xóm, hay che ánh nắng mặt trời thì bây giờ nó làm một nhiệm vụ của một lá chắn cho sinh mạng con người.

Franco Pagetti là người đã bắt chụp những hình ảnh trong những cuộc chiến ở Syria, Afghanistan và Iraq đã nhìn ra được cái đẹp đau thương của những tấm màn cửa chăng trong những thành phố đổ nát vì bom đạn. Các tấm màn được chăng lên giữa lối đi của hai tòa nhà đổ nát (những gì còn lại của người dân), chúng  làm nhiệm vụ che chở cho người dân đi đến một tiệm bánh hay đi thăm một người thân. Cái tấm màn mang mầu xám của vôi vữa, gạch vụn, của bụi than của nhà cháy và thỉnh thoảng pha một vệt đỏ bầm của máu đó đã lãnh cái nhiệm vụ che chở rất mong manh.Trong những bức hình ông chụp, không có người, chỉ có những tấm màn cửa. Màn cửa như một nhân chứng, một rào cản cho cuộc nội chiến bất tận của hai bên. (Khác gì cuộc chiến Nam-Bắc của Việt Nam). Giống như rất nhiều khía cạnh của xung đột, những tấm màn cửa mất đi cái việc che cửa giản dị chính thực của nó. Hôm nay nó phải làm một nhiệm vụ hoàn toàn khác hẳn. Những màn cửa này làm ông Pagetti nhớ đến những bức tường bê tông dặm này sang dặm kia, chằng chéo khắp thành phố Baghdad trong cuộc thánh chiến tồi tệ nhất vào những năm 2006-2007.

Bất cứ người dân nào, nếu di chuyển bên dưới tấm bạt đó, đều phải biết thật rõ phía phản chiếu của ánh sáng mặt trời và hướng gió thổi tới, để tránh cho cái bóng của mình không hiện lên tấm màn đong đưa đó. Nếu sơ ý mà một tay bắn tỉa đang rình rập đâu đấy nhìn thấy bóng người trên tấm bạt thì ngay lập tức sẽ vang lên đoành…đoành…đoành….Một thân người gục xuống. Hoặc một cơn gió vô tình thổi qua, tấm màn lật lên, một họng súng hướng ngay mặt và lại đoành… đoành …đoành…Thêm một thân người gục xuống.

Chiến tranh ở nơi nào trên mặt đất cũng thế, nhất là những cuộc nội chiến. Hai miền Bắc Nam hay hai bên Tả Hữu xung đột, người dân hiền lành ở giữa, luôn luôn là những nạn nhân hứng tất cả tang thương.

Đất nước tôi cũng có tấm màn tre (bamboo curtain) buông xuống giữa hai miền Nam Bắc từ năm 1954. Tấm màn tre đó đã che kín mắt người dân miền Bắc, họ hoàn toàn không biết gì về đời sống của dân miền Nam, cho đến khi họ vào“Giải Phóng”. Trong cuộc chiến nào, cũng chỉ có người dân là đáng thương hơn hết.
Bức màn tre ở nước tôi đã tháo xuống gần bốn mươi năm rồi. Súng đạn, hỏa tiễn không nổ nữa, nhưng người dân Việt vẫn đi dưới những tấm màn vô hình, để tránh cái chết. Điều bất hạnh là những tấm màn này không che được phía phản chiếu của ánh sáng mặt trời, không giúp tránh được luồng gió. Người dân không chết vì những tay súng bắn sẻ nữa mà chết bằng nhiều cách khác nhau, không cần súng đạn.

Nếu ông Franco Pagetti có đến Việt Nam bây giờ, thì chẳng còn điểm“hot”nào của chiến tranh để cho ông thâu vào ống kính nữa.  Mấy cái đề tài như Địa đạo Củ Chi hay mấy cái “Xe tăng tiền phong” trưng ở trong dinh Độc Lập cũ hay ngoài “Lăng Bác” thì người ta đã chụp mòn cả rồi. Tôi chắc ông sẽ chẳng đến Việt Nam đâu vì cái ống kính chuyên thâu hình ảnh chiến tranh của máy ông khi đem ra chụp những đề tài về đời sống xã hội của một Việt Nam bây giờ e rằng nó sẽ không thâu được những tấm hình trung thực.

