Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Tháng Tư Mùa Xuân và Những Tấm Màn

x
CỠ CHỮ - +
Trần Mộng Tú
Tháng Tư, tôi đi dưới bầu trời mây trắng, nắng ấm và mềm như chiếc khăn quàng trên vai, hai chân thong thả bước, mặt ngước nhìn hàng cây bên đường, hàng cây xanh ngọt màu cốm non, những chùm lá nho nhỏ, cong cong he hé mở ra như những cánh môi thiếu nữ mới lớn. Những vạt cỏ xanh non mịn như nhung thỉnh thoảng điểm một đóa hoa bồ-công-anh nhỏ xíu như chiếc khuy màu vàng từ áo khoác ai rơi xuống. Hoa đỗ quyên cũng bắt đầu khe khẽ nở dịu dàng bên một góc hàng rào nhà ai. Mùa xuân ở Seattle đẹp lắm, những giọt nước mưa trong veo và những giọt nắng vàng như mật ong. Ngửa mặt lên là uống vào lồng ngực cả lượng xuân của đất trời.

Ước gì, ừ nhỉ, ước gì đừng có Tháng Tư oan khiên của nước mình ngày đó. Tháng Tư hàng năm vẫn đến. Ban ngày, những hình ảnh, bài viết tràn ngập trên máy điện toán, những nhắc nhở trong những lần gặp gỡ hàn huyên với bè bạn; ban đêm mang theo cả vào giường, vào giấc mơ, giật mình cho số năm tháng đã đi qua trên xứ người.

Tôi đi trong ân sủng của đất trời, nhưng sao lòng không thanh thản, những hình ảnh không đẹp cứ theo nhau về trong tâm trí. Chiến tranh quê mình, chiến tranh quê người. Những cái xấu và cái ác như mực đổ loang vào lòng giấy.

Những vòm lá trên cao nghiêng xuống như cái tán làm râm một khoảng đất dưới chân đi, tôi bỗng rùng mình liên tưởng đến những tấm hình trong một bài báo được một chị bạn thân mới chuyển cho đọc tối hôm qua: “The Veils of Aleppo: Photographs by Franco Pagetti” của Rania Abouzeid. Bài viết đề cập đến những tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Franco Pagetti chụp những tấm màn cửa chăng từ bức tường đổ bên này sang mái nhà vỡ bên kia ở thành phố Aleppo. Trải qua hai năm của cuộc nội chiến ở đất nước Syria làm hơn 70 ngàn người chết, Aleppo là chiến trường đẫm máu nhất, nơi cả hai phe đều tìm cách chiếm đi chiếm lại nhiều lần, không lúc nào ngưng tiếng súng. Những tấm màn trước đây để che khung cửa sổ tránh cặp mắt tò mò của hàng xóm, hay che ánh nắng mặt trời thì bây giờ nó làm một nhiệm vụ của một lá chắn cho sinh mạng con người.

Franco Pagetti là người đã bắt chụp những hình ảnh trong những cuộc chiến ở Syria, Afghanistan và Iraq đã nhìn ra được cái đẹp đau thương của những tấm màn cửa chăng trong những thành phố đổ nát vì bom đạn. Các tấm màn được chăng lên giữa lối đi của hai tòa nhà đổ nát (những gì còn lại của người dân), chúng  làm nhiệm vụ che chở cho người dân đi đến một tiệm bánh hay đi thăm một người thân. Cái tấm màn mang mầu xám của vôi vữa, gạch vụn, của bụi than của nhà cháy và thỉnh thoảng pha một vệt đỏ bầm của máu đó đã lãnh cái nhiệm vụ che chở rất mong manh.Trong những bức hình ông chụp, không có người, chỉ có những tấm màn cửa. Màn cửa như một nhân chứng, một rào cản cho cuộc nội chiến bất tận của hai bên. (Khác gì cuộc chiến Nam-Bắc của Việt Nam). Giống như rất nhiều khía cạnh của xung đột, những tấm màn cửa mất đi cái việc che cửa giản dị chính thực của nó. Hôm nay nó phải làm một nhiệm vụ hoàn toàn khác hẳn. Những màn cửa này làm ông Pagetti nhớ đến những bức tường bê tông dặm này sang dặm kia, chằng chéo khắp thành phố Baghdad trong cuộc thánh chiến tồi tệ nhất vào những năm 2006-2007.

Bất cứ người dân nào, nếu di chuyển bên dưới tấm bạt đó, đều phải biết thật rõ phía phản chiếu của ánh sáng mặt trời và hướng gió thổi tới, để tránh cho cái bóng của mình không hiện lên tấm màn đong đưa đó. Nếu sơ ý mà một tay bắn tỉa đang rình rập đâu đấy nhìn thấy bóng người trên tấm bạt thì ngay lập tức sẽ vang lên đoành…đoành…đoành….Một thân người gục xuống. Hoặc một cơn gió vô tình thổi qua, tấm màn lật lên, một họng súng hướng ngay mặt và lại đoành… đoành …đoành…Thêm một thân người gục xuống.

Chiến tranh ở nơi nào trên mặt đất cũng thế, nhất là những cuộc nội chiến. Hai miền Bắc Nam hay hai bên Tả Hữu xung đột, người dân hiền lành ở giữa, luôn luôn là những nạn nhân hứng tất cả tang thương.

Đất nước tôi cũng có tấm màn tre (bamboo curtain) buông xuống giữa hai miền Nam Bắc từ năm 1954. Tấm màn tre đó đã che kín mắt người dân miền Bắc, họ hoàn toàn không biết gì về đời sống của dân miền Nam, cho đến khi họ vào“Giải Phóng”. Trong cuộc chiến nào, cũng chỉ có người dân là đáng thương hơn hết.
Bức màn tre ở nước tôi đã tháo xuống gần bốn mươi năm rồi. Súng đạn, hỏa tiễn không nổ nữa, nhưng người dân Việt vẫn đi dưới những tấm màn vô hình, để tránh cái chết. Điều bất hạnh là những tấm màn này không che được phía phản chiếu của ánh sáng mặt trời, không giúp tránh được luồng gió. Người dân không chết vì những tay súng bắn sẻ nữa mà chết bằng nhiều cách khác nhau, không cần súng đạn.

Nếu ông Franco Pagetti có đến Việt Nam bây giờ, thì chẳng còn điểm“hot”nào của chiến tranh để cho ông thâu vào ống kính nữa.  Mấy cái đề tài như Địa đạo Củ Chi hay mấy cái “Xe tăng tiền phong” trưng ở trong dinh Độc Lập cũ hay ngoài “Lăng Bác” thì người ta đã chụp mòn cả rồi. Tôi chắc ông sẽ chẳng đến Việt Nam đâu vì cái ống kính chuyên thâu hình ảnh chiến tranh của máy ông khi đem ra chụp những đề tài về đời sống xã hội của một Việt Nam bây giờ e rằng nó sẽ không thâu được những tấm hình trung thực.

Tôi đi trong mùa xuân Seattle, đi dưới những đám mây trắng nõn và bầu trời xanh như biển, đi giữa nắng vàng óng ánh và ngang qua những gốc hoa đào. Tôi đi như thế đã mấy chục mùa xuân và tôi còn được đi bao lâu nữa, làm sao tôi biết được. Nhưng có một điều tôi biết rõ ràng là lòng tôi không hề vui mỗi lần mùa xuân đến đánh dấu một năm mới. Tôi hay tự hỏi mình hai câu: “Mình xa quê bao lâu rồi nhỉ?”(mặc dù biết rất rõ) và “Mình còn quê hương không nhỉ?” Nói là mình mất quê hương thì không đúng, vì quê hương bây giờ Bắc Nam thống nhất, mình muốn về thăm lúc nào mà chẳng được. Nhưng nói là còn quê hương thì tôi thấy cũng không còn. Vì khi tôi về thăm, thành phố thay đổi, nhà cửa thay đổi và người sống ở đó hoàn toàn lạ lẫm. Lạ không phải vì người ta không phải là họ hàng thân thuộc, nhưng cách ăn ở, cư xử, nói năng của ai cũng làm mình ngạc nhiên. Mà ngay cả những người đang sống ở trong nước với nhau bây giờ,  họ cũng không còn cho nhau cái tình người ấm áp nữa. Họ khác xưa nhiều quá! Họ lại không nhìn mình như một người đồng hương mà chỉ nhìn mình như một du khách, làm mình tự thấy mình bị gạt ra khỏi cái phần đất thân yêu đó. Nói về thăm quê hương mà như đi du lịch sang một nước lạ thì lòng ai vui được.

Tháng Tư nào cũng buồn và Tháng Tư nào tôi cũng đi dưới mùa xuân với một trái tim nặng trĩu.

Tôi viết những câu thơ trên trái tim mình
Trái tim tôi là một ngôi làng bên ngoài tổ quốc (Thơ-tmt)

Trần Mộng Tú
4/2013

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

kông kông - Thêm một chút, nghĩ về ngày 30/4


kông kông

Theo tin báo chí thì bến xe miền Đông tại Tp Hồ Chí Minh đầy nghẹt người, họ tìm cách ra khỏi thành phố trong dịp nghỉ dài ngày.  Cùng thời điểm nầy 38 năm trước, Sài Gòn thất thủ, cũng đầy ắp người nhưng lại chạy ngược chạy xuôi, hoảng loạn, bất chấp những xác người mà đa số là quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nằm rải rác trên đường, để tìm cách thoát thân.


Cho dẫu 38 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh ngày 30/4 vẫn còn mới rợi.  Ngày mà miền Bắc ăn mừng chiến thắng.  Ngày mà miền Nam đau buồn gục ngã.  Ngày mà cho đến bây giờ báo chí cả hai phe thắng/bại vẫn không thể nào gặp nhau!  Vì thế, khẳng định “Việt Nam thống nhất” là mỉa mai!  

Chế độ hiện tại càng ca ngợi thành quả thì càng giẫm đạp lên nỗi đau của người miền Nam!  

Khi phe thắng trận càng tổ chức lễ hội “hoành tráng” là càng cố che giấu sự yếu kém nội tại.  Còn phe chiến bại, càng cố thu mình tưởng niệm, lại càng tỏ ra hồi sinh!  Hình ảnh nón cối, dép râu biến mất nhường cho hình ảnh người dân mất đất mất nhà vì bọn tư bản Đỏ.  Hình ảnh văn hóa thanh lịch của hòn ngọc Viễn Đông thay thế bằng khoe mẽ hợm hĩnh, rởm đời!  Hình ảnh đơn giản “Tình đồng chí” thay bằng phách lối kênh kiệu.  Hình ảnh thượng tôn pháp luật thay bằng đầu gấu công an!

Nếu kết quả của ngày 30/4 đã đem lại tốt đẹp cho quê hương thì trên một số diễn đàn đã không có nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở mà theo lẽ nó phải tự chìm vào quá khứ. 

Nỗi dằn vặt ai thật sự là người chiến thắng ngày 30/4 của 38 năm về trước từ mấy cây bút đã một thời theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) là điều đáng suy nghĩ.  Thử đọc trên facebook Lề Trái!

“Dù chọn lựa hay không chọn lựa, anh cũng phải bị cuốn theo dòng chảy của nó. Cả dân tộc đều là nạn nhân của chiến tranh, kể cả những người đã cầm súng và đã chiến đấu, đã giết và đã bị giết.”  

“Vậy thì tại sao lại cứ đòi cho được rằng hồi đó theo cộng sản hay theo Mỹ là có tội?” 

 “Họ có cùng một điểm đến là đánh đuổi ngoại xâm và một người cầm lái: đó là Đảng. Họ không biết Đảng là ai, chỉ đến khi thuyền cập bến, thấy Đảng coi những thành phần khác là “khách sang sông” và gạt họ qua một bên để nắm trọn quyền lực và quyền lợi, thì đã muộn rồi.

Tôi cũng từng là một người “khách sang sông” như thế. Tôi cũng đã từng đứng ở một chiến tuyến. Vì thế với tư cách nhà văn, tôi thấy có trách nhiệm ghi lại bi kịch của những người lính trong chiến tuyến đó.”  [1] 
Như vậy ngoài Đảng cầm lái ra, ai là người có tội nữa? 

Những người theo MTGPMN bây giờ còn viết, còn trăn trở, còn thanh minh về sự dấn thân cá nhân vào cuộc chiến vừa qua là những người thời đó đã không bị “bắt-quân-dịch” tại miền Nam!  Thay vì chọn lựa tự vệ cùng người miền Nam, họ đã tự chọn đứng vào phía MTGPMN, giúp phe chủ chiến cho dù không biết Đảng là ai!  Do đó họ không phải “Dù chọn lựa hay không chọn lựa, anh cũng phải bị cuốn theo dòng chảy của nó.”  mà chính là tự nguyện! 
Thử xem cách “bắt lính” của hai phía:

Miền Nam huỵch toẹt: “Bắt-quân-dịch”!  Miền Bắc: “Được-trúng-tuyển-nghĩa-vụ-quân-sự”!  Miền Nam:  Thân nhân có quyền gạt nước mắt khi đứng nhìn theo chiếc GMC đưa con/cháu họ vào cuộc chiến.  Miền Bắc:  Tập trung tại sân vận động với ca nhạc chiến đấu, hồ hởi, phấn khởi tiễn đưa anh-bộ-đội mà thân nhân không dám gạt-nước-mắt trước đám đông, vì sợ bị nâng hàng quan điểm, là thiếu-lập-trường, ảnh hưởng tới sổ gạo, tem phiếu!  

Một bên tự do cho nước mắt đổ công khai.  Một bên phải tự đè nén, chỉ quằn quại trong bóng đêm!   Điều khốn nạn là “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, đã ra chiến trường có mấy ai về lại được!

Tự do và mất tự do từ hai chiến tuyến đã thể hiện ngay trong việc đưa tuổi trẻ Việt Nam vào biển máu!  Biển máu cốt nhục tương tàn!

Câu hỏi đơn giản là: Vậy những người theo MTGPMN ở dạng nào?

Chắc chắn họ không thuộc hai dạng vừa nêu, vì họ không ở vào hoàn cảnh “được-trúng-tuyển-nghĩa-vụ-quân-sự” hay “bị-bắt-quân-dịch”!  

Thể chế VNCH đã cho họ tự do.  Tự do chọn lựa cho chính mình!  Và họ đã chọn “nhảy núi”, theo MTGPMN.  

Do đó họ không phải là nạn nhân mà là tác nhân!  Không phải bị động mà là chủ động!  

Vì thế, không thể đánh đồng họ với thân phận anh chiến binh miền Nam (tự vệ), với anh chiến binh miền Bắc (cứu nước)!   

Những người đã chọn lựa theo MTGPMN phải là những người tự mình chịu trách nhiệm cho quyết định của chính mình.  

Điểm khác, “Đảng là người cầm lái con đò”  mà con đò đó lại ô hợp chỉ khi đến bến mới bật ngửa!   

Vâng, đầu não lãnh đạo tại miền Bắc lúc đó đã khéo léo che đậy, người dân không hề thấy bóng dáng người Liên Xô, Triều Tiên hay Trung Cộng trên chiến trường nên mới đánh lừa được là “đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam”!  

Trái ngược, tại miền Nam thì máy bay đầy trời, xe Mỹ đầy đường với G.I.!  Sự công khai nầy đã giẫm đạp lên truyền thống của người Việt Nam, đã gây ra ngộ nhận.  Đã làm hình ảnh tự vệ của người miền Nam trước họa cộng sản thành “bọn tay sai Đế Quốc”!  

Vì thế mới có việc từ miền Bắc “vô Nam cứu nước”!  Và, “đi cứu nước” là động cơ chính đưa tuổi trẻ Việt Nam vào biển máu, biến người lính miền Nam thành tội đồ!    

Nhưng sau 30/4, và lịch sử cận đại đã trả lời rõ ràng:  

Lãnh đạo đầu não tại miền Nam không phải ai cũng là “tay sai đế quốc Mỹ”!  

Con số tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ VNCH tự sát đã nói lên điều đó!  
Con số hàng triệu người bỏ tất cả tài sản, liều chết vượt biển đã nói lên điều đó!   

Lãnh đạo tại miền Bắc mới thật sự là nô lệ của khối cộng sản, được cộng sản nuôi dưỡng, lo từ cây kim, sợi chỉ! 

Đã có lính Trung Quốc, Triều Tiên... hiện diện trên chiến trường miền Bắc cùng với hàng triệu tấn vũ khí của khối cộng sản quốc tế tuồn vào Việt Nam nói lên điều đó! 

Công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Cộng đã nói lên điều đó! 

Mãi đến bây giờ, 38 năm sau 1975, Việt Nam vẫn “không có bóng dáng anh lính Trung Cộng” nào!  Vì CSVN vẫn giữ nguyên bài bản cũ, bài bản đã đánh lừa được dư luận trước kia! 

Bây giờ thì chỉ có “ngư dân” Trung Cộng đánh/nuôi cá dọc biển VN.  Chỉ có “nông dân” Trung Cộng trồng rừng đầu nguồn.  Chỉ có “công nhân” Trung Cộng trong các công xưởng boxit Tây nguyên!  Chỉ có “người dân” Trung Cộng tự do vào Việt Nam “du lịch”!  

Tất cả, tất cả… họ đều là “người hiền lành” của nước cộng sản anh em 4 tốt, 16 chữ vàng!  

Cách điều hành đất nước, về mọi phương diện, nhất nhất đều răm rắp theo lệnh Trung Cộng.  “Anh” đi trước “em” ngoan ngoãn theo sau!  “Em” ngổ ngáo, “anh” ra roi “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979!

Đại khái như vậy thì chế độ miền Nam hay miền Bắc là NGỤY? 

Kỳ tích chiến thắng miền Nam của CSVN đã đưa đất nước ngày một gần hơn đến điểm then chốt cuối cùng của nó, là biến Việt Nam sớm trở thành một Tân Cương, một Tây Tạng! 

Thời VNCH, dù đang chiến tranh, vẫn có tự do dân chủ.  Đời sống người miền Nam vẫn cao hơn những nước láng giềng.  Cao hơn Thái Lan, Đại Hàn và tương đương với Singapore!  Còn bây giờ?  38 năm có hòa bình nhưng Việt Nam đang đứng ở vị thế nào?  Vị thế 100 năm sau Singapore (!) như một bài báo phân tích khá chính xác đã gây xôn xao dư luận cách đây mấy năm!

Cho nên không thể trách người miền Nam tự vệ mà phải lên án lãnh đạo miền Bắc CSVN xâm lăng!  Họ chính là thủ phạm.  Thủ phạm gây tai ương cho đất nước.  

Chủ nghĩa cộng sản là tai ương của nhân loại!  Lịch sử đã chứng minh điều đó:  Đất nước nào có cộng sản đất nước đó là đói khổ, lầm than, bị kiềm kẹp!  

Để lính Mỹ đặt chân lên miền Nam là sai lầm chiến lược của VNCH nhưng bản chất sự việc lại khác.  Là, người miền Nam được sung túc và biết dân chủ tự do như thế nào!  Cũng giống như Nhật, Đại Hàn, biết nhờ vào Hoa Kỳ, nên đất nước họ vươn lên hàng cường quốc!  

Thế thì tại sao “theo Mỹ” là có tội?  

Những người theo MTGPMN đã sớm biết mình bị lường gạt trắng trợn, khi CSVN tuyên bố: “MTGPMN đã hoàn thành sứ mạng” ngay trong những ngày đầu sau 30/4 thì tại sao họ nhận chịu mà không dám có một phản ứng nào cụ thể, đợi mãi cho đến bây giờ mới dám lên tiếng? 

Là nạn nhân bị lường gạt trực tiếp mà không dám phản ứng với kẻ lường gạt thì ai là người làm thay cho họ?

Cho nên, những người “nhảy núi”, dù vô tình hay cố ý, đã tự chọn cho mình con đường phản bội dân tộc!

Viết lên sự trăn trở của một thời Lạc Đường là điều đáng trân trọng nhưng hiện tại dám dấn thân cùng với phong trào đòi lại tự do dân chủ cho người dân mới thực tiễn!

Mới là thái độ của kẻ sĩ!

(Apr 28th, 2013)
_______________________________________

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Đảng cộng mê tín !



                   Mê tín ngày nay thật lạ thay!
                Đảng ta lãnh đạo với thần tài.
                Nhân dân cúi mặt thờ vàng nén,
                Bác cháu cầu Quan hưởng lộc hoài.
                Có phải trí khôn luôn lú lẫn,
                Hay là ma quỷ mãi lai nhai:"
                Hiến người dâng Nước cho tàu cộng"
                Nghi ngút nhang đèn toả khói bay!
                                                   
                                                    Nguyễn Lộc

Cộng sản VN làm gì có đối thủ



                   Cộng sản Việt nam làm gì có đối thủ
                Khi tập đoàn lãnh đạo quá dã man
                Không ai làm chuyện ác với gian tham
                Cầm dao giết dân mình mà ngạo nghễ.

                                                        Nguyễn Lộc

Ba mươi tháng tư lại đến !



                   Tháng tư đến ngậm ngùi tưởng nhớ
                Triệu dân lành rời bỏ quê hương.
                Vết đau ngày tháng còn vương,
                Con thuyền xa xứ tiếng buồn thở than.

                Mấy mươi năm còn mang nhục quốc,
                Thế gian cười Việt ngốc lầm than.
                Nào ai có biết điêu tàn ?
                Cũng do thiếu trí chịu hàng cộng man.

                Lòng xảo trá tham lam bỏn xẻn,
                Rước giặc về giày xéo quê hương .
                Sao vàng đỏ máu dân lương,
                Sống trên nhung lụa xem thường nghĩa nhân.

                Trời Nam đó có mong độc lập,
                Được tự do áo ấm cơm no;
                Hãy mau thức tỉnh cùng lo,
                Diệt loài cộng sản mặt mo tham tàn.

                                                  Nguyễn Lộc

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Vòng tròn sinh diệt



                     Hình hài đó lần lần về cội,
                 Một đời người thoáng chốc lìa xa.
                 Vừng đông vừa hé mái nhà,
                 Đêm sương xuống lạnh trăng ngà bóng soi.

                 Ngọn núi lớn dáng cao vời vợi,
                 Từ ngàn xưa biết khởi ra sao?
                 Giòng sông xuôi chảy là bao?
                 Nước non vĩnh viễn mất nào ai hay !

                 Bao triều đại hùng thay ! bờ cõi,
                 Vết hoang tàn lối cỏ chân mây.
                 Công hầu khanh tướng đâu đây,
                 Một thời oanh liệt còn vây máu hồng.

                 Kiếp trần thế dịch dòng luân chuyển,
                 Chút lợi danh diễn biến thịnh tàn.
                 Thương thay giấc mộng phủ phàng,
                 Mà con người bám nghiệp quàng vào thân.

                                                              Nguyễn Lộc

                

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Ca dao bán Nước



                         Các Vua Hùng có công dựng Nước,
                     Bác Đảng ta có công bán Nước.
                     Bao năm chẳng thấy nhân tài,
                     Chi bằng giao quách cho thầy Tàu man,
                     Quan chệt giỏi hơn quan Nam,
                     Đảng Việt thờ nó khỏi làm có ăn;
                     Tài nguyên biển đảo đem dâng,
                     Được Tiền quan hưởng chức, danh ,lực ,quyền
                     Mặc ai đói khát rủa nguyền,
                     Dân ngu dân chịu chớ phiền ích chi,
                     Cai trị một lũ cuồng si,
                     Đảng ta giàu mạnh sử ghi muôn đời.

                                                         Nguyễn Lộc



                   

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Chánh kiến



                   Người đã về đây với thuở xưa,
                   Bao nhiêu ý đẹp đón trông chờ.
                   Bèo mây hợp cảnh tình lưu luyến,
                   Tâm thức đôi đàng nghĩa ước mơ.
                   Chánh niệm gieo trồng lên tiếng thở,
                   Hạt mầm nẩy lộc biểu duyên đưa.
                   Cánh hoa năm ấy hương theo gió,
                   Thời vọng ngày qua đã chuyển mùa.

                                                       Nguyễn Lộc

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Nguyen Van Thanh - THẬP KỶ MẤT MÁT-AI LỢI? AI THIỆT?




Nguyen Van Thanh

Viết tiếp bài: một kiểu làm ăn nhàn hạ

Hiện nay, trên diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào thập kỷ mất mát. Vậy thập kỷ mất mát là gì? Nếu điều đó xảy ra thì ai lợi, ai thiệt? Xin chia sẻ góc nhìn cá nhân tôi, một người tự nghiên cứu về kinh tế.


1. Tiền và hàng hóa: Trong nền kinh tế thị trường, tiền và hàng hóa như hai mặt của một đồng xu, có tiền bạn mua được hàng và có hàng thì bán được tiền. Mọi cá nhân tham gia hoạt động kinh tế cũng nhằm mục đích là có nhiều tiền. Tiền và hàng hóa liên kết với nhau qua hệ thống giá, khi hệ thống giá ổn định thì ta có mặt bằng giá. Dựa trên hệ thống giá này các chủ thể kinh tế có thể cung ứng cho thị trường sản phẩm và tính được hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế làm cho tiền và hàng hóa giữ được tỷ lệ, tức là giữ được giá. Ví dụ tôi vay ngân hàng 100 triệu đi chăn nuôi gà, tôi làm ăn hiệu quả tức là tạo ra số gà tương ứng với số tiền (cả tiền lãi), và đồng tiền giữ giá.

2. Phá sản và lạm phát: Khi một chủ thể làm ăn ngoài vốn tự có, họ thường huy động tiền từ các chủ nợ (bank, hoặc chứng khoán), nếu làm ăn hiệu quả thì họ có tiền và chủ nợ cũng có đồng lãi. Nếu họ làm ăn không hiệu quả dẫn đến không thu đủ tiền để trả nợ thì họ  buộc phải tuyên bố phá sản, lúc bấy giờ chủ thể kinh tế và chủ nợ chia nhau khoảng lỗ. Ví dụ vì một lý do nào đó-dịch bệnh chẳng hạn-gà chết sạch, tôi không bán được gà để thu tiền trả nợ, tôi phải tuyên bố phá sản. Lúc bấy giờ tôi và chủ nợ cùng mất vốn cho phi vụ làm ăn này. Lúc này hàng không có, tiền cũng không thêm nên tiền vẫn giữ giá. Kinh tế thị trường là lời ăn lỗ chịu, chủ nợ cũng phải chấp nhận cuộc chơi này. Chính điều này làm cho bên cho vay rất cẩn trọng trong việc cho người khác vay tiền làm ăn.

Trong trường hợp tôi là con quan chức cỡ bự-cậu ấm Vinashine chẳng hạn-tôi đến Bank vay 100 tỷ để nuôi gà. Tiền rút ra, tôi lại quả cho các vị ở đây 20 tỷ, ăn chơi xả láng 50 tỷ. Còn 30 tỷ tôi mua vài cái chuồng gà ộp ẹp của anh hàng xóm và vài trăm con gà rù về nuôi, cho ăn thất bát cho có việc để báo cáo. Đến hạn trả nợ tôi tuyên bố phá sản, bank tiếp quản, bán phát mãi chuồng gà tôi được 1 tỷ, mất vốn 99 tỷ. Lẽ ra theo nguyên lý thị thường những khách hàng cho tôi vay phải mất đứt khoản tiền này nhưng vì tôi là cậu ấm và chủ nợ không chấp nhận mất vốn nên được ông bố quyết định tái cơ cấu 99 tỷ đó thành trái phiếu trả dần trong 12 năm với lãi suất a%. Đây có thể gọi là cách khoanh nợ và đẩy nợ cho thế hệ tương lai trả dần. Xem cách làm đó tại đây và đây.

Đó là khoản nợ bank tư nhân hoặc bank quốc tế, nếu tôi vay bank quốc doanh thì khỏe nữa. Ông bố tôi chỉ việc ký cái rẹt xóa nợ và lệnh cho NHNN tái cấp vốn cho khoản bị mất trên. Chẳng ai thiệt trong vụ này nên chắc chắn không ai lên tiếng phản đối, có thiệt là thiệt thằng dân nhưng dân là thằng rất mông lung. Nếu ai theo dõi kinh tế VN thì sẽ biết vở diễn khoanh nợ và xóa nợ xảy ra rất nhiều lần cho các cậu ấm giống tôi -doanh nghiệp quốc doanh. Trong trường hợp này một lượng tiền mới đưa vào lưu thông mà không có vật chất làm ra trong xã hội nên đồng tiền mất giá (đây là lí do vì sao vàng từ 500k/chỉ lên 4,5 triệu/chỉ, thịt từ 30k/ký lên 100k/ký). Lạm phát là thuế đánh trên toàn dân, mọi người chịu một ít. Ai có tiền nhiều mất nhiều, ai có ít mất ít. Công nhân viên chức thì tô cơm bị vơi mất đi một phần (vì sức mua giảm).

3. Bong bóng và suy thoái: hiện nay loại cậu ấm như tôi hoặc họ hàng của tôi rất nhiều, chúng tôi ùn ùn đến bank ký giấy vay, rút tiền ra ăn chia như trên (Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã chỉ ra chiêu này), lúc này món đầu tư không phải gà mà là nhà đất. Vài năm trước đây chúng tôi tạo ra vui vẻ cho cả xã hội, ai ai cũng có nhiều tiền. Một số lớn đã nhanh chóng chuyển đồng bạc VNĐ sang khoảng có giá trị thực hơn là vàng và đôla để gửi ra nước ngoài. Bằng cách mua bán, thế chấp, vay mượn quay vòng như vậy chúng tôi đã cùng nhau đẩy giá nhà đất lên vài lần so với giá thực của nó nếu hoạt động đúng với hệ thống giá. Đây là tình trạng bong bóng giá tài sản. Cuộc vui nào cùng đến lúc tàn, và hiện giờ cuộc vui đã tàn. Kết quả của cuộc vui là khoảng nợ tầm 2 triệu tỷ trong đó khoảng 500.000 tỷ là khoản mất đứt như 99 tỷ trong phi vụ nuôi gà trên. Đúng theo nguyên lý thị trường chúng tôi phải giao lại cả vốn lẫn lãi cho bank như trường hợp những gì ông già Alan đã làm bên Mỹ năm 1987 khi thị trường bể bóng bất động sản, nhưng Việt Nam mình nó khác. Ở đất nước Việt Nam này, không ai khác, chỉ có chúng tôi là có súng (một đảng nắm quyền) và tất nhiên chúng tôi không thể tự bắn vào chân mình được. Hiện tại không một ai có đủ sức để buộc chúng tôi phải làm cái việc đau đớn đó.

Xin lỗi các bạn là chơi không fairplay “lời ăn lỗ chịu”  nhưng vì tương lai mình và con cháu, chúng tôi buộc phải tiến hành theo hai cách trên, đó là đẩy nợ vào tương lai để mọi người cùng trả hoặc xóa nợ, bơm tiền tạo lạm phát để mọi người đưa vai vào gánh giúp chúng tôi.

Khi nền kinh tế tạo bong bóng, những đối tượng hưởng lợi đã rút tiền đi mua sắm vàng, ngoại tệ. Nền kinh tế không chấp nhận phá sản để chủ nợ mất vốn thì sẽ tạo ra suy thoái.

4. Thập kỷ mất mát: Tiến trình như phân tích trên, Việt Nam chắc chắn sẽ đi vào thập kỷ mất mát. Thập kỷ là thời gian cần có để làm cho bong bóng bất động sản xì hơi xẹp vừa phải, đủ để cả đất nước lao động tạo ra thặng dư của cải để trả món nợ hiện nay thay vì phải phá sản.

Trong 10 năm tới hàng triệu người Việt Nam lao động quần quật nhưng gần như chỉ đủ ăn, dù đồng lương danh nghĩa có thể tăng. Thặng dư thực chất của sức lao động đã bị bòn rút qua lạm phát hoặc qua thuế để trả các khoản nợ khổng lồ hiện nay. Đây là trường hợp may mắn kinh tế tăng trưởng để mọi người có cơ hội nai lưng ra cày trả khoản nợ chung.

Trường hợp như vậy là rất hiếm vì quá trình xử lý bong bóng không qua phá sản, thường dưới sức mạnh của lợi ích phe nhóm sẽ làm cho nguồn tiền tiếp tục chảy vào nuôi các Zombie như Vinaline, Vinashine,….làm cho nền kinh tế suy thoái sâu hơn, làm thời gian trả nợ dài hơn có thể đến vài ba thập kỷ. Những nước lâm vào cảnh này được gọi là bẫy thu nhập trung bình tức là làm hoài mà không khá.

Hiện nay tôi (tác giả) hơn 30 tuổi, nếu không gì xảy ra, trong 20 năm tiếp theo, tôi và hàng triệu người khác làm ra của cải để trả cho các món nợ khổng lồ mà các đại gia mới nổi vài năm gần đây có được nhà lầu xe hơi-gây ra. Lẽ ra, đúng nguyên tắc của trời đất (nguyên tắc thị trường) họ phải nghèo đi nhưng không, họ đã khôn khéo dựa vào quyền lực chính trị để chuyển các bill thanh toán cho chúng tôi trả trong 20 năm tới. Cuộc đời mình xem như phấn đấu làm lụng để trả nợ cho người khác.

Còn gì bất công hơn điều này không?
Qua phân tích trên, hẳn các bạn biết vì sao ở các xứ tự do, khi kinh tế khủng hoảng là phải thay chính phủ?

Nguyễn Văn Thạnh

P.s: Những người đấu tranh cho nền dân chủ VN cần phải tiếp cận vấn đề dưới góc độ kinh tế để mọi người, nhất là người trẻ thấy được quyền lợi và trách nhiệm trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Lớp trẻ sẽ không còn thờ ơ khi họ biết là mình làm quần quật để gánh nợ cho người khác đang vi vu du lịch với bồ nhí bên trời Tây.

Blog Huỳnh Ngọc Chênh

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Hãy để toà xử tội Bác Đoàn văn Vươn !

   

                     Hãy để toà xử tội Bác Đoàn văn Vươn!

                   Hãy để toà phân xử Bác Vươn,
                   Lộ ra mặt ác bọn vô lương.
                   Đây là mồi lửa cho tranh đấu,
                   Đó lệnh thời cơ được tỏ tường.
                   Đoạn cuối tham ô đền nợ máu,
                   Phút giây thức tỉnh cứu quê hương.
                   Cùng nhau giành lấy quyền nhân bản,
                   Tỏ chí hùng anh giống quật cường.

                                                       Nguyễn Lộc