Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Người hợm hình 1


   Bắt đầu từ năm 2000 trở lại đây, kinh tế Canada tuột dốc. Tôi di
chuyển từ Tỉnh bang Manitoba đến Guelph để tìm việc làm. nơi đây
là vùng đất hẻo lánh của Tỉnh bang Ontario, nhưng lại là nơi công
nghiệp tương đối phát triển tốt; dễ tìm việc làm hơn các nơi khác
trong Tỉnh bang. Thời gian nầy ,trong khi chờ đợi việc làm ổn định,
tôi buồn hay đi lang thang cho khuây khoả.

   Tôi còn nhớ vào một ngày chủ nhật, bầu trời thật khoáng đãng,
tôi vào Mall để mua một ít đồ dùng cần thiết, thì tôi thấy một người
đàn ông khoảng 60 ngoài, ngồi rã rượi trên băng ghế dài dọc theo
hành lang để khách có thể ngồi nghỉ chân. Cặp mắt của ông thất
thần, đờ đẫn, vóc người no tròn, chân mày rậm, hai cánh mũi to,
phồng lên xẹp xuống theo nhịp thở mệt mỏi. Ông ấy nhìn tôi đăm đăm,
có lẽ ông ta biết tôi từ nơi khác đến qua ánh mắt ấy,theo tôi đoán !với
cách ăn mặc của tôi và dân số người Việt hiện bây giờ rất thấp so với
các dân tộc khác thì dễ nhận ra những người lạ mới đến. Khi tôi đi
ngang qua mặt ông, tôi thấy ánh mắt nhìn nhu soi mói và hỏi tôi bằng
giọng Bắc kỳ đặc sệt :
- Xin lỗi, có phải ông anh là người Việt từ xa mới tới đất Guelph nầy ?
Tôi nhìn ông giây lát rồi đáp :
- Dạ phải, sao chú biết tôi là người từ xa mới đến ?
Ông ta nói có vẻ sành sỏi :
- Có gì khó đâu ! giờ nầy người Việt đi làm trong hãng xưởng hết rồi, ít
khi đi lang thang ngoài phố, còn tôi thì đang bị thất nghiệp bởi vì tôi
lón tuổi với lại tôi tôi không có nghề nghiệp chuyên môn nên nên khó
xin việc làm và tôi đang bị bịnh.
Ông hỏi tôi :
- Từ đâu tới đây và định làm gì ?
- Tôi cũng thú thật là tôi từ Winnipeg sang đây để tìm việc làm, nhưng
chưa có, tôi chỉ nói qua loa xã giao, rồi tôi xin chào, đi nơi khác.
   Lúc mua đồ xong, tôi đi tiếp sang những cửa hiệu khác để xem người
ta bày biện đủ thứ hàng hoá đẹp, nhưng tôi chỉ xem thôi mà không mua
thêm một thứ nào hết, người tây thường gọi đó là người '' shopping
window". Đến ngã tư đường,tôi băng ngang qua con lộ lớn để vào tiệm
ăn nhanh của người tây, có tên là '' Burger King " chuyên bán bánh mì
kẹp thịt, giống như tiệm Mac.Donal của người Mỹ. Tôi vừa bước vào
tiệm thì thì lại gặp ông già hồi nãy, Ông vui vẻ nói :
- Lại có duyên gặp cậu lần nữa .
Tôi chào ông, biểu ông đợi tôi giây lát để mua thúc ăn. Tôi đem thức ăn
đến bàn, ông mời tôi ngồi chung cho vui.Lần nầy ông tâm sự với tôi rất
nhiều, ông kể cho tôi nghe đời sống ở Guelph với sự chân tình, ông cũng
cho tôi biết là ông lớn tuổi rồi, muốn về hưu non, tức là về dưỡng già
sớm hơn một vài năm so với tuổi qui định là 65 tuổi. Ông than phiền về
bịnh kinh niên của ông vói vẻ mặt chán chường, nói chuyện mà cặp mắt
như mất hồn, tôi có cảm tưởng là ông bị bịnh thần kinh nhẹ, gọi là bịnh
'' trầm cảm'' mà sau nầy tôi được biết, ông đang điều trị về bịnh  đó với
một Bác Sĩ thần kinh trên Toronto. Chúng tôi ăn xong phần bánh cũng là
lúc câu chuyện tạm dừng, tôi chào ông và ra về, hẹn gặp lại dịp khác.