Tôi đi trong mùa xuân Seattle, đi dưới những đám mây trắng nõn và bầu trời xanh như biển, đi giữa nắng vàng óng ánh và ngang qua những gốc hoa đào. Tôi đi như thế đã mấy chục mùa xuân và tôi còn được đi bao lâu nữa, làm sao tôi biết được. Nhưng có một điều tôi biết rõ ràng là lòng tôi không hề vui mỗi lần mùa xuân đến đánh dấu một năm mới. Tôi hay tự hỏi mình hai câu: “Mình xa quê bao lâu rồi nhỉ?”(mặc dù biết rất rõ) và “Mình còn quê hương không nhỉ?” Nói là mình mất quê hương thì không đúng, vì quê hương bây giờ Bắc Nam thống nhất, mình muốn về thăm lúc nào mà chẳng được. Nhưng nói là còn quê hương thì tôi thấy cũng không còn. Vì khi tôi về thăm, thành phố thay đổi, nhà cửa thay đổi và người sống ở đó hoàn toàn lạ lẫm. Lạ không phải vì người ta không phải là họ hàng thân thuộc, nhưng cách ăn ở, cư xử, nói năng của ai cũng làm mình ngạc nhiên. Mà ngay cả những người đang sống ở trong nước với nhau bây giờ,  họ cũng không còn cho nhau cái tình người ấm áp nữa. Họ khác xưa nhiều quá! Họ lại không nhìn mình như một người đồng hương mà chỉ nhìn mình như một du khách, làm mình tự thấy mình bị gạt ra khỏi cái phần đất thân yêu đó. Nói về thăm quê hương mà như đi du lịch sang một nước lạ thì lòng ai vui được.

Tháng Tư nào cũng buồn và Tháng Tư nào tôi cũng đi dưới mùa xuân với một trái tim nặng trĩu.

Tôi viết những câu thơ trên trái tim mình
Trái tim tôi là một ngôi làng bên ngoài tổ quốc (Thơ-tmt)

Trần Mộng Tú
4/2013

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

kông kông - Thêm một chút, nghĩ về ngày 30/4


kông kông

Theo tin báo chí thì bến xe miền Đông tại Tp Hồ Chí Minh đầy nghẹt người, họ tìm cách ra khỏi thành phố trong dịp nghỉ dài ngày.  Cùng thời điểm nầy 38 năm trước, Sài Gòn thất thủ, cũng đầy ắp người nhưng lại chạy ngược chạy xuôi, hoảng loạn, bất chấp những xác người mà đa số là quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nằm rải rác trên đường, để tìm cách thoát thân.


Cho dẫu 38 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh ngày 30/4 vẫn còn mới rợi.  Ngày mà miền Bắc ăn mừng chiến thắng.  Ngày mà miền Nam đau buồn gục ngã.  Ngày mà cho đến bây giờ báo chí cả hai phe thắng/bại vẫn không thể nào gặp nhau!  Vì thế, khẳng định “Việt Nam thống nhất” là mỉa mai!  

Chế độ hiện tại càng ca ngợi thành quả thì càng giẫm đạp lên nỗi đau của người miền Nam!  

Khi phe thắng trận càng tổ chức lễ hội “hoành tráng” là càng cố che giấu sự yếu kém nội tại.  Còn phe chiến bại, càng cố thu mình tưởng niệm, lại càng tỏ ra hồi sinh!  Hình ảnh nón cối, dép râu biến mất nhường cho hình ảnh người dân mất đất mất nhà vì bọn tư bản Đỏ.  Hình ảnh văn hóa thanh lịch của hòn ngọc Viễn Đông thay thế bằng khoe mẽ hợm hĩnh, rởm đời!  Hình ảnh đơn giản “Tình đồng chí” thay bằng phách lối kênh kiệu.  Hình ảnh thượng tôn pháp luật thay bằng đầu gấu công an!

Nếu kết quả của ngày 30/4 đã đem lại tốt đẹp cho quê hương thì trên một số diễn đàn đã không có nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở mà theo lẽ nó phải tự chìm vào quá khứ. 

Nỗi dằn vặt ai thật sự là người chiến thắng ngày 30/4 của 38 năm về trước từ mấy cây bút đã một thời theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) là điều đáng suy nghĩ.  Thử đọc trên facebook Lề Trái!

“Dù chọn lựa hay không chọn lựa, anh cũng phải bị cuốn theo dòng chảy của nó. Cả dân tộc đều là nạn nhân của chiến tranh, kể cả những người đã cầm súng và đã chiến đấu, đã giết và đã bị giết.”  

“Vậy thì tại sao lại cứ đòi cho được rằng hồi đó theo cộng sản hay theo Mỹ là có tội?” 

 “Họ có cùng một điểm đến là đánh đuổi ngoại xâm và một người cầm lái: đó là Đảng. Họ không biết Đảng là ai, chỉ đến khi thuyền cập bến, thấy Đảng coi những thành phần khác là “khách sang sông” và gạt họ qua một bên để nắm trọn quyền lực và quyền lợi, thì đã muộn rồi.

Tôi cũng từng là một người “khách sang sông” như thế. Tôi cũng đã từng đứng ở một chiến tuyến. Vì thế với tư cách nhà văn, tôi thấy có trách nhiệm ghi lại bi kịch của những người lính trong chiến tuyến đó.”  [1] 
Như vậy ngoài Đảng cầm lái ra, ai là người có tội nữa? 

Những người theo MTGPMN bây giờ còn viết, còn trăn trở, còn thanh minh về sự dấn thân cá nhân vào cuộc chiến vừa qua là những người thời đó đã không bị “bắt-quân-dịch” tại miền Nam!  Thay vì chọn lựa tự vệ cùng người miền Nam, họ đã tự chọn đứng vào phía MTGPMN, giúp phe chủ chiến cho dù không biết Đảng là ai!  Do đó họ không phải “Dù chọn lựa hay không chọn lựa, anh cũng phải bị cuốn theo dòng chảy của nó.”  mà chính là tự nguyện! 
Thử xem cách “bắt lính” của hai phía:

Miền Nam huỵch toẹt: “Bắt-quân-dịch”!  Miền Bắc: “Được-trúng-tuyển-nghĩa-vụ-quân-sự”!  Miền Nam:  Thân nhân có quyền gạt nước mắt khi đứng nhìn theo chiếc GMC đưa con/cháu họ vào cuộc chiến.  Miền Bắc:  Tập trung tại sân vận động với ca nhạc chiến đấu, hồ hởi, phấn khởi tiễn đưa anh-bộ-đội mà thân nhân không dám gạt-nước-mắt trước đám đông, vì sợ bị nâng hàng quan điểm, là thiếu-lập-trường, ảnh hưởng tới sổ gạo, tem phiếu!  

Một bên tự do cho nước mắt đổ công khai.  Một bên phải tự đè nén, chỉ quằn quại trong bóng đêm!   Điều khốn nạn là “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, đã ra chiến trường có mấy ai về lại được!

Tự do và mất tự do từ hai chiến tuyến đã thể hiện ngay trong việc đưa tuổi trẻ Việt Nam vào biển máu!  Biển máu cốt nhục tương tàn!

Câu hỏi đơn giản là: Vậy những người theo MTGPMN ở dạng nào?

Chắc chắn họ không thuộc hai dạng vừa nêu, vì họ không ở vào hoàn cảnh “được-trúng-tuyển-nghĩa-vụ-quân-sự” hay “bị-bắt-quân-dịch”!  

Thể chế VNCH đã cho họ tự do.  Tự do chọn lựa cho chính mình!  Và họ đã chọn “nhảy núi”, theo MTGPMN.  

Do đó họ không phải là nạn nhân mà là tác nhân!  Không phải bị động mà là chủ động!  

Vì thế, không thể đánh đồng họ với thân phận anh chiến binh miền Nam (tự vệ), với anh chiến binh miền Bắc (cứu nước)!   

Những người đã chọn lựa theo MTGPMN phải là những người tự mình chịu trách nhiệm cho quyết định của chính mình.  

Điểm khác, “Đảng là người cầm lái con đò”  mà con đò đó lại ô hợp chỉ khi đến bến mới bật ngửa!   

Vâng, đầu não lãnh đạo tại miền Bắc lúc đó đã khéo léo che đậy, người dân không hề thấy bóng dáng người Liên Xô, Triều Tiên hay Trung Cộng trên chiến trường nên mới đánh lừa được là “đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam”!  

Trái ngược, tại miền Nam thì máy bay đầy trời, xe Mỹ đầy đường với G.I.!  Sự công khai nầy đã giẫm đạp lên truyền thống của người Việt Nam, đã gây ra ngộ nhận.  Đã làm hình ảnh tự vệ của người miền Nam trước họa cộng sản thành “bọn tay sai Đế Quốc”!  

Vì thế mới có việc từ miền Bắc “vô Nam cứu nước”!  Và, “đi cứu nước” là động cơ chính đưa tuổi trẻ Việt Nam vào biển máu, biến người lính miền Nam thành tội đồ!    

Nhưng sau 30/4, và lịch sử cận đại đã trả lời rõ ràng:  

Lãnh đạo đầu não tại miền Nam không phải ai cũng là “tay sai đế quốc Mỹ”!  

Con số tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ VNCH tự sát đã nói lên điều đó!  
Con số hàng triệu người bỏ tất cả tài sản, liều chết vượt biển đã nói lên điều đó!   

Lãnh đạo tại miền Bắc mới thật sự là nô lệ của khối cộng sản, được cộng sản nuôi dưỡng, lo từ cây kim, sợi chỉ! 

Đã có lính Trung Quốc, Triều Tiên... hiện diện trên chiến trường miền Bắc cùng với hàng triệu tấn vũ khí của khối cộng sản quốc tế tuồn vào Việt Nam nói lên điều đó! 

Công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Cộng đã nói lên điều đó! 

Mãi đến bây giờ, 38 năm sau 1975, Việt Nam vẫn “không có bóng dáng anh lính Trung Cộng” nào!  Vì CSVN vẫn giữ nguyên bài bản cũ, bài bản đã đánh lừa được dư luận trước kia! 

Bây giờ thì chỉ có “ngư dân” Trung Cộng đánh/nuôi cá dọc biển VN.  Chỉ có “nông dân” Trung Cộng trồng rừng đầu nguồn.  Chỉ có “công nhân” Trung Cộng trong các công xưởng boxit Tây nguyên!  Chỉ có “người dân” Trung Cộng tự do vào Việt Nam “du lịch”!  

Tất cả, tất cả… họ đều là “người hiền lành” của nước cộng sản anh em 4 tốt, 16 chữ vàng!  

Cách điều hành đất nước, về mọi phương diện, nhất nhất đều răm rắp theo lệnh Trung Cộng.  “Anh” đi trước “em” ngoan ngoãn theo sau!  “Em” ngổ ngáo, “anh” ra roi “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979!

Đại khái như vậy thì chế độ miền Nam hay miền Bắc là NGỤY? 

Kỳ tích chiến thắng miền Nam của CSVN đã đưa đất nước ngày một gần hơn đến điểm then chốt cuối cùng của nó, là biến Việt Nam sớm trở thành một Tân Cương, một Tây Tạng! 

Thời VNCH, dù đang chiến tranh, vẫn có tự do dân chủ.  Đời sống người miền Nam vẫn cao hơn những nước láng giềng.  Cao hơn Thái Lan, Đại Hàn và tương đương với Singapore!  Còn bây giờ?  38 năm có hòa bình nhưng Việt Nam đang đứng ở vị thế nào?  Vị thế 100 năm sau Singapore (!) như một bài báo phân tích khá chính xác đã gây xôn xao dư luận cách đây mấy năm!

Cho nên không thể trách người miền Nam tự vệ mà phải lên án lãnh đạo miền Bắc CSVN xâm lăng!  Họ chính là thủ phạm.  Thủ phạm gây tai ương cho đất nước.  

Chủ nghĩa cộng sản là tai ương của nhân loại!  Lịch sử đã chứng minh điều đó:  Đất nước nào có cộng sản đất nước đó là đói khổ, lầm than, bị kiềm kẹp!  

Để lính Mỹ đặt chân lên miền Nam là sai lầm chiến lược của VNCH nhưng bản chất sự việc lại khác.  Là, người miền Nam được sung túc và biết dân chủ tự do như thế nào!  Cũng giống như Nhật, Đại Hàn, biết nhờ vào Hoa Kỳ, nên đất nước họ vươn lên hàng cường quốc!  

Thế thì tại sao “theo Mỹ” là có tội?  

Những người theo MTGPMN đã sớm biết mình bị lường gạt trắng trợn, khi CSVN tuyên bố: “MTGPMN đã hoàn thành sứ mạng” ngay trong những ngày đầu sau 30/4 thì tại sao họ nhận chịu mà không dám có một phản ứng nào cụ thể, đợi mãi cho đến bây giờ mới dám lên tiếng? 

Là nạn nhân bị lường gạt trực tiếp mà không dám phản ứng với kẻ lường gạt thì ai là người làm thay cho họ?

Cho nên, những người “nhảy núi”, dù vô tình hay cố ý, đã tự chọn cho mình con đường phản bội dân tộc!

Viết lên sự trăn trở của một thời Lạc Đường là điều đáng trân trọng nhưng hiện tại dám dấn thân cùng với phong trào đòi lại tự do dân chủ cho người dân mới thực tiễn!

Mới là thái độ của kẻ sĩ!

(Apr 28th, 2013)
_______________________________________

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Đảng cộng mê tín !



                   Mê tín ngày nay thật lạ thay!
                Đảng ta lãnh đạo với thần tài.
                Nhân dân cúi mặt thờ vàng nén,
                Bác cháu cầu Quan hưởng lộc hoài.
                Có phải trí khôn luôn lú lẫn,
                Hay là ma quỷ mãi lai nhai:"
                Hiến người dâng Nước cho tàu cộng"
                Nghi ngút nhang đèn toả khói bay!
                                                   
                                                    Nguyễn Lộc

Cộng sản VN làm gì có đối thủ



                   Cộng sản Việt nam làm gì có đối thủ
                Khi tập đoàn lãnh đạo quá dã man
                Không ai làm chuyện ác với gian tham
                Cầm dao giết dân mình mà ngạo nghễ.

                                                        Nguyễn Lộc

Ba mươi tháng tư lại đến !



                   Tháng tư đến ngậm ngùi tưởng nhớ
                Triệu dân lành rời bỏ quê hương.
                Vết đau ngày tháng còn vương,
                Con thuyền xa xứ tiếng buồn thở than.

                Mấy mươi năm còn mang nhục quốc,
                Thế gian cười Việt ngốc lầm than.
                Nào ai có biết điêu tàn ?
                Cũng do thiếu trí chịu hàng cộng man.

                Lòng xảo trá tham lam bỏn xẻn,
                Rước giặc về giày xéo quê hương .
                Sao vàng đỏ máu dân lương,
                Sống trên nhung lụa xem thường nghĩa nhân.

                Trời Nam đó có mong độc lập,
                Được tự do áo ấm cơm no;
                Hãy mau thức tỉnh cùng lo,
                Diệt loài cộng sản mặt mo tham tàn.

                                                  Nguyễn Lộc