   Sau lần gặp đó, một vài tháng, tôi đã có việc làm và tôi có chuyện phải
ghé ngang qua khu , nơi chúng tôi gặp nhau lần trước. Xong công chuyện,
tôi thả bộ dọc theo khu ăn chơi của người Việt,lúc nầy thì dân Việt mở
quán nhiều, làm ăn cũng khấm khá, vui nhộn. Tôi bước vào một quán Bar,
định uống một vài chai bia cho đầu óc thư giản.Tôi đang ngồi trầm ngâm
suy nghĩ vẫn vơ thì bỗng thấy ông già hôm nọ, miệng nói bi bô ra chiều
thích thú  với lời chào hỏi của những người quen ông, vừa đi vào, vừa nói
đùa vui vẻ. Khi ông ngừng nói và loay xoay tìm bàn để ngồi thì bắt gặp tôi
đang nhìn ông. Ông hỏi tôi :
- Sao ! dạo nầy cậu khoẻ không ? làm ăn ra sao ?
- Thưa Chú, Tôi vẫn khoẻ, tôi đã có việc làm mới rồi.
- Vậy là tốt rồi, bây giờ người ta thất nghiệp nhiều quá, hãy cố gắng làm để
ổn định cuộc sống.
   Nãy giờ lo nói chuyện, tôi chưa nhìn kỹ ông ta, nhưng nghe qua giọng nói,
tôi thấy ông nhiều lạc quan hơn trước,da mặt hồng hào, đôi mắt sáng hơn.
Ông khoe với tôi là ông đã được trợ cấp tiền già và tiền bịnh. Ông còn khuyên
tôi, khi bịnh thì phải nhờ Bác Sĩ cho những loại thuốc đắt tiền, nếu có dư thì
gửi về Việt Nam cho thân nhân dùng hay là khi về già không đủ sức làm việc,
nên tìm Bác Sĩ chứng nhận mất sức để ăn tiền bảo hiểm xã hội và tiền bịnh v.v...
Khi ông nói, thỉnh thoảng ông nhìn ra xung quanh xem có ai để ý đến những lời
thông minh của ông hay không ?. Ông khoe nhà ông là cả một thư viện và người
ta còn cho ông là con mọt sách, có một kiến thức uyên bác và có trí nhớ thật
phi thường. Thật vậy, tôi nghe ông nói có những điều còn mới mẽ mà tôi chưa
được biết, nhưng lối lý luận mù mờ, không hợp lý nên tôi cũng ậm ừ cho qua
chuyện.
   Chúng tôi bàn luận đủ mọi đề tài, mặc dầu nói là bàn luận nhưng chỉ có một
mình ông độc tấu thao thao bất tuyệt, ông chỉ biết nói mà chẳng cần ai góp ý
với mình. Tôi nghe ông nói như là ông đang ăn một tô phở tái và xuýt xoa khen :
thơm ngon quá ! một cách khoái tỉ, cứ mỗi lần chờ ông nói xong để bày tỏ ý
kiến của mình, nhưng không thể chen được lời nói của mình vào câu chuyện.
Khi tôi định nói, ông biểu tôi nín đi để cho ông giảng giải cho tôi. Tôi đành
yên lặng chịu sự tra tấn bằng lời nói một cách đau khổ !
   Mấy vị khách ngồi kế bên chúng tôi, nói vào tai tôi, hôm nay anh đã gặp
luật sư rồi, anh khó mà cãi lại. Ông ấy nghe câu nói nầy càng thêm khoái chí
cho tài hùng biện của ông và mĩm nụ cười đắc chí. Tôi thầm nghĩ : có lẽ đây
là một bịnh thuộc '' hội chứng tự ti mặc cảm" đã lâu năm bị dồn nén của những
người không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nhất là những người ở
xứ có chiến tranh , đói khổ ; cho nên khi đã qua cơn ác mộng lầm than gắng
sức lao động nơi xứ sở giàu có để đổi đời và khi có thời gian, tiền bạc
sung túc, học hỏi thêm mọi điều thì sanh ra bịnh hoang tưởng cho mình là
thông thái nhất đời, mọi người sẽ nhìn mình bằng cặp mắt nể phục không như
thuở xa xôi kia ! chỉ biết lắng nghe ( vâng ,dạ ) làm theo điều sai bảo của
những người đắc thế mà mình là thân phận bèo bọt- đây là thứ bịnh của
cuộc sống mới trên xứ́ người của những con người thiếu học vấn và kiến
thức cộng với sự đau buồn của dĩ vãng. Tôi rất thông cảm cho họ và cầu mong
họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, ăn ở hiền lành hơn, để khỏi làm trò hề cho
thiên hạ.

                                                                          
                                                                                                   Nguyễn Lộc

Không có nhận xét nào: